Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà, Đảng bộ Thị ủy Hội An, trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975), nhân dân Hội An đã tiến hành đấu tranh chính trị nhằm đòi hòa bình, thi hành Hiệp định Genève, chống chính sách “tố cộng” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, phát động quần chúng tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị... đã giành được nhiều thành công. Sau chỉ thị của Khu ủy khu V về việc sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà (10 -1967), Hội An được sự trực tiếp chỉ đạo của Thị ủy Hội An, đặc biệt có chỉ đạo rất lớn từ Đặc Khu ủy Quảng Đà, đấu tranh chính trị được nâng lên một tầm cao mới biểu hiện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968).
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân ta giành được những thắng lợi to lớn ở cả hai miền, tháng 12-1967, Trung ương Đảng quyết định “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” (1).
Trong 2 ngày 14 và 15-12-1967, Thị ủy Hội An triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thị để bàn biện pháp thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Hội nghị xác định: “Nhiệm vụ chung sắp đến của Thị xã chúng ta là động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nỗ lực phi thường, phát huy cao độ năng lực chủ quan của mình, gây nên một chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ vượt bậc, đi đôi với việc tăng cường công tác tổ chức, ra sức xây dựng lực lượng, phát huy bạo lực cách mạng của quần chúng, đẩy mạnh ba mũi giáp công liên tục tấn công địch xáp vào mở ra vùng yếu, phá hỏng kèm nội ô tạo điều kiện gấp rút tiến lên phối hợp cùng toàn miền thực hiện phương hướng chiến lược của Đảng” (2).
Để thực hiện nhiệm vụ trên, hội nghị quyết định “Tổng động viên chính trị” trong toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thị xã với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, tất cả để giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Ban Chỉ huy tổng công kích, tổng khởi nghĩa của thị xã được thành lập do đồng chí Ngô Xuân Hạ - Bí thư Thị ủy làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Hoán - Tham mưu phó Mặt trận 4 làm Tư lệnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy và lãnh đạo các ban ngành được phân công về các cánh bắc, đông, nam và nội ô trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt cho Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 (3).
Nhiều cán bộ lãnh đạo của Khu V và Đặc Khu ủy Quảng Đà được điều động tăng cường cho mặt trận Hội An. Trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Khá (Minh) - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng, Phó ban đấu tranh chính trị Đặc Khu ủy Quảng Đà được bố trí đưa vào nội ô hoạt động, khẩn trương đẩy mạnh tổ chức Đảng, lực lượng đấu tranh chính trị (4).
Với vị trí địa - chính trị của mình, đặc biệt Hội An là trung tâm đầu não của tỉnh lỵ Quảng Nam, nên chính quyền Sài Gòn đã tập trung nơi đây một lực lượng quân sự mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại. Trong điều kiện và hoàn cảnh mà tương quan lực lượng bất lợi như vậy, nhân dân Hội An đã biết cách phát huy tối đa sự thông minh và tinh thần sáng tạo của mình để tìm ra các hình thức và biện pháp đấu tranh chính trị phù hợp, từ đó huy động được sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp nhân dân vào các phong trào đấu tranh chống lại kẻ thù.
Bộ máy lãnh đạo đấu tranh chính trị được kiện toàn, gồm cán bộ hợp pháp và bất hợp pháp. Thị ủy thành lập thêm Ban Chỉ huy đấu tranh chính trị hợp pháp phân công đứng tại cánh bắc và cánh nam. Ở mỗi xã có ban đấu tranh chính trị bí mật từ 2-4 người do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp phụ trách, bên cạnh đó có ban chỉ huy hợp pháp được tổ chức chặt chẽ, từ chỉ huy chung toàn xã đến chỉ huy vùng, liên lạc, binh vận, trinh sát, xung kích, nòng cốt. Lực lượng chính trị của quần chúng ở các vùng nông thôn biên chế thành các tổ, tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, từng cánh, từng mũi do cán bộ có kinh nghiệm lãnh đạo và chỉ huy. Ở các nơi công cộng trong thành phố như bến xe, bến đò, chợ, nhà thương, trường học đều thành lập các tổ huy động quần chúng.
Đến ngày 10-1-1968, đợt “tổng động viên chính trị” trong nhân dân đã hoàn thành, ta thực hiện khẩu hiệu “nắm dân như nắm quân”, tổ chức 3 lần đấu tranh nhập thị quy mô huy động toàn thị xã để tập dượt lực lượng và nâng cao trình độ, kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy. Ban Binh vận thị xã được bổ sung có 7 cán bộ chuyên trách, mỗi xã có 5 người, mỗi điểm quan trọng có 1 hoặc 2 tổ bám theo dõi tình hình, móc nối xây dựng đầu mối, ngoài ra còn có các tổ binh vận cơ động. Để đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp tiền phương của thị xã cử cán bộ thường trực và nhân viên đứng các trạm Xuyên Long, Nồi Rang, thôn 1 Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm An. Cơ sở của ta bằng các đường hợp pháp và bí mật mua đường sữa, lương thực và nhiều nhu yếu phẩm khác với hàng chục tấn hàng từ vùng địch lần lượt chuyển ra cho giấu dự trữ ở An Bàng, Trà Quế, Xuyên Thọ để sẵn sàng tiếp tế cho bộ đội. Hàng trăm hầm bí mật, công sự, ghe thuyền và lực lượng dân công chuẩn bị chu đáo phục vụ chiến trường (5).
Về phía địch, bị những đòn đau trong năm 1967, ngày 4-12-1967, chúng đưa hai tiểu đoàn quân chư hầu Nam Triều Tiên thuộc lữ đoàn Rồng Xanh (Thanh Long) tăng cường cho chiến trường Hội An. Bọn ngụy quyền Quảng Nam tổ chức lễ đón rước long trọng tại tỉnh lỵ Hội An với sự tham dự của trung tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân đoàn I thay mặt cho chính phủ Việt Nam cộng hòa.
Vừa chân ướt chân ráo đến Hội An, lính Nam Triều Tiên đã giả trò bỉ ổi đối với phụ nữ ngay tại buổi lễ đón rước chúng, gây nhiều phản ứng quyết liệt trong nhân dân. Sau khi bủa quân đóng các chốt điểm tại quận lỵ Hiếu Nhơn và rải rác từ Thanh An (Cẩm Hà) xuống đến Dốc Luyện, Tân Thành (Cẩm An), lính Nam Triều Tiên bắt đầu triển khai các cuộc hành quân lùng sục xung quanh vị trí đóng quân và thọc sâu vào các vùng giải phóng của ta, ngang nhiên cướp phá, đốt nhà, bắt đồng bào ta không kể già trẻ gái trai phải cởi hết quần áo cho chúng xem làm trò tiêu khiển. Điển hình là các vụ hiếp dâm và bắn giết bừa bãi, tàn sát một lúc hàng chục người đã làm sôi sục lòng căm phẫn của nhân dân đối với quân xâm lược.
Ngày 25-1-1968, Tiểu đoàn 3 của Bộ Tư lệnh mặt trận 4 được tăng cường về phối hợp tác chiến tại chiến trường Hội An. Ngày 26-1-1968, sau khi khảo sát địa bàn và nắm tình hình chuẩn bị của các địa phương, đơn vị, Ban chỉ huy họp các mũi đấu tranh chính trị thông qua phương án tác chiến: Lực lượng chính trị tấn công vào nội ô theo bốn cánh bắc, tây, đông, nam; mỗi cánh chia làm nhiều mũi, đưa “tối hậu thư” vào các đồn bốt đề nghị địch đầu hàng, tiến sâu vào thành phố cùng lực lượng quần chúng nội ô cướp chính quyền (6).
Theo chỉ thị của Đặc Khu ủy Quảng Đà, các xã phía đông dưới đường Quốc lộ 1 có nhiệm vụ tham gia trực tiếp cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại thị xã Hội An, gồm có các xã Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương huyện Thăng Bình, Xuyên Phước, Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Xuyên Long, Xuyên Tân, Xuyên An (huyện Duy Xuyên), Điện Thành, Điện Nam, Điện Phương, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Hải (huyện Điện Bàn). Ban Đấu tranh chính trị tăng cường thêm chị Trinh, cán bộ lãnh đạo của các huyện cũng được điều động phân công phối hợp với Hội An, trong đó chị Trí của Huyện ủy Thăng Bình, Chị Mai của Duy Xuyên (7).
Đêm 26-1-1968, Ban Chỉ huy hạ lệnh tác chiến cho các đơn vị. Đồng bào các vùng giải phóng tổ chức ăn tết trước, thề “không giành được thắng lợi không trở về”, “mũi ta sắc nhọn chứ không tà”, chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, bánh tét làm lương thực mang theo quyết tâm khởi nghĩa đến cùng. Khí thế cách mạng hừng hực, trào dâng khắp xóm thôn; đồng bào trong các khu dồn lấy cớ về quê ăn Tết để gia nhập vào đội quân khởi nghĩa. Lực lượng quần chúng cách mạng ở nội ô được lệnh sẵn sàng tiếp tế và phối hợp hành động.
Về phía địch ở Hội An lúc này cũng dự đoán ta sẽ đánh lớn trong dịp Tết nhưng đánh vào đâu, quy mô, phương thức, sử dụng lực lượng như thế nào thì chúng không thể phán đoán được. Vì vậy, chúng ra lệnh báo động, điều thêm lực lượng về phòng ngự, ráo riết canh phòng chuẩn bị đối phó với ta. Riêng tiểu đoàn Nam Triều Tiên lúc này vẫn nghi quân ta tập kết đông ở Xuyên Thọ nên tiếp tục càn quét, truy lùng hòng ngăn chặn từ xa.
Theo kế hoạch, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam sẽ diễn ra vào đêm 30-1-1968 nhưng đến ngày 30-1-1968, Đặc Khu ủy Quảng Đà và Bộ tư lệnh Mặt trận 4 nhận được lệnh hoãn thời gian nổ súng sang đêm 31-1-1968. Do lệnh quá gấp, chiến trường lại chia cắt nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Quảng Đà vẫn nổ ra vào đêm 30 rạng ngày 31-1-1968.
Tại Hội An, đêm 30-1-1968, đồng chí Nguyễn Thắng (Bằng) - Phó Bí thư Thị ủy và một số cán bộ phụ trách nội ô đã được cơ sở ta đưa vào trong thành phố để trực tiếp chỉ đạo lực lượng khởi nghĩa cướp chính quyền(8). Gần 1.000 quần chúng từ các vùng nông thôn cũng đã vào rấm trước ở nội ô để sẵn sàng tiếp ứng. Lực lượng chính trị từ các xã đội ngũ chặt chẽ hành quân về các điểm tập kết cuối cùng sẵn sàng chờ lệnh hành động.
Lực lượng chính trị của quần chúng gồm 11.850 người từ nhiều mũi, nhiều cánh mang theo gậy gộc, dao rựa, cờ băng tiến thẳng vào nôi ô. Khi các mũi chính trị tiến đến vùng ven chuẩn bị vào thành phố thì các mũi tiến công quân sự của ta đã chuyển sang thế cầm cự trước sự phản kích quyết liệt của địch.
Cánh quân phía Bắc chia làm 3 mũi. Mũi thứ nhất từ Cẩm An và thôn Trà Quế xã Cẩm Hà với gần 100% dân số tham gia tiến vào hồ Bà Thiên, Xóm Mới, khi đến Trường Lệ bọn địch trong các lô cốt xả đạn như mưa vào đoàn quân. Các mũi xung kích vẫn tiếp tục tiến lên, đồng chí Võ Thị Liễu tổ trưởng xung kích cầm tối hậu thư xông vào lô cốt địch đề nghị không được bắn vào nhân dân. Đồng chí trúng đạn địch và bị thương nặng nhưng tay vẫn cầm chặt tối hậu thư giơ lên cao và hô lớn: “Đồng bào cứ tiến lên” rồi anh dũng hy sinh. Đoàn quân vấn tiếp tục tiến nhưng địch gọi máy bay dến ném bom vào đội hình làm chết và bị thương nhiều người. Không thể tiến lên được nữa, xung kích chỉ huy quần chúng dãn đội hình chờ lệnh cấp trên (9).
Mũi thứ hai gồm 2.500 quần chúng của các xã Điện Dương, Điện Hải do đồng chí Đinh Ngọc Dũng - Phó ban đấu tranh chính trị của Đặc Khu ủy Quảng Đà trực tiếp chỉ huy, cùng với lực lượng quần chúng xã Cẩm Hà tiến vào nội ô theo hướng chùa Thanh Minh. Đoàn quân vừa đến khu vực Tư Quờn thì địch trong hai lô cốt bắn xối xả chặn đội hình ta giữa cồn cát trống trải. Các chiến sĩ xung kích và nòng cốt xông lên mở đường nhưng đều hy sinh và bị thương. Quần chúng vừa dãn đội hình ra thì máy bay địch đến oanh tạc làm chết thêm 7 người và bị thương 9 người.
Mũi thứ ba từ Cẩm Châu tiến lên đến Sơn Phô, địch huy động lực lượng ra ngăn cản và xả đạn vào đoàn biểu tình. Mẹ Nguyễn Thị Thuận cầm tối hậu thư xông lên, bị trúng đạn địch nhưng mẹ vẫn gượng đứng thẳng dậy hô lớn “Đồng bào hãy tiến lên! Giành cho được chính quyền về tay nhân dân” và anh dũng hy sinh. Lực lượng xung kích cầm đầu đoàn quân tiếp tục xông lên và hô vang các khẩu hiệu “Đồng bào ta cương quyết tiến lên”, “Yêu cầu anh em binh sĩ không được bắn vào đồng bào!”. Bọn địch vẫn ngoan cố đàn áp, du kích nổ súng diệt tại chỗ 3 tên, số địch còn lại hoảng sợ bỏ chạy. Khi đoàn quân tiến đến gần khu công binh thì bọn biệt kích từ hầm ngầm nhảy lên khống chế bắt 31 người, hầu hết là xung kích và nòng cốt của mũi tiến quân. Quần chúng vẫn giữ chặt đội hình chờ lệnh.
Cánh quân phía Nam gồm lực lượng của các xã Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều, Bình Dương (Thăng Bình), Xuyên Thái, Xuyên Thọ, Xuyên Tân, Xuyên Long, Xuyên Phước, Xuyên An (Duy Xuyên) và Cẩm Kim, Cẩm Nam sau khi đã hoàn toàn làm chủ tình hình xã Cẩm Nam tiếp tục dùng ghe vượt sông Hội An để tiến vào nội ô. Đại đội biệt kích tại Trại Tây Hồ đặt trung liên, đại liên nhằm vào các thuyền chở quân của ta xả đạn, đồng thời gọi pháo bắn tới tấp vào đội hình ta ở Xuyên Trung, Hà Trung (Cẩm Nam). Nhiều quần chúng bị trúng đạn địch, đa số nòng cốt và xung kích hy sinh, trong đó có đồng chí bí thư xã Xuyên Thọ. Cánh quân phía Nam bị chững lại bên kia sông dưới làn mưa đạn ác liệt của kẻ thù.
Cánh quân phía Đông gồm lực lượng quần chúng xã Cẩm Thanh tiến theo đường Cồn Chài. Bọn lính trung đoàn 51 kéo quân ra chặn đường đàn áp làm 5 người chết, 2 người bị thương, 36 người bị bắt. Đoàn quân không tiến lên được phải dãn đội hình chờ lệnh.
Cánh quân phía Tây gồm lực lượng quần chúng xã Điện Thành do đồng chí Nguyễn Văn Châu, thường vụ huyện ủy Điện Bàn trực tiếp chỉ huy và lực lượng một số thôn phía Tây của Cẩm Hà. Đoàn quân tiến đến khu vực bến xe thì gặp lực lượng địch triển khai đàn áp phải dừng lại và sau đó rút lui về Điện Thành (10).
Sáng 31-01-1968, quân ta vẫn giữ vững trận địa chiếm lĩnh tại khu công binh và Chi Lăng, đẩy lùi các đợt phản kích của địch, bắt sống một tên sĩ quan thám báo Nam Triều Tiên. Lực lượng quần chúng khởi nghĩa được lệnh chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, tải thương, giải quyết chiến trường, phục vụ cho bộ đội rút lui. Tuy là đấu tranh chính trị nhưng khi cần thiết, biện pháp đấu tranh được chuyển hóa một cách sáng tạo, trong bom đạn ác liệt, đồng bào vẫn tích cực tham gia vận chuyển thương binh về nơi an toàn, tổ chức chăm sóc chữa trị chu đáo. Ngay vùng sát nách địch như Trường Lệ nhân dân nuôi giấu thương binh ở trong hầm bí mật, chôn cất 24 liệt sĩ. Ở Trà Quế, nhân dân tổ chức mai táng 37 liệt sĩ một cách chu đáo và chăm sóc 120 thương binh, phân chia mỗi nhà đảm nhận nuôi dưỡng 3 ca thương binh. Số thương binh nặng được bố trí chuyển về vùng hậu cứ Cẩm Thanh và Xuyên Thọ ngay trong đêm để có điều kiện điều trị kịp thời. Lực lượng khởi nghĩa do các xung kích chỉ huy tiếp tục chuẩn bị đấu tranh chính trị khi địch càn quét, thà chết bảo vệ thương binh đến cùng.
Lúc 7 giờ sáng ngày 01-02-1968, cánh quân Nam Triều Tiên từ quận Hiếu Nhơn mở cuộc càn quét vào Xóm Chiêu hòng tiêu diệt bộ đội ta. Trận chiến xảy ra quyết liệt, địch bao vây bốn bề, liên tục mở nhiều mũi, nhiều đợt tiến quân ồ ạt, có cả phi pháo và vũ khí hóa học tấn công vào địa bàn phòng thủ của ta. Tiểu đoàn 3 của tỉnh Quảng Nam cùng với đại đội 2 của thị xã Hội An và du kích, được nhân dân tiếp tế tận tình, dựa vào các công sự, lũy tre làng đẩy lùi từng đợt xung phong của địch, diệt hơn 100 tên. Cả ngày không chiếm được Xóm Chiêu lại bị tổn thương nặng nề, quân Nam Triều Tiên phải giương cờ Hồng thập tự xin lấy xác đồng bọn rồi rút lui. Cánh quân Nam Triều Tiên ở An Bàng và Tân Thành định đánh qua Trà Quế nhưng thấy động, bọn ở cánh vào Xóm Chiêu bị ta đánh thiệt hại nặng nên chúng phải hoãn binh. Đến tối tiểu đoàn 2 rút khỏi Trà Quế và tiểu đoàn 3 rút khỏi Xóm Chiêu về vùng căn cứ Cẩm Thanh và Đông Duy Xuyên.
Dưới sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy Hội An, quân và dân Hội An đã nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Qua đợt tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, quân và dân Hội An đã tiêu diệt 625 tên (có 125 Nam Triều Tiên), bắt sống 107 tên, thu 81 súng các loại, phá hủy 3 pháo 105 ly, bắn cháy 1 xe Jeep, 3 xe M.113, phá hủy 50 xe vận tải, chiếm giữ một số vị trí quân sự quan trọng của địch ở nội ô hơn một ngày. Với những thành tích đó, quân và dân Hội An được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung bộ tặng Huân chương quân công hạng nhì. Các xã Cẩm Châu và Cẩm Thanh được tặng Huân chương giải phóng hạng nhất. Các xã Cẩm Hà, Cẩm An được tặng Huân chương giải phóng hạng nhì và nhiều đơn vị, địa phương, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý khác (10).
Sau một năm thành lập, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát huy sức mạnh và vai trò lãnh đạo cách mạng của mình, không những tại địa bàn chủ chốt Đà Nẵng mà còn lãnh đạo, phối hợp với Thị ủy Hội An lãnh đạo nhân dân Hội An trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) giành nhiều thắng lợi. Mỹ bị thất bại nặng nề, đã thua cả về quân sự và chính trị, cả ở Việt Nam và trong nước Mỹ. Mỹ đã thua vì lần lượt những chiến lược, chiến thuật của Mỹ bị phá sản, kể cả cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc. Thất bại về quân sự dẫn đến thất bại về chính trị, vì chiến tranh xâm lược Việt Nam đã gây ra khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ suy thoái, xã hội Mỹ chia rẽ, khủng hoảng lòng tin, làm cho địa vị của Mỹ trong thế giới tư bản bị giảm sút hơn bao giờ hết. Những thất bại về quân sự, chính trị trên chiến trường Việt Nam và những khó khăn về kinh tế, xã hội của nước Mỹ đã lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Giôn-xơn phải xuống thang, rút dần ra khỏi chiến tranh.
Tóm lại, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) thắng lợi, trước hết là do sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, Thị ủy Hội An. Đảng bộ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã giữ vững độc lập, tự chủ trong việc vạch ra đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân, đã từng bước nắm được quy luật của chiến tranh cách mạng để chỉ đạo nhân dân kháng chiến một cách sáng tạo, thấy rõ nguồn gốc sức mạnh của ta là tinh thần làm chủ của nhân dân, trên cơ sở đó đã chú trọng xây dựng thế và lực cả về quân sự lẫn chính trị. Trong đó, đấu tranh chính trị đã tập hợp được quần chúng, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, lôi kéo cả những người tiến bộ trong hàng ngũ của ngụy quân, ngụy quyền vào mặt trận kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đấu tranh chính trị bằng nhiều phương pháp được chuyển hóa linh hoạt nhằm phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta, là một trong ba mũi giáp công của ta để chống địch và giành quần chúng.
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, tập 2 (1965 - 1970),
Nxb. Sự thật, 1975, tr.70.
(2) Thị ủy Hội An: “Nghị quyết hội nghị Thị ủy từ 14 đến 15-12-1967”. Tài liệu lưu trữ tại Bộ phận lịch sử Đảng Thị ủy Hội An.
(3) Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An: Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), Nxb. Đà Nẵng, tr. 278.
(4) Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hội An: Lịch sử Phong trào cách mạng của Phụ nữ Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Đà Nẵng, 2016, tr. 188 - 189.
(5) Ban Chấp hành Hội nông dân thành phố Hội An:Lịch sử Phong trào Nông dân Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Đà Nẵng, 2016, tr. 162.
(6) Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An: Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), sđd, tr. 278.
(7) Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hội an: Lịch sử Phong trào cách mạng của Phụ nữ Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), sđd, tr. 192.
(8) Đồng chí Trương Minh Lượng hy sinh ngày 18-10-1967 tại Trường Lệ trong một trận càn quét của địch, Thị ủy cử đồng chí Nguyễn Thắng (Bằng) thay làm Phó Bí thư phụ trách nội ô.
(9) Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hội An: Lịch sử Phong trào cách mạng của Phụ nữ Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), sđd, tr. 195.
(10) Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hội An: Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), sđd, tr. 289.
(11)“Hồ sơ khen thưởng đợt tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 của Thị xã Hội An”. Tài liệu lưu trữ tại Bộ phận Lịch sử Đảng Thị ủy Hội An.
Trích kỷ yếu hội thảo “Vai trò đặc khu Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà” (1967 -1975), do Thành ủy Đà Nẵng , Thành ủy Quảng Nam tổ chức tháng 7 năm 2017.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền