Phố Nhật Bản ở Hội An qua nghiên cứu khảo cổ học

Thứ sáu - 21/07/2017 03:30
MỞ ĐẦU
Hội An là một cảng thị được hình thành ở cửa sông Thu Bồn, cách Đà Nẵng, thành phố lớn nhất của miền Trung Việt Nam 30km về phía Nam. Khu phố cổ có 3 con đường chạy theo hướng Đông Tây, ở đó từ đầu thế kỷ XIX đã xuất hiện những dãy nhà bằng gỗ. Cảng thị Hội An vừa có cảnh quan của một phố cảng vùng Đông Nam Á, lại vừa mang tính chất thị của một đô thị cổ Việt Nam. Bởi thế, vào năm 1985, cảng thị này đã được chính phủ Việt Nam công nhận là khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và năm 1999 đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Điều đáng chú ý là, ở cảng thị Hội An này đã từng tồn tại một khu phố “Phố Nhật Bản” vào thế kỷ XVII.
Phố Nhật Bản ở Hội An qua nghiên cứu khảo cổ học
Vào đầu thế kỷ XVII, trong thời kỳ Châu Ấn thuyền, các thương nhân Nhật Bản thường đi sang khu vực Đông Nam Á buôn bán và ở nhiều vùng họ đã lập các khu vực sống định cư lâu dài. Trong nhiều trường hợp, kiều dân Nhật đã sống tập trung tại một khu vực, được chính quyền sở tại công nhận quyền tự trị và thường ở nơi đó đã dần hình thành nên “Phố Nhât”[1]. Đó là khu phố: Faifo (mà giờ đây được gọi là Hội An) ở miền Trung Việt Nam, Ayutthaya ở Thái Lan, Pinhalu và Phnompenh ở Campuchia, Dilao và San Miguel ở Philippines v.v… Cũng có những trường hợp người Nhật sống hòa trộn, cùng tiến hành hoạt động buôn bán với kiều dân những nước khác. Vào thế kỷ XVII địa bàn cư trú của người Nhật trải rộng từ đại lục cho đến các dãy đảo Đông Nam Á.
Trong bài viết này, dựa trên kết quả của nghiên cứu khảo cổ học được thực hiện trong những năm gần đây tại một số đia phương ở Việt Nam mà trọng tâm là phố Nhật Bản ở Hội An (Việt Nam), tôi muốn đưa ra những suy nghĩ về vấn đề như: vị trí và thực trạng của Hội An, cấu trúc không gian xung quanh phố Nhật Bản và cuối cùng là mối giao lưu Nhật – Việt trong lịch sử qua những hiện vật tìm được.

I. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

Những cuộc điều tra về các phố Nhật Bản ở Đông Nam Á đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiến hành từ thời Minh Trị (1868 - 1912). Năm 1909, tức là năm Minh Trị thứ 42, Kojima Masanori đã tới thăm Hội An, tiến hành nghiên cứu “Cầu Nhật Bản” và những ngôi mộ người Nhật[2]. Năm 1922, Segawa Kame cũng đến Hội An và sau đó đã giới thiệu Hội An với độc giả Nhật Bản[3]. Nhưng cuộc điều tra chính thức thì phải đến năm 1928, năm Chiêu Hòa (Showa) thứ ba, mới được tiến hành khi Kuroita Katsumi và Iwao Seiichi đến Việt Nam để nghiên cứu về những di tích có liên quan tới phố Nhật Bản còn lại ở Đông Nam Á. Họ đã tiến hành công việc khảo sát và khôi phục lại những ngôi mộ người Nhật cũng như đã nghiên cứu về tấm bia được khắc năm 1640 trên vách hang núi Ngũ Hành Sơn có tên gọi Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Trên tấm bia này có khắc tên những người Nhật tham gia đóng góp dựng tượng Phật Quan Âm[4]. Ngoài ra vào năm 1933, ông Matsumoto, Nobuhiro cũng đã tiếp tục những khảo cứu về các di tích liên quan đến Nhật Bản ở đây[5]

Trong số những nhà nghiên cứu Nhật Bản đó phải kể đến Iwao Seiichi, người từng đến Hội An khảo cứu và chính ông sau đó đã tiến hành nghiên cứu phố Nhật Bản ở Đông Nam Á từ những tư liệu còn lại ở châu Âu. Về Hội An, ông đã nghiên cứu bao quát nhiều phương diện như: vị trí, quy mô, tổ chức hành chính, các nhân vật chủ yếu, hoạt động kinh tế v.v… và đã đạt được nhiều thành tựu[6].

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã được thành lập nhưng cùng với sự kiện Pháp trở lại Đông Dương và ngay sau đó là cuộc chiến tranh lâu dài diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam nên Việt Nam đã không thể trở thành môi trường nghiên cứu cho các học giả trong và ngoài nước. Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc và nhờ có chính sách đổi mới các nhà khoa học mới thực sự có được những điều kiện nghiên cứu cần thiết và đạt được nhiều thành tựu mới trong công tác chuyên môn của mình. Đối với Hội An, tiếp theo cuộc hội thảo khoa học tại Hội An năm 1985[7], một cuộc Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An đã được tổ chức tại Đà Nẵng năm 1990. Tại đây, các học giả Việt Nam và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận về các phương diện như: Lịch sử, khảo cổ, kiến trúc… Các nhà khoa học đã công nhận Hội An là một phức hợp đa văn hóa có chiều dài lịch sử và không gian rộng lớn[8]. Trong số các báo cáo tham dự Hội thảo cũng có một số bài viết về phố Nhật Bản ở Hội An.

Tuy nhiên, phải đến năm 1993, khi Nhật Bản và Việt Nam cùng phối hợp gìn giữ, bảo tồn Hội An thì những cuộc điều tra khảo cổ học mới được chính thức bắt đầu. Cuối cùng, cùng với kết quả của những công trình khảo cứu trước chiến tranh, những thành tựu nghiên cứu mới về phố Nhật Bản dựa trên các cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện những năm vừa qua đã trở thành những bằng chứng khoa học rất có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khu phố cổ này.

II. SỬ HÌNH THÀNH KHU VỰC HỘI AN

Những điều tra khảo cổ học mà các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cùng phối hợp tiến hành tại Hội An chủ yếu là để giải quyết hai vấn đề căn bản sau: Thứ nhất, tìm hiểu sự phân bố các di tích ở lưu vực sông Thu Bồn để đi tới những lý giải về vị trí lịch sử cùng con đường giao thương ở Biển Đông. Thứ hai, các cuộc khảo sát, nghiên cứu đó cũng nhằm tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển cũng như những biến đổi của khu phố cổ.

Dưới cách nhìn khảo cổ học, sự hình thành khu cảng thị Hội An được bắt đầu từ thời văn hóa Sa Huỳnh xuất hiện khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên cho đến đầu Công Nguyên. Nếu nhìn từ khu phố cổ thì những di tích nằm trên đồi cát của bờ trái con sông Thu Bồn ở ngoại ô phía Tây, cách cửa sông hiện nay khoảng 10km vào trong đất liền. Trong các di vật tìm được từ các di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, ta thấy có các loại tiền như đồng Hóa Tuyền và đồng Ngũ Thù cũng như gương đồng của Trung Quốc…

Qua các hiện vật đó có thể cho rằng từ những thế kỷ trước và sau Công nguyên, Văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao lưu với văn hóa Trung Hoa[9]. Ở khu vực này, người ta còn tìm thấy các di chỉ của thời kỳ Champa kéo dài cho đến khoảng thế kỷ IX – X. Trong thời kỳ này ở địa khu Bàu Đà, các di chỉ cũng được hình thành và kéo dài cho đến tận thế kỷ XII – XIII. Từ sự hình thành các di chỉ quanh vùng cửa sông, có thể thấy được sự phát triển của chế độ ngoại thương triều cống của Champa đối với nhà Tống và cùng với nó là sự di chuyển, mở rộng quy mô cảng[10].

Thêm vào đó, theo những nghiên cứu khảo cổ học những năm gần đây, ở đảo Cù Lao Chàm thuộc vùng biển Hội An các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được đồ thủy tinh và gốm Islam có niên đại khoảng thế kỷ IX. Nhờ những phát hiện đó, tính chất quan trọng của Hội An với tư cách là thương cảng đối ngoại trên con đường tơ lụa trên biển càng được khẳng định[11]

Tuy nhiên, đã có tranh luận gây gắt là trong khoảng từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI thì Hội An là lãnh thổ của Champa hay Đại Việt. Chúng ta đều biết rằng năm 1471, cùng với sự diệt vong của quốc đô Vijiya, vương triều Champa suy thoái, khu vực Hội An trở thành phần đất phía Nam của lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên, những người dân di cư từ phía Bắc vào đây hẳn còn chiếm tỉ lệ nhỏ do vậy những di tích thời kỳ trước đó, số lượng rất ít các di tích thời kỳ này ở lưu vực sông Thu Bồn có thể đưa đến nhận định rằng Hội An, với tư cách là một thương cảng quốc tế quan trọng thời kỳ Champa đã bị suy thoái.

Tuy nhiên, ở khu vực này số lượng các di vật từ nửa sau thế kỷ XVI đã xuất hiện với tỷ lệ lớn. Hiện tượng này có thể được coi như kết quả của việc dốc sức khai thác miền Trung của chúa Nguyễn và chính sách vận động di dân vào Nam, tức công cuộc “Nam tiến” diễn ra từ năm 1558. Để phân biệt với triều Nguyễn thành lập vào đầu thế kỷ XIX, từ đây tôi sẽ gọi thời chúa Nguyễn là họ Nguyễn Quảng Nam. Có thể thấy, vào thế kỷ XVI, khi các cường quốc châu Âu bắt đầu xâm nhập vào Châu Á, để phát triển kinh tế, các chúa Nguyễn đã rất tích cựu mở rộng buôn bán với nước ngoài. Theo những ghi chép của giáo sĩ Chritophoro Borri sống tại Hội An từ năm 1618 đến 1622 thì trong khu vực quản lý của chúa Nguyễn có đến khoảng 60 cảng. Trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 ông đã viết về Hội An khi đó thuộc Quảng Nam như sau: “Đây là cảng đẹp nhất có nhiều sản vật quý hiếm mà tất cả những người ngoại quốc đều ghé thăm. Cảng đó thuộc khu vực Quảng Nam”[12]

Từ cuối thế kỷ XVII trở đi, sự phân bố các di tích ở khu vực Hội An càng trở nên rộng lớn, kể cả ở những nơi trước đây không được xác định là địa bàn cư trú như là vùng trung tâm và vùng hạ lưu của sông Thu Bồn thì thời kỳ này các di vật cũng đã xuất hiện. Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự thịnh đạt và gia tăng dân số của Hội An, người ta cũng đã tiến hành khai phá những vùng đất mới. Ngoài ra, vào thế kỷ XVII, ta cũng thấy xuất hiện những khu vực có quan hệ mật thiết với thương cảng như Dinh trấn Quảng Nam, vùng làm gốm, căn cứ thủy quân… Với tất cả những cơ sở đó, một thương cảng giữ vị trí quốc tế đã được hình thành. Trong bối cảnh nhà Minh thi hành chính sách “Cấm hải” (Haichin), lợi thế về mặt địa lý của thương cảng Hội An đã được khai thác triệt để, bởi vì thương cảng này nằm ở vị trí trọng yếu trong tam giác ngoại thương giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Về hoạt động thương mại ở Hội An. C. Borri cũng ghi lại như sau: “Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài chừng khoảng 4 tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ giá trị bằng 4 hay 5 triệu bạc, còn người Trung Quốc chở trong thuyền của họ rất nhiều thứ lụa mịn và nhiều thứ hàng hóa khác của xứ họ”[13]

Sự thịnh đạt của thương cảng Hội An không chỉ là do có vị trí địa lý thuận lợi mà còn vì sự phong phú của các nguồn tài nguyên khoáng sản như kim loại và trữ lượng lâm sản, ví như trầm hương[14]. Ngoài ra, vùng núi còn là nơi sinh sống của voi, tê giác. Ngà coi và sừng tê là những sản phẩm quý hiếm ở đây. Khu vực phụ cận Hội An cũng có những sản phẩm như đường phèn, hồ tiêu, đặc biệt là yến sào[15]. Hội An thực sự là nơi tập trung các đặc sản quý hiếm được thương nhân nhiều nước thèm muốn.

III. SỰ XUẤT HIỆN CỦA PHỐ NHẬT BẢN Ở HỘI AN VÀ VỊ TRÍ CỦA NÓ

Những ghi chép đầu tiên về phố Nhật ở Hội An được tìm thấy năm 1617. William Adams trong chuyến đi từ Hirado sang Việt Nam đã được tận mắt chứng kiến khu sinh sống của người Nhật ở Hội An và đã ghi vào trong tập “Nhật ký đi tàu” với cái tên: “Phố Nhật Bản” (Nihon Machi)[16]. Giáo sĩ C.Borri cũng đã mô tả về Hội An như sau: “Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), là một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Trung Hoa và một phố người Nhật”[17]. Trong những ghi chép của đội quân bảo vệ người Nhật Kadoya Shichirobe (Ngũ Giác Thất Lang) đóng tại Hội An năm 1670 cũng có viết về khu phố Nhật. Tuy nhiên, trong những ghi chép, hồi ký của người Âu thế kỷ XVIII và hồi ký mang tên Những chuyện chứng kiến về nước An Nam[18] của một ngư dân Nhật Bản bị trôi dạt đến Hội An năm 1765 thì lại không thấy nói đến sự tồn tại của người Nhật. Có vẻ như là vào thế kỷ XVIII phố Nhật Bản và cộng đồng người Nhật sinh sống ở đây đã không còn nữa.

Về vị trí của phố Nhật bản ở Hội An, trong công trình của mình Iwao Seiichi tuy khẳng định việc xác định vị trí là rất khó khăn nhưng ông cũng cho rằng “có lẽ phố Nhật ở khu vực con đường có cầu Nhật Bản làm trung tâm”[19]. “Con đường có cầu Nhật Bản” hiện nay chính là phố Trần Phú, ở phía Tây của phố là cầu Nhật Bản. Trong cuộc Hội thảo Quốc tế về Hội An, giáo sư Vũ Minh Giang của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cho rằng: “Phố Nhật Bản là phố Trần Phú, cụ thể hơn là phía Nam của phố Trần Phú”[20]. Ogura Sadao thì cho rằng các giếng cổ được phân bố ở khu vực phố cổ là từ thời Champa, như vậy là khu phố cổ được hình thành từ thời Champa chính ở trên nền đó, phố Nhật Bản đã được dựng lên[21].

Những quan điểm của các học giả nói trên bắt nguồn từ sự tồn tại những ngôi nhà phố bằng gỗ và truyền thuyết về cây cầu Nhật Bản, tuy nhiên theo chúng tôi những suy đoán đó còn chưa đủ cơ sở. Theo điều tra kiến trúc thì thời điểm xây dựng những căn nhà phố bằng gỗ khó có thể sớm hơn đầu thế kỷ XIX. Và ngay cả các giếng cổ cũng không có đủ chứng cứ để cho rằng chúng thuộc thời đại Chămpa. Do vậy, để khẳng định chắc chắn niên đại của những di tích đó, không có phương pháp nào khác ngoài dựa vào khai quật khảo cổ học để kiểm chứng về khu vực sinh sống của cộng đồng cư dân ở đây thế kỷ XVII.

Từ năm 1993 đến năm 1998, trong số 3 dãy phố của khu vực phố cổ, chúng tôi đã tiến hành điều tra khai quật 6 địa điểm ở phố Trần Phú, nơi vẫn còn tồn tại những căn nhà gỗ cổ, 2 địa điểm ở phố Nguyễn Thị Minh Khai tiếp giáp với phố Trần Phú, 2 địa điểm ở phố Phan Chu Trinh, 2 địa điểm và 7 hố thám sát ở khoảng giữa phố Trần Phú và phố Phan Chu Trinh. Tuy những địa điểm khai quật rải rác nhưng từ những tư liệu khảo cổ học cũng có thể hình dung được về thời điểm bắt đầu có sự định cư của cư dân Hội An trong khu vực phố cổ, về những điểm cư trú thế kỷ XVII cũng như sự biến đổi của khu phố cho đến ngày nay[22].

Theo kết quả khai quật thì người ta bắt đầu cư trú ở khu phố cổ khoảng từ cuối thế kỷ XVI. Những tư liệu khảo cổ học có được từ các điểm khai quật đó là các gốm sứ Trung Hoa từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII, sứ Hizen Nhật Bản nửa đầu thế kỷ XVII và cả đồ gốm Việt Nam. Tại khu vực này không tìm thấy bất cứ đồ gốm sứ nào có niên đại sớm hơn thế kỷ XVI. Đây là bằng chứng cho thấy khu phố cổ không phải là nơi cư trú từ thời Champa, mà là khu vực được khai phát trong khoảng từ nửa cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII. Về vấn đề này, giáo sĩ C. Borri đã xác nhận: “Chúa Đàng Trong trước đây đã cho người Trung Quốc và người Nhật Bản chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán[23].


Như vậy, rất có khả năng khu vực cư trú vào thế kỷ XVII trong khu phố cổ chính là khu đất được giao cho người nước ngoài khai phát. Có thể cho rằng, khu vực cư trú thế kỷ XVII trải rộng từ phố Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây cầu Nhật Bản cho đến vùng phía Đông của chiếc cầu này và từ phía Bắc của phố Trần Phú cho đến phía Nam của phố Phan Chu Trinh. Trong phạm vi đó đã tồn tại phố Nhật Bản. Nhận định được như vậy là bởi vì ở khu vực này chúng tôi đã tìm thấy một đường mương và nhiều dấu vết thế kỷ XVII, ngoài ra còn một số lớn các loại hình đồ gốm sứ. Tuy nhiên, khu vực đó dài bao nhiêu theo hướng Đông – Tây thì vẫn chưa biết được vì chưa tiến hành khai quật. Những di vật được tìm thấy nằm lấp trong lớp đất màu nâu vàng cách mặt đất hiện nay từ 0,7 đến 1m. Thế nhưng cũng tùy từng nơi, có nơi do những tầng đất của thời kỳ sau bồi lấp lên nên có những di vật được tìm thấy ở độ sâu tới 2m.

Ở hai phía Nam – Bắc tiếp giáp với phố Trần Phú, không có di vật nào được tìm thấy có niên đại thế kỷ XVII, sớm nhất cũng là từ cuối thế kỷ XVIII trở đi. Ngoài ra, chúng tôi không tiến hành khai quật ở phố Nguyễn Thái Học, phía Nam phố Trần Phú cũng như phố Bạch Đằng dọc theo sông Thu Bồn bởi vì theo nhận thức của chúng tôi vào thế kỷ XVIII khu vực này nằm ở lòng sông. Các sử liệu như là gia phả, văn tự bán đất… đã minh chứng cho điều đó[24]. Phần hạ lưu phía Nam của dòng sông bắt đầu được khai phá từ thế kỷ XIX.

Như vậy, dựa vào điều tra khảo cổ học, chúng ta đã từng bước có những nhận thức tương đối sáng tỏ về thời điểm hình thành khu vực cư trú của Hội An thế kỷ XVII. Điều hiển nhiên là, chúng ta cũng cần phải xem xét sự phát triển của khu phố này từ trước cho đến nay qua các văn bia, sử liệu và thư tịch cổ.

IV. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA KHU PHỐ CỔ HỘI AN

Tại khu phố cổ tập trung rất nhiều miếu và hội quán mà các bia trùng tu trong đó đã trở thành tư liệu để ước đoán thời điểm xây dựng các miếu và hội quán này. Trong miếu thờ Quan Công, nơi tiếp giao giữa đường Trần Phú và đường Nguyễn Huệ có tấm bia: “Hội An Minh Hương Quán Thánh trùng tu bi ký” (Bia trùng tu miếu Quan Thánh của người Minh Hương ở Hội An), lập năm 1753. Dựa vào tấm bia này, có thể ước tính thời điểm xây dựng miếu là khoảng năm 1653. Trên một tấm bia khác năm 1783 có ghi dòng chữ viết rằng các miếu xây dựng từ năm 1783 trở về trước thường bị chiến tránh phá hủy nhiều nhưng Quan Thánh đế miếu thì vẫn còn nguyên. Ở miếu này cũng có bức hoành phi ghi bài thơ làm năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) của Nguyễn Nghiễm, là Nam chinh di tướng quân của họ Trịnh Bắc Hà đã dâng cho miếu.

Thời kỳ này, triều Lê suy thoái, thực quyền bị tranh giành giữa họ Trịnh ở ngoài Bắc và Nguyễn ở Quảng Nam Trung Bộ. Từ sự tồn tại của bài thơ khắc năm 1775 và ghi chép trên bia “… các ngôi miếu đều bị chiến tranh phá hủy…”, ta có thế hiểu được rằng từ năm 1771, cùng với việc nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy ở Quy Nhơn rồi lật đổ họ Nguyễn Quảng Nam, Hội An đã nằm dưới sụ chi phối của Nam chinh quân Bắc Hà.

Quân Tây Sơn lật đổ họ Trịnh Bắc Hà năm 1786, lật đổ triều Lê năm 1789, lập ra triều Tây Sơn nhưng sau đó lại bị những người dòng dõi của họ Nguyễn còn sống sót là Nguyễn Phúc Ánh, sau này là Gia Long Hoàng đế của triều Nguyễn, lật đổ.

Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, người đi theo Nam chinh quân của họ Trịnh Bắc Hà tấn công vào Nam, có ghi chép về những trận chiến ở vùng ngoại ô Hội An nhưng không thấy có ghi chép về những trận chiến xảy ra tại chính thương cảng này. Nhưng một người Anh có tên là Chapman đã được tận mắt chứng kiến Hội An bị tàn phá năm 1778. Hơn nữa Jean Koffler, người đã làm bác sĩ trong phủ chúa Nguyễn ở Huế từ 1740 – 1755 cũng đã nhận xét “Quân họ Trịnh đã phá hủy Hội An, thương cảng đối ngoại lớn nhất và là nơi tập trung các sinh hoạt đô thị”[25].

Trong thời kỳ diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Hội An đã bị phá hủy nghiêm trọng, nhưng khi triều Tây Sơn được hình thành thì đã dần được khôi phục. Hiện nay, ở một số ngôi nhà vẫn còn giữ được bản văn tự đất (Thổ địa gia thất đăng ký chứng văn) và bản chứng nhận mua bán đất, trong đó cổ nhất là bản chứng nhận mua bán đất năm Vĩnh Hựu thứ 5 triều Lê (1739). Ngoài ra, có những văn tự cổ năm Thái Đức thứ 5 triều Lê và năm Cảnh Hưng 28. Có 7 văn tự được xác định là của thế kỷ XVIII, trong đó có 5 bản được xác định là từ sau sự kiện biến loạn ở Hội An trong những năm 1773 – 1775. Những văn tự này tập trung ở những ngôi nhà dọc theo phố Trần Phú, không có bản nào được tìm thấy ở phố Nguyễn Thái Học tức là phố ở phía Nam đường Trần Phú. Trong các văn tự niên đại thế kỷ XIX có nhiều bản được viết vào thời Gia Long (1802 – 1820)[26].

Như vậy, các văn bia và văn tự cổ đã chứng minh được rằng từ sau khởi nghĩa Tây Sơn, việc phục hưng khu phố cổ đã được thực hiện, bắt đầu từ phố Trần Phú hiện nay. Khu phố cổ hiện nay được hình thành và phát triển sau khởi nghĩa Tây Sơn, tức là khu phố cổ này lại được phục hồi vào cuối thế kỷ XVIII. Kết quả nghiên cứu những tư liệu lịch sử đó hoàn toàn không mâu thuẫn với những khảo sát niên đại của những công trình kiến trúc.

V. PHỐ NHẬT BẢN VÀ ĐỒ GỐM THẾ KỶ XVII

Trong cuộc điều tra khai quật ở khu phố cổ, chúng tôi đã đào được nhiều đồ gốm. Các chủng loại đồ gốm này là nguồn tư liệu quý giá để hiểu về cuộc sống và quan hệ buôn bán trong thời kỳ phát triển, hưng thịnh của đô thị cổ Hội An.

Năm 1994, khi khai quật địa điểm đình Cẩm Phô, nơi tiếp giáp với phố Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi đã tìm được một đường mương đào vào thế kỷ XVII, trong đó có rất nhiều hiện vật gốm sứ. Ở phần đất lấp trong con mương này, từ lớp đất dưới cho đến lớp đất giữa, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm sứ Trung Hoa và đồ gốm Việt Nam có niên đại cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Các đồ gốm sứ Trung Hoa tìm thấy chủ yếu được sản xuất ở các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông và phần lớn là các bát, đĩa sứ hoa lam. Tầng trên các mương thì tìm thấy bát đĩa sứ Hizen (Nhật Bản) và đồ gốm Việt Nam nửa sau thế kỷ XVII. Qua những hiện vật tìm được chúng ta có thể rút ra những nhận xét sau:

Thứ nhất, vào thế kỷ XVII, những bát, đĩa mà cư dân Hội An sử dụng đã được chuyển từ đồ Trung Quốc sang đồ Nhật Bản. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự suy giảm các ngành gốm sứ Trung Quốc trước những biến loạn chính trị trong thời kỳ chuyển giao quyền lực giữa triều Minh và triều Thanh. Ngoài ra, do sự thay đổi trong chính sách ngoại thương bởi lệnh Cấm hải và cô lập hàng hải của nhà Thanh. Thực chất của chính sách này là triều đình Bắc Kinh muốn cô lập kẻ thù lớn nhất của nhà Thanh là Trịnh Thành Công đang đóng ở Đài Loan. Do những nguyên nhân chủ yếu đó, việc xuất khẩu gốm sứ của Trung Hoa ra thị trường quốc tế bị giảm sút rõ rệt. Trong bối cảnh đó, cư dân Hội An đã sử dụng gốm sứ Hizen thay cho gốm sứ Trung Quốc[27].

Một điểm nữa cũng phải chú ý là qua các kết quả khai quật đồ sứ hoa lam của miền Bắc Việt Nam thế kỷ XVII hoàn toàn không được tìm thấy. Trong khi đó, sản phẩm hoa lam của miền Bắc Việt Nam được coi là đã sản xuất từ nửa sau thế kỷ XIV, đời nhà Trần[28]. Trong tác phẩm Dư địa chí (1435) Nguyễn Trãi đã viết rằng: “Làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Huê Cầu thuộc huyện Văn Giang Hai làng ấy cung ứng đồ cống Trung Quốc là 70 bộ bát đĩa…”. Làng Bát Tràng ở vùng ven kinh thành Thăng Long từ thế kỷ XV đã bắt đầu sản xuất gốm. Ngoài ra, cùng với việc khai quật khảo cổ học, những năm gần đây các cuộc khảo cứu về các lò nung gốm sứ hoa lam cũng đã được tiến hành và các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng ngoài Bát Tràng còn có một số trung tâm khác cũng sản xuất gốm sứ hoa lam như Chu Đậu và Hợp Lễ thuộc tỉnh Hải Dương hiện nay[29].

Như vậy, vào thời Lê, ngành sản xuất gốm sứ ở phía Bắc đã từng tồn tại và phát triển, nhưng các nhà khảo cổ học không tìm được hiện vật gốm sứ nào của miền Bắc Việt Nam ở thương cảng Hội An, lúc đó thuộc sự trị vì của họ Nguyễn Quảng Nam đã hầu như không có mối quan hệ buôn bán.

Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên, khoảng từ sau thế kỷ XVII các nghiên cứu khảo cổ học đã thấy xuất hiện khá nhiều đồ sứ Hizen của Nhật Bản, Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Hội An mà còn gặp ở những địa phương khác cùng nằm dưới quyền cai trị của họ Nguyễn Quảng Nam. Ví dụ như hai thương cảng khá nổi tiếng vào thế kỷ XVII là cảng Thanh Hà (Huế) và Nước Mặn (Bình Định). Ở Thanh Hà, có đến 80 % số hiện vật tìm được là đồ sứ Hizen[30]. Tuy nhiên, ở Bắc Bộ do ngành sản xuất gốm sứ đã phát triển nên đồ sứ Hizen được tìm thấy không nhiều lắm[31].

Qua các cuộc khai quật, ngoài đồ sứ Trung Quốc và Nhật Bản, đồ gốm sành miều Trung Việt Nam cũng đã được phát hiện. Từ những nét rạn trên đồ gốm và từ các đặc trưng của gốm cổ Việt Nam, ta có thể đoán được những sản phẩm đó dùng để làm gì. Các lọ có thân dài dùng để đựng, chứa, những chậu rửa bát đĩa và cả những chiếc nồi là dụng cụ đun nấu. Theo ghi chép của giáo sĩ C. Borri thì đồ sành Việt Nam như chum, vại… đã được sử dụng phổ biến để làm mắm và chứa nước mắm trong các gia đình[32]. Ngoài ra, còn có nhiều bình vôi dùng để đựng vôi ăn trầu cũng đã được tìm thấy. Cho đến nay, phụ nữ ở nhiều vùng Đông Nam Á vẫn có phong tục phết vôi vào lá trầu sau đó gói lại và ăn với cau. Qua những hiện vật khai quật được cũng có thể đoán định rằng bát đĩa mà người Nhật Bản sống ở Hội An đã sử dụng gồm cả sản phẩm Việt Nam và nước ngoài.

Từ sự phân tích chất đất, vùng làm gốm Việt Nam được sử dụng ở Hội An có nhiều khả năng nằm ở gần thương cảng Hội An và khu lò nung Mỹ Xuyên thuộc ngoại ô thành Huế[33].

Cho đến nay, hầu như chưa có những công trình nghiên cứu thật kỹ lưỡng của các học giả Việt Nam và nước ngoài về đồ sành Việt Nam nên vấn đề niên đại, kỹ thuật chế tác các loại hình đồ sành đó còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. Nhưng với việc tìm thấy đồ sứ Trung Hoa và đồ sứ Hizen trong cùng tầng văn hóa cũng có thể cho phép chúng ta đoán định niên đại của các sản phẩm gốm sành đó cũng được sản xuất vào khoảng thế kỷ XVII. Ngoài ra, ta cũng có thể khẳng định được rằng có sự khác biệt giữa những vật dụng dùng để đựng được sản xuất ở vùng Trung Bộ dưới sự cai trị của họ Nguyễn Quảng Nam với những vật đựng sản xuất ở phía Bắc chịu ảnh hưởng của chính quyền nhà Trịnh.

VI. CẤU TRÚC KHÔNG GIAN HỘI AN THẾ KỶ XVII

Từ cuộc di chuyển về phía Nam của Nguyễn Hoàng năm 1558, để đối phó với họ Trịnh Bắc Hà, các chúa Nguyễn đã ra sức củng cố sự thống trị của mình ở miền Trung. Để xây dựng cơ sở hùng mạnh, chúa Nguyễn không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự như: tổ chức quân đội, chế tạo vũ khí, mà còn tiến hành chấn hưng nội chính, thương nghiệp.

Vào thế kỷ thứ XVII, bên cạnh thương cảng Hội An cũng đã xuất hiện các căn cứ quân sự ở Đàng Trong. Theo ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, họ Nguyễn ở Quảng Nam đã đặt chiến hạm ở 3 hải cảng. Một trong ba hải cảng đó được ghi lại như sau: “Một bến ở vào cửa sông lớn, có lần người ta đếm tới 68 chiếc tàu. Một bến khá rộng lớn hơn ở vào giữa lãnh thổ gọi là Kẻ Chàm, có rất nhiều điều kiện để bảo vệ đất nước và buôn bán, thuyền buôn Trung Hoa thường tới bến này”[34].

Chúng ta cho rằng Kẻ Chàm (Che Ciam) chính là địa danh được ghi lại từ thời Mậu dịch Châu ấn thuyền với tên “Kachian”. Tình hình địa thế vùng cửa sông Thu Bồn thế kỷ XVII cũng được phản ánh trong ghi chép của C. Borri. Ông viết rằng khi vào Hội An thì “có đường vào từ 2 cửa biển, cửa thứ nhất gọi là Turan, cửa thứ 2 gọi là Pulluciampello”, cuối cùng hợp lại thành một dòng sông[35]. Pulluciampello chính là Cù Lao Chàm hiện nay, còn dòng sông đó chính là sông Thu Bồn. Khu vực Trung Phường chính là điểm tiếp giao của hai dòng sông Thu Bồn và sông Cổ Cò. Theo kết quả các cuộc khảo sát về sự phân bố các di tích, ta thấy ở đây tập trung nhiều mảnh vỡ gốm sứ Trung Hoa cuối thế kỷ XVI và mảnh vỡ của sứ Hizen nửa sau thế kỷ XVII. Bên cạnh đó, do là nơi đỗ thuận lợi cho các chiến thuyền và nhờ có các đồi cát tiện lợi cho việc phòng vệ cùng với hơn 30 cái giếng cổ phân bố trong khoảng 1 km, chúng ta có thể cho rằng rất nhiều khả năng khu vực Trung Phường hiện nay chính là căn cứ thủy quân của chúa Nguyễn. Căn cứ này nằm ở cưa ngõ, đối diện bên bờ Bắc là thương cảng Hội An.

Theo bộ chính sử của triều Nguyễn Đại Nam thực lục tiền biên thì vào năm 1602 nhà Nguyễn đã lập Dinh trấn Quảng Nam ở Hội An với sứ mệnh là bảo vệ hoàng tử. Trong cuốn sử của triều Nguyễn Đại Nam nhất thống chí ghi rõ địa danh này thuộc xã Thanh Chiêm; còn trong Nhất thống dư địa chí (1806) thì lại gọi tên là “Phủ Điện Bàn huyện Diên Khánh xã Thanh Chiếm”[36]. Do vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) huyện Diên Khánh được đổi tên thành huyện Diên Phước nên có sự khác nhau giữa cuốn Đại Nam thực lục tiền biên của với Đại Nam Nhất thống chí và Nhất thống dư địa chí. Về điểm này, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã kiểm chứng và cho rằng cuốn Đại Nam nhất thống chí và Nhất thống dư địa chí là đúng[37]. Ngoài ra, địa điểm “Thanh Chiếm xã” cũng được ghi trong cuốn Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán. Ông đã đến Hội An năm 1695 và mô tả như sau: “Đi về phía Tây 10 dặm thì có một cái cổng bảo vệ, giống như vương phủ”[38]. Hiện nay, “Vương phủ” đó thuộc khu vực Thanh Chiếm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

Dựa vào kết quả các cuộc khảo sát từ trước, năm 1999 và 2000 được sự giúp đỡ và phối hợp của Bảo tàng Quảng Nam, Phòng Văn hóa huyện Điện Bàn cũng như các chuyên gia khảo cổ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã tiến hành khai quật di chỉ Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn. Kết quả là những di vật của thế kỷ XVII và cả những đồ gốm sứ cao cấp không thấy xuất hiện ở Hội An thời kỳ đó đã được phát hiện tại Thanh Chiếm. Ngoài ra, còn thấy những di vật mà chúng tôi cho rằng đó là chân cột của một công trình kiến trúc có quy mô lớn xây dựng vào thế kỷ XIX. Phát hiện đó cho thấy nhiều khả năng đây chính là Dinh Trấn Quảng Nam đã được ghi chép trong lịch sử. Chúng tôi cũng cho rằng chân cột này có liên quan đến tòa nhà bị phá hủy vào thời khởi nghĩa Tây Sơn sau đó được dựng lại năm 1803 mà Đại Nam nhất thống chí đã ghi lại.

Địa điểm này nằm ở nơi giao điểm giữa con đường cũ dẫn từ Hội An nối với đường quốc lộ số 1. Phía Nam giáp với sông Thu Bồn. Đường quốc lộ 1A vốn là huyết mạch giao thông rất quan trọng được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí với cái tên Quan lộ. Chúng tôi cho rằng Dinh trấn được đặt ở nơi gần sông và nằm ngay vị trí thiết yếu đối với giao thông là nhằm kiểm soát việc vận chuyển những lâm sản quý hiếm của vùng núi phía thượng lưu sông, giám sát các hoạt động buôn bán ở khu vực thương cảng, đồng thời cũng để nắm chặt tuyến đường giao thông từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng Dinh trấn Quảng Nam này chính là tòa nhà thuộc khu vực phía trên của phố Nhật Bản được vẽ trong tấm Chaya Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ. Nếu đúng như vậy thì rất có khả năng người mà Chaya gặp và dâng những cống vật chính là chúa Nguyễn thứ hai Nguyễn Phúc Nguyên ngày đó đang đóng tại Thanh Chiếm.

Bên cạnh đó, ở phía Tây của Hội An còn có một vùng chuyên sản xuất gốm và các loại bình chứa để vận chuyển hàng hóa và các đồ đun nấu cho dân chúng địa phương. Vùng này đến bây giờ vẫn nổi tiếng với làng gốm Thanh Hà. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Viết ở làng Thanh Hà thì cùng với việc họ Nguyễn vào trấn thủ phía Nam, cư dân sống ở đây cũng đã di chuyển từ Thanh Hóa vào. Sau khi định cư họ bắt đầu sản xuất đồ gốm qua nhiều thế hệ[39].

Như vậy, cấu trúc không gian bao quanh cảnh Hội An bao gồm những khu vực như: căn cứ thủy quân đóng ở cửa sông Thu Bồn nơi hợp lưu của hai con sông Thu Bồn và Cổ Cò, vùng làm đồ gốm cách khu vực cư trú của người nước ngoài 4km về phía Tây và cuối cùng là Dinh trấn Quảng Nam, trung tâm chính trị, nằm ở con đường giữa Quan lộ với cảng thị Hội An.

VII. GIAO LƯU NHẬT – VIỆT THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ GÓC ĐỘ KHẢO CỔ HỌC

Những tư liệu lịch sử vào khảo cổ học có thể giúp cho chúng ta chứng minh cho mối quan hệ giao lưu Nhật Bản – Việt Nam trong lịch sử. Những năm gần đây không chỉ giới chuyên môn Nhật Bản mà các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng rất chú trọng đến sự hiện diện của các chủng loại gốm sứ trong công tác nghiên cứu của mình.

Tại những di chỉ còn lại ở Nhật Bản thời trung – cận thế, đặc biệt là ở thành phố Nagasaki và ở cảng thị Sakai Kango, ở thành phố Osaka, Kyoto,đều tìm thấy các đồ gốm sành của Việt Nam.

Trong số những đồ gốm sành Việt Nam đào được ở các di chỉ khảo cổ này, các bình chứa có mình thon dài được chế tác tại Trung Bộ Việt Nam chiếm đại đa số. Về mặt niên đại, ở đô thị Sakai Kango năm 1615, quân đội của Toyatomi Hideyoshi đã chinh phạt và đốt phá thành phố. Qua nghiên cứu khảo cổ học, nhiều di vật đã được tìm thấy trên các tầng đất bị đốt cháy đó[40]. Trong cuộc khảo sát thành Osaka, các bình chứa này cùng lớp với những hiện vật được ghi nhận là thời hậu kỳ Toyotomi (1598 - 1615). Từ những hiện vật tìm được có thể thấy từ nửa trước cho đến khoảng giữa thế kỷ XVII số lượng hiện vật có nguồn gốc đã tăng lên[41]. Người ta cũng tìm thấy các sản phẩm của Việt Nam có niên đại nửa đầu thế kỷ XVII tại một số di chỉ ở Kyoto[42]. Tại Nagasaki, cũng khai quật được các di vật từ trong lớp bị cháy được xác định chính là năm 1663[43]. Như vậy là, các sản phẩm sành dùng làm bình chứa sản xuất tại Trung bộ Việt Nam trong thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền và thời kỳ sau khi Nhật Bản thực hiện chính sách tỏa quốc (Sakoku, 1639) cũng đã được phát hiện tại Nhật Bản.

Trên cơ sở phân tích chất đất, hình dáng, các sản phẩm sành được xác định là đã sản xuất ở miền Trung Việt Nam cụ thể là đã được chế tác tại các lò nung ở Mỹ Xuyên, Huế (gần nơi cư trú của họ Nguyễn Quảng Nam) và cả ở khu vực Hội An. Dựa vào những phát hiện đó, có thể cho rằng hơn một nửa số sản phẩm dùng để chứa đựng đó đã được chất lên thuyền từ cảng thị Hội An và xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhưng bản thân các vật phẩm dùng để chứa đựng này có phải là mặt hàng xuất khẩu hay không vẫn còn là một nghi vấn. Nguyên do chủ yếu là số hiện vật khai quật được ở Nhật Bản vẫn chưa đủ số lượng cần thiết để có thể khẳng định ý kiến một cách chắc chắn.

Trong thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền, giáo sĩ A. Rhodes đã ghi lại về các sản vật dùng để xuất khẩu của Hội An: “Vàng, hồ tiêu, tơ sống, đường, trần hương, yếu sào”. Trong đó “đường được xuất khẩu ở Nhật Bản”[44]. Ngoài ra, sau thời kỳ tỏa quốc, những hàng hóa được ghi nhận với đơn vị là “vại” trên những chuyến tàu từ Quảng Nam tới Nagasaki có những mặt hàng như: Trầm hương, mật ong, sơn đen, đường, mật, dầu cá voi[45]. Có lẽ các loại bình chứa đã được sử dụng để đựng các mặt hàng này. Một số loại hình sản phẩm đưa đến Nhật Bản đã được các trà sư đương thời rất ưa thích nên đã tìm thấy trong số những Trà cụ các đồ “Nam man”, (Namban – tên gọi chung của người Nhật Bản, chịu ảnh hưởng sâu sắc theo cách gọi Trung Hoa nhằm để chỉ các quốc gia Đông Nam Á, là bạn hàng của Nhật Bản trong thời kỳ cận thế - ND). Chúng được gọi là “Nanban Kiridame Hanaike” (Bình Nanban dùng để cắm hoa) hay “Nanban itome shimekiri kensui”. Những bình này, nhìn hình dáng có thể biết được đây là những sản phẩm được chế tác tại miền Trung Việt Nam. Mặt khác, trong số những đồ được đem tới Nhật Bản, có thể thấy rõ ràng là những mặt hàng được đặt làm riêng. Có lẽ những mặt hàng đó thuộc về những thương nhân Nhật Bản đã cư trú tại Hội An, nhưng rất tiếc là cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy các sử liệu để có thể chứng minh cho điều đó[46].

Tại các di chỉ ở Nhật Bản, ngoài đồ gốm, sành Trung bộ cũng đào được đồ gốm sứ được chế tác ở Bắc bộ Việt Nam. Trong tương lai nếu như có thể xác định tỉ lệ giữa đồ gốm có nguồn gốc Trung bộ với các hiện vật gốm sứ có nguồn gốc Bắc bộ thì có thể hiểu rõ hơn về tình trạng mậu dịch đương thời.

Như vậy là, những đồ gốm sứ còn nguyên vẹn trong lòng đất không chỉ là những sử liệu quý giá về mối giao lưu Nhật – Việt mà còn trở thành những tư liệu khảo cổ học có thể đưa đến những nhận thức khoa học mới mẻ.

KẾT LUẬN
Dựa trên kết quả điều tra khảo cổ học những năm gần đây, chúng ta có thể xem xét được vị trí, thực trạng cấu tạo không gian của khu vực Hội An và cảnh quan xung quanh phố Nhật Bản, về mối quan hệ giao lưu Nhật – Việt. Rồi đây, dựa trên những thành tựu nghiên cứu mới, diệu mạo của khu phố Nhật Bản ở Hội An sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ hơn.

Ở Việt Nam, sau khi chiến tranh kết thúc, những cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học có sự tham gia của các nhà nghiên cứu quốc tế đã bắt đầu được tiến hành từ những năm 1990. Tuy chỉ có 10 năm nhưng đã có những bước đi vững chắc trên các lĩnh vực. Trong giới khảo cổ học Việt Nam thì những thành tự nghiên cứu về khảo cổ học thời tiền sử, sơ kỳ thời đại kim khí và khảo cổ học lịch sử cũng như về các thời Lý, Trần, Lê đều rất phát triển nhưng đối với thời Nguyễn thời đại chứng kiến sự xâm lược của thực dân Pháp mà tiền thân là họ Nguyễn Quảng Nam thì việc điều tra, nghiên cứu khảo cổ học dường như vẫn chưa giành được sự quan tâm thỏa đáng. Tuy nhiên, cùng với việc bảo tồn di tích phố cổ Hội An, tính chất quan trọng của việc nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ này cũng đã được xác nhận. Quan điểm về nghiên cứu khảo cổ học lịch sử càng ngày càng được mở rộng về không gian và thời gian.

Nghiên cứu khảo cổ học ở Hội An không chỉ là nhằm nghiên cứu về phố Nhật Bản, mà trên một tầm nhìn rộng hơn, công việc nghiên cứu đó còn có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ quốc tế của Việt Nam trong lịch sử cũng như mối giao lưu Nhật - Việt.
 
Trích sách: Nguyên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb: Thế giới, năm 2010.
 
 

[1] Iwao Seiichi: Nghiên cứu phố Nhật Bản ở Nam Dương, Trung tâm Nghiên cứu Nam Á, Tokyo, 1940, tr.12. Trước năm 1945, nhiều người Nhật vẫn dùng khái niệm “Nam Dương” để chỉ khu vực Đông Nam Á
[2] Kojima Masanori: Phố Nhật Bản và những ngôi mộ cổ ở An Nam, Tạp chí Lịch sử Địa lý, số 26 – 1, 1915.
[3] Seigawa Kame: Châu ấn thuyền thông thương với An Nam – Đông Dương thuộc Pháp báo cáo quan sát. Ghi chép về những quan sát ở nước ngoài, trường đại học Ngoại Ngữ Osaka,số 1, 1923.
[4] Kuroita Katsumi: Báo cáo về cuộc điều tra các sử liệu liên quan đến Nhật Bản ở Nam Dương, Di cảo của giáo sư Kuroita Kobunkan, Nxb. Yoshikawa  Kobunkan.
[5] Matsumoto Bobuhiro: Một người Nhật trong tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ở An Nam, Tc. Sử học, Đại học Keio, số 13, 1934, tr. 104
[6] Xem chú thích 1
[7] UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng: Hội thảo khoa học về Khu phố cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo, ĐN, 1985.
[8] Hội nghị các học giả nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản: Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển, Nxb. Hodaka, Tokyo, 1993.
[9] Trung Quốc trong trường hợp này là chỉ miền Nam, xem: Imamura Keiya: Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong khoảng 1000 năm tr. CN, số 18, 1998, tr.1 – 20.
[10] Sakurai Kiyohiko, Kikuchi Seiichi, Mori Tatsuya, Abe Yuriko…: Điều tra khảo cổ học ở khu vực Hội An (Việt Nam), tập trung vào các di chỉ liên quan tới thời kỳ Châu ấn thuyền. Tóm tắt các bài phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Khảo cổ học Nhật Bản lần thứ 65, 1999.
[11] Hoàng Anh Tuấn: Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở biển Đông thời Vương Quốc Champa, Khoa lịch sử - Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995 - 2000), NXb. Chính trị Quốc gia, 2000.
[12] Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, (Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
[13] Xem chú thích 12, tr. 89 – 90.
[14] Trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 của Lê Quý Đôn và “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn đều ghi như vậy.
[15] Alexandre de Rgodes: Hành trình và truyền giáo, (Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp), Tủ sách Đại kết, Tp. HCM, 1994.
[16] Xem chú thích 1, tr. 26.
[17] Xem chú thích 12.
[18] “Tsuko Ichiran” (Thư mục về quan hệ giao lưu), Đây là một bộ sử liệu gốc của chính quyền Tokugawa ghi nhận những quan hệ giao lưu của Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, số 177.
[19] Xem chú thích 2, tr. 34.
[20] Vũ Minh Giang: Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An, Việt Nam và con đường tơ lụa trên biển, Nxb. Hodaka, sđđ, tr. 244 – 258.
[21] Ogura Sadao: Nhìn vương  quốc Champa từ phố Nhật Bản ở Hội An, Di tích và văn hóa vương quốc Champa, Quỹ Toyota, 1994, tr.78 – 82.
[22] Kikuchi Seiichi: Báo cáo điều tra khảo cổ học tại Hội An (Việt Nam), Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Trường Đại học Chiêu Hòa, 1998 hoặc Sự hình thành và phát triển khu phố Hội An qua việc nghiên cứu các văn bia và các tư liệu khảo cổ học, Tc. Học viên số 723, tr 11 – 20, Viện Nghiên cứu Văn hóa cận đại Trường Đại học Chiêu Hòa, 2000.
[23] Xem chú thích 12, tr. 92. Chúa Đàng Trong ở đây là họ Nguyễn Quảng Nam.
[24] Kikuchi Seiichi: Báo cáo về các điều tra khảo cổ học ở Hội An (Việt Nam), Kỷ yếu Viện nghiêu cứu Văn hóa Quốc tế trường Đại học Chiêu Hòa, 1998, số 3, tr.30-40.
[25] Nguyễn Quốc Hùng: Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 1995.
[26] Xem chú thích số 24.
[27] Ohashi Koji: Sự hình thành và xuất khẩu sứ  Hizen, Nghiên cứu lịch sử địa phương, 1991, tr.62.
[28] Phan Huy Lê: Lịch sử hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng, Gốm Bát Tràng thế kỷ XV- XIX, Nxb Thế Giới, HN.1995, tr. 13 – 19.
[29] Tăng Bá Hoàng: Gốm Chu Đậu, Nxb. Thế Giới, 1999.
[30] Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí – Lê Đình Phụng: Nhận diện một số loại hình sứ Hizen (Nhật Bản) ở thương cảng Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Viện Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam – Thông báo khoa học 1997, tr.123 – 131.
[31] Kikuchi Seiichi: Xung quanh thực trạng và niên đại xuất khẩu của gốm sứ Hizen tại Trung bộ và Bắc bộ Việt Nam, Nghiên cứu văn hóa sử của Đại học nữa Chiêu Hòa, số 5, 2001, tr. 45 – 63.
[32] Xem chú thích 12, tr.28.
[33] Kikuchi Seiichi: Sự phân tích chất đất gốm Việt Nam và các khảo sát khảo cổ học, Tc, Học viên, Viện Nghiên cứu Văn hóa Cận đại, Trường đại học nữ Chiêu Hòa, tr. 85 – 95.
[34] Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Sđd, 1994.
[35] Xem ghi chú 12, tr.91.
[36] Đai Nam nhất thống chí, quyển 5.
[37] Phạm Đình Khiêm: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, 1960, tr. 71 – 96.
[38] Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, quyển 4, Những sử liệu mới về Quảng Nam thế kỷ XVII, Trung Hoa Tùng thư, năm Trung hoa thứ 49.
[39] Tác giả đã trực tiếp chứng kiến và khảo sát điền dã.
[40] Tsuzuki, Shinichiro: Mậu dịch gốm sứ nhìn từ di tích đô thị Sakai Kango, tập trung vào các chủng loại gốm sứ đào được, Nghiên cứu Mậu dịch Gốm sứ, số 10, 1990, tr. 143 – 167.
[41] Mori Tsuyashi: Gốm sứ Việt Nam và Thái Lan dưới thành Osaka, Đô thị và mậu dịch gốm sứ thời đại Hideyoshi, Kỷ yếu Nghiên cứu, số 4, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Kyoto, 1993, tr.31-38.
[42] Noshiba tsutomu: Về các đồ gốm sứ tìm thấy ở thành phố Kyoto – gốm sứ Việt Nam tìm thấy ở Yanagababa dori Takeya, Kỷ yếu Nghiên cứu, số 4, 1997.
[43] Ban giáo dục thành phố Nagasaki: Báo cáo về cuộc điều tra khai quật di chỉ đô thị Sakai Kango, 1997.
[44] Xem chú thích 15. Tr. 49 – 50.
[45] Về các “vại” được chở trên thuyền buôn, tôi đã được GS. Nagazumi Yoko cho biết.
[46] Gần đây các nhà nghiên cứu mới tìm ra một tư liệu nói về một người phụ nữ Nhật Bản lấy chồng họ Nguyễn sinh sống ở làng Bát Tràng. Đó là một sử liệu quý giá về mối giao lưu giữa Nhật Bản với Việt Nam.

Tác giả: GS. Kikuchi Seiichi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây