Di sản văn hóa cộng đồng làng xã từ góc nhìn Sinh thái – Nhân văn

Thứ hai - 14/08/2017 21:21
Ở Việt Nam xưa, Làng - vốn là từ Nôm, chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất của người nông dân. Xã - vốn là từ Hán - Việt, chỉ đơn vị hành chính nhỏ nhất của nhà nước phong kiến. Làng - xã là hệ thống ghép của một thực thể địa cư chịu sự điều hành của lưỡng quyền gồm: Bộ máy quản lý nhà nước (xã trưởng/lý trưởng) và tổ chức tự quản (làng, họ). Tựu chung gồm bộ máy hành chính - Chức dịch và bộ máy tự quản - Sắc mục, gọi chung là chức sắc, tuy có phân biệt nhưng quan hệ mật thiết với nhau trong chức năng quản lý làng - xã.
          Khẳng định về vai trò của làng - xã trong lịch sử, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam đều thống nhất cho rằng: Làng - xã Việt Nam đã đóng vai trò chiến tuyến phòng ngự, lại vừa là pháo đài phản kích mọi mưu đồ đồng hóa, vừa là hậu cứ bất khả xâm phạm bảo tồn tiếng mẹ đẻ, giữ gìn những di sản tinh thần thiêng liêng nhất mà các thế hệ Việt Nam đã tạo dựng từ thời đại các Vua Hùng. Và đây cũng là cơ sở cốt lõi để trước bao kẻ thù xâm lăng dù hung tàn, thâm độc đến đâu chúng ta vẫn giữ được Làng và giữ được Nước, bảo vệ được chủ quyền quốc gia, dân tộc - Bản sắc văn hóa dân tộc. Trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước hiện nay và đặc biệt trước những xu thế tất yếu của toàn cầu hóa - hội nhập, cơ chế thị trường, kể cả tốc độ đô thị hóa,… di sản văn hóa làng quả đang đứng trước nhiều thách thức, biến đổi đáng quan tâm. Chính vì vậy, tìm hiểu Di sản văn hóa cộng đồng làng - xã từ một góc nhìn sinh thái - nhân văn phần nào sẽ giúp cho chúng ta có những giải pháp tích cực trước những xu thế nói trên nhằm bảo tồn Di sản văn hóa truyền thống của dân tộc và phát triển bền vững.

         Ý thức về sinh thái: Truyền thống về ý thức “Hòa hợp với thiên nhiên” được hình thành trong tâm lý, lẽ sống của cộng đồng người Việt. Do xuất phát từ cuộc sống phải dựa vào thiên nhiên, khai thác nguồn thức ăn từ núi rừng, đồng cỏ, sông ngòi, đất bãi… nên đã hình thành nên ý thức quý trọng, giữ gìn chúng nguyên vẹn, lâu bền. “Thần thiêng hóa thiên nhiên” (vạn vật hữu linh) không chỉ là do tâm lý tín ngưỡng - tôn giáo nguyên thủy, mà điều chủ yếu hơn là từ kinh nghiệm lao động, nhu cầu cuộc sống cộng đồng người Việt dần dần hiểu biết hơn về lợi ích thiết thân được thiên nhiên đem đến. Việc thuần hóa, chăn nuôi gia súc, khai khẩn đất hoang, trồng lúa nước nhằm giảm áp lực của cái ăn thường ngày nhưng cũng là các hình thức tự túc lương thực tự phát nhằm điều hòa, cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên xung quanh. Từ các công trình nhà ở, đến kiến trúc đình, chùa, miếu mạo, lăng tẩm… ngoài tri thức dân gian về phong thủy (thực chất là ý thức về địa - sinh thái – văn hóa…), bao giờ chúng cũng được hài hòa với thiên nhiên hay thiên nhiên quen thuộc bao giờ cũng chiếm một vị trí đáng kể, lấp lánh một vẻ đẹp trong sáng, tươi vui và thiêng liêng, thông qua các bức tranh, phù điêu, chạm khắc trên đá, gỗ… và cả trên những hòn non bộ, cây cảnh, sân - vườn, cây đa, dòng sông, bến nước, cánh đồng… Tình người, hồn người luôn gắn với đề tài cảnh vật, tứ thời, bát tiết, cá nước, chim  trời, cỏ cây muông thú, “Ngư - tiều- canh - mục”… Hoặc trong cả những câu chuyện cổ tích, ca dao, dân ca, thi họa… Thiên nhiên đối với ông cha ta là tất cả những gì mà người ta thường ngày sống chung với chúng, sống nhờ chúng do giá trị tinh thần và vật chất từ chúng mang lại. Người ta không thể sống không có thiên nhiên bên mình. Trời - đất (thiên - địa) là thành phần không thể thiếu trong một thể thống nhất chặt chẽ “Con người - Trời - đất” (thiên - địa - nhân). Sống với thiên nhiên có tình, một thứ tình yêu sâu sắc, đằm thắm, đó còn là một nét đặc sắc nữa của ông cha ta trong mối quan hệ quen thuộc với vạn vật xung quanh. Tình yêu thiên nhiên là một yếu tố không thể thiếu để làm nên tâm hồn mỗi người và toàn cộng đồng dân tộc. Quan niệm “Phồn thực” không chỉ đề cao cuộc sống sung túc, no đủ, con đàn cháu đống, mà còn chú trọng làm cho cây cỏ tốt tươi, đất lành chim đậu, ao trong cá lượn, sông chảy thuyền trôi, núi cao vượn hót, phong cảnh hữu tình. Ý thức về cuộc sống yên ổn, thanh bình và phồn thịnh của con người luôn được đi đôi với ý thức về thiên nhiên vạn vật xung quanh con người được giữ gìn, vun đắp, làm/trông cho “mưa thuận, gió hòa”. Cảnh vật con người  “tương đồng, tương hỗ”. Mưu sinh mà không hại đến vạn vật, bảo tồn vạn vật để mưu sinh thuận lợi, đó là cái lý chung người xưa luôn chú trọng khi quan hệ với thiên nhiên. Có thể nói đức tính “Sống hòa hợp với thiên nhiên” là đức tính tồn tại phổ biến ở mỗi người và toàn cộng đồng làng - xã xưa kia.

           Ý thức nhân văn thể hiện qua tinh thần cố kết cộng đồng: Nhìn lại tiến trình lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm qua, dòng chảy chủ đạo của tư tưởng triết lý là triết lý nhân sinh, luôn gắn liền với cuộc sống thiết thực của cộng đồng. Con người cá nhân không tồn tại đơn lẻ mà sống trong thế ứng xử với các cộng đồng đó. Tinh thần đoàn kết cộng đồng thường bắt đầu từ những quan hệ gắn bó giữa những người sống gần gũi với nhau trong một tập hợp xã hội, đó là gia đình, tộc họ, xóm giềng, làng - xã, vùng miền, quốc gia - dân tộc. Theo tổng kết Nghị quyết trung ương 5 - khóa 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam: Đó là sự gắn kết của cá nhân, gia đình, làng - xã, tổ quốc.

           Đối với gia đình gồm những người cùng quan hệ huyết thống, gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sở, hạt nhân của người Việt, là cơ cấu kinh tế tư cung, tự cấp theo mô hình “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Trong gia đình đó là sự cộng đồng gắn kết giữa ông bà - con cháu trong tình yêu thương ruột thịt, chia da xẻ thịt nối dài nòi giống, nuôi dưỡng nhau để tồn tại. Biểu hiện cho tinh thần cộng đồng trong con người ở làng xã Việt Nam là tình cảm gia đình, so với người Phương Tây (nơi coi trọng con người cá nhân), gia đình có vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Trong gia đình Việt Nam mang tính phụ quyền, nhưng ở đó vẫn còn mang đậm tính bình đẳng, dân chủ, chan hòa quan hệ cha mẹ, ông bà với con cái, vợ chồng.

           Đối với dòng tộc đó là quan hệ gắn kết cộng đồng giữa những người cùng họ tộc, đó là tình nghĩa thân tộc. Do tàn dư nguyên thủy tình cảm gia tộc Việt Nam khá bền chặt (một giọt máu đào hơn ao nước lã). Bên cạnh sự tương trợ giúp đỡ, sự hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất dẫn đến sự gắn kết gia tộc và xuất phát từ nhu cầu thờ cúng tổ tiên. Do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp thuần túy nên vai trò của gia tộc rất được coi trọng( khác với Trung Hoa lấy gia đình làm gốc), bởi gia đình hạt nhân không đủ đối phó với môi trường tự nhiên và xã hội nên cần đến vai trò của gia tộc. Sức mạnh của gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang nhau về mặt vật chất (Xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì), hỗ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần (Nó lú nhưng chú nó khôn), và dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị (một người làm quan, cả họ được nhờ).  

           Đối với xóm ngõ thì đó là sự gắn kết giữa những người trên một địa vực cư trú. Đó là tình cảm láng giềng, tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau giữa những người làm nông nghiệp trên một địa bàn trong một cuộc sống tươi đẹp, nhưng cũng đầy bất trắc bởi thiên tai, địch họa. Do đó, thái độ ứng sử là sớm hôm, tối lửa tắt đèn có nhau là một nhu cầu hết sức thực tế, đôi lúc nó còn lấn át cả quan hệ huyết thống (bán anh em xa mua láng giềng gần).

          Cộng đồng làng xã là tổ chức đã hình thành sớm và tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử, là nơi bảo lưu văn minh lúa nước, văn hoá làng - xã. Có làng trước rồi mới có nước. Nước là làng mở rộng, là tập hợp nhiều làng. Văn hoá làng - xã được bảo đảm bởi nền tảng kinh tế là chế độ ruộng công. Nhìn lại tiến trình lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm qua, dòng chảy chủ đạo của tư tưởng triết lý là triết lý nhân sinh, luôn gắn liền với cuộc sống thiết thực của cộng đồng. Con người cá nhân không tồn tại đơn lẻ mà sống trong thế ứng xử với cả cộng đồng - Tinh thần đoàn kết cộng đồng (Vì: Nước lụt thì lút cả làng). Ở đây tính cộng đồng, tập thể được đề cao, đứng trên cá nhân. Một cá nhân chỉ có thể có cống hiến khi gắn mình với cộng đồng. Cái khôn ngoan đơn độc của một người không bằng cái “dại”của số đông (khôn độc không bằng dại đàn; xấu đều hơn tốt lỏi). Điều đó khiến cho con người cá nhân tự thấy trách nhiệm phải luôn luôn đặt mình trong cái cộng đồng, gắn bó với cộng đồng. Bởi “ không mợ thì chợ cũng đông; đông tay hơn hay làm”. Do đó mà không được phép đặt mình lên tập thể. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, đó là chân lý sâu sắc được rút ra trong quá trình dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Từ chỗ nhận rõ được sức mạnh của cộng đồng mà biết chủ động tạo ra sức mạnh đó: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Ý thức “Chụm lại” (Ba người dại họp lại một người khôn), ý thức hợp quần, “chung lưng đấu cật” trở thành ý thức thường trực của mỗi thành viên làng xã (Đông người thì sống, mống người thì chết). Càng nhận rõ trách nhiệm của mình trong cộng đồng thì càng có ý thức cưu mang che chở lẫn nhau (Lá lành đùm lá rách; Cành dưới đỡ cành trên), không để cho “môi hở răng lạnh”, không để cho con sâu có thể “làm rầu” cả nồi canh. Nền tảng đạo lý cộng đồng trong làng - xã Việt Nam chính là bắt nguồn từ những tình cảm, những tâm lý, ý thức về trách nhiệm như vậy. Càng thiết tha với quê hương lại càng thấm thía công ơn dựng làng, dựng nước của cha ông. Đã biết bảo nhau: Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Chính vì vậy cũng đừng dại dột nghe ai mà xa lìa nguồn cội. Hãy bảo nhau biết tôn trọng, biết tự hào những cái của chính mình, do chính mình tạo nên (Trâu ta ăn cỏ đồng ta…; Ta về ta tắm ao ta…). Người ta sống với nhau “Có nghĩa có tình”, biết chia sớt cho nhau niềm vui, nỗi khổ (Tay đứt ruột sót; Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ). Sống với nhau “vì tình vì nghĩa, không ai vì đĩa xôi đầy”. Người ta bảo nhau: “Đường mòn, ơn nghĩa không mòn”, vậy nên “Ơn ai một chút chớ quên, phiền ai một chút để bên cạnh lòng”, đúng như một nhà nghiên cứu đã viết: “Trong quan hệ giữa các thành viên làng - xóm mỗi người nợ nần tất cả mọi người, phụ thuộc ơn nghĩa lẫn nhau”. Ở đây phản trắc, vong ơn bội nghĩa không có chỗ đứng. Người ta chê trách những kẻ “ăn mít bỏ xơ, được chim bẻ ná, được cá quên cơm”, người ta vạch mặt những ai “qua cầu cất nhịp, qua rào vỗ vế, ăn cháo đá bát”. Tâm trạng của con người không phải không có lúc trải qua những tính toán thiệt hơn, nhưng cuối cùng đạo lý đã thắng (Nhiễu điều phủ lấy giá gương…). Cũng từ đạo lý đó mà làng - xã Việt Nam đã vượt ra khỏi thế biệt lập, khép kín để phát huy ý thức cộng đồng ra ngoài phạm vi làng - xã, trở thành ý thức quốc gia dân tộc. Từ đây, làng và nước quyện chặt vào nhau trên nền tảng đạo lý của cả dân tộc. Và nhu cầu bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trở thành nghĩa vụ hệ trọng hàng đầu của mỗi thành viên làng - xã. Người ta dặn mình và dặn nhau: Hãy dành sức lực để chống trả những kẻ manh tâm “chia bầu rẽ bí”, phá vỡ cộng đồng, gây cảnh “sẻ nghé tan đàn”(khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ ai hoài đá nhau). Trên nền tảng đạo lý đó mà hình thành bản lĩnh con người (Đói cho sạch rách cho thơm; Chết trong hơn sống đục), bản lĩnh dám khẳng định một cội nguồn đạo lý của riêng mình: “Phá lá cây thì dễ, phá chồi chẳng dễ đâu”. Cũng từ đó mà truyền thống của cộng đồng làng - xã người Việt Nam là luôn luôn sống có tình nghĩa, nhân hậu, thủy chung, “ thương người như thể thương thân ”, là vốn ứng xử nhân hậu của con người Việt Nam. Yêu nước của con người Việt Nam là thương nòi, thương nhà, thương mình. Ở người Việt Nam luôn có sự kính trọng đối với những cử chỉ hào hiệp, đại nghĩa.

            Chính từ những ý thức về sinh thái, nhân văn của cộng đồng con người Việt Nam trong không gian Làng - xã xưa kia là một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên bản sắc văn hóa, bản lĩnh dân tộcViệt Nam, để chiến tháng mọi kẻ thù (thiên tai, giặc ngoại xâm), giữ vững được cương vực lãnh thổ quốc gia, độc lập, chủ quyền dân tộc Việt Nam. Phải chăng những lúc nguy nan, gian khó, vất vả con người Việt Nam càng biết quý trọng, yêu thương, càng ra sức giữ gìn, sẵn sàng sả thân bảo vệ môi trường sống và chính cuộc sống của mình trong một thể thống nhất của từng cộng đồng làng - xã và hợp thành quốc gia, dân tộc? Điều đáng quan tâm là chính ngày nay, hơn lúc nào hết cộng đồng làng - xã đang bị tấn công, phá vỡ một cách mạnh mẽ trước tốc độ, xu thế của đô thị hóa, của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa - hội nhập. Đó là một thực tế đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước ta. Vì vậy, khi xây dựng làng văn hóa chúng ta không thể không quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng Làng - xã.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây