Phố cổ và cấu trúc không gian khu vực Hội An

Thứ năm - 27/07/2017 05:41
MỞ ĐẦU
Qua các thư từ của từ thời Châu Ấn thuyền còn để lại, chúng tôi đã xác định được trong khoảng thời gian 31 năm Khánh Trường thứ 9 (năm 1604) cho tới năm Khoan Vĩnh thứ 12 (năm 1635, năm thực thi chính sách “đóng cửa, sakoku”), có ít nhất 356 con thuyền của người Nhật Bản đã qua lại các khu vực thuộc Đông Nam Á .
          Trước khu xuất hiện các thuyền Châu ấn, thuyền của Nhật Bản đã cập bến khu vực miền Trung Việt Nam. Theo ghi chép trong sử sách thời điểm đó là vào khoảng năm Thiên Chính thứ 5 (năm 1577)[1]. Mặt khác, trong bức thư do “Lãnh chúa vương quốc An Nam (tức chúa Nguyễn) gửi Tokugawa Ieyashu vào năm Koutei thứ 2 (năm 1601) có viết về việc nhờ thuyền  Nhật Bản giử trả lại “Shirahama Kenki” cứu được khi thuyền của họ bị bão nhấn chìm tại Thuận Hóa[2]. Sự kiện đắm thuyền này cũng được ghi trong Đại Nam thực lục tiền biên, bộ chính sử lớn nhất của nhà Nguyễn: “Ất Dậu năm thứ 28 (1585), bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Qùy đi năm chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan hai chiếc thuyền giặc. Hiểu Quý sợ chạy”[3]. Theo tư liệu của Việt Nam, những người đó được gọi là người phương Tây, nhưng sau khi so sánh kết hợp với các nguồn tư liệu của Nhật Bản trong đó đều gọi chung là “Shirakama Kenki”. Mặt khác, chúng ta cũng có thể xác nhận về việc có người da trắng được cứu tại vùng duyên hải miền Trung Việt Nam qua một bức thư khác gửi Tokugawa Ieyashu năm Ất Dậu (năm 1585)[4].

          Như vậy, ngay từ cuối thế kỷ XVI, tàu của Nhật Bản đã thường xuyên cập bến thuộc lãnh thổ Việt Nam để tiến hành trao đổi buôn bán hàng hóa. Đồng thời, từ đó bắt đầu hình thành các khu định cư người Nhật ở nhiều nơi tại Đông Nam Á và cũng có một vài nơi được chính quyền nước bản xứ cho phép thành lập khu vực tự trị, như “khu phố Nhật Bản, Nihon machi”. Các khu phố Nhật Bản trong lịch sử được xác định cho tới thời điểm này gồm có: Faifo ở miền Trung Việt Nam (hiện nay là Hội An), Phnôm Pênh và Pinhalu ở Campuchia, Ayutthaya ở (Siam hay Thái Lan), Dilao và San Miguel ở Philippines. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người Nhật cộng cư với người nước khác như Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Indonesia…[5]

           Về hoạt động nghiên cứu khu phố Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á, mặt dù có rất nhiều cuộc nghiên cứu hết sức chi tiết và tỉ mỉ thông qua các tư liệu sử học, nhưng do chiến tranh nên không thể tiến hành điều tra khảo cổ học thực địa; sự khác biệt về chế độ chính trị nên cũng chưa hề có một cuộc điều tra khảo cổ học nào do người nước ngoài tiến hành. Tuy nhiên, tại khu vực Hội An từ sau năm 1993, các cuộc điều tra khai quật khu phố cổ do hai nước Việt Nam – Nhật Bản hợp tác đã được tiến hành với tư cách là một trong các hoạt động nhằm bảo tồn các dãy phố cổ tại Hội An. Thông qua các cuộc điều tra này đã xuất hiện thêm một số tư liệu mới về nghiên cứu khu phố Nhật Bản.

          Trong chương này, trên cơ sở kết quả điều tra khảo cổ học về Hội An, chúng tôi sẽ tiến hành xác định các địa điểm dân cư sinh sống hồi thế kỷ XVII tại khu phố cổ, đồng thời cũng tìm hiểu vị trí của khu phố Nhật Bản được coi đã từng tồn tại vào thời điểm đó, tiến hành nghiên cứu cấu trúc của khu vực Hội An. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ xem xét về một khu phố Nhật Bản khác được cho là đã từng tồn tại ở Đà Nẵng.

           I. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU KHU PHỐ NHẬT BẢN        
 

          Theo một ghi chép của người Châu Âu vào thế kỷ XVII thì tại miền Trung Việt Nam có một khu phố Nhật Bản. Đó là khu phố Nhật Bản có tại Hội An hiện nay[6] [7].

           Có lẽ, người Nhật Bản đầu tiên tiến hành điều tra hiện trường khu phố Nhật Bản tại Hội An là ông Kojima Masanori. Khi đi du lịch tới Việt Nam vào năm 1909, ông đã tới thăm Hội An và đã tiến hành điều tra về chiếc cầu Nhật Bản và một số khu mộ của người Nhật Bản. Sau đó, một mặt giới thiệu các kết quả điều tra đó, ông tìm hiểu và đặt ra vần đề liệu có tồn tại hay không một khu phố Nhật Bản tương tự tại Đà Nẵng?[8]. Mặt khác, khi tới Việt Nam công tác vào năm 1922, ông Segawa Kame đã tới thăm chiếc cầu Nhật Bản, mộ người Nhật Bản tại Hội An và sau đó đã báo cáo về tình hình của những di tích này[9].

           Vào năm 1927, để điều tra về các tư liệu lịch sử có liên quan tới Nhật Bản còn sót lại tại khu vực Đông Nam Á, ông Kuroita Katsumi và ông Iwao Seichi đã tới thăm Đà Nẵng, Hội An và tiến hành điều tra chính thức một cách sâu rộng về các di tích lịch sử này. Ngoài ra, tại Hội An, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra về các bia của cầu Nhật Bản và mộ người Nhật Bản, đồng thời còn tiến hành cả việc khôi phục lại các ngôi mộ này[10]. Bên cạnh đó, còn có một số nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra hiện trường khu vực này như ông Matsumoto Nobuhiro và ông Fujiwara Riichiro. Vào năm 1933, ông Matsumoto đã điều tra về các di tích lịch sử và dân tộc thiểu số của Việt Nam, đồng thời tới thăm và báo cáo về các di tích có liên quan tới người Nhật Bản sống tại Hội An trước đây[11]. Ông Fujiwara đã tới thị sát cầu Nhật Bản tại Hội An vào năm 1943[12].

          Các nhà nghiên cứu này sau đó đã tiến hành báo cáo về các tư liệu thu thập được tại các cuộc điều tra hiện trường: tư liệu bia đá năm 1640 có ghi tên người Nhật ở trên núi Ngũ Hành Sơn[13], về gương Nhật Bản phát hiện tại Hội An[14] [15], giới thiệu về các bia đá được khôi phục vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917) trong số các bia đá về cầu Nhật Bản[16]

           Ông Iwao Seiichi đã sử dụng một số tư liệu lịch sử của châu Âu vào khoảng thế kỷ XVII và điều tra tương đối chi tiết về hiện trạng của khu phố Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á trên nhiều phương diện như vị trí, quy mô, cơ cấu hành chính, nhân vật chủ yếu, hoạt động kinh tế của khu phố và đạt được đỉnh cao trong nghiên cứu lịch sử qua tư liệu[17]. Nhà nghiên cứu người Pháp Noel Péri, thành viên của EFEO, đã đề cập tới khu phố Nhật Bản tại Hội An và Đà Nẵng[18]. Có một số nhà nghiên cứu khác trước chiến tranh cũng đã tiến hành điều tra về khu phố Nhật Bản tại Hội An và đề cập tới vị trí của khu phố này[19].

           Hình ảnh về một khu phố Nhật Bản vẽ trong bức họa “Chaya Tâm Lục Giao Chỉ Mậu Dịch Độ Hải Đồ” tại kho của chùa Tình Miêu thành phố Nagoya là một tư liệu hết sức quý giá. Bức họa này đã phác họa về một khu phố Nhật Bản có tại Việt Nam vào thời kỳ đó. Trước đây, ông Tsuji Yoshinosuke đã so sánh hình ảnh khu phố Nhật Bản vẽ trong bức họa này với địa hình của khu vực Đà Nẵng và cho rằng đó là khu phố Nhật Bản ở Tourance (hiện là Đà Nẵng)[20]. Hai nhà nghiên cứu sau đó là ông Iwao Seiichi và ông Noel Péri cũng đồng ý kiến với nhận định đó[21]. Trong suốt một thời gian dài, khu phố Nhật Bản vẽ trong bức họa trên được coi là hình ảnh của một khu phố Nhật Bản có tại Đà Nẵng, Điều đó có nghĩa là ở Tourance trước đây cũng có một khu phố Nhật Bản.

           Sau thế chiến II, trong suốt một thời gian dài, không hề có một nhà nghiên cứu người nước ngoài nào tiến hành điều tra hiện trường tại đây. Mặt khác, cũng không hề có một cuộc nghiên cứu điều tra nào có tầm vóc lớn hơn cuộc nghiên cứu của ông Iwao Seiichi hồi trước chiến tranh và các hoạt động nghiên cứu về các khu phố Nhật Bản khu vực Đông Nam Á bị chững lại.

           Chỉ sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc và chính sách đổi mới được thực hiện, các hoạt động nghiên cứu mới bắt đầu được xúc tiến. Vào năm 1985, một hội nghị chuyên đề về Hội An được tổ chức tại Việt Nam. Tại hội nghị này, một loạt báo cáo nghiên cứu trên nhiều phương diện đã được trình bày. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã quy định một loại các công trình kiến trúc còn sót lại tại khu phố Hội An nằm trong phạm vi bảo tồn tài sản văn hóa quan trọng của đất nước. Trên cơ sở quyết định đó, các hoạt động bảo tồn khu phố cổ được tiến hành. Một trong các hoạt động đó là hội nghị quốc tế về Hội An đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Rất nhiều các nhà nghiên cứu trong nước đã tham dự hội thảo và báo cáo trên nhiều phương diện như lịch sử, khảo cổ và kiến trúc… Trong số đó cũng có một vài báo cáo viết về khu phố cổ Nhật Bản tại Hội An[22].

            II. VỊ TRÍ CỦA KHU PHỐ NHẬT BẢN THỀ KỶ XVII

            Qua kết quả điều tra khai quật khu phố cổ do tập thể tác giả bắt đầu tiến hành từ năm 1993, khu vực bắc nam gần kề ngay khu vực trung tâm phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng không thể là khu vực dân cư tập trung sinh sống hồi thế kỷ XVII được. Vậy khu vực dân cư sinh sống hồi thế kỷ XVII nằm ở đâu?. Điều này cũng liên quan cả tới vấn đề vị trí của khu phố Nhật Bản mà người ta coi là đã từng tồn tại thời điểm đó. Một nhà nghiên cứu có rất nhiều công trình khảo cứu sâu rộng về các khu phố Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á, đã xác định vị trí của khu phố Nhật Bản tại Hội An như sau: “mặc dù không thể xác định một cách chính xác khu phố Nhật Bản thời kỳ đó nằm ở khu vực nào của Faifo, nhưng có thể nó nằm ở khu vực trung tâm của phố cầu Nhật Bản (phố Trần Phú hiện nay – tác giả), và như thế chùa Tùng Bản nằm ở ngay sát với cầu cầu Nhật Bản[23]. Mặt khác, GS. TSKH. Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), căn cứ vào văn tự khế ước mua bán nhà đất, đã cho rằng phố Nguyễn Trái Học và phố Bạch Đằng hiện nay được hình thành vào khoảng thế kỷ XIX, ngoài ra khi căn cứ vào các truyền thuyết và địa hình của khu vực này, ông đã phát biểu rằng: “Tôi suy đoán rằng khu phố người Nhật Bản nằm ở trên phố Trần Phú, cụ thể là ở phía nam của phố”[24]. Ông Ogura Sadao đã nhận định các giếng cổ nằm phân bố rải rác trên khu vực Hội An là thuộc kỳ văn hóa Champa (sau đó, người Việt và người Trung Quốc đã cải tạo tu sửa lại để dùng), và cho rằng: “phần đáy giếng vẫn thế không khác gì so với lúc đầu (chỉ thời kỳ văn hóa Champa – tác giả)… Tôi suy đoán rằng sơ đồ khu phố Hội An đã được hình thành men theo các giếng này. Nói tóm lại, thành phố Hội An hiện nay nằm ở bên trên một khu phố thời kỳ Chăm. Qua các giếng nước, tôi cho rằng khu phố cổ chính là khu phố thời Chăm”[25]. Các giếng nước cổ trong khu phố cổ, có thể thấy trong sơ đồ 1, hầu hết nằm phân bố trên khu vực phía bắc của phố Trần Phú. Do đó, ông Ogura đã suy đoán vị trí của khu phố Nhật Bản là nằm tại khu vực này, nhưng không chắc chắn lắm là ở bên trên khu phố thời kỳ Champa có một khu phố Nhật Bản và tiếp sau đó là các dãy phố như hiện nay. Tuy nhiên, có lẽ cách luận giải của ông Ogura là ở bên trên khu phố thời kỳ Champa, có một khu phố Nhật Bản và tiếp sau đó là các dãy phố như hiện nay.

           Theo kết quả điều tra khai quật ngôi nhà số 85 Trần Phú, tôi xác định được khu vực  phía Nam phố Trần Phú mà GS. Vũ Minh Giang đoán là di tích của khu phố Nhật Bản trở thành khu vực dân cư tập trung sinh sống sớm nhất cũng phải vào cuối thế kỷ XVII hoặc sau thế kỷ XVIII. Mặt khác, qua kết quả điều tra khai quật các ngôi nhà số 65, 69, 144, 78, 80, 85 trên phố Trần Phú và sau khi quan sát hố khai quật phía dưới ngôi nhà số 48 cũng trên con phố này thì xác định được rằng không hề có những dấu tích kiến trúc của thế kỷ XVII, đồng thời qua các tư liệu khảo cổ học, tôi xác định khu vực với trung tâm là phố cầu Nhật Bản (phố Trần Phú hiện nay) mà nhà nghiên cứu Iwao Seiichi đề cập tới khó có thể là dấu tích của khu phố Nhật Bản xưa kia. Tuy nhiên, do phát hiện thấy các đồ gốm sứ và các lớp đất được xác định là có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ XVI tại địa điểm số 182 phố Trần Phú gần phố cầu Nhật Bản cũ, do vậy rất có khả năng khu vực dân cứ sinh sống hồi thề kỷ XVII nằm ở gần đây.

          Mặt khác, về lập luận của nhà nghiên cứu Ogura, như đã đề cập ở trên, sau khi điều tra khai quật khu phố cổ Hội An, chúng tôi đã không hề phát hiện thấy một di vật đồ gốm sứ nào có niên đại trước thế kỷ XVI. Điều này có nghĩa là, thời điểm dân cư bắt đầu tập trung sinh sống tại đây phải từ thế kỷ XVI. Do vậy, khu phố Hội An hiện nay không thể nào là khu vực dân cư bắt đầu tập trung sinh sống tại đây phải từ thế kỷ XVI. Do vậy, khu phố cổ Hội An hiện nay không thể nào là khu vực dân cư sinh sống thuộc thời kỳ Champa, từ đó dấu tích của các giếng cổ phải có niên đại từ cuối thế kỷ XVI trở đi, và sự phân bố các dấu tích giếng cổ là một tư liệu hết sức quan trọng nhằm xác định phạm vi khu vực dân cư sinh sống từ cuối thế kỷ XVI. Kỹ thuật xây giếng được xác định không phải là của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ kiến trúc Champa. Tuy nhiên, điều đó chỉ nói lên rằng các giếng đó có liên quan tới người Chăm chứ không có nghĩa chúng thuộc về thời kỳ Champa. Theo cuốn Ô Châu cận lục, tại quận Điện Bàn gồm cả Hội An có “đàn bà mặc váy Chiêm”, như vậy là có sự tồn tại của người Chăm. Mặt khác, theo câu “người La Giang nói tiếng Chiêm, giá Thủy Bạn mặc áo Chiêm”[26] thì ngay cả thời kỳ Đại Việt cũng có người Chăm tồn tại và sinh sống.

          Sự nhầm lẫn trong lập luận của nhà nghiên cứu Ogura bắt nguồn từ việc thấy giếng được xây bằng kỹ thuật xây giếng của người Chăm, từ đó thấy giếng được xây bằng kỹ thuật xây giếng của người Chăm, từ đó cho rằng các giếng cổ đó là sản phẩm của thời kỳ Champa. Việc các giếng cổ của thời kỳ Champa hay là được người Chăm xây dựng thời kỳ Đại Việt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nói tóm lại, hai vấn đề đó có đặc điểm tình chất dẫn đến ý nghĩa của chúng cũng hoàn toàn khác nhau, nếu gộp lại làm một để xây dựng lập luận thì sẽ dẫn đến sai lầm.

          Địa điểm xác định là khu vực dân cư tập trung sinh sống hồi thế kỷ XVII nằm ở phía Tây cầu Nhật Bản. Tại địa điểm đình Cẩm Phô và đình Tu Lễ đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc có niên đại thuộc thế kỷ XVII. Một số lượng lớn các loại đồ gốm sứ được tìm thấy từ dấu tích rãnh tại đình Cẩm Phô, do đó có thể suy đoán rằng tại đây đã từng có rất nhiều người tập trung sinh sống. Khu vực phía đông cầu Nhật Bản nằm ở phía bắc phố Trần Phú, nơi có rất nhiều giếng cổ phân bố và ở phía Nam phố Phan Chu Trinh cũng có thể là khu vực dân cư sinh sống hồi thế kỷ XVII. Trong quá trình điều tra khai quật, địa điểm 65/5 phố Phan Chu Trinh vào năm 1998 và địa điểm trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu, đã phát hiện thấy một số dấu tích kiến trúc thuộc thế kỷ XVII, nên đây cũng có thể là khu vực sinh sống[27]. Tuy vậy, trên phố Trần Phú cũng có một địa điểm được suy đoán là khu vực dân cư sinh sống hồi thế kỷ XVII đó là địa điểm số 182.

           Theo kết quả điều tra cho tới nay, phạm vi khu vực được xác định là có dân cư sinh sống hồi thế kỷ XVII như sau: Phía Tây là khu vực đình Tu Lễ, từ phố Nguyễn Thị Minh Khai tới xung quanh cầu Nhật Bản, phía Bắc phố Trần Phú và phía Nam phố Phan Chu Trinh, còn phía đông là khu vực lân cận hội quán Triều Châu. Đây là phạm vi khu vực dân cư tập trung sinh sống tại khu phố cổ vào cuối thế kỷ XVI hoặc từ thế kỷ XVII. Trong phạm vi này tập trung rất nhiều di vật, do vậy rất có thể thấy qua ghi chép của giáo sĩ Borri như sau: “Chúa Đàng Trong cấp đất cho người Nhật Bản và người Trung Quốc, đây là một khu vực hết sức thích hợp để xây dựng thành phố, thuận tiện cho việc thông thương buôn bán”[28]. Như vậy, khu vực phố cổ mà dân cư sinh sống thế kỷ XVII được cấp cho người nước ngoài và có thể từ đó dân cư mới bắt đầu tâp trung sinh sống. Hay nói cách khác, đây là một vùng đất mới và là nơi sinh sống của người nước ngoài. Do vậy, có thể thấy rằng khu phố Nhật Bản phải nằm trong phạm vi khu vực xác định ở trên.

          III. CẤU TRÚC KHÔNG GIAN KHU VỰC HỘI AN THẾ KỶ XVII

          Vào năm 1631, chúa Nguyễn đã cho xây dựng một xưởng sản xuất pháo đại bác tại khu vực Huế[29]. Mặt khác, chúa Nguyễn còn có khoảng 200 chiến hạm và 3 cảng biển ở Đàng Trong[30]. Theo ghi chép của Borri, với hơn 100 chiến hạm vả “súng đạn nhập từ Nhật Bản về”[31], chính quyền chúa Nguyễn đã đấu tranh chống lại chính quyền chúa Trịnh. Thêm vào đó, chúa Nguyễn còn cho lập một đội voi và theo báo cáo của Hà Lan thì vào năm 1642, ở Đàng Trong có khoảng 600 con voi[32]. Mặt khác, để đối phó với chúa Trịnh cho xây dựng chiến lũy Trường Dực và chiến lũy Nhật Lệ dọc theo nhánh chính và các nhánh phụ của con sông Nhật Lệ tại tỉnh Quảng Bình hiện nay[33].

          Dưới đây, qua các di tích thế kỷ XVII tại khu vực Hội An, chúng ta sẽ tiến hành xác định vị trí của những nơi có quan hệ mật thiết với cảng mậu dịch quốc tế, từ đó xem xét tới cấu trúc không gian của nó. Cấu trúc không gian trong trường hợp này có nghĩa là các mối quan hệ về mặt chính trị và xã hội giữa các di tích cùng niên đại.
  •  Dinh trấn Quảng Nam
          Chính quyền chúa Nguyễn ở Quảng Nam vào năm 1602 đã xây dựng Dinh trấn Quảng Nam tại khu vực Hội An và trao cho Hoàng tử cai quản dinh. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này”, “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sau hoàng tử thứ sáu trấn giữ[34]. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía Đông trấn”[35]. Theo Đại Nam nhất thống chí, khu vực cai quản của triều đình chúa Nguyễn lúc bấy giờ là 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhân, sau đó mới nhập thêm quận Điện Bàn phủ Triệu Phong của Thuận Hóa làm phủ Điện Bàn dưới quyền cai quản của Dinh trấn Quảng Nam[36]. Trong Đại Nam thực lục Tiền biên, vị trí của Dinh trấn Quảng Nam được ghi là “dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía Đồng trấn”. Nhưng trong phần viết về thành trì của Đại Nam nhất thống chí lại viết: “đầu bản triều dựng dinh trấn ở xã Thanh Chiếm thuộc huyện Diên Phúc, sau vì loạn mà bỏ; năm Tân Hợi lúc bắt đầu thời Trung Hưng, lấy lại Quảng Nam, đặt tạm ở phố Hội An; năm Gia Long thứ 2, dời đến lị sở cũ ở xã Thanh Chiêm, thành đắp bằng đất; năm Minh Mệnh thứ 14 dời trụ sở đến xã La Qua cũng thuộc huyện Diên Phúc, thành đắp bằng đất”[37] và xác định là thuộc thôn Thanh Chiếm tỉnh Diên Phúc: “Hậu nhân loạn phê” có nghĩa là từ năm 1771, tại Quy Nhơn (hiện là tỉnh Bình Tiên) đã xuất hiện quân khởi nghĩa Tây Sơn giao chiến với quân đội của chúa Nguyễn tại Dinh trấn Quảng Nam vào năm 1773. Nhân cơ hội đó, quân Nam Chinh của chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã tấn công đất Quảng Nam vào năm 1775[38] [39] và Dinh trấn Quảng Nam thất thủ từ đó. Thành lũy của tỉnh Quảng nam được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1824) nằm cách di tích Dinh trấn Quảng Nam khoảng 4km về phía bắc. Mặt khác, trong phần “Ghi chép thực về Dinh trấn Quảng Nam” của Nhất thống hưng địa chí (năm 1806) đã gọi “Dinh trấn” là “Thanh Chiêm Quán cư”. Tỉnh Diên Khánh vào năm Minh Mệnh thứ 3 đã đổi tên thành tỉnh Diên Phúc[40]. Chính vì lý do đó, địa danh ghi trong “Đại Nam thực lục tiền biên” khác với địa danh ghi trong Đại Nam Nhất thống chí và Nhất thống hưng địa chí. Về điểm này, nhà nghiên cứu Pham Đình Khiêm đã có kiểm chứng, Sau khi điều tra về địa danh, hỏi người dân sống tại đó và vị trí của các di tích, ông đã phán đoán di tích Dinh trấn Quảng Nam nằm tại địa điểm Điện Bàn Thanh Chiêm hiện nay[41]. Mặt khác địa điểm này cũng phù hợp với ghi chép của Borri hay cuốn Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Đại Sán cho rằng vị trí của dinh cơ vua quan hồi đó nằm ở phía Tây Hội An. Hải ngoại kỷ sự chép: “Đại ước Hội An Đông Nam Bắc ba mặt gần biển, chỉ có phía Tây đường núi liên tiếp, thông Tây Việt và Đông Kinh. Vì thế cách phía Tây chừng 10 dặm có một nha trấn thổ như Vương phủ để phòng ngự lân bang”[42]. Về phía tây Hội An có con đường xuyên qua Đông Kinh. Tại đây người ta đã xây dựng “Trấn Thổ Vệ Môn”. Con đường này có lẽ là “quan lộ” được vẽ trong Đại Nam nhất thống chí[43] và tương ứng với quốc lộ 1 hiện nay. Địa điểm Thanh Chiêm tỉnh Điện Bàn nằm ở giao điểm giữa con đường cũ nối liền với Hội An. Ngoài ra, qua địa điểm của di tích, chúng ta cũng có thể suy đoán “Trấn Thổ Vệ Môn” chính là Dinh trấn Quảng Nam. Mặt khác, khi điều tra khai quật, các tác giả đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm sứ thuộc thế kỷ XVII tại địa điểm Thanh Chiêm này. Trong số di vật này, có những di vật là đồ trang trí mái nhà, cho thấy có dấu vết của cung điện vua chúa tại đây[44].

           Mặt khác, khu vực xung quanh di tích hiện đều là đồng ruộng. Khu vực đồng ruộng này trước đây từng là một con sông và theo kết quả khoan thăm dò điều tra của phía Việt Nam thì phía sâu dưới lòng đất khoảng 10m có một lớp đất, điều đó cho thấy rằng, con sông này khá sâu hồi thế kỷ XVII[45]. Con sông này chảy theo hướng nam bắc địa điểm Thanh Chiêm cho nên khu vực này hết sức thuận lợi cho việc phòng thủ. Đồng thời, với tên địa danh là Thanh Chiêm, cho nên rất có khả năng nó chính là di tích của cung điện vua chúa thời xưa. Theo Chaya Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ, dinh trấn này được phác họa là một công trình kiến trúc nằm bên bờ sông do toàn sứ giả Cha Ya Shinroku xây tặng hoàng thái tử.

          Chúng ta sẽ kiểm chứng lại một lần nữa trên cơ sở các kết quả điều tra khai quật trong chương tới, nhưng nếu khả năng đó chính là Dinh chúa Nguyễn, thì công trình này được xây dựng ở vị trí trọng yếu của con sông và đường giao thông, nhằm mục đích bảo vệ các sản phẩm lâm nghiệp như trầm hương, quế thuộc khu vực miền núi thượng nguồn sông, giám sát cảng mậu dịch, đồng thời kiểm soát con đường giao thông xuyên từ miền bắc xuống miền nam. Địa điểm này còn là một vị trí hết sức quan trọng về mặt quân sự và chiến lược trong việc trấn áp quân Champa ở phía Nam.

           - Căn cứ thủy quân

          Theo ghi chép của chúa, tại khu vực do chúa Nguyễn Quảng Nam cai quản, có 3 cảng biển đều được trang bị tàu chiến. Một cảng nằm ở cửa con sông lớn, có 68 chiến thuyền. Cảng thứ hai lớn hơn, nằm ngay khu vực trung tâm, mọi người thường gọi là Checiam, có rất nhiều tàu chiến, nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ các tàu buôn của Trung Quốc. Cảng thứ 3 nằm sát biên giới  với Champa[46].

           Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm đã cho rằng khu cứ địa thủy quân đầu tiên là nằm ở cửa sông Thuận An của Huế hiện nay, khu thứ 2 là “di tích làng Thanh Chiêm”, có nghĩa là khu vực Thanh Chiêm tỉnh Điện Bàn hiện nay, còn khu cứ địa thứ 3 nằm ở Tùy An, Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên hiện nay[47].

          Khi tìm kiếm các cứ địa thủy quân tại khu vực Hội An, cần chú ý tới những điểm sau: Trước hết, cứ địa thủy quân phải là địa điểm neo đậu tàu chiến và là địa điểm ưu thế về mặt địa lý nhằm mục đích phòng vệ; Tiếp theo, do có mục đích phải bảo vệ các tàu buôn, nên đó phải là những địa điểm có khả năng đối phó cực kỳ nhanh nhạy với những vụ tấn công từ bên ngoài. Khi cân nhắc những yếu tố trên, có thể thấy địa điểm Điện Bàn Thanh Chiêm tương đối xa cửa sông. Dù đi bằng xuồng máy hiện đại ngày nay cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Mà các tàu chiến thời đó lại đều là thuyền chèo bằng tay[48]. Do vậy, các cứ địa thủy quân phải nằm ở cửa sông Thu Bồn.

          Địa thế lân cận gần cửa sông vào thế kỷ XVII được mô tả hết sức rõ ràng trong ghi chép của  Giáo sư Borri: Có hai cửa vào từ phía biển. Cửa vào thứ nhất được gọi là Turon, còn một cửa nữa được gọi là Pulluciambello. Hai cửa vào này nằm cách xa nhau, khoảng 3 đến 4 dặm. Từ các cửa biển này, hai con sông chảy tiếp vào sâu trong đất liền khoảng 7,8 dặm nữa và cuối cùng thì nhập lại thành một con sông lớn. Các thuyền ban đầu vào từ hai cửa biển khác nhưng cuối cùng thì sẽ cùng đi vào cùng một con sông lớn này[49].

           Turon hiện là Đà Nẵng, còn Pulliuciambello hiện là Cù Lao Chàm (đảo Chàm). Qua bản đồ Việt Nam hồi thế kỷ XVII hoặc sơ đồ tàu biển hồi thế kỷ XVIII, ta cũng có thể nhận ra rằng hai con sông khi chảy đến gần cửa sông thì hợp thành một[50].

          Tôi suy đoán rằng, cứ địa hải quân chính là địa điểm Trung Phường tại bờ sông Thu Bồn. Trước hết, địa điểm Trung Phường nằm rất gần với nơi hợp dòng của hai con sông, tiếp theo, như đã trình bày tại Chương 2, đã tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ đồ gốm sứ có niên đại từ cuối thế kỷ XVII tại địa điểm này, như thế có nghĩa là thời kỳ hình thành di tích và thời kỳ xuất hiện cứ địa thủy quân là trùng hợp với nhau[51]. Thêm vào đó, khu vực này thế kỷ XVII là một đầm lầy[52] rất thích hợp cho tàu chiến neo đậu, đồng thời, xung quanh khu vực này còn có một dải cồn cát rất hữu dụng trong công tác phòng vệ, thêm vào đó lại có tới 30 giếng nước phân bố rải rác trong phạm vi 1km[53], hết sức thuận tiện cho việc cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho thủy thủ trên tàu chiến và quân đội đóng tại vùng này. Như vậy, có thể đi đến kết luận rằng khu cứ địa hải quân được xây dựng phía trước cảng mậu dịch và gần cửa sông.
  •    Khu neo đậu của tàu thuyền nước ngoài
           Khu neo đậu của tàu thuyền nước ngoài hồi bấy giờ được hình thành muộn hơn các khu cứ địa thủy quân một chút. Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự viết năm 1695 có đoạn ghi: “cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc”[54]. Cuốn Địa Nam nhất thống chí chép: “lại ở phía nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu”[55], như vậy tương ứng với bờ sông Thu Bồn, phía nam của khu phố cổ Hội An hiện nay. Hiện nay, khu vực này có tên là Trà Nhiêu. Thông tin về khu vực neo đậu tàu thuyền nước ngoài chỉ từ sau thế kỷ XVII mới còn lại những ghi chép, do vậy, cần xem xét khu vực này trong khoảng thời gian từ nửa đầu tới nữa sau thế kỷ XVII qua các tư liệu khảo cổ học. Khu vực Trà Nhiêu đã được đề cập giới thiệu trong Chương 2, theo đó tất cả đồ gốm sứ tìm thấy tại đây đều có niên đại từ cuối thế kỷ XVII. Hoàn toàn không có di vật của tàu thuyền Châu ấn lúc đó phải ở một địa điểm khác, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa xác định được.
  •      Khu lò gốm
          Tại khu vực Hội An hiện nay có một làng nghề. Tại xã Cẩm Kim bên bờ sông Thu Bồn có làng Kim Bồng chuyên làm nghề mộc, cách khu phố cổ khoảng vài km về phía tây có làng Nam Diêu chuyên làm gốm. Làng Nam Diêu này vốn thuộc xã Thanh Hà cũ, nên ngay cả bây giờ đôi khi vẫn được gọi là làng gốm Thanh Hà. Theo cuốn gia phả dòng tộc Nguyễn Việt đang lưu giữ mang tên “Thanh Chiêm – Nguyễn Việt tam phái phả lục”[56] thì người vùng Thanh Hóa phía Bắc đã di dân tới đây theo công cuộc “Nam tiến” của chúa Nguyễn. Cuốn gia phả này được lập năm 1802 và một số gia đình khác làm nghề gốm cũng đều thấy nói là có cùng quê gốc gác ở Thanh Hóa, do đó chắc chắn người vùng Than Hóa đã di dân tới đây hồi nửa cuối thế kỷ XVI. Như vậy, có thể xác định được rằng khu vực Thanh Hà gần khu cảng biển mậu dịch Hội An, hay nói cách khác là khu di tích Điện Bàn Thanh Chiêm, là khu lò gốm sản xuất ra các loại đồ gốm như bát hũ đựng, nồi nấu ăn phục vụ người dân thành thị, góp phần làm phồn vinh cảng Hội An hồi bấy giờ.

          Như đã trình bày ở trên, cấu trúc không gian của các di tích xung quanh cảng mậu dịch Hội An hồi thế kỷ XVII như sau: cứ địa thủy quân nằm ở cửa sông Thu Bồn nơi hai con sông nhỏ hợp dòng, khu lò gốm phục vụ sinh hoạt đời sống người dân nằm cách khu dân cư người nước ngoài vài km về phía Tây, còn cũng từ khu dân cư người nước ngoài này về hướng Tây khoảng 9 km, tại giao điểm giữa con đường “quan lộ” với con đường nối liền Hội An có một Dinh trấn Quảng Nam được xây dựng nhằm mục đích giám sát hoạt động thông thương mậu dịch.

         Như vậy, chính quyền chúa Nguyễn ở Quảng Nam thế kỷ XVII đã cho xây dựng khu cảng biển mậu dịch gần cửa sông, phía trước cảng này thì đặt khu cứ địa thủy quân, xây dựng một cơ quan giám sát tại vị trí trọng yếu trên con đường xuyên từ Bắc xuống Nam nhằm quản lý hoạt động buôn bán, mặt khác, tiến hành theo dõi quản lý toàn bộ các sản phẩm lâm nghiệp, đặc sản, tài nguyên thiên nhiên của khu vực miều núi đầu nguồn sông và khu vực xung quanh đó như vàng… Theo đó, đây là khu vực có tính chiến lược nhằm mục đích cai trị và bảo vệ khu vực Hội An, ngoài ra còn nhằm trấn áp các cuộc tấn công của người Champa phía Nam.

          IV. KHU PHỐ NHẬT BẢN Ở TOURANCE (ĐÀ NẴNG)

         Theo các tài liệu còn lưu lại, thì ở Việt Nam có hai khu phố Nhật Bản là nơi người Nhật Bản từng sinh sống, một là ở Hội An, còn một nơi khác là Tourance (hiện là Đà Nẵng)[57]. Tuy nhiên, liệu có phải thật sự đã từng tồn tại một khu phố cổ ở Toirance không?

          Trước hết, vấn đề này, ông Tsuji Yoshinosuke, người đầu tiên nghiên cứu về sự tồn tại của khu phố Nhật Bản tại Tourance, đã nói rằng: “nếu nói về việc khu phố này nằm tương ứng với vị trí nào hiện nay thì, theo như sơ đồ minh họa, nó nằm ở cửa sông, ngay phía trước đảo đá Touron, theo hướng từ đảo đá đi vào. Nếu xem xét và kết hợp với tình hình địa lý hiện nay, thì nó tương ứng với phố Tourane hiện nay. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng đã từng tồn tại một khu phố Nhật Bản”[58]. Sơ đồ minh họa ở đây chỉ “Chaya Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ”. Lập luận này đã được các nhà nghiên cứu sau đó như Noel Péri[59], Kurotia Katsumi[60], Iwao Seiichi[61], Trần Kinh Hòa[62] ủng hộ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Kojima vốn không phải là cảng buôn bán với người nước ngoài, mà chỉ là một làng, một thôn nhỏ và trước đây là một cái chợ của người nước ngoài tại vịnh Hội An”[63].

          Điểm cần chú ý đầu tiên đó là bản đồ “Chaya Giao chỉ mậu dịch độ hải đồ” đã được vẽ bằng tay, không phải là bản đồ vẽ một cách chính xác về mặt địa lý. Trên quan điểm này, sau khi quan sát bản đồ ta thấy, thuyền Chaya đi theo trình tự “nước Giao Chỉ - cửa thuyền vào – đảo Touron” đi vào theo cửa sông. Phía dưới “đảo Touron” này có vẽ một hòn đảo được chú thích là “đảo đá ở xa ngoài khơi nơi có tổ hải yến”. “Touron” chính là Tourone hay là Đà Nẵng hiện nay, “đảo Touron” chính là bán đảo Sơn Trà hiện nay. Điều này được phán đoán qua việc hiện có một doi cát nối quần đảo này với đất liền[64]. Do đó rất có thể hồi thế kỷ XVII nơi đây đã từng là một hòn đảo[65]. Đảo “có tổ hải yến” chính là Cù Lao Chàm (đảo Chàm), hiện nay vẫn là nơi sản xuất hải yến, ở ngoài biển khơi của Hội An[66].

           Từ mới quan hệ vị trí như vậy, ta có thể suy đoán rằng thuyền Chaya hồi đó đã đi vào cảng từ Tourance, Đà Nẵng hiện nay. Như đã trình bày, theo ghi chép của giáo sĩ Borri, để đi vào Hội An, có thể đi vào hai cửa sông, một trong hai cửa sông đó chính là Đà Nẵng.

             Tại phía Bắc cửa sông, có “đảo cát của dân chài – phố chợ”[67], ở phía Tây của nơi này là “khu phố Nhật Bản – hai bờ sông – khoảng 3 chợ”[68] và có vẽ của cả khu phố Nhật Bản. Tuy nhiên trên hình vẽ lại không ghi rõ khoảng cách từ cửa sông đến khu phố Nhật Bản. Rất nhiều nhà khoa học đi trước qua mối quan hệ vị trí đó đã cho rằng nơi đây chính là hình vẽ khu phố Nhật Bản. Rất nhiều nhà khoa học đi trước qua mối quan hệ vị trí đó đã cho rằng nơi đây chính là hình vẽ khu phố Nhật Bản tại Đà Nẵng, nhưng thật khó có thể tìm ra chứng cứ chứng tỏ điều đó chỉ với một bức tranh vẽ bằng tay. Những điều có thể đọc ra, tìm ra được từ bức tranh vẽ tay chỉ là có một khu phố Nhật Bản nằm ở phía Bắc (phía trên) của một con sông và ở thượng nguồn con sông đó có một khu nhà được hiểu là “phủ quan” hoặc “cơ quan hành chính kiểm soát cảng”. Do đó, đây chắc hẳn phải nằm trong phạm vị từ lân cận cửa sông cho tới khu vực trung lưu của con sông.

            Thêm vào đó, cần phải xem xét lại về sự tồn tại của khu phố Nhật Bản qua các tư liệu lịch sử thời bấy giờ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Iwao Seiichi đã nói rằng có bằng chứng chứng tỏ ở Tourane đã từng tồn tại một khu phố Nhật Bản: “ngay cả người Hà Lan khi tới nơi đây cũng ghi lại và phân biệt một cách rõ ràng giữa thành phố Faifo và thôn Tourance, đồng thời hình như cũng không có ai nói về sự tồn tại của một khu phố Nhật Bản tại nơi đây”[69], theo như ông phát biểu thì không có một ghi chép nào nói về sự tồn tại của khu phố Nhật Bản này. Chỉ có duy nhất một ghi chép của giáo sĩ Borri nói rằng chúa Nguyễn Quảng Nam đã cho phép người Bồ Đào Nha xây dựng thành phố tại Tourance[70].

            Mặt khác, chỉ khi tới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), cảng mậu dịch mới dời từ Hội An tới Đà Nẵng. Thêm vào đó, vào giai đoạn thế kỷ XIX, cảng mậu dịch tại Hội An vẫn phát triển hết sức hưng thịnh, chỉ tới thế kỷ XIX, con sông Cổ Cò, tuyến giao thông quan trọng nối liều Hội An và Đà Nẵng, bị cát lấp đầy dần khiến thuyền bè đi lại khó khăn thì Đà Nẵng mới dần phát triển[71].

            Như vậy, khó có thể xác định rằng đã từng tồn tại một thành phố ở Đà Nẵng vào thế kỷ XVII, theo đó rất ít khả năng có một khu phố Nhật Bản từng tồn tại ở đây. Như nhà nghiên cứu Iwao Sadao xác định thì khu phố Nhật Bản vẽ trong bức tranh Chaya chính là khu phố Nhật Bản ở Hội An[72]. Do vậy, khu nhà vẽ bên trên khu phố Nhật Bản chắc chắn phải là Dinh trấn Quảng Nam như trong tư liệu lịch sử do phía Việt Nam cung cấp.

             Qua đó, không thể cho rằng có một khu phố Nhật Bản ở Đà Nẵng qua cách suy đoán vị trí trên bức tranh. Trong các tư liệu lịch sử cùng thời của người Châu Âu cũng như các ghi chép của Nhật Bản và Việt Nam, không hề có một ghi chép nào nói về khu phố Nhật Bản ở Đà Nẵng, từ đó dẫn đến không thể có một khu phố Nhật Bản ở Đà Nẵng được.

              KẾT LUẬN

            Khu phố cổ Hội An là khu vực dân cư bắt đầu tập trung sinh sống hồi thế kỷ XVI. Đồng thời, theo ghi chép của giáo sĩ Borri, nhiều khả năng có một khu vực được cấp dành riêng cho người nước ngoài thành khu kinh tế mới. Do đó, chắc chắn khu phố  Nhật Bản từng tồn tại ở Hội An chính là khu vực dân cư tập trung sinh sống hồi thế kỷ XVII đã tạo nên khu phố Nhật Bản thế kỷ XVII tại Hội An. Theo đó, ý nghĩa của các cuộc điều tra khảo cổ học mới thực sự được đánh giá cao.

             Việc tìm hiểu về Hội An, cảng mậu dịch quốc tế và các công trình kiến trúc, địa điểm có liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lý giải cấu trúc xã hội thời kỳ đó. Với ý nghĩa như vậy, việc suy đoán vị trí của Dinh trấn Quảng Nam và cứ địa thủy quân là một bước tiến trong việc làm rõ cấu trúc không gian của khu vực Hội An và cần phải tiếp tục chứng minh rõ thêm qua các cuộc điều tra khảo cổ học. Do đó, trong chương tiếp theo, chúng tôi xin được trình bày về kết quả điều tra khai quật di tích Điện Bàn – Thanh Chiêm, khu vực được suy đoán là di tích của Dinh trấn Quảng Nam và chứng minh các suy đoán trên.

              Mặt khác, hiện có ngoại thành Hội An có các làng nghề như làng gốm. Làng gốm này rất có khả năng hình thành từ hồi thế kỷ XVII và là một yếu tố không thể thiếu góp phần cho sự thịnh vượng của cảng biển Hội An. Sự phân bố của làng nghề cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lý giải cấu trúc không gian của thời kỳ đó. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ trình bày một số thông tin về làng gốm và tiến hành xác định vị trí lịch sử của nó.
 

[1] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: Nghiên cứu về phố Nhật Bản ở vùng Nam Dương, 1940, tr.19.
[2] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: Nghiên cứu về phố Nhật Bản ở vùng Nam Dương, 1940, tr.20.
[3] Quốc sử Quán triều Nguyễn: Đại Nam Thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, H, 2002, tr. 32.
[4] Kawamoto Kunie: Nhận thức quốc tế của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, in trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1991, 1991, tr. 169 – 178.
[5] Wada Masahiko: Đông Nam Á thời kỳ cận đại, Hiệp hội xuất bản truyền thống Nhật Bản, 1991, tr. 28 – 30.
[6] Cristophoro Borri: Xứ đàng trong năm 1621, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
[7] Ogura Sadao: Người Nhật Bản ở nước An Nam và các phần mộ, tạp chí Địa lý và lịch sử, 1989, tr.52.
[8] Kojima Masannori: Phố Nhật Bản ở nước An Nam và các phần mộ, tạp chí Địa lý và lịch sử, 1915, quyển 26, số 1.
[9] Segawa Kame: Báo cáo kết quả quan sát Đông Dương phật giáo khi đi buôn bán với An Nam trên thuyền Giao chỉ, in trong: “Ghi chép những quan sát khi ở nước ngoài của trường ngoại ngữ Osaka” – tập 1, 1923.
[10] Kuroita Katsumi: Báo cáo điều tra tư liệu lịch sử liên  quan tới Nhật Bản ở khu vực Nam Dương, in trong: “Lễ kỷ niệm 100 ngày sinh của giáo sư Kuroita Katsumi”, Nxb Yoshikawa Kobunkan, 1974. Hoặc Kuroita Katsumi: Di tích tư liệu lịch sử có liên quan tớn Nhật Bản ở khu vực Nam Dương, in trong: “Tuyển tập các khóa giảng lần thứ 27 hội nghị Keimei”, 1928.
[11]. Matsumoto Nobuhiro: Ghi chép những ấn tượng về Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc (3), tạp chí Mita, số 445, 1934, tr. 10 – 16.
[12] Fujiwara Riichoro: Ghi chép về Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc, tạp chí Nghiên cứu lịch sử Đông Dương, quyển 8, số 3, 1943, tr. 41 – 43.
[13] Kuroita Nobuhiro: Về bia Phật trên núi Fuda ở An Nam, tạp chí Sử học, quyển 40, số 1, 1928, tr. 103 - 108.
[14] Matsumoto Nobuhiro: Một người Nhật trong bia Nhật trên núi Fuda ở An Nam, tạp chí Sử học, quyển 13, số 2, 1934, tr. 140.
[15] Matsumoto Nobuhiro: Gương Nhật Bản phát hiện tại An Nam, tạp chí Sử học, quyển 13, số 2, 1934, tr.140.
[16] Fujiwara Riichiro: Về những dòng chữ khắc trên cầu Nhật Bản, tạp chí Văn hóa phương nam, số 3, 1976, tr. 147 -150.
[17] Cuốn sách cùng tên trong mục (2).
[18] Noel Peri: Nghiên cứu mới về phố Nhật Bản (phần 2), tạp chí Sinh viên, quyển 7, số 2, 1916, tr. 61 – 67.
[19] Ví dụ như ông Iwao Seiichi và ông Kuroita Katsumi.
[20] Tsuji Zennosuke: Phố Nhật Bản ở vùng Nam Dương, in trong: “Hải ngoại giao thông sử thoại”, 1930, tr. 582 – 599.
[21] Iwa Seiichi: Sử hưng thịnh và suy tàn của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: “Nghiên cứu phố Nhật Bản tại vùng Nam Dương”, 1940, tr. 35 – 37; hoặc Noel Peri: Nghiên cứu mới về phố Nhật Bản (phần 2), tạp chí Sinh viên, quyển 7, số 2, 1916, tr. 61 – 67.
[22] Vũ Minh Giang: Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An, in trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1991, tr. 205 – 216.
[23] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, tài liệu đã dẫn, tr. 34.
[24] Vũ Minh Giang: Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An tại Giao Chỉ, tài liệu đã dẫn, tr. 253.
[25] Ogura Sadao: Từ phố Nhật Bản tại Hội An có thể nhìn thấy Champa, in trong: “Di tích và văn hóa vương quốc Champa”, in trong: “Di tích và văn hóa vương quốc Champa”, Tổ chức quỹ tài trợ Toyota, 1994, tr. 78 – 82.
[26] Dương Văn An: Ô châu cận lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1997, tr.46.
[27] Kikuchi Seiichi và Abe Yuriko: Điều tra khai quật phố Nhật Bản tại Hội An – Điều tra khai quật Hội An lần thứ 7, Báo Khảo cổ học Nguyệt san, số 441, 1998, tr. 29 – 32.
[28] Cristophoro Borri: Xứ đàng trong năm 1621, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, tập I, Nxb. Giáo dục, H, 2002, tr. 48.
[30] Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 15.32.
[32] Cristophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, sđd, tr.83.
[33] Li Tana: Xứ Đang Trong – Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 72.
[34] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lực, Sđd, tr. 48.
[35] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, tr. 36.
[36] Tức là con trai thứ 6 của Chúa Nguyễn Hoàng, sau này là người kế vị chứa Nguyễn Hoàng, chính là chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).
[37] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 2, tỉnh Quảng Nam, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr.333.
[38] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Sđd.
[39] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, 2002, Sđd, tr 177 – 178, 183 – 184.
[40] Nhất thống hưng địa chí cuốn 5, sử dụng sách lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam.
[41] “Đại Nam nhất thống chí”, cuốn 5, mục về huyện Diên Phúc tỉnh Quảng Nam, sử dụng cuốn tái bản tại Sài Gòn năm 1964.
[42] Phạm Đình Khiêm: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, in trong: Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, 1960, tr. 71 – 96.
[43] Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, quyển 4, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 154.
[44] “Đại Nam nhất thống chí”, cuốn 5,  tỉnh Quảng Nam, sử dụng cuốn A. 853/3 – sách lưu trữ tại Viện Hán Nôm Việt Nam.
[45] Vẫn chưa tìm thấy tượng sư tử tại các cuộc điều tra khai quật tại phố cổ Hội An. Giống tượng trang trí trên mái nhà tại Tử Cấm Thành.
[46] Theo chỉ dẫn của giáo sư Đảo Linh Bắc và giáo sư Dân Văn Bảo tại cuộc điều tra thực nghiệm tháng 3 năm 1999.
[47] Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Sđd, tr 14 – 15.
[48] Phạm Đình Khiêm: Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII dưới con mắt giáo sĩ Dac – Lo, in trong: Việt Nam khảo cổ tập san, số 2, 1960, tr. 49 – 50.
[49] Li Tana: Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Sđd, tr. 66 – 70.
[50] Critophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr. 91.
[51] “Thiên Nam tứ chí lộ đồ” (thế kỷ XVII) và “Đồng Khánh ngự lãm đại hưng chí đồ” (thế kỷ 19).
[52] Trong đợt điều tra thực nghiệm của các tác giả này chỉ tìm thấy các mảnh gốm sứ vụn có niên đại từ cuối thế kỷ XVI trở đi.
[53] Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào: Đặc điểm diện mạo khu vực Hội An và lân cận, in trong: Đô thị cổ Hội An, tr. 87 – 100.
[54] Trần Kỳ Phương, Vũ Hữu Minh: “Cửa Đại Chiêm thời vương Quốc Champa thế kỷ IV – XV”, in trong: Đô thị cổ Hội An, Sđd, tr. 128. Tuy nhiên, các tác giả này lại cho rằng các giếng cổ có từ thời kỳ Champa, mặt khác tại địa điểm Trung Phường có các đồ gốm sứ thời Tống – Minh – Thanh phân bố rất nhiều, nhưng trên thực tế chúng tôi (Seiichi Kikuchi) đã khảo sát nhiều lần nhưng chưa tìm thấy đồ gốm sứ thời Tống.
[55] Thích Đại Sàn: Hải ngoại kỷ sự, quyển 4, Sđd, tr. 154.
[56] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Sđd, tr. 376.
[57] “Thanh Chiêm – Nguyễn Việt tam phái phả lục”. Do gia tộc dòng họ Nguyễn Việt tại Hội An giữ.
[58] Ví dụ, Wada Masahiko: Đông Nam Á thời kỳ cận đại, Hội khuyến học trường đại học Hoso, 1991.
[59] Tsuji Zennosuke: Phố Nhật Bản tại vùng Nam Dương, in trong: “Tăng Đinh – Hải ngoại giao thông sử thoại”, công ty cổ phần Nagaishoeki, 1930, tr. 585 – 586. Thời điểm xuất bản cuốn sách lần đầu tiên là năm Đại Chính thứ 4 (1914).
[60] Noel Peri: Nghiên cứu mới về phố Nhật Bản, tạp chí “Sinh viên”, quyển 7 số 1, 1974, tr. 228.
[61] Kuroita Katsumi: Báo cáo điều tra tư liệu lịch sử có liên quan tới Nhật Bản tại vùng biển phía nam, “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Kuroita katsumi”, Nxb Yoshikawa Kobunkan, 1974, tr. 163/ Ông cũng đã phát biểu về vị trí của khu phố  Nhật Bản rằng “Nó tương ứng với phố Nhật Bản mà người Nhật đã từng sinh sống. Tức là, khu vực trung tâm của phố mới Touranne hiện nay”, tr. 163.
[62] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: “Nghiên cứu về phố Nhật Bản ở vùng Nam Dương”, 1940, tr. 35. Do trong các ghi chép còn lại không thấy có viết về phố Nhật Bản tại Touranne, nêu giáo sư Iwao Seiichi còn phát biểu rằng “Phố Nhật Bản tịa Tourance có lẽ chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn”.
[63] Trần Kinh Hòa: Dân cư và thương nghiệp ở Hội An thế kỷ XVII – XVIII, in trong: “Tân Á học báo”, quyển 3 kỳ 1, tr. 290.
[64] Kojima Masanori: Phố Nhật ở nước An Nam và các phần mộ, tạp chí Địa lý và lịch sử, 1915, quyển 26, số 1.
[65] Kojima Masanori: Phố Nhật ở nước An Nam và các phần mộ, tạp chí Địa lý và lịch sử, 1915, quyển 26, số 1. tr. 51.
[66] Oya Masahiko,  Kubo Sumiko : Địa hình và sông ngòi xung quanh khu vực Hội An – báo cáo điều tra lần I năm 1997, in trong: “Báo báo cáo điều tra khảo cổ học Việt Nam  - Hội An”, Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế Đại học nữ sinh Showa, 1998, tr. 230. 
[67] Nishimura Yukio, Ando Tetsuya: Đông Nam Á trong bản đồ cũ, Nxb Gakugei, trong trang 140 có bản đồ Đà Nẵng và Hội An lấy từ cuốn “Cartedes Coles de la Cochichine extraite du neptune Oriental de d’Apres de Mannevilltete, 1775”
[68] Nguyễn Chí Trung, Trần Anh: Nghề lấy tổ yến ở Thanh Châu, in trong: “Con đường tơ lụa trên biển và Việt Nam”, nhà sách Hotaka, 1930, tr. 586.
[69] Tsuji Zennosuke: Phố Nhật Bản tại vùng Nam Dương, in trong: “Tăng Đinh – Hải ngoại giao thông sử thoại”, công ty cổ phần Nagaishoseki, 1940, tr. 36.
[70] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: “Nghiên cứu về phố Nhật Bản ờ vùng Nam Dương”, 1940, tr. 36.
[71] Iwao Seiichi: Quá trình hưng thịnh và suy vong của khu phố Nhật Bản tại Giao Chỉ, in trong: “Nghiên cứu về phố Nhật Bản ờ vùng Nam Dương”, 1940, tr. 36 – 37.
[72] Critophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.93.
74 Nguyễn Quốc Hùng: Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, 1995, tr. 30 – 31.
75 Ogura Sadao: Người Nhật Bản thời kỳ thuyền Châu Ấn – phố Nhật Bản tại Đông Nam Á, Nxb. Chyukoshinsho, 1989.
 
Trích sách: Nguyên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb: Thế giới, năm 2010.

Tác giả: GS. Kikuchi Seiichi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây