Dấu tích của thời kỳ cư trú xa xưa nhất còn lại ở Hội An là Văn hóa Sa Huỳnh, hình thành vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên (TCN) cho đến đầu Công Nguyên. Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên một diện tích khá rộng, từ Trung Bộ cho đến Nam Bộ Việt Nam hiện nay. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nhân loại học cho thấy, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao lưu rộng lớn với các khu vực hiện nay là: Thái Lan, Đài Loan, Philippines… Vương quốc Lâm Ấp hình thành vào thế kỷ II và vương quốc Chămpa thành lập vào thế kỷ VII đã được ghi lại trong các bộ sử Trung Quốc như: Hán thư, Chư phiên chí… Ngoài ra, ghi chép của thương nhân Arập thế kỷ IX mang tên Truyện kể về xứ Ấn Độ - Trung Quốc cũng đã đề cập đến khu vực này
[1] Từ đầu thế kỷ XVI, sau các phát kiến địa lý, thương nhân châu Âu bắt đầu hướng các hoạt động giao thương đến châu Á. Thương nhân Nhật Bản cũng tìm cách xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Thời kỳ này có rất nhiều thương thuyền ngoại quốc cập cảng Việt Nam. Trong hoàn cảnh chính quyền nhà Minh (Trung Quốc) thi hành chính sách cấm hải (haichin), các cảng của Đại Việt càng trở nên có vị trí quan trọng trong tam giác ngoại thương giữa Nhật Bản – Trung Quốc – Đông Nam Á
[2] Vào thế kỷ XVI – XVII, với vị trí là một thương cảng quốc tế, lại nhận được những chính sách tích cực của các chúa Nguyễn, Hội An là điểm đến hấp dẫn không chỉ của các thương nhân mà còn cả các nhà truyền giáo, nhà thám hiểm… từ nhiều quốc gia. Cảng thị Hội An ngày nay đã được chính phủ Việt Nam công nhận là “Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia”, và ở đó vẫn còn những dãy nhà gỗ dược dựng từ đầu thế kỷ XIX, một minh chứng khá rõ ràng cho sự hòa trộn của cảnh quan phố cảng Đông Nam Á và yếu tố “thị” của một đô thị cổ Việt Nam. Năm 1993, Nhật Bản và Việt Nam cùng bắt đầu một chương trình gìn giữ và bảo tồn Hội An. Đây cũng là thời điểm những cuộc điều tra khai quật nhằm tìm hiểu về lịch sử hình thành khu phố cổ bắt đầu được tiến hành
[3] Trong bài viết này dựa trên những cuộc khảo sát về địa mạo, và sự phân bố các di tích trong khu vực lưu vực sông Thu Bồn, chúng tôi muốn đề cập đến những đặc điểm của sự phân bố di tích qua từng thời kỳ, đặt sự phân kỳ và những thay đổi đó trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn làm sáng tỏ lịch sử hình thành Hội An và vai trò của vùng đất này trong khu vực mậu dịch châu Á.
I. Sự hình thành khu vực Hội An Vị trí của Hội An trên bản đồ được xác định là từ 15
0 52’ đến 15
0 53’ vĩ Bắc và từ 108
0 15’ đến 108
0 30’ kinh Đông, nằm ở tả ngạn của sông Thu Bồn chảy ra Biển Đông. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ ngọn núi cao nhất miền Trung Việt Nam với đỉnh Ngọc Lĩnh cao 2.598m, có độ dài hơn 200km và lưu vực rộng 10.350km
2, xấp xỉ bằng con sông Shinano của Nhật Bản. Sau khi tạo nên một tam giác châu ở vùng hạ lưu, dòng sông lại thu về một nhánh gần khu vực Hội An. Diện tích lòng sông rộng khiến cho lượng phù sa lưu chuyển của dòng sông này khá lớn. Ngoài ra, do sự phát triển của những bãi cát, đồi cát chạy song song với đường bờ biển, khu vực cửa sông bị đóng lại và các nhánh sông đã hợp vào thành một dòng. Khu vực hai bên bờ sông gần Hội An có những con đê biển và đê bao quanh vùng đất thấp, riêng ở tả ngạn nếu tính cả những con đê quy mô nhỏ thì có tất cả khoảng 15 con đê. Ngoài ra, ở trong nội địa, nhiều đầm phá đã được hình thành
[4] Sự hình thành địa hình khu vực Hội An khá phức tạp, chủ yếu do tác động của quá trình lắng đọng trầm tích sông và biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng vào khoảng đầu Công nguyên, khu vực từ phía Tây của Hội An ngày nay cho đến Cẩm Kim, Duy Vinh ở phía đông rồi tiếp tục mở rộng ra hướng đông đã là một vịnh nhỏ
[5]. Địa khu Bàu Đà trước đây là một hòn đảo trong vịnh này. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cho đến thế kỷ XVI – XVII, nơi đây vốn là một cảng thiên nhiên rất đẹp. Từ thế kỷ XVII trở đi, không chỉ có sự tích tụ tự nhiên của sông và biển mà những hoạt động kinh tế của con người cũng đã đẩy nhanh quá trình bồi đắp của khu vực cửa sông, tiến đến sự hình thành địa hình như hiện nay.
II. Những di tích phân bố ở khu vực Hội An 1. Văn hóa Sa Huỳnh Sa Huỳnh là di chỉ văn hóa được tìm thấy đầu tiên ở vùng Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam. Nền văn hóa này bắt đầu được biết đến vào năm 1923 khi nhà nghiên cứu Labarre khai quật được 120 ngôi mộ chum tại vùng đất Phú Khương thuộc Sa Huỳnh là vào năm 1999 bởi Vinet tại cồn Cát cạnh đầu cầu An Khê, ven biển Sa Huỳnh. Đồ tùy táng tìm thấy trong những quan tài gốm hình chum có đồ thủy tinh, đồ đồng và sắt… Năm 1934, nhà nghiên cứu người Pháp Colani đã tiếp tục khai quật ở Phú Khương và Long Thạnh. Kết quả cuộc khai quật này đã được công bố vào năm sau đó tại Hội nghị tiều sử học vùng Viễn Đông lần thứ hai tổ chức tại Manila. Tại đây, sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh đã được giới học giả quốc tế thừa nhận. Sau đó, dựa trên kết quả điều tra của Janse, Malleret, Saurin, nền văn hóa này với đặc trưng mai táng bằng quan tài chum và chôn cùng những đồ vật bằng sắt đã được xác định phân bố ở khu vực ven biển Quảng Ngãi và lưu vực sông Đồng Nai, Nam Bộ
[6] Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, các nhà nghiên cứu từ miền Bắc Việt Nam đã có điều kiện mở rộng phạm vi nghiên cứu từ miền Bắc Việt Nam đã có điều kiện mở rộng phạm vi nghiên cứu vào vùng đất phía Nam và đã phát hiện được thêm nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên… và đã tiến hành điều tra tại các điểm này. Họ đã tìm thấy cả loại mộ chum chỉ có những đồ tùy táng bằng đồng và đã đi đến nhận định rằng trước văn hóa Sa Huỳnh đã tồn tại một nền “Văn hóa tiền Sa Huỳnh”. Phương pháp phân tích phóng xạ Cacbon C14 đã xác định được di chỉ Long Thạnh thuộc văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại 3370 ± 40 và 2875 ± 60 năm cách ngày nay (BP). Di chỉ Quế Lộc, nơi có những đồ tùy táng bằng sắt thì có niên đại khoảng 2210 ± 50 BP
[7]. Hiện nay, về cơ bản, thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh đã được thống nhất lại và phân chia thành 3 thời kỳ: Sơ kỳ và trung kỳ (với những đồ tùy táng bằng đồng) và thời hậu kỳ có đặc trưng là đồ tùy táng được chế tác bằng sắt
[8].
Từ năm 1976 đến năm 1985, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam… đã tiến hành khai quật ở Bàu Trám, Phú Hòa, Tam Mỹ, Tiên Hà, Đại Lãnh… Các cuộc khai quật đã đem đến một phát hiện quan trọng rằng không chỉ ở vùng ven biển, những di chỉ của văn hóa Sa Huỳnh còn phân bố ở những dãy núi thuộc khu vực trung và hạ lưu sông Thu Bồn
[9].
Từ năm 1985, trong chương trình nghiên cứu về đô thị cổ Hội An, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tiến hành những cuộc điều tra tổng hợp về khu vực này. Năm 1989, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ban Quản lý Di tích Hội An đã phối hợp khai quật tại Hậu Xá, Thanh Chiếm, An Bang thuộc xã Cẩm Hà và tìm được một số ngôi mộ chum. Đặc biệt tại địa điểm Hậu Xá đã đào được loại tiền đồng Ngũ Thù và Hóa Tuyền của Trung Quốc. Đây được coi là nguồn sử liệu quan trọng trong việc xác định niên đại của hậu kỳ văn hóa Sa Huỳnh
[10] Sau những cuộc điều tra và đào thám sát, năm 1990 Viện Khảo cổ học Việt Nam đã chính thức tiến hành khai quật tại địa điểm Hậu Xá, với mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Trung Hoa thời Hán và văn hóa Chămpa. Từ những hiện vật tìm thấy, các nhà khoa học đã đi đến nhận định rằng: Hậu kỳ văn hóa Sa Huỳnh kéo dài khoảng từ thế kỷ I TCN đến thế kỷ I SCN
[11] Trong hai năm từ 1993 đến 1995, được sự tài trợ của một số tổ chức phi Chính phủ của Nhật Bản, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An đã tiến hành công tác nghiên cứu với những lần khai quật và điều tra thực địa các di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh. Sau năm 1993, dựa trên kết quả của các cuộc đào thám sát, những cuộc khai quật chính thức đã được tiến hành tại Hậu Xá, Xuân Lâm, An Bang và đã tìm thấy mộ chum tại những địa điểm này. Sau đó, từ 1997 đến 1999, tác giả bài viết này cũng đã điều tra ở lưu vực sông Thu Bồn và đã xác định được di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Dưới đây, tôi xin báo cáo tóm tắt về những di tích đó.
2. Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh tại Hội An Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh (khoảng thế kỷ III TCN – thế kỷ I SCN) phân bố trên những đồi cát thuộc xã Cẩm Hà thuộc tả ngạn của con sông Thu Bồn, cách khu phố Hội An vài km về phía tây. Đây là vùng đồi cát được hình thành từ sớm do những hoạt động biển tiến, biển lùi vào thời Trung kỳ toàn tân. Di tích mộ chum thuộc Văn hóa Sa Huỳnh được xác định tại 4 địa điểm như sau:
Địa điểm Hậu Xá I: Địa điểm này nằm trên đồi cát thuộc tả ngạn sông Thu Bồn, thuộc thôn 4 xã Cẩm Hà. Tại đây bốn cuộc khai quật đã được tiến hành. Cuộc khai quật thứ nhất năm 1989 đã tìm thấy hai ngôi mộ chum với đồ tùy táng là những vật dụng bằng đất nung, sắt và tiền đồng Ngũ Thù, Hóa Tuyền. Trong cuộc khai quật lần 2 năm 1990, 15 ngôi mộ chum được tìm thấy, đồ tùy táng chôn theo là đồ đất nung và dọi xe chỉ. Lần thứ 3 năm 1993, các nhà nghiên cứu đào được 6 ngôi mộ, và những đồ bằng đất nung, bằng thủy tinh bằng sắt chôn theo. Trong 6 ngôi mộ đào được trong cuộc khai quật lần thứ 4 năm 1994, các nhà nghiên cứu thu được vật tùy táng bằng đất nung, đá và thủy tinh. Ở đáy hai quan tài hình chum còn tìm thấy cả những vật đã bị than hóa
[12].
Địa điểm hậu xá II: Địa điểm 2 cũng thuộc thôn 4 xã Cẩm Hà, cách địa điểm thứ I khoảng 1km về hướng tây bắc cuộc đào thám sát năm 1993 cho thấy có một số mộ chum. Từ một trong số các quan tài chum, các nhà khoa học đã tìm thấy xương động vật, 132 đồ vật chế tác bằng đá, bằng sắt, những viên thủy tinh và một số vật bị than hóa
[13]. Cuộc khai quật chính thức năm 1994 tìm thấy 15 ngôi mộ với những đồ tùy táng là các loại đồ gốm, đồ sắt, rìu họng tròn, khuyên tai, đồ đá, viên thủy tinh và 2 đồng Ngũ Thù. Ngoài ra đây là lần đầu tiên phát hiện được cả những hiện vật bị than hóa ở vùng xung quanh quan tài
[14].
Địa điểm An Bang: Địa điểm này thuộc thôn 6 xã Cẩm Hà, cũng nằm trên đồi cát tả ngạn sông Thu Bồn, cách địa điểm Thanh Chiếm khoảng 400m về phía Tây. Sau cuộc đào thám sát năm 1989 cuộc khai quật chính thức được tiến hành vào năm 1995. Trong lần đào thám sát, 2 quan tài chum, trong đó có đồ sắt, đồ gốm và hai chuyến khuyên tai đã được tìm thấy. Trong lần khai quật chính thức, các nhà nghiên cứu tìm thấy 16 quan tài chum, với những đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh…
[15] .
Địa điểm Xuân Lâm: Xuân Lâm thuộc Cẩm Phô, phía Tây của thị xã Hội An. Tháng 3 năm 1995, các nhà nghiên cứu cho tiến hành khai quật và đã đào được 3 quan tài chum. Đồ tùy táng trong đó là các loại đồ gốm, đồ sắt, đồ đá và thủy tinh v.v…
[16].
Bốn địa điểm nói trên đều là những di chỉ thuộc thời hậu kỳ văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, trong cuộc đào thám sát địa điểm Thanh Chiếm thuộc thôn 6 xã Cẩm Hà phía hữu ngạn sông Thu Bồn, các nhà nghiên cứu cũng thu được những mảnh vỡ của quan tài chum
[17], nhưng nơi đây vẫn chưa xác nhận là một di chỉ.
Niên đại C14 của các di chỉ là như sau: An Bang: 2260 ± 90 BP, Hậu Xá II: 2040 ± 60 BP. Ngoài ra, từ việc tìm thấy những chiếc rìu họng tròn giống với những chiếc rìu họng tròn của Trung Quốc thời Hán tại địa điểm Hậu Xá và việc tìm thấy loại tiền đồng niên hiệu Hóa Tuyền và Ngũ Thù ở một vài địa điểm khác. Có thể cho rằng, niên đại của văn hóa Sa Huỳnh thuộc khu vực Hội An là khoảng thế kỷ IV – II TCN cho đến thế kỷ I SCN
[18].
Các di chỉ thường nằm trên những đồi cát phía hữa ngạn sông Thu Bồn trước đây. Tập trung nhiều nhất trong phạm vi khoảng 5km quanh khu vực này. Cho đến nay các di chỉ của Văn hóa Sa Huỳnh mới chỉ được xác định ở vùng hữu ngạn, chưa tìm thấy ở phía tả ngạn sông Thu Bồn. Những di chỉ sơ kỳ, trung kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, nói cách khác là văn hóa Tiền Sa Huỳnh cũng chưa phát hiện được
[19]. Ngoài ra, như đã nói ở trên, những di tích chỉ là những ngôi mộ táng, cho đến bây giờ chưa có nhận định chắc chắn rằng đây có phải là khu vực cư trú hay không.
Ở khu vực thượng lưu và trung lưu sông Thu Bồn cũng có những di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh như Đại Lãnh, Bình Yên… Tại di tích Bình Yên, 7 ngôi mộ chum đã được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1998. Tại ngôi mộ số 7 đã phát hiện được gương “Nhật Quang” của nhà Hán, dựa vào hình dáng có thể đoán niên đại vào khoảng giữa cho đến nửa sau thế kỷ I TCN. Bên cạnh đó, quan tài chum ở đây giống về mặt hình dạng với quan tài chung tìm thấy ở An Bang và Hậu Xá I nên có thể cho rằng chủ nhân của di chỉ này đã có sự giao lưu
[20]. Các di chỉ phân bố ở vùng trung lưu, thượng lưu và vùng cửa sông Thu Bồn có khả năng là những khu vực sinh sống của những người dân tiến xuống khai thác những sản vật của vùng biển phía nam như quế, trầm hương, ngà voi, sừng tê. Cụm di tích ở vùng cửa sông thuộc Hội An có liên quan với khu vực phân bố các sản vật này và có khả năng cũng là nơi chôn cất những cư dân đó. Những hiện vật phát hiện được càng khẳng định thêm quan điểm về sự giao lưu giữa cư dân Sa Huỳnh với các trung tâm văn hóa thuộc miền Bắc Việt Nam và văn hóa Trung Hoa.
3. Văn hóa Chămpa Theo các nguồn sử liệu Trung Quốc, vào thời Hậu Hán, ở huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam thuộc quyền cai trị của nhà Hán đã có một nhân vật gọi là Khu Liên nổi dậy lập ra nước Lâm Ấp và lên làm vua
[21]. Vào thời Hán Vũ đế, nhà Hán đã đặt ách đô hộ Âu Lạc, chia thành 3 quận Giao Chỉ, Cửu Châu, Nhật Nam. Quận Nhật Nam là quận tận cùng về phía nam và người ta cho rằng nó thuộc khu vực tỉnh Quảng Nam hiện nay. Kinh đô Điển Xung của nước Lâm Ấp thì được đoán định là di chỉ Trà Kiệu ở lưu vực sông Thu Bồn
[22]. Từ địa điểm Trà Kiệu này đi tiếp lên phía thượng lưu sông Thu Bồn là khu đền thờ Mỹ Sơn thờ thần Shiva, trung tâm tôn giáo của Champa. Ở thánh địa Mỹ Sơn hiện nay vẫn còn những văn bia chữ Phạn từ thế kỷ IV. Ngoài ra, địa điểm “Lâm Ấp phố” ghi lại trong sử sách Trung Quốc được cho rằng chính là khu cảng Hội An nơi cửa sông Thu Bồn
[23].
Trong sử sách Trung Quốc, sau “Lâm Ấp” còn thấy nhắc đến tên nước Hoàn Vương (từ nửa sau thế kỷ VIII đến nủa đầu thế kỷ IX) và Chiêm Thành ( từ nửa sau thế kỷ IX đến nữa sau TK XV)
[24]. Nhưng cái tên tự đặt Champa chịu ảnh hưởng nhiều của quan niệm vương quyền của Ấn Độ và những tín ngưỡng Hindu giáo, nói cách khác, đây là quốc gia “Ấn Độ hóa”
[25]. Vương quốc Champa có lãnh thổ trải dài từ Trung bộ cho đến Nam bộ Việt Nam, đã thường xuyên tiến hành triều cống cho nhà Tống ở Trung Quốc. Đây cũng là thời kỳ mà cộng đồng Hoa Kiều được thành lập ở Champa, sau đó là ở các nước vùng Đông Nam Á
[26]. Do đó, mạng lưới giao thương trên biển được mở rộng. Tuy nhiên, Champa lại chịu áp lực từ phía Đại Việt ở Bắc Bộ Việt Nam bấy giờ. Trải qua những cuộc chinh phạt của nhà Lý (1009 - 1225), nhà Trần (1225 – 1400), cho đến năm 1471 dưới triều Lê (1428 – 1527, 1532 - 1789), quốc đô Vijaya đã bị diệt vong. Champa mất đi phần lãnh thổ phía Bắc bao gồm tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn tiếp cận với nền văn hóa Champa còn lại ở Hội An từ thời kỳ Lâm Ấp đến nửa sau thế kỷ XV. Chúng tôi muốn phân biệt rõ ràng và đi từ thời kỳ huy hoàng của Văn hóa Champa (TK II đến cuối TK XIV) đến thời kỳ Champa suy thoái, cho đến thời điểm Nguyễn Hoàng tiến về khai phá phương Nam. Để tìm hiểu về thời kỳ huy hoàng của văn hóa Champa, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tiến hành những cuộc điều tra di tích riêng lẻ tại địa điểm Trà Kiệu và khu đền thờ Champa
[27]. Còn những cuộc điều tra nhằm tìm lời giải đáp về vương quốc Champa sơ kỳ được bắt đầu vào đầu những năm 90 với cuộc khai quật di chỉ Trà Kiệu của nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều (Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) và từ năm 1993 của một số học giả nước ngoài
[28]. Ở khu vực Hội An, cùng lúc với những cuộc điều tra di tích về nên Văn hóa Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã bắt đầu những cuộc điều tra di tích về thời kỳ này. Ngoài ra, tác giả bài viết này cũng đã có những cuộc điều tra và đã xác nhận được những di tích thuộc thời kỳ này. Hiện nay, những di chỉ được công nhận là những địa điểm tiêu biểu. Chúng đã xác nhận dựa trên những hiện vật gốm có hoa văn, đồ đất nung tinh xảo Champa và những hiện vật gốm sứ Trung Hoa.
4. Sự phân bố các di chỉ của văn hóa Chămpa Di chỉ văn hóa Chămpa ở khu vực Hội An được tìm thấy trên những đồi cát thuộc xã Cẩm Hà phía tả ngạn sông Thu Bồn và xã Cẩm Thanh thuộc tả ngạn vùng cửa sông. Điều đáng chú ý là các địa điểm thuộc xã Cẩm Hà cũng đồng thời là khu vực phân bố những di chỉ của nền văn hóa Sa Huỳnh. Dưới đây là tóm tắt về những địa điểm đó.
Địa điểm Hậu Xá I: Địa điểm này thuộc thôn 4 xã Cẩm Hà, đồng thời đây cũng là nơi phát hiện được các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Sau cuộc đào thám sát năm 1993, năm 1994 cuộc khai quật chính thức được tiến hành, kết quả là đã phát hiện được 2 tầng văn hóa. Tầng văn hóa thứ nhất, bao gồm những đồ đất nung tinh xảo Chăm pa điển hình, đồ gốm sứ Trung Quốc đời Đường, Tống, đồ gốm Islam với niên đại được choi rằng vào khoảng thế kỷ III – IV đến thế kỷ X- XI. Ở tầng văn hóa thứ hai, đã tìm thấy những hiện vật gốm có hoa văn và những đồ đất nung thô được xếp vào loại Sa Huỳnh – Chăm
[29], có niên đại khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ III – IV
[30].
Địa điểm Hậu Xá II: Thuộc khu 4 xã Cẩm Hà, địa điểm này cũng là một di tích của Văn hóa Sa Huỳnh. Trong đợt điền dã năm 1996, chúng tôi đã tìm thấy những hiện vật gốm men ngọc Việt Châu (Trung Quốc).
Địa điểm Trảng Sỏi: Di tích thôn 5 xã Cẩm Hà. Di tích nằm trên những đồi cát, phía Bắc của sông Thu Bồn, có tên gọi Rọc Gốm. Ở khu vực này trước đây đã tìm thấy tượng Garuda kiểu Khương Mỹ thế kỷ IX. Từ 2 hố thám sát năm 1994, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được những hiện vật đất nung thô kiểu Sa Huỳnh – Chăm, đồ gốm Islam và đồ gốm men ngọc Việt Châu (Trung Quốc) có niên đại khoảng thế kỷ IX và gốm hoa lam Việt Nam khoảng thế kỷ XIV - XV
[31]. Ngoài ra, trong chuyến khảo sát năm 1997, chúng tôi cũng đã tìm được đồ sứ men ngọc Long Tuyền có niên đại khoảng thế kỷ XIV.
Địa điểm Cẩm Phô: Thuộc địa phận Cẩm Phô nằm ở phía Tây khu phố cổ, địa điểm này ngẫu nhiên được phát hiện vào năm 1998. Người ta đã tìm được ở đây những hiện vật gốm hoa văn và những chiếc bình có vòi kiểu Champa điển hình. Những hiện vật này không cùng niên đại với những hiện vật sứ Trung Quốc.
Địa điểm Bàu Đà: Thuộc thôn 6 xã Cẩm Thanh, địa điểm Bàu Đà gần Cửa Đại ở phía Nam là dấu tích con sông Dinh ngày xưa. Địa điểm này còn gần với khu vực Lăng Bà, nơi vẫn còn lưu giữ được những di tích của kiến trúc Chăm. Trong đợt thám sát năm 1993, các nhà khoa học đã tìm được những viên gạch và ngói kiểu Champa, đồ gốm sứ Trung Quốc trước thế kỷ XV
[32]. Vào năm 1997 và 1999, chúng tôi cũng đến đây nghiên cứu và đã tìm được đồ gốm men ngọc Việt Châu thế kỷ X, đồ sứ hoa lam và sứ trắng trấn Cảnh Đức, sứ men ngọc Long Tuyền, sứ hoa lam Đồng An thuộc thế kỷ XII – XIII và sứ trắng Đức Hóa khoảng thế kỷ XIII.
Di tích kiến trúc Lăng Bà: Địa điểm này thuộc thôn 6 xã Cẩm Thanh. Tại đây các nhà nghiên cứu từng tìm thấy dấu vết của điêu khắc Chăm. Trong cuộc tham sát năm 1989 người ta đã tìm thấy một nền gạch, vết tích rõ rệt của một công trình kiến trúc Chăm
[33].
Địa điểm Đồng Nà: Địa điểm này thuộc thôn 6, xã Cẩm Hà. Trong nhiều cuộc khai quật thử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những đồ đất nung thô sơ thời Sa Huỳnh – Chăm, đồ đất nung tinh chế kiểu Chăm như chiếc bình đất nung có miệng rót, gốm hoa văn v.v… Về mặt niên đại, chúng được xác định vào khoảng thế kỷ thứ I cho đến IV
[34] Địa điểm Cù Lao Chàm: Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo nhỏ, nằm cách thành phố Hội An khoảng 15 km về hướng đông. Tại khu vực Bãi Làng thuộc Hòn Lao, đảo lớn nhất, vào năm 1993, các nhà khoa học Nhật Bản về Việt Nam cùng phối hợp mở cuộc khảo cứu và đã tìm được gốm của lò nung Trường Sa, gốm men ngọc Việt Châu (Trung Quốc), gốm Islam khoảng thế kỷ IX v.v… Trong cuộc khảo cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Hội An vào năm 1994, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy gốm Islam có niên đại khoảng thế kỷ IX, gốm men ngọc Việt Châu, gốm Trường Sa, gốm men ngọc Quảng Đông và hiện vật đất nung Chăm
[35]. Trong cuộc thám sát vào năm sau, ngoài những di vật nói trên còn tìm thêm được thủy tinh Islam niên đại khoản thế kỷ VIII – IX, gốm sứ Hizen (Nhật Bản) thế kỷ XVII v.v…
[36].
Địa điểm Cồn Chăm: Địa điểm này thuộc huyện Duy Xuyên phía hữu ngạn sông Thu Bồn. Trong cuộc đào thám sát năm 1989, các nhà khoa học đã tìm thấy đồ đất nung Chăm
[37].
Chín địa điểm trình bày trên đã được xác định là có các di chỉ của thời đại Champa. Đa số đó là những khu vực thuộc tả ngạn sông Thu Bồn, phía hữu ngạn thì ngoài địa điểm Cồn Chăm, cho tới nay chưa nơi nào được xác nhận. Ở tả ngạn sông Thu Bồn có sự khác biệt về thời kỳ hình thành di chỉ giữa những khu vực thuộc xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh.
Di chỉ thuộc xã Cẩm Hà chủ yếu là khu phân bố của các mộ chum thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, đồ đất nung khoảng từ sau thế kỷ I, đồ gốm men ngọc Việt Châu (Trung Quốc) vào khoảng thế kỷ IX, đồ gốm Islam. Ngoài ra, trước đó các nhà khoa học cũng tìm ra tại đây những bức tượng đá Champa vào khoảng thế kỷ VIII và thế kỷ X. Khu vực này là nơi được hình thành sớm của Hội An. Ngoài ra, tại địa điểm Lăng Bà thuộc thôn Bàu Đá cũng thấy có đồ sứ trắng và đồ sứ men ngọc Việt Châu khoảng thế kỷ IX. Trước đó, tượng đá Champa thế kỷ X và di tích những ngôi nhà bằng gạch cũng được tìm thấy. Phần lớn di vật có niên đại từ thế kỷ XII – XIII và có thể cho rằng thời kỳ này có sự dịch chuyển Văn hóa Champa tại Hội An. Theo các nhà nghiên cứu, quanh khu vực thôn Bàu Đà thời kỳ này đã hình thành nên những phá lớn và những đồi cát dọc theo bờ biển
[38]. Điều kiện địa lý thuận lợi đã được tận dụng để trở thành bến đỗ cho tàu thuyền ra vào. Như vậy, sự tồn tại của gốm sứ Trung Quốc, đồ gốm và thủy tinh Islam tại khu vực này đã cho thấy Hội An vào thời đại Champa là một điểm trung gian quan trọng của giao thương Đông – Tây.
5. Sự phân bố di tích thế kỷ XV – XVI Xin được tách riêng để xem xét khoảng thời gian từ khi vương quốc Champa suy vong (Thế kỷ XV) đến cuộc di cư vào vùng đất phương Nam của Nguyễn Hoàng năm 1558. Thời kỳ này, điều kiện phát triển của Hội An không ổn định, khi là một phần của lãnh thổ Đại Việt dưới thời Hồ (1400 - 1407) sau đó lại trở thành lãnh thổ Champa… Sau sự suy vong của quốc đô Vijaya năm 1471, khu vực này đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, hẳn là mới chỉ có ít dân di cư từ Bắc bộ vào. Theo tác phẩm Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1553, trong 66 xã của người Việt thuộc huyện Điện Bàn, ta thấy có 1 địa danh của khu vực Hội An là “Cẩm Phô”. Ngoài ra, ở huyện Điện Bàn cũng thấy có “những người phụ nữ mặc quần áo kiểu Chăm”
[39]. Điều đó cho thấy tuy đã trở thành một phần của lãnh thổ Đại Việt nhưng có khả năng người Chăm vẫn sinh sống ở khu vực này.
Tiêu chí để xác định địa bàn phân bố và niên đại của các di chỉ thời kỳ này là dựa vào hiện vật gốm sứ Trung Quốc và gốm sứ Bắc bộ thế kỷ XV. Tuy nhiên cho đến nay hầu như chưa xác định được những di chỉ này ngoài việc ở địa điểm Trảng Sỏi các nhà nghiên cứu đã đào tạo được một số gốm men ngọc được phỏng đoán là của lò nung Gò Sành thuộc tỉnh Bình Định có niên đại khoảng thế kỷ XIV – XV.
Trước đây, dựa trên những đồng tiền cổ và những đồ gốm thời Hậu Lê đào được tại địa điểm chùa Âm Bổn trong khu vực phố cổ Hội An, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã từng cho rằng: “Muộn lắm thì đến thế kỷ XV đã có người Việt đến sinh sống ở Âm Bổn”
[40].
Quan điểm này đưa ra là dựa vào phát hiện tiền tệ. Tuy nhiên, thời kỳ đầu tiền đồng xuất hiện không có nghĩa là nó đã được người Việt định cư ở đó sử dụng và lưu thông. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chưa chứng minh được cụ thể nguồn gốc cũng như niên đại chính xác của các hiện vật gốm sứ mà họ cho rằng thuộc thế kỷ XV xem xét những tư liệu phát hiện được từ chùa Âm Bổn, chúng tôi nhận thấy không có đồ gốm sứ nào thuộc thời kỳ Lê Sơ thế kỷ XV. Bởi vậy, vẫn còn chưa có đủ căn cứ để cho rằng vào thế kỷ XV đã có người Việt sinh sống tại khu vực chùa Âm Bổn.
Đến thế kỷ XV – XVI, những di chỉ của các thời đại văn hóa trước không thấy xuất hiện nữa. Tham khảo phần trên ta có thể thấy có những giả thuyết về sự tồn tại của một làng Chăm tại Hội An nhưng cho đến nay vẫn chưa có căn cứ xác thực.
Như vậy, nếu so sánh với sự phân bố các di chỉ thời kỳ trước thế kỷ XV thì có khả năng, sự suy giảm các di tích của thời kỳ này liên quan mật thiết tới sự suy vong của quốc đô Vijiya. Bởi vậy, có thể cho rằng thời kỳ này Hội An đã mất đi vị trí của một thương cảng quốc tế.
6. Sự phân bố di tích từ nửa sau thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII Các di chỉ có niên đại từ nửa cuối thế kỷ XVI trở đi là những di chỉ chứa đựng những hiện vật gốm sứ Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVI và sứ Hizen (Nhật Bản) nửa sau thế kỷ XVII. Chúng phân bố rộng rãi ở lưu vực sông Thu Bồn. Phía tả ngạn sông Thu Bồn có những địa điểm trong khu vực Hội An như An Bang, Thanh Chiêm, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Trảng Sỏi, các địa điểm gần cửa sông như Bàu Đà, thôn 5 xã Cẩm Thanh, địa điểm Đồng Nà dọc theo dòng sông ngày xưa, địa điểm trên biển như Cù Lao Chàm v.v… Đây là nơi tập trung di tích của các nền văn hóa trước khi người Việt di cư đến, Ngoài ra, ở huyện Điện Bàn có địa điểm Điện Bàn, Thanh Chiêm. Phía hữu ngạn có những địa điểm thuộc huyện Duy Xuyên như Trung Phường, Nồi Rang, Cồn Chăm, Duy Phước v.v… là những địa điểm có các quần thể di tích mới được hình thành. Tại đây, vẫn chưa xác định được những dấu tích của thời đại Sa Huỳnh, Champa. Tại khu phố cổ, rất nhiều đồ gốm sứ thời kỳ này đã được tìm thấy qua các đợt khai quật.
Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVII, các di chỉ càng phân bố rộng rãi. Ta thấy có cả những di tích ở khu vực Cẩm Kim và Trà Nhiêu tức là vùng đất nằm ở giữa sông Thu Bồn, nơi có sự kiến tạo địa hình chắc chắn là muộn hơn so với tả ngạn và hữu ngạn của dòng sông. Việc người dân bắt đầu sinh sống ở vùng đất giữa sông cho thấy sự phát triển dân số dẫn đến việc người dân bắt đầu khai phá các vùng đất mới
[41].
Trong các địa điểm này tôi xin giới thiệu một vài địa điểm quan trọng xét về mặt tình chất của di tích.
Địa điểm Thanh Chiếm thuộc khu vực cảng thị Hội An: Địa điểm này năm trên tả ngạn sông Thu Bồn, thuộc thôn 6 xã Cẩm Hà. Ngoài những di vật của Văn hóa Sa Huỳnh, tại đây còn đào được đồ gốm sứ Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XVII, bát, bình, đĩa, gốm sứ Hizen nửa sau thế kỷ XVII và điều đáng chú ý là rất nhiều gốm sứ Việt Nam cũng được tìm thấy tại đây
[42]. Ngoài ra theo kết quả điều tra điền dã, nơi đây cũng là nơi có lò nung gốm cổ
[43].
Địa điểm Điện Bàn – Thanh Chiêm: Đây là địa điểm mà dựa trên kết quả cuộc điều tra năm 1989, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã xác nhận có khả năng là phần còn lại của Dinh trấn Quảng Nam được dựng vào thế kỷ XVII
[44]. Chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra vào năm 1997, đào thám sát vào năm 2000 và 2001 và đã tìm thấy hiện vật gốm sứ Trung Quốc từ nửa sau thế kỷ XVI đến nửa đầu thề kỷ XVII, gốm sứ Hizen nửa sau thế kỷ XVII, gốm sành Việt Nam v.v…
Địa điểm Trung Phường: Địa điểm này nằm trên hữu ngạn của con sông Thu Bồn. Theo báo cáo điều tra của các đoàn khảo cứu Việt Nam trước đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã xác nhận nhiều giếng cổ thuộc thời đại Champa và đã thu được những mảnh vỡ gốm sứ thời Tống, Minh…
[45]. Năm 1998, chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra và đã tìm thấy mảnh vỡ gốm sứ Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVI, gốm sứ Hizen nửa sau thế kỷ XVII nhưng không tìm thấy những đồ vật gốm sứ thời Tống. Chúng tôi cho rằng cần phải xem xét lại quan điểm khi cho rằng các giếng cổ đó thuộc thời đại Champa cũng như những loại hình gốm sứ đã được tìm thấy là thuộc thời Tống. Ngoài ra, về 2 chiếc bình ở trong kho của chùa Thanh Lương, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã cho rằng đó là gốm Chăm
[46], nhưng theo quan niệm của chúng tôi thì đó là đồ gốm Việt Nam thế kỷ XVII.
Địa diểm Soi Giáng: Nằm ở phía tả ngạn sông Thu Bồn, đây là nơi mà các mảnh vỡ của gốm sứ Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVI, sứ Hizen nửa cuối thế kỷ XVII, gốm Việt Nam rải rác trên một phạm vi khá rộng. Trong các hiện vật gốm Việt Nam rải rác trên một phạm vi khá rộng. Trong các hiện vật gốm Việt Nam, chúng tôi thấy có cả loại bình gọi là “Chimaki” được dùng trong nghi lễ trà đạo củ Nhật Bản. Loại bình này cũng đã được tìm thấy trong những cuộc điều tra khai quật khu vực phố cổ Hội An.
Địa điểm Trà Nhiêu: Nằm ở cùng đất giữa con sông Thu Bồn, đây là khu vực có lịch sử hình thành khá sớm. Trong cuộc điều tra năm 1998, chúng tôi chủ yếu tìm được đồ gốm sứ Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVII, không tìm được những đồ gồm sứ của thời kỳ trước đó. Trong cuốn Hải ngoại ký sự của nhà sư Thích Đại Sán đến Hội An năm 1695, khu vực này đã được miêu tả như là một bến đỗ của tàu thuyền. Và trong Đại Nam Nhất thống chí nó được ghi chép lại là “điểm dừng chân của thuyền bè từ Nam ra Bắc”
[47]. Tuy nhiên, chưa các định được đây có phải là một phố cổ thuộc thời kỳ Châu Ấn thuyền nửa đầu thế kỷ XVII hay không.
Trên đây tôi đã giới thiệu những di tích mà theo chúng tôi là quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của khu vực Hội An. Người ta cho rằng tại những di tích này có sự tồn tại của những công trình quan trọng đóng góp vào sự hình thành đô thị thương mại quốc tế Hội An. Ngoài ra, những di vật đào được gồm gốm sứ Trung Quốc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, gốm sứ Hizen nửa sau thế kỷ XVII, gốm sứ Trung Quốc từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII v.v… được phân bố rộng rãi và chúng là những hiện vật rất có giá trị để nghiên cứu về vị trí Hội An với tư cách một cảng giao thương, cũng như nghiên cứu về sự giao lưu của Hội An với Trung Quốc và Nhật Bản.
III. Sự hình thành và phát triển của Hội An qua phân bố di tích Sau đây chúng tôi muốn trình bày khái quát đặc điểm và hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ văn hóa trên cơ sở phân tích sự phân bố các di tích nói trên.
1. Thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh Di tích Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở khu vực xã Cẩm Hà trên bờ trái của sông Thu Bồn. Di tích nằm trên đồi cát có niên đại từ 4.000 đến 6.000 nằm cách ngày nay, là vùng đất được hình thành rất sớm của khu vực Hội An. Tại những di tích của Văn hóa Sa Huỳnh tại Hội An, chúng tôi tìm thấy đồng Hóa Tuyền của Trung Quốc và những chiếc rìu họng tròn giống như loại rìu đào được tại Trung Quốc. Do đó có thể thấy rằng thời kỳ này cư dân Sa Huỳnh đã có sự giao lưu với Trung Quốc
[48]. Ngoài ra, tại những di tích thuộc khu vực trung lưu sông Thu Bồn, chúng tôi tìm thấy gương của Trung Quốc và những mảnh của những chiếc chum có kiểu dáng giống với loại chum đào được tại Hội An. Đây là bằng chứng đáng tin cậy cho thấy sự giao lưu giữa khu vực này với vùng cửa sông và vùng thượng lưu sông. Như vậy, đặc trưng của những di tích phân bố tại sông Thu Bồn là nằm trên những đồi cát hình thành từ rất sớm của lưu vực sông. Có thể cho rằng, đây là khu vực sinh sống có liên quan với những ngôi nhà được xây dựng như những kho để chứa những nguồn lâm sản quý hiếm khai thác được như quế, trầm hương của vùng rừng thuộc khu vực thượng lưu sông Thu Bồn. Từ những di vật đã đào tạo được cũng có thể đi đến nhận định rằng thời kỳ này, khu vực Hội An đã gắn kết và quan hệ mật thiết với hoạt động giao thương vùng biển Đông.
2. Thời kỳ Văn hóa Champa Xã Cẩm Hà nằm bên tả ngạn của sông Thu Bồn tiếp tục là nơi tập trung các di tích cho đến thời kỳ Lâm Ấp với thời sơ kỳ vương quốc Champa (khoảng thế kỷ IX, đền thế kỷ X). Tại đây, chúng tôi đã tìm thấy các hiện vật đất nung chế tác tinh xảo của Văn hóa Champa tượng đá Chăm, gốm Islam và gốm men ngọc Việt Châu.
Ngoài ra, đầu thế kỷ IX-X, tại khu vực Bàu Đà xã Cẩm Thanh, các di tích cũng bắt đầu được hình thành và kéo dài đến thế kỷ XII – XIII. Đó là thời kỳ mà sử sách Trung Quốc đã ghi là “Chiêm Thành” (từ nửa sau thế kỷ IX đến khoảng thế kỷ XV). Ở khu vực này chúng tôi tìm thấy di tích kiến trúc Champa, gốm men ngọc Việt Châu, sứ trắng và sứ hoa lam Cảnh Đức Trấn, sứ trắng Đức Hóa… Địa điểm Bàu Đà xã Cẩm Thanh nằm trên những đồi cát nhỏ nhưng khá cao, những đồi cát nhỏ nhưng khá cao, những đồi cát đó cùng với những dải đồi cao ở dưới bờ biển phía Đông đã hình thành nên một cảng thiên nhiên thuận lợi cho tàu thuyền. Các di tích mới gần cửa sông có lẽ được hình thành cùng với quá trình di chuyển và mở rộng cảng do hoạt động triều cống rất phát triển của vương quốc Champa cho nhà Tống
[49] trong thời kỳ nhà Tống và Đại Việt có tranh chấp. Theo sử sách Trung Quốc, trong khoảng từ năm 962 đến 1155, Champa đã 14 lần dâng cống vật trong đó có những đặc sản như đinh hương, trầm hương, ngà voi, sừng tê…
[50].
Ngoài ra, trong Thủy tinh chú có ghi lại rằng ở khu vực kinh đô của nước Lâm Ấp có cảng “LÂm Ấp phố”. Theo những tư liệu khảo cổ học thì Bàu Đà ở Cẩm Thanh và Cẩm Hà chính là vùng đất quan trọng ấy. Tại địa điểm Cù Lao Chàm, được coi là một tiền cảng, nằm ở phía Đông của cảng thị Hội An, các nhà khoa học cũng đã phát hiện được đồ gốm và thủy tinh Islam, gồm men ngọc Việt Châu, Trung Quốc có niên đại khoảng thế kỷ IX. Trong ghi chép của thương nhân Arập thế kỷ IX mang tên Truyện kể về xứ Ấn Độ - Trung Quốc ta thấy có xuất hiện vùng Sun-dol-Fu-lat được phỏng đoán là Cù Lao Chàm hiện nay. Đây là những bằng chứng văn bản về sự có mặt của các thuyền buôn Arập, có thể các thuyền đó cũng đã từng cập vào Cù Lao thời kỳ này
[51]. Những hiện vật gốm sứ Trung Quốc, gốm và thủy tinh Islam tìm được là những mặt hàng vẫn được giao lưu buôn bán với khu vực Đông và Tây Á. Đồng thời, cũng là hiện vật chứng minh rằng Hội An thời đó nằm trong khu vực giao thương Biển Đông và hệ thống thương mại Đông – Tây.
3. Giai đoạn thế kỷ XV – giữa thế kỷ XVI (Champa – Đại Việt) Trong khoảng từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI, khu vực Hội An là vùng đất bị tranh chấp, khi trở thành lãnh thổ của Champa nhưng có khi lại là một bộ phận thuộc lãnh thổ Đại Việt. Nhưng khi vương quốc Champa suy tàn cùng với sự tiêu vong của quốc đô Vijaya năm 1471, khu vực Hội An đã thực sự trở thành phần đất của lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, những cư dân từ miền Bắc vào vẫn còn thưa thớt. Trong Ô Châu cận lục tác giả vẫn viết về việc sinh sống của người Chăm tại khu vực này.
Cho đến thời điểm này, những di tích thuộc thời kỳ thứ hai của khu vực Hội An không còn được tìm thấy. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa xác nhận được một cách chắc chắn các di tích thuộc thời kỳ thứ ba. Như vậy, nếu so với thời kỳ trước đó, sự giảm đi đáng kể số lượng các di tích thời kỳ này có thể đưa đến nhận định rằng cùng với sự diệt vong của quốc đô Vijaya và vương quốc Champa, Hội An với tư cách là một thương cảng quốc tế, đã bị suy thoái.
4. Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVI – XVIII Năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng với những người thân tín di cư vào Nam. Họ xây dựng cơ sở ở một số địa điểm miền Trung và bắt tay vào khai thác miền Trung. Cũng chính từ thời điểm này, các cường quốc Châu Âu bắt đầu tiến sang khai thác thị trường châu Á. Các chúa Nguyễn đã rất tích cực mở rộng buôn bán với người nước ngoài. Họ cho xây dựng thương cảng ở Huế, ở Bình Định (cảng Nước Mặn) và ở Hội An
[52]. Theo ghi chép của giáo sư Christophore Borri sống tại Hội An vào nửa đầu thế kỷ XVII thì trong khu vực quản lý của chúa Nguyễn có khoảng 60 cảng, và ông đã viết về Hội An khi đó thuộc Quảng Nam như sau: “Đây là cảng đẹp nhất có nhiều sản vất quý hiếm mà người ngoại quốc đều ghé thăm, cảng đó thuộc khu vực Quảng Nam”
[53].
Ở khu vực sông Thu Bồn, từ cuối thế kỷ XVI trở đi ta thấy có sự xuất hiện khá dày đặc các hiện vật gốm sứ Trung Quốc. Thậm chí ở tả ngạn con sông Thu Bồn – khu vực mà cho đến thời kỳ này chưa hề có dấu hiệu của địa bàn cư trú, thì tại những địa điểm như Trung Phường, Sói Giáng cũng đã xác nhận được di tích có niên đại thế kỷ XVII. Như chúng tôi sẽ trình bày trong chương sau, các di tích trong khu vực phố cổ Hội An cũng bắt đầu được hình thành vào thời kỳ này. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng nhận thấy rằng sự hình thành địa hình khá muộn. Tại địa điểm Trà Nhiêu ở giữa sông Thu Bồn, trước đây không hề được xác định là khu vực cư trú thì từ giữa thế kỷ XVII các di tích đã bắt đầu xuất hiện. Theo thời gian, các di tích càng ngày càng phân bố rộng rãi. Điều đó cho thấy, cùng với sự phồn vinh và sự gia tăng dân số, người dân vùng Hội An đã không ngừng khai phá và mở rộng không gian sinh sống của mình.
Như vậy đặc trưng của sự phân bố các di tích ở lưu vực sông Thu Bồn thời kỳ này là có sự gia tăng vượt trội về số lượng. Ngoài ra, phạm vi phân bố cũng rộng lớn hơn thời kỳ thứ hai, các di tích còn xuất hiện ở cả các vùng đất thấp và khu vực giữa sông. Có thể cho rằng sự phân bố di tích cũng rộng rãi như vậy là dựa trên sự phát triển hưng thịnh của thương cảng Hội An trong quá trình khai thác miền Trung của họ Nguyễn Quảng Nam, sự xâm nhập vào thị trường Châu Á và các thương nhân Châu Âu và mậu dịch Châu Ấn thuyền của Nhật Bản. Như chúng ta đã biết, Dinh trấn Quảng Nam, căn cứ thủy quân của chính quyền chúa Nguyễn cũng được xây dựng vào thời kỳ này. Đó là bằng chứng cho thấy sự hình thành một khu vực tương ứng với một thương cảng quốc tế ở quanh cảng Hội An. Ngoài ra, thời kỳ này Hội An còn có vị trí như một cảng quốc tế có sự cư trú của nhiều ngoại kiều do mối giao lưu với các cường quốc thương mại Châu Âu và khu vực buôn bán ở Biển Đông. Trong bối cảnh nhà Minh thi hành chính sách “cấm hải” (haichin), lợi thế địa lý của thương cảng Hội An đã được khai thác triệt để bởi vì thương cảng này nằm ở vị trí trọng yếu trong tam giác ngoại thương giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Về hoạt động thương mại của Hội An, Christophoro Borri đã ghi lại như sau: “Người Trung Hoa và người Nhật Bản là những người làm thương mại chính yếu ở Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài khoảng 4 tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ giá trị bằng 4 hay 5 triệu bạc, còn người Trung Hoa chở trong thuyền của họ rất nhiều lụa mịn và nhiều thứ hàng hóa khác của xứ họ”
[54].
Kết luận Hội An là vùng đất có bề dày lịch sử. Việc cư trú của các cộng đồng dân cư tại vùng đất này được khởi đầu từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh xuất hiện khoảng thế kỷ III TCN cho đến đầu CN. Qua các hiện vật tìm được có thể cho rằng từ thời đại Sa Huỳnh, chủ nhân của nền văn hóa này đã có sự giao lưu với miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Điều này có thể được lý giải bằng sức hấp dẫn của những nguồn lâm sản quý hiếm thuộc khu vực thượng lưu và vùng cửa sông Thu Bồn. Và như vậy, Hội An đã thể hiện tính chất của một thương cảng quan trọng ngay từ thời cổ đại.
Bước vào thời đại Champa, các di tích chủ yếu tập trung tại xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh tức là khu vực cửa sông. Qua hiện vật phát hiện được có thể đoán định được rằng các di tích chủ yếu được tập trung tại Cẩm Hà, nơi có sự phân bố dày đặc các di tích từ thời kỳ trước. Từ những điểm này, các hiện vật gốm men ngọc Việt Châu, gốm Trường Sa, gốm sứ trắng của Trung Quốc, gốm Islam cũng được tìm thấy. Ngoài ra, có thể khẳng định rằng địa điểm Bàu Đà thuộc xã Cẩm Thanh là một khu vực quan trọng trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII. Thời kỳ đó, nhờ vị thế là một phá lớn và dải đồi cát chạy dọc bờ biển, Bàu Đà đã có những điều kiện hết sức thuận lợi để trở thành một thương cảng khu vực.
Tuy nhiên, hầu như ở khu vực trên lại không thấy có dấu vết các di tích trong khoảng từ thế kỷ XV đến nữa đầu thế kỷ XVI. Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng đó liên quan đến sự suy vong của vương quốc Champa. Nhưng từ cuối thế kỷ XVI trở đi, số lượng các di tích lại tăng lên mạnh mẽ. Sự gia tăng này hẳn phải có quan hệ mật thiết với quá trình khai phá khu vực, xây dựng thương cảng Hội An và công cuộc di cư về phía Nam của họ Nguyễn Quảng Nam. Cũng từ đó, Dinh trấn Quảng Nam trung tâm hành chính của khu vực được xây dựng. Hội An đã phát triển thành một cảng thị, có sự giao lưu buôn bán quốc tế với nhiều quốc gia và đồng thời là địa bàn sinh tụ cả nhiều nhóm thương nhân và kiều dân.
[1] Fujimoto Katsuji: Truyện kể về xứ Ấn Độ - Trung Quốc, Viện nghiên cứu khoa học Đông – Tây, Trường Đại học Kansai
[2] Nakamura Tadashi: Tam giác mậu dịch Nhật Bản – Trung Quốc – Đông Nam Á và thế giới Hồi giáo thời cận thế, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Trường Đại họa Kyushu, số 132, 1995, tr.35-63.
[3] Kikuchi Seiichi và tác giả khác: Báo cáo về những cuộc điều tra khảo cổ học tại khu vực Hội An, Việt Nam; Kỷ yếu khoa học, Viện Nghiên cứu văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản, số 4, 1998.
[4] Oya Masahiko – Kubo Sumiko: Địa hình và sông ngòi quanh khu vực Hội An, Báo cáo về cuộc điều tra lần thứ nhất năm 1997, Báo cáo về những cuộc điều tra khảo cổ học tại khu vực Hội An lần thứ năm 1997, Kỷ yếu khoa học, Viện Nghiên cứu văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản, số 4, 1998.
[5] Vũ Văn Phái – Đặng Văn Bào: Đặc điểm đại hình và địa thế của Hội An và những vùng phụ cận, Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển, Nxb Hodaka, 1993, tr.96-109.
[6] Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Hà Nội, 1991, tr.9 – 33.
[7] Hà Văn Tấn: Văn hóa khảo cổ học Việt Nam, Nxb. Lục Hưng, 1991, tr.229 – 233. (người dịch: Kikuchi Seiichi)
[8] Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh, Sđđ.
[9] Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng: Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam – Đà Nẵng: Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam – Đà Nẵng, 1985.
[10] Nguyễn Chiều – Trần Văn An: Tiếp tục điều tra khảo cổ học tại Hội An (Quảng Nam – Đà Nẵng), Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1991, tr. 173 – 174.
[11] Ngô Sĩ Hồng – Vũ Hữu Minh…: Đào thám sát di tích Sa Huỳnh ở Hậu Xá, thị xã Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1990, tr.99 -101.
[12] Nguyễn Chiều – Hồ Xuân Tịnh – Nguyễn Chí Trung: Bãi mộ chum Cẩm Hà, những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1990, tr.185.187.
[13] Lâm Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1997, tr. 66 – 74.
[14]. Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tlđd.
[15] Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tlđd
[16] Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tlđd
[17] Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tlđd
[18] Lâm Thị Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An, Tlđd
[19] Những năm gần đây, các chuyên gia Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành một số đợt khảo sát và khai quật tại Cù Lao Chàm và đã tìm được những hiện vật gốm thuộc thời kỳ tiền Sa Huỳnh. Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn chưa được khảo cứu cụ thể. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
[20] Yamagata Mariko: Các di tích liên quan đến sự hình thành các nhà nước vùng Trung Bộ, Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, Khảo cổ học Nhật Bản và vùng biển phía Nam, số 66, tr. 66 – 70.
[21] Khu Liên là tên một nhân vật, đó là cách hiểu tương đối phổ biến. Tuy nhiên, các tác giả của Lịch sử Việt Nam tập I (1999) lại cho rằng: “Khu Liên không phải là tên người. Người ta cho rằng đó là một biến âm của từ kurung chỉ vua và tộc trưởng trong ngôn ngữ các dân tộc Đông Nam Á”, tr.190.
[22] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, H, 1964, tr.48.
[23] Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Sđd, tr.42 – 49.
[24] Sugimoto Naojiro: Những quốc hiệu của đất nước Chămpa được biết đến của Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á I, Hội Chấn hưng học thuật Nhật Bản, tr.120.
[25]Theo quan niệm của G.Coedes khái niệm “Ấn Độ hóa” nghĩa là tiếp nhận cả 5 yếu tố: 1: Đạo Hindu; hoặc 2. Phật giáo Đại thừa (vương quyền của Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở của hai tôn giáo đó); 3. Thần thoại Purana; 4. Những điều luật tôn giáo Dakmasyatra, và 5. Việc sử dụng chữ Phạn. Tham khảo Ikeuchi Setupo: Tiếp cận Lịch sử Đông Nam Á, Nhân vật Đông Nam Á, Tạp chí Đông Phương học, số 42-1, 1959, tr. 76 – 106.
[26] Wada Hisanori: Xã hội Hóa kiều thời kỳ đầu tại Đông Nam Á, Tạp chí Đông Phương học, số 42 – 1, 1959, tr.76 – 106.
[27] Nguyễn Chiều – Hoàng Văn Nhâm…: Cắt thành Trà Kiệu, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1990, tr.235 – 236.
[28] Yamagata Mariko: Thời kỳ dựng nước Lâm Ấp qua nghiên cứu khảo cổ học, Bàn về những hiện vật có nguồn gốc Trung Quốc phát hiện được tại Trà Kiệu, tạp chí Khảo cổ học Đông Nam Á, số 17, tr. 167 – 184.
[29] Đồ đất nung sơ thời kỳ Sa Huỳnh – Chămpa được nói đến ở đây chủ yếu là những chén bát… được làm bằng đất nung. Tuy nhiên, do những kết quả nghiên cứu chưa được công bố nên việc phân loại vẫn chưa được rõ ràng.
[30] Nguyễn Đức Minh – Trần Văn An – Trần Quốc Vượng – Lâm Mỹ Dung: Báo cáo kết quả thám sát và khai quật địa điểm Hậu Xá I, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1994, tr.111 – 115; hoặc xem Lâm Mỹ Dung – Nguyễn Chí Trung: Di chỉ Hậu Xá I và sự giao lưu văn hóa nhiều chiều ở những thế kỷ trước sau Công nguyên của cư dân cổ Hội An, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 1997, tr.64 – 71.
[31] Nguyễn Chí Trung – Nguyễn Đức Minh –Lâm Mỹ Dung – Nguyễn Chiều: Kết quả khai quật di chỉ Trảng Sỏi, Hội An, Quảng Nam – Đà Nẵng, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1995 – 1996, tr.21 – 213. Về gốm men ngọc Việt Châu có thể tham khảo thêm Tanaka Kastuco: Nghiên cứu gốm sứ mậu dịch Hoài An, Phúc Châu, Tạp chí Hội nghiên cứu quảng bá, số 7, tr.156.
[32] Trần Văn An – Nguyễn Đức Minh - Nguyễn Chí Trung: Báo cáo đào thám sát khu vực Lăng Bà, thuộc thôn 6, xã Cẩm Thanh, Hội An, Những phát hiện mới về khảo cổ học, 1994, tr. 391 – 392.
[33] Nguyễn Chiều – Trần Văn An: Cụm di tích lăng Bà, những phát hiện mới về khảo cổ học, 1989 – 1990, tr. 190 – 192.
[34] Lâm Mỹ Dung – Nguyễn Đức Minh: Những di tích mộ chum Sa Huỳnh và di tích Chăm cổ ở Hội An,Tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1997, tr. 66 – 74.
[35] Nguyễn Chí Trung và Nhóm nghiên cứu Hội An: Kết quả khảo sát bước đầu về cụm đảo Cù Lao Chàm ở Hội An (Quảng Nam), Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1997, tr. 641 – 643.
[36] Tác giả đã được quan sát và nghiên cứu tại Bảo tàng Mậu dịch gốm sứ, số 80 Trần Phú, thị xã Hội An.
[37] Lâm Mỹ Dung: Kết quả khai quật Cồn Chăm ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam, Đà Nẵng), Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1990, tr. 181 – 182.
[38] Vũ Văn Phái – Đặng Văn Bào: Đặc điểm địa hình và địa thế của Hội An và những vùng phụ cận, Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển, Nxb Hodaka, 1993, tr.107.
[39] Dương Văn An: Ô Châu cận lục, 1553, Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, Việt Nam, ký hiệu A263n.
[40] Hoàng Văn Khoán – Lâm Mỹ Dung: Những đồng tiền cô đào được tại Hội An và niên đại của chúng, Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển, Nxb Hodaka,1993, tr. 119 – 225.
[41] Li Tana: Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Hà Nội, 1999, tr.35 – 37. Trong công trình này tác giả có trình bày về sự gia tăng dân số ở Điện Bàn và toàn bộ miền Trung Việt Nam.
[42] Nguyễn Chiều – Hồ Xuân Tịnh – Nguyễn Chí Trung – Trần Văn An: Khai quật di chỉ Tham Chiêm, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1989 – 1990, tr. 187 – 189.
[43] Kikuchi Seiichi – Abe Yuriko: Gốm Thanh Hà, Hội An thuộc Trung Bộ Việt Nam, Tạp chí Cổ Đại học, số 142, 1998, tr. 22- 23.
[44] Vũ Hữu Minh: Báo cáo khảo sát khu vực Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam – Đà Nẵng từ 17-7-1989 đến 19-7-1989, thông báo 1989.
[45] Trần Kỳ Phương – Vũ Hữu Minh: Cửa biển Đại Chiêm trong thời kỳ vương quốc Chămpa từ thế kỷ IV đến XV, Nxb. Hodaka, 1993, tr.146.
[46] Quang Văn Cậy – Nguyễn Chiều: Hai chiếc “Vò mộ Chăm” ở Trung Phường, Quảng Nam – Đà Nẵng, Những phát hiện mới về Khảo cổ học, 1991 – 1992, tr. 180 – 181.
[47] Đại Nam nhất thống chí, Quyển V, Nhà in Sài Gòn, 1964.
[48] Khái niệm này nhằm để chỉ miền Nam Trung Quốc, Tham khảo Imamura Keiji: Quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á một thiên niên kỷ trước Công nguyên, Tạp chí Khảo cổ học Đông Nam Á, số XVIII, 1998, tr.76 – 106.
[49] Wada Hisanori: Xã hội Hoa kiều thời kỳ đầu tại Đông Nam Á, Tạp chí Đông Phương học số 42-1, 1959, tr. 76 – 106.
[50] Akiyama Kenzo: Tình hình triều cống của vùng biển phía Nam và quan hệ buôn bán Nhật – Tống vào thời Tống, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12 – 1, 1934.
[51] Fujimoto Katsuji: Những câu chuyện về Trung Hoa và Ấn Độ, Viện Nghiên cứu khoa học Đông – Tây, Trường Đại học Kansai, tr. 13 và tr.85/
[52] Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII, Nxb Thuận Hóa – Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, H, 1996.
[53] Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1998. Bản dịch từ tiếng Pháp xuất bản tại Paris năm 1931: Relatioe della nvova PP. della Compagnia di Giesv al Regno della Cocincina, C.Borri, 1631.
[54] Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr. 89 – 90.
Trích sách "Nghiên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học lịch sử" - tác giả: Kikuchi Seiichi, NXb thế giới, năm 2010