Vào cuối thế kỷ VIII, trong tác phẩm Quảng Châu thông hải di đảo của tác giả Giả Đam thời Đường Trinh Nguyên (785-804) đã mô tả: “
Từ Quảng Châu theo đường biển đi về hướng Đông Nam hai trăm dặm đến Đồn Môn sơn, cho buồm thuận gió đi theo hướng Tây hai ngày thì đến hòn Cửu Châu (Cửu Châu Thạch). Lại theo hướng Nam đi hai ngày đến hòn Tượng (Tượng thạch) lại theo hướng Tây Nam đi ba ngày thì đến núi Chiêm Bất Lao,
núi này ở giữa biển, cách nước Hoàn Vương hai trăm dặm về phía Đông. Lại đi một ngày đến nước Môn Độc. Lại đi một ngày đến nước Cổ Đát. Lại đi nửa ngày thì đến châu Bôn Đà Lãng…”
[1]. Đến thế kỷ thứ X, thư tịch cổ Ả Rập ghi chép: “
Tàu từ Hind (Ấn Độ) đến Sanf (Champa) mất 10 ngày. Ở đây có nước ngọt và trầm hương xuất khẩu... Họ dừng lấy nước ngọt ở Sanf-Fulaw, Cham Pulaw (Cù Lao Chàm) rồi định hướng đi đến Sin (Trung Quốc)”
[2]. Như vậy ngay từ thế kỷ VIII – X, Cù Lao Chàm là nơi các thuyền buôn của các nước Ba Tư, Ả Rập đến dừng chân để định hướng sang Trung Quốc.
Đến thời kỳ Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam (từ thế kỷ XV trở về sau), Cù Lao Chàm vẫn giữ được vị thế là điểm trung chuyển mậu dịch trên biển Đông, trong đó đáng kể nhất là cửa Đại Chiêm (nằm bên trong Cù Lao Chàm) – một cửa biển lớn rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào dừng chân, buôn bán; điều này được Cristophoro Borri ghi lại trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 như sau: “
Còn về hải cảng thì thật lạ lùng chỉ trong hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn 60 cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có nhiều nhánh biển lớn, hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng hai cửa biển, một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Puluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng 3 hay 4 dặm, kế đó biển chia làm hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm làm thành như hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này”
[3].
Đến cuối thế kỷ XVII, vị thế của Cù Lao Chàm vẫn được duy trì qua miêu tả của Thiền sư Thích Đại Sán ghi lại trong cuốn Hải ngoại ký sự viết vào năm 1695-1696: “…
ngày 24, thuyền chủ viết lên cột buồm mấy chữ lớn như sau: Ai thấy núi trước, thưởng tiền một quan. Mỗi người đều hớn hở, tỏ ý vui mừng. Trên thuyền có thủy thủ tên An Ban, người An Nam, chưa đầy 20 tuổi, cường tráng, lanh lẹ, mỗi lúc treo buồm hắn leo tuốt lên ngọn cột, giăng dây thắt đỏi, qua lại như đi đất bằng, hắn vừa đứng trước mặt, ngó lên đã thấy ngồi trên đọt buồm, nhảy nhót xuống lên chẳng chút ngượng nghịu. Vì vậy mọi người đều bảo chắc hắn ta sẽ thấy núi trước vậy. Lúc ấy có bầy chim én bay quanh cột buồm. Suốt ba ngày còn tít mù chẳng thấy bóng núi. Qua ngày 27 gần đúng ngọ có người reo lớn lên trên đầu cột (Kìa kìa, núi đó rồi). Người đó chính là A Ban vậy. cả thuyền reo lên cười mừng nhưng chưa ai thấy gì, mọi người trương mắt chăm chú nhìn, chặp lâu trăm người có một người thấy, lại chặp lâu mười người có một người thấy. Chừng ấy, người coi lái bàn nên vào cửa nào. Thuyền chủ lái buôn muốn vào cửa Hội An để bán hàng cho tiện, tăng chúng muốn vào cửa Thuận Hóa để sớm yết kiến quốc vương… Buông gió một chặp vào đến vùng núi ấy là Tiêm Bích La (tức Chiêm Bất Lao, Cù Lao Chàm)”
[4].
Cù Lao Chàm không chỉ giữ vai trò giao thương buôn bán, mà nơi đây còn là điểm cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Vào năm 1687, trong sách Trú Vĩnh Biên của Triều Tiên ghi lại
“...24 người dân Tế Châu, Triều Tiên bị đắm thuyền dạt vào Cù Lao Chàm được người dân ở đây cứu giúp, cho nước uống, lương thực và đưa vào đất liền để chờ ngày về nước[5]. Đến năm 1835, trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan ghi lại sự việc ông cùng thủy thủ đoàn gặp nạn trôi dạt vào Cù Lao Chàm và được người ở đây cứu sống như sau: “…
Hòn đảo nhỏ nơi các ông dạt vào là đảo Chiêm Bất La (Cù Lao Chàm). Hai phía đông tây đảo dòng chảy rất xiết, giữa có một luồng vào cảng rất hẹp, nhưng nếu thuyền không nhân theo hải triều thì không thể vào được, húc đá là chìm ngay! Theo hướng tây rồi chuyển về hướng nam thì vào được trong cảng”[6].
Ngoài ra, với vị thế trọng yếu trong giao thương buôn bán, Cù Lao Chàm trở thành nơi nhen nhóm ý đồ chiếm đóng của các nước đặt thương điếm, đặc biệt là người Pháp, điều này được William Alexander ghi lại trong Họa phẩm về Đàng Trong “…
Vì cần có nơi neo tàu khi mùa gió tây nam nên người Pháp càng thêm tha thiết một khi chiếm được đảo Callao (Cù Lao Chàm) thể nào cũng tìm cách chiếm một địa điểm gần đó trên đất liền ở Đàng Trong. Bờ biển nơi đây có rất nhiều sông ngòi có thể đi lại được. Vào mùa bến đỗ phải đến vài trăm thuyền buôn, trọng tải từ bốn mươi đến một trăm năm mươi tấn từ khắp các hải cảng ở Trung Hoa thường ghé xuống Đàng Trong mua hàng, chủ yếu là cau và đường, riêng đường cũng đã đến 40.000 tấn mỗi năm. Họ trả cho hàng này một số ít là sản phẩm của Tàu nhưng chính yếu là bằng bạc”
[7]. Chính vị thế trọng yếu này, các triều đại phong kiến Việt Nam đã phái người đến canh giữ để kiểm soát tàu thuyền qua lại, trong bản khai folkore của làng Tân Hiệp năm 1943 cho biết “...
Làng chỉ còn 3 tờ phô của 3 đời Chánh Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng. Trong 3 tờ ấy cũng giống với nhau, là bắt dân ở trên hòn Cù Lao này phải tuần phòng đêm ngày lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó”
[8].
Đến thế kỷ XVIII - XIX, Cù Lao Chàm vẫn duy trì được vai trò tiền tiêu, cột mốc của mình. J. Barrow trong tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 đã ghi lại “...
Một hòn đảo nhỏ có tên là Callao (còn có tên là Pulo Champello, tức Cù Lao Chàm), nằm cách phía nam vịnh Turon chừng 30 dặm… Hòn đảo này hoàn toàn kiểm soát lối ra vào của nhánh chính con sông mà Faifo-trước đây là nơi buôn bán chính của nền ngoại thương - nằm trên đó, hai bên sườn đảo hầu như hoàn toàn không thể tiếp cận được nhưng nó lại nằm đối diện với cửa con sông này”
[9]. Hay Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ biên tạp lục đã ghi lại: “
Phủ Thăng Hoa ở ngoài cửa biển Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư, ruộng nương, có các thứ cam, quít, đỗ lạc, trên có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan, ra biển hai canh thì đến…”
[10]. Tác giả Phan Huy Chú trong Bản quốc hải trình hợp thái (1833) cũng cho biết: “
Đảo Đại Chiêm, tục gọi là Cù Lao Chiêm thuộc Quảng Nam là núi cọc tiêu thứ nhất của hải trình từ cửa biển đi thuyền đến đó chừng hơn một canh giờ. Trên đảo có phường Tân Hiệp, dân cư đông đúc, núi nhiều tổ yến, triều trước giao cho đội Hoàng Sa thu lượm…”
[11]. Đến thế kỷ XIX, trong tác phẩm Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn mô tả: “
Ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưởng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa Đại Chiêm. Dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng đi về đều đổ ở đấy để lấy củi, nước”
[12].
Có thể nói, Cù Lao Chàm trước đây đóng vai trò, vị thế quan trọng trong hệ thống giao thương buôn bán của các nước trên biển Đông, là nơi tạo sự liên kết buôn bán hàng hải nội địa và quốc tế, góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển phồn thịnh của đô thị thương cảng Hội An thế kỷ XVII-XIX.
[1] Phạm Hoàng Quân (2011),
Người Việt với biển, Nxb Thế giới, tr.433 - 434.
[2] Hoàng Anh Tuấn (2007), “Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở biển Đông thời vương quốc Champa” trích trong
Kỷ yếu Cù Lao Chàm – Vị thế, tiềm năng và triển vọng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An xuất bản, tr.121.
[3] Cristophoro Borri (1998),
Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.91.
[4] Thích Đại Sán (1963),
Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Uỷ ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Sài Gòn xuất bản, tr 30-31.
[5] Trần Văn An (dịch), Bản sao sách hiện lưu trữ tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[6] Thái Đình Lan (2006),
Hải Nam tạp trứ, Trần Ích Nguyên giới thiệu, Nxb Lao động, tr.168-169.
[7] Nguyễn Duy Chính (dịch),
William Alexander và Họa phẩm về Đàng Trong, tr.30-31.
[8] Tập điều tra về làng xã Quảng Nam do Viễn Đông Bác cổ học viện thực hiện năm 1941-1943, Bản sao lưu giữ tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[9] J. Barrow,
Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, Nxb Thế Giới, 2011, tr.102.
[10] Lê Quý Đôn (1977),
Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.116.
[11] Phan Huy Chú,
Bản quốc hải trình hợp thai 1833, Viện nghiên cứu Hán Nôm VHv2017-VHv2556.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (1999),
Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.358-359.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền