Gốm sứ Hizen ở Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam (Vấn đề niên đại, cách thức sử dụng và du nhập)

Thứ tư - 13/09/2017 23:52
MỞ ĐẦU
Năm 1990, sau khi những mảnh gốm sứ Hizen của Nhật Bản được xác nhận trong số gốm sứ khai quật ở Hội An, một phố cảng ở Trung bộ, Việt Nam (1), các nhà nghiên cứu Việt Nam đã có nhiều báo cáo về việc phát hiện gốm sứ Hizen.
          Năm 1993, một nhóm nghiên cứu khảo cổ học của Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành khảo sát nhiều di tích từ Trung Bộ đến Nam bộ nhằm xác định những địa điểm tìm được gốm sứ Hizen (2). Đợt khảo sát đó, các nhà nghiên cứu hai nước đã tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ  Hizen ở Khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sau lần đó, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam đã không chỉ tiến hành khai quật ở Trung Bộ mà còn ở cả Bắc Bộ, tiêu biểu là đợt nghiên cứu ở khu vực thương cảng Thanh Hà, Huế (3); Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa vùng kinh thành Thăng Long… Như vậy, các đoàn nghiên cứu đã tìm thấy gốm sứ Hizen ở nhiều địa phương trên lãnh thổ Việt Nam (4).

          Là người đã trực tiếp tham gia vào một số chương trình nghiên cứu và khảo sát nói trên, trong bài viết này tôi muốn tình bày về quá trình và cách thức du nhập gốm sứ Hizen vào Bắc bộ và Trung bộ, Việt Nam thế kỷ XVII trong đó có cả vấn đề có hay không gốm sứ Hizen hiện diện trong các ngôi mộ cổ và cuối cùng là thảo luận về niên đại gốm sứ Hizen của Nhật Bản được đưa đến Việt Nam.

           I. KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM THẾ KỶ XVII

         Trước hết, cần có một cái nhìn khái quát về Việt Nam thế kỷ XVII, thời điểm mà gốm sứ Hizen được xuất khẩu đến Việt Nam.

          Việt Nam thế kỷ XVII là triều đại nhà Lê đang nắm quyền (1428 - 1788). Mặt dù là người đứng đầu đất nước nhưng trên thực tế ngôi vị nhà vua lúc này chỉ là danh nghĩa, mọi quyền lực nằm trong tay các chúa Trịnh. Về không gian địa lý, khu vực Bắc Bộ bao gồm các tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là khu vực chịu sự quản lý của chính quyền Lê - Trịnh. Trong thời gian đó, sau khoảng nửa thế kỷ chính quyền rơi vào tay nhà Mạc (1527 - 1592), trước sức tấn công mạnh mẽ của quân Trịnh, mặc dù cuối cùng phải rút khỏi kinh đô Thăng Long và đồng bằng Bắc Bộ nhưng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực giáp với biên giới Việt Trung, dư đảng của nhà Mạc vẫn còn tồn tại. Lực lượng này vẫn liên tục tổ chức các cuộc bạo động và vẫn là một thế lực có ảnh hưởng trong xã hội. Trong khi đó, ở miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên, Khánh Hòa thuộc về sự quản chế của chính quyền Đàng Trong do các chúa Nguyễn đứng đầu.

            Trên phương diện chính trị, thế kỷ XVII cũng là giai đoạn mà hai thế lực chúa Trịnh và chúa Nguyễn có nhiều mâu thuẫn sâu sắc. Năm 1627, hai bên chính thức bắt đầu chiến tranh. Đến năm 1672, cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt trên một vùng rộng lớn từ Nghệ An đến Đồng Hới, đặc biệt là vùng sông Nhật Lệ thuộc tỉnh Quảng Bình hiện nay. Để đối phó với các cuộc tấn công của chúa Trịnh, trong các năm 1630 – 1631 chúa Nguyễn đã cho xây dựng đồn lũy kiên cố ở khu vực này đồng thời tiến hành một số hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ sự chi viện của Bồ Đào Nha. Thế nhưng, sau năm 1673, do cuộc chiến không thể phân thắng bại nên chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã đi đến quyết định lấy sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình làm giới tuyến. Nhờ đạt được thỏa thuận đó mà Việt Nam đã có khoảng một thế kỷ phát triển trong điều kiện tương đối yên bình.

            Nhưng cũng chính trong giai đoạn phân cát Trịnh – Nguyễn đó, ở Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam, một số ngành sản xuất kinh tế cũng như ngoại thương đã có nhiều bước phát triển. Trên cơ sở đó, chúa Trịnh đã cho dời thương cảng ở khu vực Vân Đồn vào các cảng sông nằm khá sâu trong đất liền. Trong giai đoạn 1637 – 1699, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã thiết lập một số thương quán ở Thăng Long, Phố Hiến… và lấy đó làm cơ sở cạnh tranh thương mại với Nhật Bản. Bên cạnh đó, trong các năm 1673 và 1683, Công ty Đông Ấn Anh cũng lần lượt cho xây dựng các cơ sở thương mại ở Phố Hiến và tại Thăng Long (5). Tuy nhiên, nếu như so sánh chính sách đối ngoại của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với chúa Nguyễn ở Đàng Trong thì “tính hội nhập” trong chính sách của chính quyền Lê - Trịnh có nhiều phần hạn chế. Và mãi đến năm 1660, phủ chúa mới cho phép người nước ngoài cư trú ở Thăng Long (6). Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì các triều đại Lý, Trần đều muốn đưa các thương cảng ra ngoài hải đảo. Chính sách này nhằm tách biệt hoạt động ngoại thương và để hạn chế quan hệ với nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời Trịnh thì có sự thay đổi mặc dù chính quyền Lê – Trịnh vẫn luôn chịu áp lực của Trung Quốc.

          Trong khi đó để có tiền và nguyên liệu đúc đại bác, dựa vào những ảnh hưởng chính trị và thế lực của Hoa kiều mà ở khu vực miền núi phía Bắc, chúa Trịnh đã cho tiến hành khai thác các nguồn tài nguyên như: mỏ đồng ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, mỏ bạc ở Hà Giang, các mỏ vàng, thiếc ở Thái Nguyên… (7). Để tăng cường sức mạnh chống lại chúa Nguyễn và mở rộng ảnh hưởng tới các khu vực sinh sống của đồng bào thiểu số, nơi đang tiến hành khai thác tài nguyên, nên song song với việc tổ chức quân đội, phát triển đội tượng binh, chúa Trịnh còn tăng cường kết giao với các thủ lĩnh, hào tộc địa phương để có thể được cung cấp đàn voi chiến và giữ yên vùng biên ải (8).

          Điều đáng chú ý là, thời gian này một số ngành sản xuất thủ công vẫn tiếp tục phát triển, việc sản xuất gốm sứ như gốm hoa lam ở Chu Đậu, Bát Tràng… vẫn tiếp nối truyền thống. Một phần chế phẩm từ các lò này đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và được người Nhật sử dụng trong nghi lễ trà đạo (9).

          Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đã cho mở cảng thương mại Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam hiện nay nhằm đẩy mạnh quan hệ buôn bán với nước ngoài nhằm tăng cường nguồn thu từ việc đánh thuế các thuyền buôn ngoại quốc (10). Do vậy, ở Hội An đã hình thành nên các khu cư trú của ngoại kiều và chúa Nguyễn cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với họ. Có thể thấy, chính quyền Đàng Trong đã thi hành một chính sách có nhiều khác biệt với chúa Trịnh.

          Để chống lại chính quyền nhà Trịnh, khống chế trung tâm giao lưu buôn bán quốc tế và để bảo đảm khả năng an toàn cho một vùng đệm phía sau, chính quyền Nguyễn đã đẩy mạnh chính sách “Nam tiến”, mở rộng ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mê Kông vốn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó có người Khmer, Champa… Và đến thế kỷ XVIII, chính quyền Đàng Trong đã khẳng định được uy lực ở vùng Nam bộ (11). Nhưng, ở những vùng đất không chịu ảnh hưởng của chính sách “Nam tiến”, đã hình thành nên các làng chuyên làm gốm thương mại của cộng đồng người Hoa và cả người Việt. Tuy vậy, vào thế kỷ XVII gốm hoa lam vẫn chưa thấy xuất hiện ở vùng này.

          GỐM SỨ HIZEN KHAI QUẬT Ở VIỆT NAM
 
          Như đã trình bày ở trên, gốm sứ Hizen Nhật Bản đã được phát hiện ở nhiều địa danh Việt Nam. Tại Đàng Ngoài, Hizen đã được tìm thấy ở 7 địa điểm:
 
  •  Di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
  • Các địa điểm như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu trong khu vực thành
      Cổ và Văn Miếu thuộc kinh thành Thăng Long.
  • Di tích Tràng Tiền, Hà Nội.
  • Khu mộ cổ người Mường ở Đồng Thếch, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
  • Ngôi mộ cổ của người Mường, xã Dũng Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
  • Di tích Làng Gốm, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
  • Di tích phố Hiến, tỉnh Hưng Yên.
          Khu di tích Lam Kinh là nơi an táng thi thể của một số vua triều Lê. Năm 1997, song song với việc trùng tu di tích, người ta đã tổ chức điều tra, khai quật một số địa điểm ở di tích này. Trong số gốm sứ tìm được có một hiện vật Hizen vẽ hoa văn sóng nước với cá chép vờn mây (12). Tại khu vực nội thành Hà Nội, trong cuộc điều tra đi tích năm 1998, các nhà khảo cổ học Việt Nam thuộc Viện Khảo cổ học đã khai quật được gốm sứ Hizen nhưng về số lượng thì không nhiều. (13)

           Trong số các phát hiện được ghi nhận, thì khu mộ cổ của người Mường ở Đồng Thếch rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu. Năm 1984, khi khai quật “chữa cháy” sinh phần của ông Đinh Văn Kỷ, một quan lang có quan hệ sâu sắc với người Việt, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc bát vẽ hoa văn sóng nước với cá chép vờn mây rất đặc thù của sứ Hizen. Thêm vào đó, trong ngôi mộ của vợ ông Kỷ, người ta còn tìm thấy một chiếc đĩa vẽ men màu cùng một số bát vẽ hoa văn sóng nước có cá chép (14). Quanh mộ của ông Đinh Văn Kỷ, vẫn còn có các cột bia đá ghi rõ thời gian mai táng người quá cố. Đây là những thông tin rất giá trị để khẳng định về niên đại của gốm sứ Hizen du nhập vào Việt Nam.

          Ngoài ra, tại khu mộ cổ của người Mường thuộc xã Dũng Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khai quật năm 1980, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những đĩa sứ Hizen ở mộ có số hiệu DP.80.M68 nhưng không xác minh được đây có phải là mộ của một hào tộc nào đó hay không (15). Tại di tích Làng Gốm, tỉnh Hải Dương, một địa phương sản xuất gốm sứ từ khoảng thế kỷ XVI, trong số hiện vật tìm thấy ở di tích này, mảnh bát vẽ hoa văn sóng nước và cá chép kiểu sứ Hizen cũng được phát hiện (16). Tại thương cảng cổ phố Hiến thế kỷ XVII, sứ Hizen cũng đã xuất lộ tại một địa điểm (17). Như vậy là cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều địa điểm có gốm sứ Hizen. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang tiến hành khảo sát thực địa tại các di tích cảng ở Quảng Ninh (18), các di tích lịch sử và di tích cảng từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh đồng thời xem xét những sản phẩm gốm sứ còn lưu giữ trong các viện bảo tàng nhằm xác định xem khả năng vẫn còn gốm sứ Hizen lẫn với gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc trong số các hiện vật tìm được (19).

          Trên vùng đất phương Nam, từ Trung Bộ đến Nam Bộ là khu vực chịu sự chi phối của chính quyền chúa Nguyễn, chúng tôi đã xác nhận những hiện vật gốm sứ Hizen ở các di tích dưới đây:
  • Di tích cảng Mai Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  • Di tích cảng Cửa Việt, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  • Khu di tích gốm Mỹ Xuyên, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Di tích cảng Thanh Hà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Khu di tích ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  • Địa điểm Nồi Rang, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
  • Địa điểm Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  • Di tích Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam.
  • Di tích Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam.
  • Di tích cảng Nước Mặn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  • Khu tháp Thốc Lốc, tỉnh Bình Định.
  • Khu tháp Dương Long, tỉnh Bình Định.
  • Khu mộ cổ Đại Làng, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
  • Khu mộ cổ ở Đại Lào, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
  • Khu mộ cổ Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
  • Di tích Công ty Đông Ấn Anh, đặc khu Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
          Ở các tỉnh Trung Bộ, các cuộc điều tra và khai quật khảo cổ học đã tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ Hizen đặc biệt là những chiếc đĩa có hoa văn viết chữ “Nhật”, vẽ hình chim phượng hoàng, những chiếc đĩa vẽ hình hoa phù dung. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy cả những chiếc nậm và bình Hizen nhỏ. Trong các cuộc khảo sát để tìm hiểu sự phân bố các di tích khu vực Hội An thuộc thế kỷ XVII, chúng tôi thấy những chiếc đĩa có hoa văn viết chữ “Nhật” có vẽ hình chim phượng và những chiếc bát vẽ hoa văn sóng nước có vẽ hình chim phượng và những chiếc bát vẽ hoa văn sóng nước có cá chép vờn mây đã xuất lộ trên một diện rộng. Điều đáng chú ý là, gốm sứ Hizen được tìm thấy trong rất nhiều loại hình di tích khác nhau: Ở thành thị, thương cảng, mộ của người dân tộc thiểu số, nơi sản xuất gốm sứ, địa bàn cư trú và cả trong các trung tâm chính trị… Gốm sứ Hizen cũng nằm cùng tầng với các hiện vật gia dụng phổ biến thời bấy giờ. Hiện tượng này khác biệt nhiều so với những phát hiện ở miền Bắc.

          Nếu như ở Trung bộ gốm sứ Hizen được tìm thấy trong nhiều di tích thì tại Nam bộ, cho đến nay các nhà nghiên cứu mới chỉ biết đến phát hiện ở vùng Côn Đảo (20). Chịu ảnh hưởng của chính sách mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, vùng Nam bộ chỉ được chính thức khai phá kể tù nửa sau thế kỷ XVII. Sự kiện này gắn liền với việc chuẩn bị thành lập phủ thành Gia Định ở Sài Gòn năm 1700. Theo chúng tôi, diễn tiến lịch sử đó có liên quan mật thiết đến cách thức phân bố và niên đại xuất khẩu gốm sứ Hizen.

          Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, gốm sứ Hizen lần đầu tiên được xuất khẩu vào năm 1647 (21). Ngay từ đầu, Hizen đã được xuất khẩu sang Đông Dương. Nhưng cùng với việc triều đình nhà Minh bãi bỏ lệnh cấm hải từ sau năm 1684 và tái xuất khẩu gốm sứ, người ta đã nghĩ đến tới việc Hizen sẽ không còn được xuất khẩu nữa (22).

          Vì vậy, mà khả năng gốm sứ Hizen được xuất tới Nam Bộ đã qua thời kỳ thịnh đạt nhất của quan hệ thương mại Nhật Bản với Đông Nam Á. Do tác động của chình sách tỏa quốc, việc giao thương của Nhật Bản hướng tới khu vực này đã suy giảm rõ rẹt.

           III. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG GỐM SỨ HIZEN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM

          Mặc dù nhận thức về thực trạng phân bố gốm sứ Hizen vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng trên cơ sở đánh giá bối cảnh lịch sử, xã hội của Đàng Ngoài và Đàng Trong lúc bấy giờ thì những địa điểm đã xác định được sự phân bố gốm sứ Hizen cho đến hiên nay ở Việt Nam là rất quan trọng.

          Có thể nói, sự phân bố gốm sứ Hizen ở Bắc bộ rất rải rác. Mặt khác, loại gốm sứ này lại được khai quật từ những di tích đặc biệt ví như: khu di tích Lam Kinh là nơi đặt mộ vua, di tích Hoàng thành nằm trong nội thành Thăng Long, rồi ngôi mộ của thủ lĩnh người Mường. Tại các thương cảng ở địa phương, ngoại trừ trường hợp hy hữu ở phố Hiến, còn các thương cảng khác đều chưa tìm được gốm sứ Hizen. Như vậy, đặc trưng của gồm sứ Hizen ở miền Bắc là sự phân bố rất phân tán, hầu hết đều tìm thấy tại những di tích đặc biệt và cho đến nay vẫn không thấy xuất hiện trên địa bàn cư trú của giới bình dân.

          Khác với tình hình Bắc bộ, sự phân bố gốm sứ Hizen ở Trung Bộ lại rất rộng. Bênh cạnh đó còn thấy nhiều loại sản phẩm Hizen khác nhau ở các tầng di tích. Một ví dụ tiêu biểu là sự phân bố Hizen ở khu vực Hội An. Tại những di tích thuộc thế kỷ XVII nối liền với 1 dải từ thị xã Hội An đến cửa sông Thu Bồn đều chắc chắn tìm được những mảnh gốm sứ Hizen (23). Ở khu phố cổ Hội An, qua giám định gốm sứ trong các hố khai quật ta thấy từ lớp dưới đến lớp giữa là gốm Trung Quốc có niên đại nữa đầu thế kỷ XVII. Chúng ta có thể chứng minh sự thay đổi này qua phân tích các loại vật dụng dùng trong sinh hoạt (24). Theo chúng tôi, những biến loạn về chính trị trong thời kỳ chuyển giao quyền lực từ nhà Minh sang nhà Thanh vào giữa thế kỷ XVII đã tác động mạnh mẽ đến ngành sản xuất gốm sứ. Do những biến động đó, mà hoạt động của các vùng chuyên sản xuất gốm sứ của Trung Quốc bị ngưng trệ. Mặt khác, để giành được vùng đất còn nằm trong khu vực quản lý của Trịnh Thành Công, đối thủ mạnh nhất chống lại nhà Thanh ở vùng biển Phúc Kiến, nhà Thanh đã ban lệnh cấm buôn bán trên biển đồng thời hạn chế xuất khẩu gốm sứ. Trong bối cảnh đó, có thể cho rằng, gốm sứ Hizen đã được chấp nhận là sản phẩm thay thế gốm sứ Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang Đông Nam Á và Việt Nam (25).

          Mặt khác, gốm sứ Hizen đã được tìm thấy rất nhiều trong cuộc điều tra di tích cảng Thanh Hà ở Huế, di tích cảng Nước Mặn ở Bình Định. Trong đó, theo kết quả cuộc khai quật di tích cảng Thanh Hà, trong số gốm sứ tìm được ở hố thứ nhất và hố thứ hai, gốm sứ Hizen chiến tối khoảng 80% (26). Như vậy, vào nửa sau thế kỷ XVII, trong số những dụng cụ ăn uống, gốm sứ Hizen luôn chiếm tỷ lệ cao. Kết quả nghiên cứu ở Thanh Hà càng chứng tỏ việc gốm sứ Nhật Bản được sử dụng phổ biền không phải là trường hợp riêng biệt của Hội An.

         Như vậy, sự khác nhau về tình hình sử dụng và phân bố gốm sứ Hizen ở Trung Bộ và Bắc Bộ hẳn phải có những căn nguyên của nó.

           Như tôi đã trình bày ở trên, vào thế kỷ XVII tại những vùng chuyên sản xuất gốm như: Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy (Hải Dương) hay Xích Đằng (Hưng Yên)… người ta đều sản xuất gốm sứ hoa lam (27). Ở những vùng này, không ít nơi đã có truyền thống sản xuất gốm từ nhiều thế kỷ trước. Có nơi chuyên cung cấp sản phẩm thiết yếu bằng gốm sứ như dụng cụ ăn uống thường ngày, dụng cụ bảo quản thức ăn… Do vậy, sự thâm nhập của gốm sứ Hizen, một sản phẩm nước ngoài, tại một thị trường đã tràng ngập những sản phẩm bản địa quả thực là rất khó khăn chứ không phải dễ dàng như nhiều người suy tưởng (28). Gốm sứ Hizen đã không thể phổ biến, trở thành những dụng cụ ăn uống thường nhật của đa số các tầng lớp xã hội. Việc sứ Hizen được khai quật từ các di tích đặc biệt cho thấy chỉ có một bộ phận người sử dụng hoặc chỉ được sử dụng như những lễ vật tặng nhau trong những mối quan hệ nhất định. Theo đó, trường hợp gốm sứ Hizen được tìm thấy trong ngôi mộ của thủ lĩnh Mường Động, Hòa Bình là vấn đề rất đáng chú ý.

          Nếu so sánh một cách tương đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong thì chính sách đối ngoại của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài không có những ưu đãi đối với người nước ngoài. Miền Bắc, vùng đất có lịch sử lâu đời và luôn phải chịu những áp lực từ phía Trung Quốc nên đã có các chính sách hạn chế người nước ngoài lưu trú cũng như không cho phép nhiều thuyền buôn ngoại quốc vào sâu trong các cảng nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép cư trú ở Thăng Long từ sau năm 1660 (29). Vì vậy, việc lưu thông sản phẩm gốm sứ ngoại quốc ở một vùng chuyên sản xuất gốm sứ lại càng trở nên khó khăn.

           Sự phổ biến của gốm sứ Hizen như là những dụng cụ sinh hoạt, ăn uống thường ngày trong xã hội ĐàngTrong rất rõ ràng. Ở khu vực chịu sự chi phối của chính quyền chúa Nguyễn, từ Trung Bộ tới Nam Bộ, vào thế kỷ XVII người ta đã không sản xuất gốm sứ từ nơi khác để làm vật dụng ăn uống (30). Theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An, thì ở khu vực này, từ khoảng giữa thế kỷ XVII đã lưu thông các loại bát, đĩa có vẽ hình rồng hay hình chim phượng hoàng (31). Nhiều người cho rằng đây là sản phẩm của Trung Quốc và qua đó khẳng định sự tồn tại của các sản phẩm nước ngoài ở Đàng Trong. Điều này đã được thể hiện ở di tích Trà Bát trung tâm chính trị của chính quyền chúa Nguyễn thế kỷ XVI. Chúng tôi đã xem những vật dụng gốm sứ ở đây và thấy rằng toàn bộ gốm sứ hoa lam có trang trí hoa văn đều thuộc hệ thống lò Cảnh Đức Trấn hoặc hệ lò Phúc Kiến thuộc Quảng Đông, Trung Quốc (32). Trong bối cảnh đối địch giữa hai chính quyền Trịnh – Nguyễn, do sự khó khăn trong quan hệ giao lưu với Đàng Ngoài nên tuyệt đối không thấy sự phổ biến của gốm sứ miền Bắc. Giai đoạn năm 1627 – 1672, chiến tranh diễn ra liên miên và sau đó là chính sách thù địch của các chính quyền phong kiến nên hầu như đã không có sự lưu thông hàng hóa giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hoàn toàn không thấy có gốm sứ hoa lam trong số gốm sứ Việt Nam khai quật ở Hội An. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy quá nửa những dụng cụ bảo quản thức ăn và nấu ăn là đồ sành miền Trung trong khi đó sản phẩm sành miền Bắc chỉ xuất hiện rất hạn hữu (33).

          Hơn thế nữa, sự hiện diện của những sản phẩm gốm sứ ngoại quốc cũng phần nào phản ánh chính sách ngoại thương tính tích cực của chính quyền chúa Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên từng nhận xét: “Bấy giờ Chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” (34). Trong bối cảnh đó, các thuyền buôn Châu ấn của Nhật Bản cũng tìm đến buôn bán và trong số các quốc gia Đông Nam Á thì số lượng thuyền buôn được phái đến các cảng thương mại thuộc sự quản lý của chúa Nguyễn là nhiều nhất (35). Các cảng Đàng Trong nằm ở gần vùng núi nơi có quế, trầm hương, hồ tiêu, đường, yến sào, vàng… là những sản vật được các thương nhân nước ngoài ưu chuộng. Hơn nữa, Đàn Trong cùng với nhiều động vật quý như: voi, hươu, tê giác,… và có thể cung cấp ngà voi, sừng hươu. Ngà voi, sừng tê đều rất quý hiếm. Đồng thời, chính quyền Nguyễn còn thực thi những chính sách ưu đãi như “Ngoại trị pháp quyền” đối với người nước ngoài nên thương thuyền quốc tế đã hội tụ về đây để buôn bán. Điều đáng chú ý là, ở Đàng Trong không phải chỉ đến nửa sau thế kỷ XVII mà từ thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XVIII người ta vẫn sử dụng nhiều sản phẩm nước ngoài. Nhận định này hoàn toàn có thể chứng minh qua kết quả nghiên cứu ở Hội An (36).

          Như vậy là, do không có khả năng sản xuất gốm sứ ở khu vực Trung bộ và những khó khăn trong quan hệ lưu thông giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài cũng như chính sách đối ngoại khác biệt của hai chính quyền Lê – Trịnh và chúa Nguyễn nên xã hội Đàng Trong đã tiếp nhận gốm sứ Hizen làm vật dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên ở Đảng Ngoài, mặc dù rất hiếm, nhưng gốm sứ Hizen cũng đã được phát hiện ở một số di tích và dưới đây tôi muốn tập trung trình bày về các hiện vật Hizen phát hiện được tại khu mộ cổ của người Mường ở Hòa Bình để qua đó phần nào hiểu được hoàn cảnh cũng như niên đại du nhập vào Bắc bộ.

          IV. VỀ THỜI GIAN DU NHẬP CỦA GỐM SỨ HIZEN Ở HÒA BÌNH.

          Cho đến nay, theo các kết quả nghiên cứu, việc có hay không thực tế sử dụng gốm sứ Hizen trong cuộc sống thường nhật của những người bình dân ở Bắc bộ đã trở thành vấn đề được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong khi đó, cũng có một số nhà khảo cổ học và sử học cho rằng, gồm sứ Hizen đã được dùng như một loại quà biếu. Vấn đề này có thể được làm sáng tỏ qua những tư liệu quan trọng, rõ ràng về niên đại du nhập gốm sứ Hizen được khai quật ở di tích Đồng Thếch, khu mộ của thủ lĩnh người Mường.

          Di tích Đồng Thếch thuộc xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Khu mộ cổ này là nơi mai táng những quan lang – thủ lĩnh người Mường và thân nhân của họ từ nhiều thế kỷ trước. Hiện nay, con cháu họ vẫn còn sống gần đó và gia phả của dòng họ vẫn được bảo tồn.

          Từ tháng 12 – 1984 đến tháng 1 – 1985, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình (trước đây là tỉnh Hà Sơn Bình) đã tiến hành khai quật di tích khu mộ cổ Đồng Thếch với tổng cộng 13 ngôi mộ. Trong đó, khu A là 6 mộ và khu B là 7 mộ. Kết quả cho thấy, các ngôi mộ được bao quanh với những tảng đá tự nhiên có hình chữ nhật. Quy mô của những ngôi mộ đá đó khá lớn. Trong số đó, người ta đã xác định được văn bia của các ngôi mộ M3, M7, M9 ở khu A. Ở ngôi mộ M3, M7 đã tìm thấy gốm sứ Hizen (38). Ngôi mộ M3 hình chữ nhật, dài 10m, rộng 6m được tạo dựng với 17 phiến đá. Người ta tiến hành khai quật một diện tích 8m x 5.4m và thấy xuất hiện ở các tầng nhiều vật đã hóa tro than. Độ sâu của ngôi mộ này là 3.1m. Ở độ sâu 0.95m, hướng Tây – Nam của khu mộ, đã khai quật thấy nhiều đồ gốm sứ chồng xếp lên nhau và ở độ sâu 1.1m cũng khai quật thấy đồ gốm sứ trong tình trạng chồng lớp (39).

           Những di vật đó là đồ gốm sứ tùy táng (mà hiện nay các dân tộc thiểu số vẫn sử dụng) gồm: thạp rượu 1 chiếc, bát sứ 10 cái, đĩa sứ 6 cái và 11 vật dụng bằng bạc. Gốm sứ Hizen cũng tìm thấy ở trong mộ. Đây là một chiếc bát có đường kính miệng 14.2 cm, chiều cao 6.6 cm, đường kính phần đế 6.3 cm, chiều cao của đế là 1.2 cm. Mặt ngoài của bát có vẽ hình chim phượng hoàng, hình rồng còn phía trong vẽ sóng nước với mây. Trong hố khai quật này, người ta còn tìm thấy một số bát sứ Trung Quốc có niên đại nửa đầu thế kỷ XVII (1 chiếc thuộc hệ lò Phúc Kiến – Quảng Đông; 3 chiếc thuộc hệ lò Cảnh Đức Trấn) (40).

           Trong số 17 ngôi mộ thuộc khu di tích này thì có 6 ngôi có văn bia và 2 trong số ấy có khắc, ngày, tháng, năm và tên chủ hộ.

           Người được mai táng trong mộ M3 là Đinh Văn Kỷ. Cụ đã được triều đình ban cho quyền cai trị ở xã Vĩnh Đồng. Cụ Đinh Văn Kỷ sinh năm Nhâm Ngọ (1582), mất ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi (tức ngày 9 – 2 – 1647 dương lịch), có thể được mai táng vào ngày 22 – 2 năm Canh Dần (tức ngày 24 – 3 - 1650) hoặc năm Khánh Đức thứ 2, niên hiệu Triều Lê (1650). Đây là vị quan lang người Mường (được ghi trong văn bia là tù trưởng) đã có mối quan hệ thân thuộc với chính quyền Lê – Trịnh và sau khi chết đã được truy tặng “Chưởng vệ sự đề đốc Uy quận công”.

            Ngôi mộ M7 là mộ của vợ Đinh Văn Kỷ, người được chôn cất trong ngôi mộ M3. Ngôi mộ này nằm ở phía Đông – Nam ngôi mộ M3, có chiều dài 9m, rộng 5m, được bao quanh bởi khoảng hơn 25 phiến đá. Theo khảo sát ở phía trong ngôi mộ có chiều dài 3m, rộng 1.7m, ở độ sâu 1.9m thấy xuất hiện trong huyệt mộ nhiều hiện vật đã hóa thành than. Người ta đã khai quật thấy những di vật được xem như là đồ tùy táng gồm: 1 chén uống rượu bằng gốm, 6 bát sứ, 3 đĩa sứ, 1 chén bằng đất nung và 1 ấm bằng sứ. Trong đó, ở độ sâu khoảng 1m đã đào được 4 bát sứ và 3 đĩa sứ xếp chồng lên nhau. 2 trong số đó là đồ gốm sứ Hizen, 3 chiếc thuộc hệ thống lò Phúc Kiến, Quảng Đông và 2 hiện vật thuộc dòng gốm Trấn Cảnh Đức.

          Bát sứ Hizen là chiếc bát có hoa văn sóng nước và cá chép vờn mây, có kiểu dáng giống với chiếc bát trong ngôi mộ M3. Ngoài ra còn có đĩa vẽ hoa văn màu. Đường kính miệng của chiếc bát vẽ hoa văn sóng nước và cá chép là 14.4cm, chiều cao 6.5cm, đường kính chân đế là 6.3 cm, chiều cao chân đế là 1.2cm và mặt ngoài được vẽ hình chim phượng hoàng. Đĩa vẽ hoa văn màu có đường kính miệng đĩa là 14.6 cm, chiều cao 1.5cm, đường kính chân đế là 8.8cm và chiều cao chân đế là 0.3cm. Đĩa được vẽ hình con vật giống như con sóc, màu đỏ, mặt trong vẽ hoa dây tiếp nối nhau xen lẫn với 10 bông hoa 5 cánh có màu vàng và lam. Phần đế của chiếc đĩa viết chữ “Vạn lịch” màu đỏ. Chiếc bát vẽ hoa văn sóng nước và cá chép có hình dáng và nét vẽ hoa rất giống với chiếc bát trong ngôi mộ M3. Do vậy, những hiện vật đó có thể do cùng một người làm ra (42). Vì thế cũng có khả năng là chúng có cùng niên đại với đồ gốm sứ Hizen khai quật được ở ngôi mộ M3.

           Trên các phiến đá bao quanh ngôi mộ M7 có 3 phiến được khắc chữ ghi rõ ràng ngày, tháng, năm chôn cất. Bà sinh năm Bính Tuất (1586), mất năm Tuất (1658) và 5 năm sau, năm Quý Mão hay năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) dưới triều Lê mới được mai táng.

            Hai bia mộ này có ý nghĩa rất lớn về mặt tư liệu lịch sử. Một chỉ ra sự liên quan giữa các dân tộc thiểu số với chính quyền Trịnh - Lê thời bấy giờ và một ghi rõ ngày tháng năm chôn cất. Do vậy, hai bia mộ này rất có ích trong việc xác định niên đại của những hiện vật gốm sứ Hizen đã tìm được. Hơn nữa, nó cũng là tư liệu quý để ta có thể biết được nghi lễ mai táng của người Mường.

          Từ quan điểm nghiên cứu khảo cổ học thì việc khai quật được chiếc bát sứ Hizen có hình sóng nước và cá chép là điều có ý nghĩa sâu sắc. Chiếc bát này được tìm thấy từ trong mộ cùng với những chiếc bát thuộc dòng gốm Cảnh Đức Trấn chứng tỏ rằng nó đã được chôn theo người chết vào tháng 2 năm 1650.

           Qua những hiện vật khai quật được, tôi muốn trình bày rõ thêm quan điểm của một số nhà nghiên cứu Nhật Bản về lịch sử của gốm sứ Hizen. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Yamawaki Tejiro cho rằng thời kỳ bắt đầu xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài là khoảng mùa thu hay mùa Đông năm 1647 (43). Để chứng minh cho ý kiến đó, Yamawaki đã dựa vào một nguồn tài liệu ghi chép của Hà Lan viết rằng vào năm 1647 một chiếc thuyền Trung Quốc đã chở 174 hòm gốm thô từ Nagasaki đã ghé qua Thái Lan rồi đến Campuchia. Sau đó, tháng 10 – 1650, một chiếc thuyền Hà Lan cũng đã chở 145 đồ gốm thô từ cảng Nagasaki đến thương quán Hà Lan ở Đông Kinh, Việt Nam. Mặc dù cũng có vài điểm nghi vấn nhưng đấy có thể là sứ Hizen của Nhật Bản (44).

          Căn cứ theo số liệu hiện có thì gốm sứ Hizen khai quật được ở ngôi mộ M3 rất có khả năng là từ chiếc thuyền buôn của Trung Quốc. Chiếc thuyền này đã chuyển hàng gốm sứ ra nước ngoài đầu tiên vào trước tháng 10 – 1650. Như vậy là, ngoài thuyền buôn Hà Lan cũng rất có khả năng đồ gốm sứ Hizen còn được các thuyền buôn Trung Quốc chuyển đến Việt Nam từ trước tháng 2 – 1650. Thời đó, do hàng hải chủ yếu nhờ cào gió mùa nên cũng có thể gốm sứ Hizen đã xuất đi từ Nhật Bản vào năm 1649, một năm trước đó. Vì thế mới xuất hiện khái niệm “đồ gốm thô” và “các loại gốm thô” ghi trong tư liệu lịch sử là gốm sứ Nhật Bản như nhà nghiên cứu Yamawaki đã nhận định. Căn cứ vào hiện vật phát hiện được tại khu mộ cổ Đống Thếch, có thể cho rằng gốm sứ Hizen đã được đưa đến và sử dụng ở Việt Nam trước năm 1650.

          Thời điểm mà ông Đinh Văn Kỷ mất là tháng 10 – 1647. Và cho đến trước Cách mạng tháng Tám, người Mường vẫn có tục chôn theo người chết những đồ vật mà sinh thời người đó sở hữu hay sử dụng (45). Bởi vậy, có thể nói rằng: người đó đã có những chiếc bát Hizen với họa tiết trang trí kiểu Nhật Bản từ trước khi qua đời, tức là trước tháng 10 – 1647. Mặt khác, theo văn bia ghi thì có sự gia tăng tước vị từ năm Phúc Thái thứ 7, tức là năm 1649 và những người thân tộc cũng có khả năng nhận được danh vị này.

          Theo Ohashi Koji, một chuyên gia có nhiều đóng góp lớn trong việc nghiên cứu gốm sứ Hizen, thì loại bát sứ Hizen có hình hoa văn sóng nước bắt đầu được sản xuất từ sau năm 1655. Quan điểm này của Ohashi là dựa vào số hiện vật phát hiện được tại lò Chou Kichitani có niên hiệu Manji năm thứ ba (1660) và hiện vật men trắng ghi niên hiệu Meireki năm thứ hai (1656). Ông cũng đã so sánh với một số lò nung khác để từ đó cho rằng loại gốm sứ này có khả năng bắt đầu được sản xuất từ sau năm 1655.

          Bát sứ Hizen có hình vẽ hoa văn sóng nước và cá chép tìm thấy trong mộ M3 là một tư liệu quý để xác định niên đại bắt đầu sản xuất loại gốm sứ này. Có thể cho rằng những chiếc bát đó được khai quật ở ngôi mộ M7 và những chiếc bát trong ngôi mộ M3 như đã nói ở trên đều do một người làm ra và có cùng thời kỳ. Còn chiếc đĩa vẽ hoa văn màu thì phần võ ở lòng đĩa đã bị mờ chứng tỏ là chiếc đĩa này đã được sử dụng. Qua đó ta thấy, sau khi cụ Đinh Văn Kỷ mất thì 8 năm sau đó bà vợ cũng mất và trong khoảng thời gian 8 năm này chiếc đĩa vẫn được dùng. Bởi thế, có lẽ chiếc đĩa này đã được xuất ra nước ngoài năm 1647 hoặc năm 1649.

          Nhân đây chúng tôi cũng muốn trình bày quan điểm của mình về quá trình xuất hiện của gốm sứ Hizen ở vùng dân tộc thiểu số. TS. Phạm Quốc Quân, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đưa ra 3 giả thiết: 1. Các hiện vật đó chính là quà tặng của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh; 2. Các sản phẩm đó được chủ nhân mua tại kinh thành Thăng Long và 3. Do thương nhân miền xuôi có thị trường buôn bán ở khu vực người Mường sinh sống vận chuyển lên (47).

          Tôi đã trình bày về sự phân bố của gốm sứ Hizen ở khu vực Bắc Bộ nhưng ở miền Bắc sự phân bố đó rất thưa thớt và sứ Hizen không được dùng phổ biến như những vật dụng hàng ngày. Như vậy, giả thiết cho rằng khả năng đó là quà tặng của chính quyền trung ương ban cho lớn hơn so với giả thiết sau. Chính quyền Lê - Trịnh, chính quyền trung ương thế kỷ XVII, với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh đã có sự giao thiệp chặt chẽ với các dân tộc thiểu số miền núi. Hơn nữa, họ cũng đã thiết lập được mối quan hệ triều cống của các tộc trưởng người thiểu số. Các vị thủ lĩnh đó đã yêu cầu chính quyền trung ương phải thừa nhận quyền thống trị và xác lập quyền uy cho họ (48).

           Bộ quốc sử của nhà Lê Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: năm 1478, vua Lê đã ban hành “Định lệ vào chầu mừng cho các tù trưởng ở phiên trấn”. Theo đó: “Mỗi năm hai lần vào chầu ở kinh, một lần vào tháng Giêng và một lần vào tháng Bảy”. Đến năm 1490, nhà Lê lại đưa ra “Định lệ thổ quan thiết lễ triều hạ”: “Viên nào ở gần thì một năm 2 lần về triều hạ, ở xa thì một năm 1 lần về triều hạ… Ai thiếu một lần thì bãi chức, hai lần thì bắt về trị tội” (49). Khu vực người Mường Hòa Bình cư trú gần với đồng bằng cho nên phải có nghĩa vụ triều cống 2 lần trong một năm. Và hình như chỉ kế thừa chức thủ lĩnh thì mới phải về kinh đô Thăng Long để nhận tước vị (50).

          Trong nhà dòng họ Đinh, dòng họ có những ngôi mộ được chôn cất ở Đồng Thếch, vẫn còn lưu giữ gia phả, và thế hệ thứ 2 (tức ông Đinh Quý Khiêm) đã có công lớn trong việc gây dựng chính quyền nhà Lê. Sau đó, dòng họ Đinh đã chịu nhiều ảnh hưởng của giới quân sự. Những ảnh hưởng đó đã tiếp tục duy trì đến thời Nguyễn và được bảo tồn cho đến thời Pháp thuộc (51). Trong gia phả có nói rằng, vào thời hậu Lê họ Đinh đã phò giúp chúa Trịnh lập được nhiều quân công.

          Như vậy, có thể khẳng định rằng vào thời hậu Lê, gốm sứ Hizen, một sản phẩm của nước ngoài đã được dùng với tư cách là quà tặng mà chính quyền trung ương ban cho các vị quan lang để tương xứng với chiến công và việc triều cống của họ. Nhưng, loại sản phẩm giá trị đó cũng có thể được ban tặng cho những người có công trạng khi còn sống như chúng ta được biết trên tấm bia đề năm Phúc Thái thứ 7 (1649). Tiếc rằng trong gia phả họ Đinh không hề thấy nói đến những vật ban tặng là đồ gốm sứ.

           KẾT LUẬN

           Với tư cách là một người nghiên cứu về khảo cổ học Việt Nam tôi đã suy nghĩ về người hiện vật Hizen được phát hiện để đánh giá sự khác nhau trong việc tiếp nhận gốm sứ Nhật Bản giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Sự khác nhau đó là: khu vực Đàng Trong đã nhập về và sử dụng rộng rãi loại gốm sứ này và coi đó như là vật dụng thường ngày. Việc tiếp nhận đó có nhiều khác biệt so với Đàng Ngoài. Trong điều kiện Đàng Trong còn chưa thể sản xuất gốm sứ còn Đàng Ngoài là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn thì sự hiện diện của sứ Hizen ở từng khu vực cũng còn chịu ảnh hưởng của các chính sách thù đich giữa hai chính quyền nên sự giao lưu hàng hóa giữa hai miền trong đó có gốm sứ đã gặp nhiều trở ngại.

           Từ những hiện vật gốm sứ Hizen khai quật được trong những ngôi mộ có văn bia của một quan lang người Mường ở Bắc bộ đã dẫn đến tranh luận về niên đại bắt đầu sản xuất loại bát sứ vẽ hoa văn sóng nước với cá chép và cả vấn đề liên quan đến việc xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài của Nhật Bản. Cho đến nay, người ta xác định được năm xuất khẩu gốm sứ Hizen ra nước ngoài dựa theo tư liệu thư tịch là tháng 2 – 1650. Việc xác định chính xác gốm sứ Hizen được du nhập vào Việt Nam là một thành tựu đáng kể. Và vấn đề liên quan đến năm sản xuất loại bát sứ vẽ hoa văn sóng nước và cá chép cũng là một tư liệu quý góp phần xác định lại thời gian bắt đầu sản xuất loại sản phẩm này.

            Hơn nữa, những đồ gốm sứ Hizen khai quật được từ ngôi mộ người Mường ở Hòa Bình sẽ làm sáng tỏ các mối quan hệ giữa dân tộc Mường cũng như các dân tộc thiểu số khác với chính quyền trung ương thời bấy giờ. Đây là không chỉ đơn thuần là những hiện vật gốm sứ mà còn là nguồn tư liệu lịch sử hết sức quan trọng. Về vấn đề này, trong tương lai chúng tôi muốn được tiếp tục nghiên cứu cụ thể hơn nữa hiện vật sứ Hizen trong các ngôi mộ cổ cùng với những đồ tùy táng khác.

          Cuối cùng, trong đợt nghiên cứu tại Hòa Bình và một số di tích khác, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác và giúp đỡ hết sức quý báu của GS. Phan Huy Lê, GS. Phan Đại Doãn và một số nhà nghiên cứu khác của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian khảo cứu, chúng tôi cũng đã nhận được sự hướng dẫn và nhiều thông tin giá trị của TS. Phạm Quốc Quân, Giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Xim cùng các cán bộ thuộc Bảo tàng Hòa Bình. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu Onishi Kazuhiko về cách đọc văn bia và ông Ohashi Koji với những kiến thức mà ông đã chỉ cho về gốm sứ Hizen, Nhật Bản.

            Chú thích:
(1) Ohashi Koji: Triển lãm đồ gốm Hizen ở nước ngoài, Bảo tàng Văn hóa gốm sứ Kyushu xuất bản, 1989, tr. 96.
(2). Morimoto Asaki: Lò nung cổ Việt Nam (Nanban Shumamono), Bảo tàng Nezu, 1993 hoặc Aoyagi Youji – Morimoto Asako – Ogawa Kazuhiko: Nghiên cứu các di tích ở miền Trung Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí. Khảo cổ học Đông Nam Á, số 15, 1995.
(3). Bùi Minh Trí – Phạm Quốc Quân: Gốm sứ Hizen Nhật Bản tìm thấy ở một số địa điểm Khảo cổ học Việt Nam, Tạp chí. Khảo cổ học, số 4, 1994, tr. 34 – 51.
(4). Trịnh Cao Tưởng: Gốm sứ Hizen khai quật được ở các di tích của Việt Nam năm 1998, Báo cáo điều tra Khảo cổ học ở Hội An, Việt Nam, Tóm tắt của Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học Chiêu Hòa, tr. 237 – 240, Ohashi Koji: Gốm sứ Hizen được phát hiện ở Việt Nam, năm 1997, Tạp chí. Menome, số 255.
(5) Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Hải Hưng: Phố Hiến – Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hải Hưng, 1994.
(6) Trần Kinh Hòa: Về tình hình và đặc điểm của Hà Nội (Kẻ Chợ) vào thế kỷ XVII, Tạp chí Sử học, Đại học Keio, số 1, q.43, 1980.
(7). Trương Hữu Quýnh – Phan Đại Doãn – Nguyễn Cảnh Minh: Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.370.
(8). Li Tana: Xứ Đàng Trong: Lịch sử - Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII, Nxb. Trẻ, 1999.
(9). Nishida Hiroko: Nanban Shimamono, Sđd, Bảo tàng Nezu, 1993.
(10). Furiwara Hiroshi: Hoa kiều với chúa Nguyễn ở Quảng Nam, Nghiên cứu lịch sử Đông Dương, số 5, q. 10, 1949, tr. 46 – 61.
(11). Furuta Motoo: Ý thức “Nam Quốc” của người Việt Nam, Lịch sử Chính sách Dân tộc và Đổi mới của Nước Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa, Nxb. Ostuki, 1991, tr.53.
(12) Xác nhận các tác giả tại hiện trường, năm 1998.
(13). Dựa vào thông tin của PGS. TS. Nguyễn Văn Kim và PGS. TS. Tống Trung tín, chúng tôi đã xem và xác nhận những hiện vật đó vào mùa hè năm 2000.
(14). Xem chú thích (3)
(15). Điều tra các tác giả Bảo tàng tỉnh Hòa Bình.
(16). Asato Shijun – Kikuchi Seiichi – Tezuka Naoki: Nghiên cứu gốm sứ Việt Nam, Kỷ yếu Nghiên cứu Lịch sử Okinawa, số 23, 1998.
(17) Theo hướng dẫn của TS. Bùi Minh Trí.
(18). Như chú thích (16).
(19). Điều tra của nhiều tác giả tại địa phương từ tháng 2 – 1998 đến tháng 3 – 1998.
(20). Kikuchi Seiichi: Ché An Bình được phát hiện ở Việt Nam, Đông quốc Sử luận, số 12, 1997.
(21). Yamawaki Tejiro: Xuất khẩu gốm sứ qua tàu buôn Hà Lan và Trung Quốc, Lịch sử thương nghiệp thị xã Arita, Tập 2, Ban Giáo dục thị xã Arita, 1998.
(22). Ohashi Koji: Sự hình thành và quá trình xuất khẩu ra nước ngoài của gốm sứ Hizen, Tc. Nghiên cứu địa phương, số 4, q.41, 1991.
(23). Sakurai Kiyohiko – Kikuchi Seiichi – Mori Tastuya – Abe Yuriko: Nghiên cứu Khảo cổ học ở Hội An, Việt Nam; Tóm tắt kỷ yếu nghiên cứu Khảo cổ học Nhật Bản lần thứ 65, Nhật Bản, 1999.
(24). Kikuchi Seiichi: Thám sát Đình Cẩm Phô, Báo cáo điều tra khảo cổ học Hội An, Việt Nam, Kỷ yếu Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường đại học Chiêu Hòa, tr. 41, 1998.
(25). Như chú thích (22).
(26). Tống Trung Tín – Bùi Minh Trí – Lê Đình Phụng: Nhận diện một số loại hình sứ Hizen (Nhật Bản) ở thương cảng Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), VBTLSVN TBKH, 1997, tr. 123 – 131.
(27). Kikuchi Seiichi: Kết quả về đề tài nghiên cứu lịch sử gốm sứ Hizen Việt Nam những năm gần đây, Tạp chí Văn hóa vật chất, q.14, 1998, tr. 34 – 36.
(28). Trịnh Cao Tưởng: Gốm sứ Hizen tìm thấy trong các di chỉ ở Việt Nam, Báo cáo điều tra khảo cổ học Hội An, Việt Nam, tr. 239, Kỷ yếu Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, số 4, 1998.
(29). Xem chú thích (6), tr.14.
(30). Kikuchi Seiichi: Nhật Bản với việc sản xuất gốm sứ ở Trung Bộ Việt Nam, Tạp chí Văn hóa vật chất, số 63, 1997.
(31). Dương Văn An: Ô Châu Cận Lục, Q.3; Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A263.
(32). Điều tra của tác giả, tháng 8 – 1999. Trong chuyến khảo sát này có sự hợp tác của ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
(33). Kikuchi Seiichi: Đồ gốm sứ phát hiện tại Hội An, Báo cáo điều tra khảo cổ học ở Hội An, Việt Nam, Kỷ yếu Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, trường Đại học nữ Chiêu Hòa, số 4, 1998, tr. 181.
(34). Đại Nam Thực Lục tiền biên, Q.1, tr.36.
(35). Twao Seiichi: Nghiên cứu lịch sử thương mại Châu ấn Thuyền, Nxb. Yoshikawa kobunkan, 1985.
(36). Abe Yuriko: Phân biệt khu vực sản xuất và niên đại các hiện vật gốm sứ phát hiện tại Hội An, Báo cáo điều tra khảo cổ học ở Hội An, Việt Nam, Kỷ yếu Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học Chiêu Hòa, số 4, tr. 28, 1998.
(37). Trịnh Cao Tưởng – Phan Tiến Ba – Lê Đình Phụng và Lê Thị Liên: Báo cáo khai quật khu mộ Mường Đống Thếch (tỉnh Hà Sơn Bình trước đây), tư liệu Viện Khảo cổ học, 1985.
(38). Theo báo cáo của phía Việt Nam, 2 đồ sứ có ký hiệu 84. DT.M3 – 12 và 84. DT.M 3 -5 trong ngôi mộ M3 và 2 đồ sứ có ký hiệu 84 DT.M 7 – 4 và 84 DT.M 7 – 5 của ngôi mộ M7 ở Đồng Thếch là đồ gốm sứ Hizen. Nhưng sau khi xem xét chúng tôi cho rằng: 84. DT.M 3 – 12 là gốm hoa lam thuộc hệ lò Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc và 84 DT.M 7-5 là gốm hoa lam thuộc hệ lò Phúc Kiến, Quảng Đông, Trung Quốc.
(39). Như chú thích (37) và Phạm Quốc Quân: Các di tích mộ Mường có ở Hòa Bình và Hà Tây, năm 1994, tr. 45 – 46; Lê Đình Phụng – Phan Tiến Ba: Khu mộ Mường Đồng Thếch (Hà Sơn Bình trước đây), Tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1986, tr. 43 – 51. Trong đó có báo cáo khái quát các di vật khai quật được.
(40). Về các di vật khai quật được, tác giả và nhóm nghiên cứu đã khảo cứu tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tháng 3 – 1999. Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các GS, TS của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và GLVH; của khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình cùng các cán bộ của Bảo tàng tỉnh.
(41). Trong cuộc khảo cứu về các văn bia, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Giáo sư Phan Đại Doãn, khoa Lịch sử, Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Onishi Kazuhiko – Nhả nghiên cứu lịch sử tôn giáo Việt Nam hiện sống tại Hà Nội.
(42). Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của ông ohashi Koji về đặc tính những chiếc bát Hizen vẽ hoa văn sóng nước có cá chép vờn mây và chiếc đĩa có trang trí màu.
(43). Như chú thích (21).
(44). Như chú thích (21).
(45). Xem chú thích (28).
(46). Ohashi Kouji: nghiên cứu gốm sứ Hizen có hoa văn cá chép vờn mây, Tc. Hakusui, số 9, tr. 34, 1982.
(47). Phạm Quốc Quân: Những khu mộ Mường có ở Hòa Bình, Hà Tây, Thông báo KH, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1998, tr. 150.
(48). Tham khảo chú thích (11).
(49). Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. Khoa học Xã Hội, H.1993, tr. 472 và 507.
(50). Uno Kouichiro: Phân tích hệ thống Mường Động qua gia phả của gia đình thủ lĩnh người Mường ở miền Bắc Việt Nam, Tuyển tập kỷ yếu Trường Đại học nữ sinh Tokyo, số 49, 1999, tr. 164.
(51). Bảo tàng Hòa Bình: Gia phả họ Đinh ở Vĩnh Đồng.
 
 Trích sách: Nguyên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb: Thế giới, năm 2010.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: GS. Kikuchi Seiichi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây