Sự hình thành và phát triển khu phố Hội An (Qua tự liệu: Văn bia, thư tịch và khảo cổ học)

Thứ tư - 26/07/2017 23:42
Mở đầu
Hội An là một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam (miền Trung Việt Nam), có diện tích khoảng 60km2 với dân số 77.000 người (số liệu năm 1998). Đô thị cổ này nằm cách thành phố Đà Nẵng chừng 30 km về phía Nam, là cảng thị hình thành bên bờ trái của sông Thu Bồn, con sông cung cấp nước cho phía Nam thị xã và cao nguyên miền Trung. Hội An được biết đến với tư cách là cảng mậu dịch quốc tế vào thế kỷ XVII, nơi đã từng tồn tại một khu phố Nhật Bản trong thời kỳ thương mại Châu ấn thuyền.
           Khu phố cổ Hội An được hình thành trên cơ sở ba con đường chính chạy dọc theo sông Thu Bồn. Tiếp giáp với bờ sông là đường Bạch Đằng rồi đến Nguyễn Thái Học và Trần Phú. Phía Tây đường Trần Phú là một chiếc cầu có mái, cầu Nhật Bản. Chiếc cầu này còn được gọi là Chùa Cầu hay Lai Viễn Kiều. Vượt qua Chùa Cầu là đường Nguyễn Thị Minh Khai và ở phía sau Trần Phú là đường Phan Chu Trinh.

          Khu phố chức đựng nhiều chứng tích lịch sử này ước chừng có tới 400 ngôi nhà, nằm theo chiều dài 900 mét chạy theo hướng Đông – Tây, trong đó có 300 mét chạy theo hướng Bắc – Nam của những con đường trọng yếu nêu trên. Trên cơ sở những giá trị lịch sử và văn hóa của Đô thị cổ Hội An, năm 1985 chính phủ Việt Nam đã quyết định bảo tồn khu phố cổ và coi đó là tài sản văn hóa quốc gia. Vào tháng 12 năm 1999, Hội An lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

           Năm 1990, trước khi cuộc hội thảo quốc tế về Hội An được tổ chức ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến những vấn đề liên quan tới dấu tích của khu phố Nhật từng tồn tại ở cảng thị này thế kỷ XVII[1]. Trên cơ sở các đợt nghiên cứu về kiến trúc sau cuộc Hội thảo đó, người ta cho rằng hiện nay ở Hội An không còn những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ XVII nữa. Vì vậy thời kỳ hình thành khu phố còn được bảo tồn đến nay, dù là rất cổ, cũng phải được xây dựng trong các thế kỷ XVIII – XIX[2]. Để làm rõ quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ Hội An, trong bài viết này, tôi muốn trình bày và phân tích những tài liệu văn bia, thư tịch cũng như các kết quả nghiên cứu khảo cổ học để góp phần làm sáng tỏ thêm thời gian và quá trình hình thành khu phố cổ rất có giá trị về lịch sử văn hóa này.

           I.TƯ LIỆU VĂN BIA
          Chúng ta đều biết, trong số ba con đường chính chạy theo hướng Đông – Tây ở Hội An, Bạch Đằng là con đường nằm gần bờ sông được xây dựng năm 1872 dưới thời Pháp thuộc, đường Nguyễn Thái học được xây dựng năm 1841, còn đường Trần Phú hình thành khi nào thì vẫn chưa rõ.

         Thực tế cho thấy, trên đường Trần Phú có nhiều nhà cổ, tập trung các hội quán và miếu của Hoa Kiều giàu có di cư đến Hội An từ nhiều vùng khác nhau. Từ phía Đông khu phố là các Hội quán Triều Châu, Hội quán Hải Nam, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông. Ngoài ra, còn có Hội quán Trung Hoa của Hoa Kiều. Ở các hội quán và miếu mà chúng tôi đề cập trên đây hiện còn lưu giữ nhiều văn bia. Đó là nguồn tư liệu có giá trị để khảo cứu về thời gian xây dựng, tôn tạo các hội quán và miếu.

          Truyền rằng, miếu Quan Thánh (dân gian còn gọi là Chùa Ông, miếu Quan Công) nằm ở góc đường Trần Phú và đường Nguyễn Huệ được xây dựng năm 1653 thờ Quan Công thời Tam quốc, Trung Quốc. Ở bức tường phía Đông trong khoảnh đất làm sân miếu có văn bia “Hội An Minh Hương Quan Thánh miếu trọng tu bi ký”, ghi lại việc ngôi chùa được tu sửa lớn vào năm Quý Dậu (1753). Văn bia chép rằng “Miếu Quan Thánh, chùa Quan Âm vốn do làng ta xây dựng từ hơn một 100 năm trước. Hình thể núi sông đẹp, vượng khí hun đúc, cảnh sông nước thanh tú bảo hộ cho xã tắc vững bền, phù hựu cho kẻ thương lữ được bình an, điều tốt nên có lòng cầu thì rất được”[3].

           Đến năm Quý Mão (1783), nhiều phần trong ngôi miếu lại được tu sửa. Về sự kiện này văn bia cũng ghi lại được như sau: “Quan thánh đế miếu vốn được hiền nhân đời trước xây dựng, sau được sửa sang to đẹp hơn, thời gian đến nay đã lâu. Thế đất bao quanh thật đẹp, hun đúc khí sông núi. Thần linh trắc giáng, xa gần đều được hưởng ơn. Sau này gặp chiến tranh, các miếu đều bị phá hủy nhưng riêng miếu ngài vẫn giữ được như xưa. Thật là thần càng hiển hách, sáng tỏ, càng được tế tự muôn đời”[4].

           Trước năm 1783, các miếu ở Hội An đều bị chiến tranh tàn phá nhưng riêng miếu Quan Thánh đã tránh được tai họa này. Tại sân miếu vẫn còn văn bia viết về việc tu sửa ngôi miếu vào các năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) và năm Tự Đức thứ 17 (1864), triều Nguyễn. Tiếp theo là Hội Quán Phúc Kiến thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Lục Tánh Vương Gia và Công Thần biểu trưng của sự trong sáng. Thiên Hậu Thánh Mẫu còn được gọi là Ma Tổ, là nữ thần biển được những người Hoa ở Đông Nam Á mà đặc biệt là những người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, Trung Quốc hết mực sùng bái. Lục Tánh Vương Gia là tiến sĩ cuối đời Minh, còn Công Thần là những võ tướng đã giương cao ngọn cờ kháng Thanh, phục Minh thời kỳ tao loạn, giao tranh giữa hai triều Minh – Thanh. Tương truyền, Hội Quán được xây dựng vào năm 1697. Trong hội quán, trên tấm văn bia nói về việc trùng tu vào thời Càn Long, năm Đinh Sửu (1757) có viết: “Đúng giờ Ngọ, dân chúng được rước tượng Ngài từ dưới sông lên núi thuộc đất Cẩm An của người Chiêm Thành. Miếu lợp bằng lá, từ lần trùng tu đầu đã hơn 60 năm, không thể lâu bền nên vào khoảng tháng ba mới sai dân chúng tu sửa lại miếu”[5]

           Do miếu bị phá hủy lớn nên ngôi miếu tạm lập năm 1757 được gọi làm miếu Rơm. Theo văn bia “Bản Hội quán trọng tu cập tăng kiến tiền môn bi ký” năm 1971 thì ban đầu miếu này được gọi là “Kim Sơn Tự”. Tại khu Nội đường có hoành phi đề chữ “Hải Quốc Tôn Thần” và “Đức Bối Thiên”.

           Hội Quán Trung Hoa lúc đầu gọi là Hội quán Dương Thương, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong sân chùa còn lưu một văn bia “Dương Thương Hội Quán công nghị điều lệ” lập vào thời Lê năm Vĩnh Hựu thứ 7 (1741) và văn bia “Trọng tu đầu môn phụ đầu bi ký” dựng vào thời Thanh, năm Hàm Phong thứ 5 (1855). Tại khu Nội đường vẫn còn lưu giữ bức hoành phi để bốn chữ “Hậu Đức bối thiên”. Hội quán Triều Châu có văn bia thời Thanh, lập năm Hàm Phong thứ 2 (1852), năm Quang Tự thứ 13 (1892). Tại Hội quán Quảng Đông cũng có văn bia lập năm Quang Tự thứ 11 (1890) và Hội quán Hải Nam cũng có văn bia niên hiệu Quang Tự. Như vậy trong số các hội quán ở đường Trần Phú mà trước hết là Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Trung Hoa và miếu Quan Thánh đều có những văn bia lập vào thế kỷ XVIII.

            Vào thời Edo (1603 – 1867) do chính quyền Nhật Bản thực thi chính sách “Bế quan tỏa cảng”, những người Nhật “phiêu lưu”đã ở lại Hội An làm ăn, sinh sống. Trong số các thương nhân đó, vào năm Minh Hòa thứ 3 (1766), một số thương gia Nhật Bản ở Hội An đã vượt qua bao khó khăn để trở lại vùng Taga, thuộc lĩnh địa Hitachi (hiện nay là tỉnh Ibaragi). Sau khi về Nhật Bản, họ đã viết nhiều diện mạo và cuộc sống của Họi An đương thời[6].

            Dựa vào mô tả của người Nhật từng sống ở Hội An mà chúng ta biết được, Hội An là một cảng thị trên sông cách cửa biển 3,93km, có khoảng 500 đến 600 ngôi nhà. Về kết cấu, nhà phía trước giáp đường thường được lợp ngói, vách trái đất còn nhà trong chỉ là nhà mái lá tạm thời… Trong khu phố đó có ba ngôi chùa lớn và nhiều chùa nhỏ, mỗi chùa đều có tượng Phật. Ngôi chùa thứ nhất thờ Nữ thần và có bức hoành phi đề bốn chữ “Hải Quốc Tôn Thần”, ngôi chùa thứ hai có chữ: “Phối Đức Kim Sơn cung”, còn ngôi chùa cuối cùng thời Thần Dược (Bản tôn lạc sư) và tượng Quan Công ở phía trước.

           Trong số các ngôi chùa mà những người Nhật tận mắt chứng kiến, chùa thờ Thần Dược và tượng Quan Công trước đây có thể là miếu Quan Thánh và chùa Quan Âm hiện nay. Nhưng những người Nhật này đã cho Chùa Quan Âm là chùa thờ Thần Dược. Trong khi đó “Phối Đức Kim Sơn Cung” có thể là Hội Quán Phúc Kiến hay còn được gọi là “Kim Sơn tự”. Còn địa điểm có bức hoành phi với bốn chữ “Hải Quốc Tôn Thần” thờ Thiên Hậu thánh mẫu có khả năng là Hội quán Phúc Kiến hiện nay. Tại đây, trong chùa vẫn treo bức hoành phi để rõ “Hải Quốc Tôn Thần”. Hai chữ “Phối Đức” đều được viết ở Hội quán Phúc Kiến và Hội quán Trung Hoa nên thời ấy có khả năng những người Nhật này đã nhầm lẫn Hội quán Phúc Kiến với Hội quán Trung Hoa. Vì vậy, ngoài miếu Quan Thánh, để xác định rõ lai lịch hai ngôi chùa còn lại là điều hết sức khó khăn. Việc họ đã từng nhìn thấy những công trình kiến trúc. Như vậy các ngôi  chùa mà những người Nhật ở Hội An đã tận mắt chứng kiến là các công trình kiến trúc tiền thân của 2 hội quán nay là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

            Trên cơ sở những ghi chép của người Nhật đã từng sống ở Hội An và thực trạng các hội quán, chúng ta có thể xác định niên đại của những công trình kiến trúc được tu bổ phía Bắc đường Trần Phú hiện nay. Chúng tôi cho rằng, vào nửa sau thế kỷ XVIII các công trình kiến trúc, tiền thân của miếu và hai hội quán đã được xây dựng. Nhưng những dấu ấn của thế kỷ XVII vẫn cần thiết phải được kiểm chứng bằng các phát hiện khảo cổ học. Về điểm này chúng tôi xin được trình bày ở phần sau.

            II. TƯ LIỆU THƯ TỊCH

           Trong những gia đình hiện đang sinh sống ở đường Trần Phú, một số hộ vẫn còn giữ được gia phả và giấy tờ nhà đất. Theo kết quả nghiên cứu của Mark Chang, chuyên viên thuộc Trường Đại học Chiêu Hòa, người đã điều tra nhiều thư tịch cổ thì hiện nay có 36 gia đình ở đường Trần Phú vẫn giữ được “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” và “Khế ước mua bán nhà”[7]. Trong số này, những giấy tờ thuộc thế kỷ XVIII mà nhà số 143 đường Trần Phú hiện đang lưu giữ là “Khế ước mua bán nhà” vào thời Lê, năm Thái Đức thứ 5 (1782) và “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” năm Thái Đức thứ 8 (1785). Ngoài ra, chủ nhân ngôi nhà số 42 vẫn còn lưu giữ được “Khế ước mua bán nhà đất” triều Tây Sơn, năm Quang Trung thứ 2 (1789), nhà số 52 và 55 có “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” năm Thái Đức thú 8 (1785), nhà số 88 có “Khế ước mua bán nhà đất” thời Lê, năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), nhà số 132 có “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” năm Thái Đức thứ 8 (1785).

            Ngoài đường Trần Phú, giấy tờ đăng ký nhà đất thuộc thế kỷ XVIII còn có ở nhà số 3 đường Nguyễn Thị Minh Khai với “Khế ước mua bán nhà đất” thời Lê, năm Vĩnh Hữu thứ 5 (1739). Ngôi nhà này gần cầu Nhật Bản nằm ở phía Tây đường Trần Phú. Nhà số 47 đường Lê Lợi có “Khế ước mua bán nhà đất” thời Lê, năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Nhà số 47 đường Lê Lợi, tiếp giáp với phía Nam đường Trần Phú và nằm dọc theo đường Trần Phú.

             Như vậy, các văn thư cổ thế kỷ XVIII chỉ được phát hiện tậy trung trong những ngôi nhà dọc theo đường Trần Phú còn từ đường Nguyễn Thái Học trở về Phía Nam thì không tìm được các văn bản tương tự. Các văn thư cổ thế kỷ XIX tập trung nhiều vào triều Nguyễn, thời Gia Long giai đoạn (1802 - 1820) nhưng đặc biệt là năm Gia Long thứ 10 (1811)[8].

          Các văn thư cổ thế kỷ XVIII quá nửa là những giấy tờ được lập sau thời tao loạn diễn ra ở khu vực gần Hội An trong khoảng thời gian năm 1773 – 1775, trùng với thời kỳ nội chiến giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn. Chúng ta đều biết, từ nửa sau thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII là thời kỳ phân tranh quyền bính giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong (Trung Bộ hiện nay) và chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài nhưng thực tế quyền lực đều nằm trong tay các võ thần. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, giai đoạn cuối của triều Lê, đã xảy ra tình trạng phân tranh quyền lực giữa các thế lực phong kiến, quốc chính suy bại nên năm 1771 nghĩa quân Tây Sơn đã nổi dậy, giương cao ngọn cờ “Phù Lê, diệt Trịnh” và đồng thời chống lại chúa Nguyễn.

            Ở vùng phụ cận Trấn Quảng Nam, khu vực ngoại ô đô thị cổ Hội An, nơi có những cư quán của chúa Nguyễn, đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa chúa Nguyễn với nghĩa quân Tây Sơn và quân Nam chinh của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục nhà bác học Lê Quý Đôn, người đã sống dưới thời chúa Trịnh cũng như trong Đại Nam thực lục tiền biên, bộ chính sử của triều Nguyễn, cũng đã ghi lại các sự kiện đó. Tuy vậy, các công trình  này không thấy ghi chép gì về cuộc phân tranh diễn ra ở Hội An. Hội An, cảng thương mại giao dịch giữa Việt Nam và quốc tế đương thời chỉ ít nhiều chịu ảnh hưởng của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào năm 1775. Bức hoành phi khắc năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) treo ở miếu Quan Thánh, Hội An có viết: “Tiết Đoan Dương, năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh hưng thứ 36. Tiến sĩ khoa Tân Hợi, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, phụng tả hữu tướng quân nhật thị tham tòng, thượng thư bộ hộ, tri Đông Các kiêm tri Trung thư giám quốc sử tổng tài đại tư đồ, chí sĩ khởi phục trung tiệp quân doanh trưởng thư Quan. Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, hiệu Hy Tư Phủ dâng thư”[9].

            Nguyễn Nghiễm là võ tướng nhưng ông là người văn – võ song toàn, làm quan cho nhà Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông dâng thư vào miếu Quan Thánh nên việc Hội An từng chịu sự chiếm đóng của quân chúa Trịnh ở Đàng Ngoài là điều có thể xảy ra. Nhưng, cũng vào tháng 10 năm đó, quân Trịnh đã rút ra khỏi Quảng Nam, đưa đến sự ra đời của Phú Xuân (Huế ngày nay). Trong Phủ biên tạp lục có ghi: “Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm muốn lưu binh lại giữ Quảng Nam, đặt quan trấn giữ nhưng không ai nghe bèn bỏ hai phủ Thăng, Điện, tháng mười rút về Phú Xuân, lấy cớ bị bệnh xin về kinh, giữa đường thì mất”[10]. Thăng, Điện chính là hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Khu vực vốn thuộc Hội An (Đà Nẵng hiện nay) nhập vào khu vực của phủ Điện Bàn. Tướng quân Nguyễn Nghiễm sau khi dời đất Quảng Nam giữa đường bị bệnh rồi mất.

           Diện mạo Hội An cùng với khởi nghĩa Tây Sơn cũng đã được nhiều người nước ngoài ghi chép lại. Năm 1778, một người Anh có tên là Chapman đã tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của một cảng thị quốc tế từng nổi tiếng một thời. Ông viết: “Tới Hội An, tôi ngạc nhiên trước những con đường chạy ngang dọc với những ngôi nhà lợp mái ngói, trước những dãy phố có vỉa hè lát đá của một số đô thị lớn nhưng giờ đây đã bị hoang tàn, các ngôi nhà chỉ còn lại bức tường bên ngoài”[11]

          Đến những năm 1740 – 1755, Jean Kofler, là quan thái y trong Vương Cung ở Huế cũng viết về Hội An như sau: “Quân Trịnh đã phá hoại đô thị Hội An, nơi tập trung mọi hoạt động của đô thị và có thể gọi là một trung tâm lớn về thương mại giữa Việt Nam và quốc tế”[12]. Qua những nhận xét đó, chúng ta có thể suy đoán sự tàn phá của chiến tranh đối với khu phố. Hơn thế nữa, qua những ghi chép trên văn bia lập năm Quý Mão (1783) hiện dựng tại bức tường phía Tây miếu Quan Thánh mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên cũng đã viết: “Sau cùng, do nạn binh đao, các miếu bị sập hoặc hư hỏng nhưng riêng miếu Quan Thánh vẫn như xưa”. Từ những nguồn tư liệu nêu trên, có thể hình dung trong thời kỳ chiến tranh Trịnh – Nguyễn, đô thị cổ Hội An có thể đã bị tàn phá: Nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ chúa Trịnh năm 1786, triều Lê năm 1789, mở ra triều Tây Sơn nhưng đến năm 1802 triều Tây Sơn lại bị Nguyễn Phúc Ánh lật đổ. Ông là người dòng dõi với chúa Nguyễn, may mắn sống sót sau các cuộc tao loạn. Sau khi giành được chính quyền, Nguyễn Phúc ánh lên ngôi và trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn (1802 - 1945).

            Hội An từ triều Tây Sơn (1788 - 1802) bắt đầu có những dấu hiệu phục hưng. Những sự phục hưng của đô thị cổ này phải trải qua một thời gian tương đối dài. Đến năm 1793, John Barrow, trong dịp đến thăm Đà Nẵng cũng đã ghi lại sự hoang tàn của phố Hội[13]. Tuy nhiên từ năm 1797 chính quyền Tây Sơn đã thiết lập các Xưởng thuyền và bắt đầu kiểm soát hoạt động thương mại ở Hội An[14]. John Crawfurd, người Anh, vào nửa đầu thế kỷ XIX cũng đã ghi lại những hoạt động thương mại của Việt Nam với các thuyền buôn Trung Quốc và coi Hội An là cảng thị giữ vị trí quan trọng thứ ba về trao đổi thương mại sau Sài Gòn và Đông Kinh (Hà Nội ngày nay)[15].

            Như chúng tôi đã đề cập trên đây, quá nửa văn thư cổ đang được bảo quản trong các gia đình ở Hội An là những tư liệu được lập sau năm 1780. Đó là những văn bản, ghi chép ở văn bia, trên những bức hoành phi và một số thư tịch của nước ngoài. Dựa vào các nguồn tư liệu đó chúng tôi cho rằng, sau khi bị tàn phá, vào thời Gia Long vai trò thương mại quốc tế của Hội An từng bước đã được phục hồi. Kết luận đó sẽ được bổ sung thêm bằng những kiểm chứng qua nghiên cứu khảo cổ học.

            III. TƯ LIỆU KHẢO CỔ

           Để giải thích lịch sử hình thành khu phố cổ Hội An, từ năm 1993 được sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, chúng tôi đã thực hiện điều tra khai quật ở một số địa điểm trên các đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Chu Trinh…[16]. Ở đường Trần Phú, đoàn nghiên cứu đã khai quật tại các ngôi nhà số: 65, 69, 78, 80, 85, và 144, đồng thời tiến hành thám sát tại nhà số 182. Ở phía Tây cầu Nhật Bản, đoàn nghiên cứu đã khai quật đình Cẩm Phô, đình Tu Lễ và thám sát tại nhà số 6. Ở đường Phan Chu Trinh, điều tra khai quật 3 địa điểm: nhà số 129, nhà số 69/5 và Trường trung học cơ sở Nguyện Duy Hiệu. Ngoài ra, trước năm 1990 các chuyên gia khảo cổ học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học quốc gia Hà Nội) cũng đã thực hiện việc khai quật tại Hội quán Triều Châu trên đường Trần Phú và số nhà 2 đường Nguyễn Thị Minh Khai[17].

          Nhà số 85 đường Trần Phú, ngôi nhà ở về phía Nam con đường này, có đặc trưng là nhà một tầng với mặt tiền làm bằng vách gỗ. Qua nghiên cứu kiến trúc, người ta cho rằng kiểu nhà này cổ hơn trong số những ngôi nhà xưa hiện còn ở khu phố cổ. Qua cấu tạo, đồ trang trí của ngôi nhà trong so sánh với những ngôi nhà đã xác định được niên đại tuyệt đối thì ngôi nhà số 85 đường Trần Phú được coi là xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX[18]. Ngôi nhà này hiện còn lưu giữ được “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” và “Giấy mua bán nhà” năm Gia Long thứ 10 (1811).

           Chúng tôi đã khảo nghiệm lại cấu tạo kiến trúc nền gốm ba lớp được coi là xây dựng qua ba thời kỳ và tiến hành khảo sát phía sau của toàn nhà này. Cấu tạo kiến trúc bề mặt lớp thứ ba là cấu tạo của nhà sau đối xứng với ngôi nhà ở phía trước. Cấu tạo kiến trúc tầng giữa lớp thứ hai là mặt sàn của nhà cầu (tòa nhà đóng vai trò liên kết giữa nhà trước và nhà sau) cao hơn một bậc so với khu vực sân giữa có lát đá. Cấu tạo kiến trúc lớp thứ nhất, lớp sâu nhất, là hai vỉa gạch được coi là sàn của nền nhà. Tại đây, chúng tôi đã phát hiện được hai vỉa gạch nhưng có lẽ niên đại cách đây không xa. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện được 1 số mãnh vỡ gốm sứ của lò Quảng Đông và Phúc Kiến có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII đến nữa đầu thế kỷ XVIII. Đồng thời, ở tầng sâu nhất của cấu tạo kiến trúc lớp thứ nhất cũng có niên đại cuối thế kỷ XVII. Chúng tôi đã phát hiện những mảnh gốm sứ Trung Quốc niên đại cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII từ bề mặt lớp thứ nhất và phía dưới của cấu tạo kiến trúc nền ở lớp thứ hai. Vì vậy, cấu tạo kiến trúc của lớp thứ nhất và lớp thứ hai đã được kiểm nghiệm là cấu tạo kiến trúc cuối thế kỷ XVII hoặc thế kỷ XVIII.

          Từ những điều trên, ngôi nhà số 85 hiện nay là kiến trúc mới, được xây dựng trên cơ sở kết cấu của ba lớp nền cũ. Về niên đại không có gì mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu kiến trúc và niên đại trong những văn thư cổ.

          Trên cơ sở khảo sát nền đất kiến trúc ở những địa điểm khai quật khác như khu vực phía Nam đường Pham Chu Trinh, phía Bắc đường Trần Phú đến đường Nguyễn Thị Minh Khai đều có những lớp đất chứa các di vật với cấu tạo kiến trúc có niên đại thế kỷ XVII. Các lớp đất có dấu vết kiến trúc này nằm ở độ sâu 70-100 cm tính từ mặt đất hiện tại. Ở địa điểm trường Nguyễn Duy Hiệu, những di vật và cấu tạo kiến trúc của thế kỷ XVII ở độ sâu 150 – 200 cm tính từ mặt đất cũng đã tìm được nhiều hiện vật cùng thời[19]. Điều có thể khẳng định rằng, thông qua các cuộc điều tra khai quật trong khu phố cổ hiện nay, tại các địa điểm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai và phía Bắc đường Trần Phú, phía trên lớp đất có chứa các di vật của thế kỷ XVII còn có một lớp đất khác được dùng làm nền nhà của những ngôi nhà hiện nay. Việc xác định chính xác niên đại lớp đất đắp lên đó là hết sức khó khăn. Còn ở số nhà 69/5 đường Phan Chu Trinh, những hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trong các tầng văn hóa cũng đã được tìm thấy.

           Dựa theo phương pháp điều tra áp dụng tại ngôi nhà số 85 đường Trần Phú, ngôi nhà có dáng vẻ cổ, trên tầng đất kiến trúc có niên đại cuối thế kỷ XVII hay đầu thế kỷ XVIII, chúng tôi cho rằng khu phố hiện nay hình thành sớm nhất là vào cuối thế kỷ XVII hay đầu thế kỷ XVIII.

            IV. SỰ HÌNH THÀNH KHU PHỐ CỔ HỘI AN

           Từ những tư liệu thư tịch, văn bia và điều tra, khai quật khảo cổ ở thực địa, chúng tôi có một số ý kiến sau về thời kỳ hình thành khu phố cổ Hội An hiện nay.

           Trước hết, cấu tạo kiến trúc cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII nằm dưới lòng khu phố thuộc đường Trần Phú vẫn đang tồn tại. Qua nghiên cứu các tài liệu văn bia và thư tịch các chùa, đền, miếu ở Hội An đều bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy, quá nửa khu phố Hội An có thể đã bị phá hủy. Theo những ghi chép của Chapman thì điều đó xảy ra trước năm 1778, ước chừng trong khoảng thời gian từ 1773 – 1775. Dựa vào mô tả của Jean Kofler, thì lực lượng tàn phá Hội An chính là quân Nam chinh của nhà Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong sử liệu không ghi chép về sụ giao tranh giữa chính quyền Lê – Trịnh và chúa Nguyễn ở Hội An nhưng có việc quân Trịnh rút khòi Hội An tháng 10 năm 1775 sau khi chiếm đóng ở đây. Việc quân Trịnh chủ trương phá hoại một đô thị kinh tế, trung tâm mậu dịch chủ yến ở Đàng Trong của chúa Nguyễn là điều chúng ta có thể hiện được. Người ta cho rằng sau khi bị tàn phá, đến thời Tây Sơn đặc biệt là sau năm 1780, khi nhà Tây Sơn đã xóa bỏ được tình trạng nội chiến và năm 1797 khi những Xưởng thuyền đã thành lập, Hội An đã từng bước được khôi phục và tiếp tục đóng vai trò là một cảng thị quốc tế của Việt Nam.

           Sự phục hưng của khu phố cổ được bắt đầu từ đường Trần Phú hiện nay, trước tiên là miếu Quan Thánh rồi đến các Hội quán, nhà phố. Những giấy tờ cổ như: “Giấy chứng nhận đăng ký nhà đất” được bảo quản kỹ lưỡng ở các gia đình thuộc đường Trần Phú là bằng chứng có sức thuyết phục về những vấn đề mà chúng tôi đã trình bày.

           Khu phố cổ Hội An bắt đầu từ đường Trần Phú và được mở rộng dần về phía Nam. Những giấy tờ cổ của nhà số 85 đường Trần Phú là “Giấy chứng nhật đăng ký nhà đất” và “Giấy mua bán nhà” các năm 1811, 1812, 1838, 1876 đã cho thấy điều đó. Như ông Mark Chang đã phân tích, những giấy tờ cổ cho đến năm 1838 đều viết về sự hiện diện của một con sông ở phía Nam ngôi nhà số 85 này. Trong những giấy tờ cổ lập năm 1876 đều có ghi sự tồn tại của những ngôi nhà nằm ở phía Nam nhà số 85. Điều đó chứng tỏ rằng, dòng sông ở phía Nam ngôi nhà số 85 thời gian sau này đã chuyển dịch dần xuống phía Nam và nhà cửa xây dựng với kiến trúc mới đã được dựng lên ở những vùng đất mới bồi tụ. Như đã trình bày ở trên, đường Nguyễn Thái Học được xây dựng với kiến trúc mới đã được dựng lên ở những vùng đất mới bồi tụ. Như đã trình bày ở trên, đường Nguyễn Thái Học được xây dựng năm 1841 và dãy nhà ở đường Nguyễn Thái Học hiện nay đã được hình thành vào thời kỳ này. Càng về sau, lòng sông càng chuyển dần về phía Nam vì vậy mà đường Bạch Đằng được xây dựng năm 1872. Do đó, cùng với sư mở rộng về phía Nam của sông Thu Bồn, có thể nói sự hình thành khu phố hiện nay cũng phát triển theo hướng chuyển dịch của dòng chảy.

            Từ những điều trình bày trên đây, khu phố hiện nay đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới có thể được hình thành sua khi kết thúc nội chiến với trung tâm phát triển là đường Trần Phú.

            KẾT LUẬN
           Dựa và tư liệu thư tịch và khảo cổ, tư liệu văn bia ở thực địa, chúng tôi đã tìm hiểu thời kỳ hình thành khu phố Hội An hiện nay. Có thể khẳng định rằng: diện mạo khu phố cổ hiện nay được hình thành và phát triển từ sau khi nhà Tây Sơn dẹp yên các cuộc nội chiến.

          Do vậy, diện mạo của Hội An năm 1776 mà những người Nhật đã chứng kiến là một trong những nguồn thông tin quan trọng cho biết hình ảnh khu phố Hội An thời kỳ trước đó. Như đã trình bày ở trên, khu phố cổ Hội An có từ 500 – 600 ngôi nhà và ba ngôi chùa. Một trong ba ngôi chùa vốn là miếu Quan Thánh đã tránh được thảm họa chiến tranh khi nhà Tây Sơn nổi dậy diệt Nguyễn, đuổi Trịnh.

          Mạn Bắc của đường Trần Phú hiện nay là Hội quán Phúc Kiến và Hội quán Trung Hoa còn giữ được các văn bia thế kỷ XVIII. Cùng với sự tồn tại của miếu Quan Thánh, khu phố Hội An thế kỷ XVIII trước thời kỳ nôi chiến nói trên có thể kéo dài từ miếu Quan Thánh ở đường Trần Phú đến đường Lê Lợi. Dựa vào điều tra, khai quật khảo cổ học, những kết cấu kiến trúc cuối thế kỷ XVII, thế kỷ XVIII từ dưới lòng đất ngôi nhà số 85 đã được kiểm nghiệm. Ngoài ra, kết cấu kiến trúc từ dưới lòng đất các ngôi nhà số 65, 69 cũng được khảo cứu để lấy đó làm cơ sở chứng minh cho những vấn đề nêu trên[20].

           Diện mạo của khu phố Hội An thế kỷ XVII trong đó có phố Nhật Bản đã được miêu tả trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán. Phố cổ Hội An cũng được Thomas Bowyear ghi chép, thậm chí còn được thể hiện trong bức tranh Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ và trong cả bức thư của một thương nhân Nhật Bản có tên Kadoya Shichirobei sống ở Hội An.

           Kết cấu kiến trúc thế kỷ XVII của Hội An nằm ở độ sâu 70 – 100 cm so với mặt đất hiện tại. Mặc dù giới chuyên môn đã thu được một số kết quả nghiên cứu qua các cuộc điều tra, khai quật số nhà 85 đường Trần Phú hay tại những địa điểm khác, thì con đường này tự nó cũng không thể chứa đựng hết những dấu ấn của Hội An thế kỷ XVII[21]. Vì vậy, phố Nhật Bản ở thế kỷ XVII có thể không phải nằm nguyên ven trên dãy phố ở đường Trần Phú hiện nay. Khu phố cổ này cũng không phải là sự lặp lại hoàn toàn như những dãy phố thế kỷ XVIII trước khi nội chiến xảy ra. Phố Nhật Bản thế kỷ XVII có thể còn phải tìm kiếm ở những địa điểm khác nữa trong khu vực phố cổ.

            Việc tiến tới một sự chứng minh rõ ràng về lịch sử hình thành khu phố Hội An trên cơ sở nghiên cứu khảo cổ học là công việc hết sức cần thiết. Chúng ta không có phương pháp nào khác ngoài việc xác định và làm rõ địa điểm cư trú của cư dân Hội An qua mỗi thời kỳ. Qua các cuộc điều tra, khảo sát đã được thực hiện, vị trí của phố Nhật Bản và dãy phố trước nội chiến cũng như kiến trúc đô thị đã hiện lên tương đối rõ. Chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử, với tư cách là một Di sản văn hóa thế giới, Hội An còn có rất nhiều vấn đề hấp dẫn cần phải được tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

           Cuối cùng, nhân dịp công bố một số kết quả nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển củ đô thị cổ Hội An, chúng tôi xin trân trọng cám ơn sự giúp đỡ quý báu của GS. Phan Huy Lê cùng các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An và các Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Trung Hoa… đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi khảo cứu thực địa cũng như tìm hiểu các văn bia cổ.
 

[1] Ogura Sadao: Người Nhật thời đại Châu ấn thuyền, Nxb Chuko Shinsho, 1989, tr.60.
[2] Fukukawa Yuichi: Báo cáo bảo tồn dãy phố Hội An ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1997, tr. 33 – 40.
[3] Điều tra của tác giả.
[4] Điều tra của tác giả.
[5] Điều tra của tác giả.
[6] Niên biểu sự đi lại của thuyền, cuốn 177.
[7] Mark Chang: Điều tra sổ đất đai nhà cửa và Báo cáo bảo tồn dãy phố Hội An ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1997, tr. 33 – 40.
[8] Mark Chang: Điều tra số đất đai nhà cửa..., tr. 37.
[9] Điều tra của tác giả.
[10] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Quyển 1, 1776, trích dẫn VNv, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Việt Nam.
[11] Kim Vĩnh Kiện: Quan hệ Đông Dương và Nhật Bản, 1943, tr. 190.
[12] Nguyễn Quốc Hùng: Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, NXb. Đà Nẵng, 1995, tr.33.
[13] Trần Kinh Hòa: Thương nghiệp và những người Trung Quốc ở Hội An thế kỷ XVII – XVIII, “Tân Á học báo”, Phần I, Quyển 3, 1957, tr. 312.
[14] Nguyễn Quốc Hùng: Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa..., tr.29.
[15] Matsumura Akira: Khu vực Hải Dương với việc di dân hải ngoại vào Triều Thanh, “Lịch sử nhìn từ xung quanh”, Hội xuất bản Trường Đại học Quốc gia Tokyo, 1994, tr. 169 – 170.
[16] Kikuchi Seiichi và một số người khác: Báo cáo điều tra khảo cổ học Hội An, Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1998.
[17] Hoàng Văn Khoán, Lâm Mỹ Dung...: Khai quật thêm sau Chùa Âm Bổn thị xã Hội An (Quảng Nam Đà Nẵng), Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989, 1990, tr. 173 - 174.
[18] Fukukawa Yuichi: Báo cáo bảo tồn dãy phố Hội An ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1997, tr. 167.
[19]  Kikuchi Seiichi: Số nhà 85 đường Trần Phú, phần 2, “Báo cáo điều tra khảo cổ học ở Hội An, Việt Nam”, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1998, tr. 32 – 35.
[20] Kikuchi Seiichi: Điều tra khảo cổ học, “Báo cáo điều tra việc bảo tồn khu phố Hội An, Việt Nam”, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1998, tr. 41 – 42.
[21] Nhưng loại trừ khu vực xung quanh cầu Nhật Bản. Tác giả xác nhận lớp đất chứa đựng hiện vật thế kỷ XVII khi điều tra tại ngôi nhà số 182, đường Trần Phú, gần cầu Nhật Bản.
 
Trích sách: Nguyên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb: Thế giới, năm 2010.

Tác giả: GS. Kikuchi Seiichi

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây