Một số di tích khảo cổ học thời Tiền - Sơ sử ở Hội An được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Thứ hai - 29/05/2017 23:05
Thành phố Hội An với địa hình vừa có đất liền vừa có hải đảo, lại nằm ở vị trí thuận lợi về nhiều mặt nên từ rất sớm Hội An trở thành nơi định cư, sinh sống của nhiều lớp cư dân, liên tục qua các thời kỳ lịch sử.
          Điều này được minh chứng qua những di tích khảo cổ đã phát hiện, nghiên cứu trong thời gian qua. Từ sau hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An vào năm 1985, một chương trình điều tra, khảo sát khảo cổ học ở Hội An được triển khai chính thức. Trong mùa điền dã năm 1989, những di tích đầu tiên ở Hội An thuộc Văn hóa Sa Huỳnh thời kỳ Tiền - Sơ sử được phát hiện, đào thám sát. Liên tục từ năm 1989 đến 2009, qua những chương trình nghiên cứu, nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ ở Hội An được phát hiện. Tính đến nay, có 25 địa điểm/di tích khảo cổ học ở Hội An được đào thám sát, khai quật. Qua những địa điểm/di tích này, nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa Hội An được làm sáng tỏ, đồng thời cũng chứng minh về vị thế, tầm quan trọng của mảnh đất Hội An. Song song với công tác nghiên cứu, công tác bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Hội An cũng được quan tâm thực hiện như việc trích lục sơ đồ đất, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, dựng bia thông tin, kè bảo vệ,… và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp. Hiện nay, ở Hội An có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng cấp quốc gia, 05 di tích khảo cổ được xếp hạng cấp tỉnh. Trong bài viết này sẽ giới thiệu 04 di tích thuộc thời kỳ Tiền - Sơ sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

          Di tích Bãi Ông được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2006. Di tích này nằm ở khu vực Bãi Ông thuộc thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp (Hòn Lao - Cù Lao Chàm). Di tích được phát hiện và đào thám sát tháng 5/1999, khai quật tháng 6/2000. Tổng diện tích thám sát và khai quật là 25m2). Địa điểm đào thám sát và khai quật tại cồn cát sát chân núi, giữa hai khe nước bắt nguồn từ núi chảy ra biển, cách di tích cấp tỉnh lăng Cô Hồn chừng 200m về phía Đông Bắc.

          Kết quả đào thám sát và khai quật cho thấy di tích khảo cổ Bãi Ông có hai tầng văn hóa được ngăn cách nhau bởi lớp vô sinh dày khoảng 5-20cm. Tầng văn hóa trên dày 35-40cm, hiện vật được phát hiện là gốm Chăm, gốm Đường (Trung Quốc) và các mảnh thủy tinh cùng tính chất với hiện vật ở di tích khảo cổ học Bãi Làng, có niên đại thế kỷ VII-X. Trên bề mặt tầng văn hóa này có những hiện vật thế kỷ XVII-XVIII. Tầng văn hóa dưới dày từ 70-115cm, nằm ở độ sâu cách mặt đất 40cm. Trong tầng văn hóa này phát hiện nhiều cụm mộ nồi bằng gốm, các loại hình đồ gốm, đá cuội, than tro, xương răng cá, công cụ đá, xương động vật, vỏ nhuyễn thể,... và dấu vết bếp lửa, hạt cây cháy. Trong các cụm mộ nồi có cụm gồm 2 nồi, một cái còn nguyên có đường kính miệng 26cm, bên ngoài đáy nồi có kè đá cuội. Hiện vật được phát hiện trong tầng văn hóa dưới chủ yếu là các loại hình gốm thô và đồ đá. Hiện vật gốm có vò miệng loe, nồi, mâm bồng, bình, lọ hoa... được trang trí văn thừng, in mép vỏ sò, in cuốn rạ, vạch răng sói, hình học gấp khúc. Những đồ án này tương tự như những đồ án trang trí trên lọ hoa ở di tích Long Thạnh - Quảng Ngãi. Hiện vật đá được chế tác từ đá cuội sông, đá màu tím sẫm, đá hoa cương... bằng kỹ thuật chủ yếu là ghè, mài, tước với các loại hình như bôn tứ giác, rìu tứ giác, rìu đốc hẹp, bàn mài, bàn nghiền, hòn kê, hòn đập, chì lưới, dụng cụ miết gốm,... 
 
Quang canh mot ho khai quat
Quang cảnh hố khai quật tại di chỉ Bãi Ông - Ảnh: TT QLBT DSVH Hội An
 
          Qua đặc điểm tầng văn hóa dưới cho thấy đây là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng. Kết quả xác định bằng phương pháp các-bon phóng xạ qua mẫu than  (C14) có niên đại 3.100 ± 60 BP, tức là cách ngày nay hơn 3.000 năm, thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí. Cho đến nay, đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An. Việc phát hiện di tích góp phần làm rõ thêm vai trò của Cù Lao Chàm trong thời kỳ Tiền - Sơ sử. Đồng thời chứng minh cư dân Sa Huỳnh cư trú liên tiếp ở Hội An từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh.

         Di tích An Bang nằm trên nổng cát ôm theo dòng chảy cổ, thuộc khối An Bang, phường Thanh Hà, có tọa độ địa lý 1505257’’ vĩ Bắc, 10801830’’ kinh Đông. Di tích được phát hiện, đào thám sát tháng 7/1989, khai quật tháng 5/1995, tổng diện tích đào thám sát và khai quật là 56m2.

          Kết quả thám sát và khai quật đã phát hiện nhiều mộ chum và đồ tùy táng. Mộ chum được chôn thành từng cụm, mỗi chum mộ đều có biên mộ với bình diện hình ô van. Có trường hợp 2 chum mộ có chung 1 biên mộ, biên mộ có sử dụng đất cát trắng, dưới đáy một số chum mộ có lót lớp đá, vài mộ chum có than tro xung quanh bên ngoài... Chum mộ chủ yếu loại hình trụ. Hiện vật tùy táng nằm bên trong và ngoài chum, gồm nhiều chất liệu và loại hình. Đồ gốm với các loại hình đồ gia dụng và minh khí như nồi, bát, cốc, bát bồng, bình...; chất liệu thủy tinh và đá chủ yếu là đồ trang sức; đồ kim khí là công cụ và vũ khí bằng sắt.
 
An Bang d
 
Di tích mộ táng An Bang - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
         Qua đặc di tích và hiện vật cho thấy táng thức của cư dân Sa Huỳnh tại di tích An Bang có nhiều điểm tương đồng với di tích Hậu Xá. Di tích này có niên đại C14 là 2260 ± 90 BP, tức cách ngày nay khoảng 2170 năm, thuộc giai đoạn hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2005.

          Di tích Hậu Xá I nằm trên nổng đất cát ôm sát dòng chảy cổ, thuộc khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, có tọa độ địa lý 1505305’’ vĩ Bắc, 10801901’’ kinh Đông. Di tích được phát hiện, đào thám sát vào năm 1989, 1990, 1993, khai quật vào năm 1994 và 1995. Tổng diện tích thám sát và khai quật là 70,5m2.

          Di tích bao gồm khu mộ táng và khu cư trú. Qua hố khai quật địa điểm cư trú cho thấy ngoài lớp đất bị xáo trộn bên trên, bên dưới là tầng văn hóa ổn định nằm ở độ sâu 60-230cm, chia thành 2 tầng nối tiếp nhau. Khu mộ táng với các mộ chum được chôn thành từng cụm, chum chủ yếu loại hình trụ có vai, hình trứng và hình cầu. Đồ tùy táng là đồ gia dụng và minh khí được đặt ở bên ngoài và trong chum. Đồ gốm gia dụng được đập vỡ trước khi chôn. Ngoài chum mộ, bộ sưu tập hiện vật tại di tích gồm các loại hình đồ gốm Sa Huỳnh và Sa Huỳnh - Chăm như nồi, bát, bình, cốc, đèn Sa Huỳnh, vò,...; hạt chuỗi và khuyên tai bằng đá, thủy tinh; đục, rựa, dao, giáo,... và công cụ lưỡi cong bằng sắt.
 
2

Điểm khai quật khu di chỉ mộ táng Hậu xá I - Ảnh: Trung tâm Quản lý BTDS Văn hóa Hội An

           Di tích Hậu Xá I có niên đại cách ngày nay hơn 2000 năm, thuộc giai đoạn Văn hóa Sa Huỳnh cổ điển. Di tích này cung cấp nhiều tư liệu quý để nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An nói riêng, miền Trung nói chung. Đồng thời cũng hé mở nhiều thông tin về mối quan hệ chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa. Với những giá trị đó, năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định xếp hạng cấp tỉnh đối với di tích này.

           Di tích Hậu Xá II cũng nằm trên nổng đất cát ôm sát dòng chảy cổ, thuộc khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, có tọa độ địa lý 1505275’’ vĩ Bắc, 10801899’’ kinh Đông. Di tích được phát hiện, đào thám sát vào tháng 10/1993, khai quật vào tháng 5/1994. Tổng diện tích đào thám sát và khai quật là 43m2.
 
Hau xa 2 d
Khu di chỉ mộ táng Hậu Xá II - Ảnh: Trung tâm Quản lý BTDS Văn hóa Hội An

          Di tích Hậu Xá II là khu mộ táng có mật độ phân bố mộ chum khá dày, chum mộ chủ yếu loại hình trụ không vai. Tại di tích này phát hiện dạng mộ chum gồm 2 chum lồng vào nhau, xương động vật, răng trẻ em. Đồ tùy táng nhiều chất liệu, phong phú về loại hình. Đồ gốm với các loại nồi, bát, cốc, bình, đèn Sa huỳnh,... Đồ đá và đồ thủy tinh chủ yếu là khuyên tai hình vành khăn và khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi/cườm. Đồ kim loại có công cụ và vũ khí bằng sắt như rìu, thuổng, dao mũi nhon, dao mũi bầu, qua, giáo, công cụ lưỡi cong; tiền đồng Ngũ Thù, Vương Mãn, hạt chuỗi bằng kim loại màu vàng.

          Qua đặc điểm di tích và di vật cho thấy táng tục của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh tại di tích này có những điểm đặc biệt, đồng thời cũng thể hiện rõ mối quan hệ giao lưu văn hóa với Trung Hoa cùng thời. Di tích có niên đại C14 là 2040 năm ± 60 BP, tức cách ngày nay khoảng 2000 năm. Năm 2008, được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây