Trước hết, lễ tục quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người dân Hội An là lễ hội cầu Bông. Hiện nay, lễ hội này được duy trì tổ chức thường xuyên và quy mô tại làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà. Theo truyền khẩu, lễ hội Cầu Bông của cư dân Trà Quế đã có rất lâu đời, hằng năm đến ngày mồng bảy tháng Giêng nhà nhà đều cúng Cầu Bông để cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho cây - rau xanh tốt, đơm bông kết trái và cầu mong đời sống nhân dân được an lành. Lễ cúng không chỉ được dân làng cúng chung tại khu vực trồng rau mà mỗi gia đình đều sắm sửa một mâm lễ vật riêng để cúng tại nhà. Lễ vật cúng gồm mâm xôi màu hồng, con gà trống, hương đèn, hoa quả, trà rượu, vàng mã. Thời gian gần đây, du lịch Hội An ngày càng phát triển, làng rau Trà Quế đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, thu hút một lượng khách tham quan rất lớn, từ đó những giá trị về văn hóa phi vật thể dần được phát huy mạnh mẽ, trong đó có lễ hội Cầu Bông được tổ chức với quy mô lớn.
Thần Nông là vị thần được người nông dân tôn kính và xem là đã sáng tạo ra cây cày, lưỡi cuốc và dạy người dân trồng lúa, trồng trọt hoa màu. Từ xa xưa, người dân ở Hội An đã xây dựng miếu để thờ cúng Thần Nông nhằm bày tỏ lòng tri ân với ngài. Hiện nay, tại nhiều địa phương ở Hội An vẫn còn miếu hoặc đàn, nền tế Thần Nông như miếu Thần Nông ở phường Cẩm Phô
(số 76 đường Trần Hưng Đạo), nền Thần Nông ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp; dấu vết đàn Thần Nông ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh.
Cúng Mục đồng cũng là lễ tục đã có từ lâu đời và được lưu truyền đến ngày nay trong sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân Hội An. Tín ngưỡng này xuất phát từ quan niệm của nhà nông xem “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Từ quan niệm đó, lễ cúng Mục đồng được tổ chức nhằm bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ công lao của những người nuôi dưỡng, chăm sóc trâu, bò - loài vật nuôi đóng vai trò là lực lượng sản xuất chính của nghề nông. Không những vậy, lễ cúng Mục đồng còn nhằm mục đích cầu mong cho trâu, bò nói riêng, gia súc nói chung khỏe mạnh, tránh dịch bệnh. Được biết, trước đây lễ cúng Mục đồng thường diễn ra vào hạ tuần tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, thời điểm tổ chức còn tùy thuộc vào mùa thu hoạch lúa nên ngày cúng không cố định. Sau vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân,
khoảng tháng 3 âm lịch, để chuẩn bị cho vụ mùa mới, nhân dân trong làng họp lại để cùng bàn bạc chọn một ngày để cúng Mục đồng. Hiện nay, lễ cúng mục đồng còn được duy trì ở xóm Cây Giá - thôn Thanh Đông - xã Cẩm Thanh.
Về lễ cúng cơm mới, lễ cúng này không giống các lễ cúng nêu trên là tập trung cúng tại một địa điểm mang tính chất cộng đồng mà được tổ chức ngay tại mỗi gia đình. Ngay sau khi thu hoạch lúa về, mỗi gia đình chọn ngày tốt để cúng, dùng gạo lúa mới để nấu cơm cúng. Mục đích của tín ngưỡng này là nhằm tạ ơn Thần Nông, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các vị thần sở tại như Thành Hoàng bản xứ, các vị tiền nhân và các vị nhiên thần đã bảo vệ mùa màng tươi tốt, đem lại cuộc sống yên bình, đủ đầy cho người nông dân.
Hiện nay, trước xu thế hội nhập của nền kinh tế thị trường cùng sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện tại Hội An. Những sự thay đổi này đã tác động nhất định đến đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Hội An, trong có các lễ tục liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy rằng lễ cúng Thần Nông là một trong những lễ cúng được coi trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp từ xa xưa của cộng đồng cư dân Hội An, lễ này được tổ chức rất quy mô với sự tham gia đông đảo của cư dân địa phương. Song, hiện nay do nhiều nguyên nhân mà mặc dù lễ cúng này vẫn được duy trì nhưng không còn quy mô như trước đây. Đối với lễ cúng Mục Đồng, ngày trước, sau khi phần lễ hoàn thành còn diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian dành cho người lớn và trẻ em trong làng, chẳng hạn như người lớn thì chơi trò bịt mắt đập nồi, kéo co, còn trẻ con thì chơi rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê tạo nên một không khí rộn ràng, tươi vui, xóa tan đi những mệt nhọc, vất vả trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, hiện nay phần hội này không còn được duy trì như trước nữa mà chỉ còn lại phần lễ. Lễ cúng cơm mới trong cộng đồng cư dân nông nghiệp cũng dần dần bị mai một, hiện nay lễ này không còn duy trì phổ biến tại các gia đình có hoạt động sản xuất nông nghiệp như trước đây.
Nguyên nhân sự mai một của các lễ tục liên quan đến sản xuất nông nghiệp nói trên có thể lý giải do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề ở Hội An. Trước những biến đổi trong đời sống kinh tế như vậy, khi người dân dần chuyển sang sinh sống bằng các công việc thuộc lĩnh vực tiểu thủ công, du lịch, dịch vụ, kinh tế nông nghiệp ít được chú trọng nữa đã dẫn đến những sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp cũng không còn được coi trọng và duy trì rộng rãi trong cộng đồng cư dân.
Có thể nói, những lễ nghi, phong tục, tâm linh, tín ngưỡng gắn bó mật thiết trong đời sống hàng ngày của cộng đồng cư dân. Bằng lòng tin tín ngưỡng, con người luôn hướng đến cái thiện, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên, thần linh, tổ nghiệp, đồng thời đề cao chủ nghĩa nhân đạo làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng trong sản xuất nông nghiệp nói riêng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, sắc thái văn hóa vùng miền, địa phương nói riêng. Có thể thấy, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Hội An khá đa dạng và mang dấu ấn đặc trưng của địa phương thông qua các hoạt động cúng tế, lễ hội. Trong thời điểm hiện nay, việc bảo tồn những yếu tố văn hóa - tín ngưỡng đó vừa duy trì sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian ở Hội An, đồng thời gắn kết cộng đồng dân cư và góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hội An.