Cấu thành đồ gốm sứ Hội An thế kỷ XVII

Thứ ba - 29/08/2017 06:16
MỞ ĐẦU
Theo kết quả điều tra khai quật khu phố cổ Hội An, đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm sứ Trung Quốc, đồ sứ Hizen, đồ gốm nung không tráng men (đồ nung ở nhiệt độ cao không tráng men, dưới đây gọi tắt là đồ gốm) và đồ đất nung của Việt Nam.
          Đặc biệt là đã tìm thấy đồ sứ của Nhật Bản và Trung Quốc hồi thế kỷ XVII và nhiều loại đồ gốm và đồ đất nung của Việt Nam trong dấu tích hình rãnh và dấu tích sông tại đình Cẩm Phô. Đây là những tư liệu hết sức quý giá giúp chúng ta tìm hiểu về hình thức đồ bát đĩa và phong cách sinh hoạt của người dân thời bấy giờ. Trong chương này, chúng ta sẽ phân loại đồ gốm và đất nung có niên đại thuộc thế kỷ XVII tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ thành từng nhóm theo các chỉ tiêu như hình dáng, hoa văn và chất liệu đất, đồng thời tìm hiểu đặc trưng của kỹ thuật sản xuất gốm và mục đích sử dụng đồ gốm thời bấy giờ, từ đó làm rõ cấu thành đồ gốm sứ hồi thế kỷ XVII tại Hội An.

          Trước khi vào vấn đề, xin xác nhận một số thuật ngữ chuyên môn về đồ gốm sứ Việt Nam.

          I. ĐỒ GỐM SỨ VIỆT NAM, ĐỒ GỐM SỨ CHAMPA, “ĐỒ GỐM AN NAM”

          Đồ gốm sứ Việt Nam là tên gọi chung chỉ các đồ gốm sứ được sản xuất trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

         Đồ gốm sứ sản xuất trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam này gồm có: thời kỳ Bắc thuộc có đồ gốm sứ tráng men hòa tro, dưới thời Lý – Trần có đồ sứ trắng và bình sành men ngọc, dưới thời chúa Trịnh có bình sành men lam, đồ sứ màu xanh ngọc và gốm men hoa lam. Mặt khác, thời nào cũng có loại đồ gốm nung không tráng men. Như đã trình bày tại chương 1 (Lịch sử Hội An và lịch sử nghiên cứu Hội An), các nhà nghiên cứu Việt Nam hiện đang tiến hành điều tra khai quật các dấu tích lò gốm và nghiên cứu về đồ gốm sứ trong các thời kỳ, nhưng về đồ gốm sứ thuộc giai đoạn lịch sử thời Lý và thời Trịnh, có rất nhiều điểm không rõ ràng. Để tìm hiểu tình hình sản xuất đồ gốm sứ thời Lê và thời Mạc, hiện đang tiến hành điều tra khai quật một loạt các dấu tích lò gốm Chu Đậu, nơi sản xuất đồ gốm hoa văn xanh trắng tại tỉnh Hải Dương miền Bắc hiện nay và dấu tích lò gốm tại các tỉnh miền Trung. Tình hình sản xuất đồ gốm sứ giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đang được làm sáng tỏ[1] [2]. Như vậy, có thể gọi đồ gốm sứ được sản xuất trong thời kỳ người Việt (dân tộc Việt theo nghĩa hẹp) cai quản đất nước là đồ gốm sứ Việt Nam.

           Mặt khác, trong những năm gần đây, theo kết quả điều tra dấu tích lò gốm thuộc thế kỷ XVI – XV tại khu vực tỉnh Bình Định, tình hình sản xuất đồ gốm sứ tại vương quốc Champa trong thời kỳ này đang dần dần có thêm thành tựu nghiên cứu mới. Chủ yếu tìm thấy bát nhỏ, đĩa, bát tô sứ màu xanh ngọc với lòng bát có dấu vết miết hình tròn, bát sứ nhỏ màu xanh ngọc có dấu vết con kê trong lòng bát, đồ gốm tráng men, đồ gốm không tráng men và ngói. Người ta nhận thấy rằng, so với các đồ gốm sứ cùng niên đại, các sản phẩm này có khác biệt đôi chút về hình dáng và chất liệu đất. Đồ gốm sứ Champa được sản xuất trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, lúc thủ phủ của Champa nằm tại Vijiya, đồng thời qua các đồ gốm sứ tìm thấy tại khu vực di tích mộ cổ Đại Lang thuộc tỉnh Lâm Đồng cho thấy, chúng được sản xuất từ nửa cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII[3].

           Ta gọi những đồ gốm sứ sản xuất trong phạm vi bản đồ vương quốc Champa là đồ gốm sứ Champa để phân biệt với đồ gốm sứ Việt Nam. Tuy nhiên, về tình hình sản xuất đồ gốm sứ Champa, như đã trình bày ở trên, người ta mới chỉ tiến hành điều tra các dấu tích lò gốm có niên đại thuộc thế kỷ XIV – XV, còn các dấu tích lò gốm có niên đại trước và sau đó vẫn chưa được làm rõ. Do vậy tình hình sản xuất đồ gốm sứ Champa vẫn chưa thật sự làm sáng tỏ. Mặt khác, thời điểm tên nước Champa xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản là vào thế kỷ thứ VII. Còn trước đó, tư liệu lịch sử Trung Quốc gọi khu vực này là “Lâm Ấp”. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành điều tra khai quật khu vực Trà Kiệu, khu vực này được suy đoán là thủ phủ của Lâm Ấp thời bấy giờ. Trong quá trình điều tra, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đồ gốm hoa văn hình ấn và đồ đất nung sản xuất tại địa phương[4]. Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ phải làm sáng tỏ hơn nữa tình hình sản xuất đồ gốm sứ Champa.

          Vậy “đồ gốm An Nam” là gì? “Đồ gốm An Nam” chỉ các đồ gốm sứ Việt Nam[5]. Tuy nhiên, như giáo sư Goto Kinpei đã nhận định, “An Nam” là danh từ được tạo nên từ việc người Trung Quốc “trấn áp phương Nam”[6]. Tên gọi “An Nam”, xuất phát từ cách hiểu của kẻ thống trị, vẫn tiếp tục được sử dụng dưới thời Pháp thuộc để chỉ một khu vực hành chính của Pháp, và trong suốt một thời gian dài được sử dụng như là một thuật ngữ chuyên dụng. Nếu suy xét từ cách hiểu của bản thân nước Việt Nam và những kẻ thống trị thì rõ ràng thuật ngữ “đồ gốm An Nam” là hoàn toàn không thích hợp. Gs. Mikami Tsugio cũng có một nhận định tương tự đó là “tên gọi An Nam vừa không cụ thể, lại vừa dể gây nhầm lẫn”[7], nên đã đề xuất không gọi là “đồ gốm An Nam” mà gọi là “đồ gốm sứ Việt Nam”. Thuật ngữ “đồ gốm An Nam” là thuật ngữ lưu hành trong nội bộ Nhật Bản và chỉ được dùng để chỉ đồ ấm chén uống trà mà người Nhật gọi là “đồ gốm An Nam”, do vậy không thể dùng để chỉ chung cho toàn bộ đồ gốm sứ Việt Nam.

          II. PHÂN LOẠI ĐỒ GỐM, ĐỒ ĐẤT NUNG VIỆT NAM

         Chúng tôi đã phân loại đồ gốm va đồ đất nung Việt Nam theo tiêu chí hình dáng thành các nhóm gồm nhóm bình vại, nhóm bát, nhóm nắm đậy, nhóm đồ đựng hình đĩa và nhóm đồ đựng có kích thước lớn. Nhóm bình vại lại được phân loại chi tiêt hơn thành nhóm hình ống thân bầu dài và nhóm các loại bình vại khác. Về nhóm đồ đựng than, do mục đích sử dụng hết sức rõ ràng nên phân loại thành nhóm bình vôi. Loại bát miệng rộng được phân loại theo tiêu chí hình dáng thành 3 nhóm nữa đó là bát, bát nông và bát tô. Mặt khác, chúng tôi lại tiếp tục phân loại các nhóm đã được phân loại dựa trên tiêu chí hình dáng, thành các nhóm nhỏ khác nữa, dựa trên các tiêu chí như hoa văn (hoa văn hình lượn sóng, hoa văn gân chìm, hoa văn gân nổi, hoa văn hình rèm rủ, hoa văn dạng dán), các dấu vết thể hiện phương pháp làm gốm như chất liệu đất, độ nung và độ dày mỏng của thành gốm… Dưới đây là các căn cứ phân loại chi tiết. Chúng tôi đã sử dụng tư liệu khảo cổ về các đồ gốm sứ tìm thấy từ các di chỉ khảo cổ có niên đại thuộc thế kỷ XVII tại địa điểm đình Cẩm Phô và Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu.

          Bình thân dài: là loại đồ đựng hình tròn thân dài, trong lòng bình vẫn còn hiện rõ dấu mắt bàn xoay khi làm gốm. Thường được gọi là bình thân dài và hũ thân dài. Ta có thể phân loại thành 5 nhóm nhỏ tùy theo hình dạng phần miệng, hoa văn và chất liệu đất.

          Nhóm 1: Phần thân bình hơi dựng thẳng đứng từ phần đáy lên, phần cổ ngắn dựng thẳng đứng. Phần vành miệng có 2 đường gân chìm và phần vai bình được trang trí hoa văn gân chìm. Phần vành miệng bình hơi thon eo vào trong theo hình chữ “T”. Về kích cỡ bình, có thể phân thành 2 nhóm dưới đây

           A. Là nhóm đồ đựng có kích thước lớn, đường kính miệng từ 13cm trở lên, số lượng tìm thấy từ các di chỉ khảo cổ rất ít.

          B. Là nhóm đồ đựng có kích thước nhỏ hơn nhóm A, đường kính miệng từ 10 đến 12cm. Hình dáng phần vành miệng của mỗi cái có hơi khác nhau một chút. Nếu xét theo niên đại của di chỉ khảo cổ, nơi tìm thấy bình, thì sự khác nhau về phần vành miệng này không phải là do sự khác biệt về phương pháp thủ công làm gốm của từng lò gốm và thợ làm gốm.

        Nhóm 2: Phần thân bình phình ra từ phần đáy, phần cổ bình hơi thẳng đứng. Phần vành miệng bình không có gân chìm. Phần vành miệng bình thon eo vào trong theo hình chữ “T”. Phần vai bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng, đường gân chìm song song và đường gân nổi. Thành bình cực mỏng, độ nung tốt. Có thể phân loại thành 3 nhóm dưới đây.

          A: Phần vai bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng và đường gân chìm song song.

        B: Phần vai bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng và hình gân chìm song song, ngoài ra có cả hoa văn gân nổi. Số lượng tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ rất ít.

         C. Phần cổ hơi thon eo vào trong, phần vành miệng hơi nhô ra. Thành bình hơi dày hơn một chút so với nhóm A và B. Số lượng tìm thấy ít.

          Nhóm 3: Phần vành miệng được trang trí hoa văn gân chìm. Phần vai bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng và hình gân chìm song song. Là dạng kết hợp của nhóm 1 và nhóm 2. Số lượng tìm thấy ít.

           Nhóm 4: Phần cổ dài, dựng thẳng đứng hoặc hơi loe ra. Phần vành miệng được làm rất dày có viền tròn. Dựa theo hoa văn trên bình, có thể phân loại thành 2 nhóm nhỏ sau. Số lượng tìm thấy cực ít.

          A: Phần cổ hơi loe ra. Phần vai bình được trang trí hoa văn gân chìm hoặc hoa văn mà giới thưởng trà gọi là hoa văn “rèm rủ”. Đây là loại được sản xuất ở miền Bắc Việt Nam.

          B: Phần cổ tương đối thẳng. Phần vai bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng và hoa văn gân chìm song song. Trên bình có đính 4 tai cầm. Đây là sản phẩm gốm được suy đoán là chịu ảnh hưởng của kỹ thuật làm gốm miền Bắc.

          Nhóm 5: Chỉ tìm được phần thân bình nên không xác định được rõ hình dạng phần vành miệng. Tuy nhiên, chất liệu đất làm gốm thì hoàn toàn khác so với các nhóm khác. Đất làm gốm có màu nhạt và hơi sạn, không được mịn lắm. Số lượng tìm thấy cực ít. Được suy đoán là sản phẩm gốm của miền Bắc Việt Nam.

         Nhóm 6: Phần vành miệng không có gân chìm. Phần vành miệng hơi vươn bè sang hai bên một chút. Phần cổ uốn vào trong. Chất liệu đất làm gốm của nhóm này khác so với chất liệu đất làm bình thuộc các nhóm khác, có chiếc được làm từ chất liệu đất pha cát. Số lượng tìm thấy cực ít.

           Nhóm 7: Là nhóm gồm những chiếc bình thân dài không thuộc các nhóm trên đây. Chỉ tìm thấy một mảnh. Trong đó, số 3 được tìm thấy bên ngoài di chỉ khảo cổ, được suy đoán là dạng biến thể của nhóm 3, được sản xuất ở giai đoạn sau. Mặt khác, số 1 có thể coi là loại bình miệng rộng.

           Bát: Đáy thấp, phần thân phình ra, phần miệng hình chữ “ku ?” hoặc hình chữ “T”. Chất liệu đất làm gốm có lẫn nhiều hạt cát màu trắng. Dựa theo kích cỡ và hoa văn trang trí, có thể phân nhỏ thành 5 nhóm sau.

           Nhóm 1: Loại đồ đựng cỡ lớn với đường kính miệng khoảng 26cm, được trang trí hoa văn đường viền.

           A: Thân bình không phình nhiều

           B: Thân bình phình to, phần vành miệng mỏng hơn loại A.

          Nhóm 2: Loại đồ đựng cỡ trung bình với đường kính miệng khoảng 18 – 23 cm. Dựa theo vị trí của phần có đường kính lớn nhất, có thể phân nhỏ thành 3 loại, nhưng sự khác nhau này không phải do sản xuất ở các thời kỳ khác nhau. Trang trí hoa văn đường viền. Số lượng tìm thấy nhiều.

           A: Phần miệng có đường kính lớn nhất

           B: Phần thân có đường kính lớn nhất

           C: Phần đáy có đường kính lớn nhất

           Nhóm 3: Phần thân không có hoa văn trang trí. Loại tương đối lớn với đường kính miệng khoảng 22 ~ 26cm. Dựa theo cách làm phần vành miệng và vị trí của phần có đường kính lớn nhất, có thể phân nhỏ thành 2 loại.

            A: Hình dáng tương tự như nhóm 1A nhưng không có hoa văn trang trí.

            B: Hình dáng tương tự như nhóm 1B nhưng không có hoa văn trang trí.

          Nhóm 4: Loại nhỏ, đường kính miệng khoảng 15 cm. Phần vành miệng có hình chữ “ku?”. Phần thân không có hoa văn trang trí hoặc trang trí hoa văn gân chìm.

            Nhóm 5: Phần thân bình được trang trí hoa văn hình lượn sóng. Số lượng tìm thấy cực ít.

           Bát nông: là loại bát thấp, đáy thấp, phần thân hơn loe ra. Chất liệu đất làm gốm cực mịn. Dựa theo cách làm phần vành miệng và độ cao của bát, có thể phân nhỏ thành 2 nhóm.

           Nhóm 1: Trang trí hoa văn hình lượng sóng và hoa văn hình gân chìm song song. Hoa văn hình lượn sóng có 2 kiểu đó là 1 đường hoặc 2 đường liền kề nhau.

           Nhóm 2: Không trang trí hoa văn. Số lượng tìm thấy ít.

           Nắp đậy: Dựa theo hình dáng có thể chia thành 5 nhóm.

         Nhóm 1: Phần núm cầm có hình quả núi. Chất liệu đất làm gốm có lẫn các hạt cát nhỏ màu trắng. Kích cỡ của các nắp cùng loại hơi khác nhau một chút.

          Nhóm 2: Phần núm cần có hình bát úp. Phần thân phình lớn. Chất liệu đất làm gốm cực mịn. Số lượng tìm thấy ít. Những di vật thuộc loại này trình bày trong ảnh đều bị mất phần núm cầm. Tuy nhiên, cũng có khả năng những di vật là phần thân của loại bát thân cao.

          Nhóm 3: Phần núm cầm có hình nút ấn. Chỉ tìm thấy một mảnh.

          Nhóm 4: Phần núm cầm mỏng nhưng lớn. Được trang trí hoa văn gân chìm. Số lượng tìm thấy cực ít.

          Nhóm 5: Phần nắp bằng, trang trí hoa văn hình lượn sóng. Có khả năng có núm cầm. Số lượng tìm thấy ít.

          Bình, vại: Thuộc nhóm bình và vại

       Nhóm 1: Phần cổ ngắn, uốn cong vào phía trong, phần vành miệng dầy. Phần vai bình được trang trí hoa văn với những đường lượn sóng nhẹ nhàng, chất liệu đất làm gốm lẫn một chút cát trắng. Số lượng tìm thấy cực ít.

         Nhóm 2: Có 4 tai cầm, phần cổ uốn cong vào phía trong. Phần vai bình được trang trí hoa văn gân nổi và hoa văn hình lượn sóng, có gắn tay cầm. Chỉ tìm thấy một mảnh. Di vật này được tìm thấy bên ngoài di chỉ khảo cổ, niên đại sản xuất được suy đoán thuộc thời kỳ sau:

          Nhóm 3: Phần cổ hẹp, phần vai bình được trang trí hoa văn gân chìm. Phần đề bình được cắt bằng dây. Số lượng tìm thấy ít.

          Nhóm 4: Bình miệng rộng. Số lượng tìm thấy ít.

          Nhóm 5: Miệng rộng, phần thân được trang trí hoa văn đường viền. Chỉ tìm thấy 1 mảnh.

          Bình vôi: Dùng để đựng vôi. Phụ nữ Việt Nam khi nhai trầu và cau, thường trộn với vôi. Đây gọi là bình vôi.

          Nhóm 1: Có tay cầm. Loại này là kiểu truyền thống tại miền Bắc Việt Nam.

          Nhóm 2: Không có tay cầm. Loại này chủ yếu được sản xuất ở miền Trung.

          Đồ dựng hình đĩa: Kích cỡ nhỏ, đáy cắt bằng dây.

          Đồ đựng cỡ lớn: Đáy bằng, thân hơi thẳng đứng. Thành bình dầy. Phần miệng bình có hình dáng như một cái đế.
  1.  KỸ THUẬT LÀM GỐM VIỆT NAM
        Những loại đồ gốm Việt Nam tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ thuộc thế kỷ XVII có một vài đặt trưng trong kỹ thuật làm gốm[8]. Trước hết, đối với các loại bình thân dài, bát cỡ lớn hoặc bát nông, chất liệu đất làm gốm rất mịn, có độ bóng, màu sắc thường là màu xanh đậm, màu xanh gio, màu đỏ gio và màu gio… Đồng thời, có rất nhiều loại đồ gốm được sản xuất theo kiểu màu tầng lớp hoặc kiểu cẩm thạch với hai loại đất sét có màu khác nhau trộn lẫn như màu đỏ đậm với màu nho hoặc màu xanh với màu nho.

           Còn tại làng gốm Phù Lãng ở tỉnh Bắc Ninh thuộc miền Bắc, người ta thường nhào đất sét dạng cẩm thạch sao cho thật nhuyễn, tạo thành những khối đất có chất lượng đồng đều để làm gốm[9]. Do vậy, chất liệu làm gốm có màu cẩm thạch mà ta thấy trong các loại đồ gốm có thể là do nó được làm từ đất sét dạng cẩm thạch hoặc là do người ta trộn sơ hai loại đất sét có màu khác nhau vào với nhau.

           Tiếp theo, để tạo hình gốm, người ta sử dụng bàn xoay. Khi quan sát mặt cắt ngang thành gốm, ta có thể nhìn thấy dấu vết ghép nối giữa phiến đất sét làm đáy với khối đất sét cuộn chồng bên trên và dấu vết ghép nối giữa các dây đất sét với nhau. Phía mặt trong của sản phẩm, dấu bàn xoay là chiều phải (chiều kim đồng hồ). Khi quan sát dấu bàn xoay, ta có thể phân biệt rõ đâu là cái mà người ta sử dụng dụng cụ để miết đất sét, còn đâu là cái mà người ta dùng ngón tay để miết. Ta có thể thấy ở phía đáy có vết ngón tay hình thành khi tạo hình gốm hay vỏ trấu, tro hoặc cát phết trên bàn xoay để dễ tách gốm ra khỏi bàn xoay. Tuy nhiên, riêng nhóm bình 3, người ta lại dùng thủ pháp dùng dây cắt đáy trong khi xoay. Đáy của loại bát nông lại được cắt bằng bàn xoay. Trong số các bát và bình cỡ lớn, có những chiếc sau khi được tạo hình trên bàn xoay lại được miết lại, chỉnh hình lại bằng tay.

            Về cách làm gốm hiện nay, tại vùng Thanh Hà ngoại ô Hội An, phía trên bàn xoay, người ta đặt cố định một phiến đất sét hình tròn, sau đó người ta tạo hình gốm bằng cách đặt các sợi dây đất sét cuốn vòng bên trên tảng đất này, rồi vừa xoay bàn xoay vừa tạo hình gốm. Lúc này người ta dùng tay để ấn đất sét, nên phía mặt trong của gốm thường còn lưu lại dấu mắt bàn xoay. Hướng quay bàn xoay là từ trái sang phải, không quay từ phải sang trái[10]. Hướng quay từ trái sang phải của bàn xoay này, ngoài Thanh Hà ra, ta còn thấy ở khu lò gốm Mỹ Thiện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Phước Tích ở ngoại ô Huế hay Phù Lăng, Hương Canh và Bát Tràng ở miền Bắc. Quay bàn xoay sang phải là kỹ thuật làm gốm rất phổ biến tại Việt Nam. Mặt khác, để dễ dỡ gốm ra khỏi bàn xoay, trước khi đặt phiến đất sét lên bàn xoay, người ta thường quết cát sông hoặc tro than. Khi làm những đồ gốm có kích thước nhỏ, người ta thường quết nước lên phiến đất sét trong quá trình tạo hình gốm, sau đó dùng dây cắt để tách gốm ra khỏi bàn xoay. Như vậy, kỹ thuật làm gốm với bàn xoay quay từ trái sang phải này có thể xuất hiện từ hồi thế kỷ XVII, đồng thời việc sử dụng cát và than để quết lên bàn xoay cho dễ tách gốm thời kỳ này cũng rất phù hợp sau khi quan sát phần đáy của các đồ gốm có niên đại thuộc thế kỷ XVII.

            Mặt khác, phần lớn bình thân dài có màu ở phần vành miệng và phần vai bình khác nhau. Thêm vào đó, có những chiếc mà tại điểm đổi màu giữa hai phần có vết xỉ gốm của sản phẩm khác dính vào. Những vết xỉ gốm tương tự như vậy cũng thấy có tại phần bình cách đáy khoảng một vài cm. Ngoài ra có cả những chiếc thân bị lõm. Những vết như vậy rất có khả năng được tạo ra khi đưa sản phẩm vào lò để nung, người ta đặt chúng chồng lên nhau, hoặc từ phần vành miệng đến phần vai bình người ta đã úp chiến lon sành, một dụng cụ làm gốm, lên trên để đặt sản phẩm chồng lên nhau. Trong số các đồ gốm tìm thấy tại khu di tích lò gốm Mỹ Xuyên – Huế, cũng có những chiếc có dính xỉ gốm và vết như vậy.

            Như vậy, phương pháp làm gốm thông dụng là sử dụng bàn xoay để tạo hình gốm, bàn xoay quay từ trái sang phải. Mặt khác, chất liệu làm gốm thường có màu tầng lớp hoặc màu cẩm thạch. Có điểm đồng nhất trong phương pháp nhét sản phẩm gốm vào lò khi nung. Về điểm này, ngay cả giữa các vùng với nhau hiện nay cũng có điểm đồng nhất.

           Về các đồ đất nung, chất liệu đất làm đồ đất nung thường lẫn rất nhiều hạt cát trắng về sản phẩm tiêu biểu là đồ đất nung có thể đơn cử là lát và nhóm nắp 1 với hoa văn hình đường viền. Tuy nhiên, mặt dù hiện nay loại đồ đựng và nắp này vẫn được sản xuất nhưng trong chất liệu đất người ta không cho lẫn cát.

            IV. SỬ DỤNG ĐỒ GỐM VÀ ĐỐ ĐẤT NUNG

           Ta có thể suy đoán được mục đích sử dụng của các loại đồ gốm, đồ đất nung kể trên qua hình dáng, lớp vật chất bị cháy đen, lớp bồ hóng bám trên bề mặt cũng như từ những thói quen sử dụng của người Việt hiện nay.

           Từ nhóm 1 đến nhóm 7 bình thân dài là loại bình hoặc lọ thân dài, được dùng để đựng hoặc chứa. Nhà truyền giáo Borri sống tại Hội An vào nửa đầu thế kỷ XVII có ghi lại rằng: “Tất cả các gia đình đều đựng nước mắm trong bình hoặc lọ”[11]. Bản điều tra của tác giả cho thấy loại bình dài, hình trụ này còn được dùng để đựng gạo, gia vị và đến tận bây giờ vẫn được sử dụng như vậy. Giáo sư Phan Đại Doãn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết các loại bình chứa đã được tạo ra cùng với sự phát triển của ngành sản xuất mía đường ở miền Trung Việt Nam[12]. Như vậy có khả năng loại bình dài được tìm thấy ở Hội An đã được sử dụng làm bình đựng đường.

            Nhóm bát 1 có lẽ được dùng làm nồi hoặc làm bình chứa. Dựa trên lớp vật chất bị cháy đen và lớp bồ hóng, ta có thể suy đoán nhóm bát 2 đã được dùng làm nồi đun nấu. Loại bát này hiện nay vẫn được sản xuất tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, phần thân bình không được trang trí hoa văn dạng đường viền. Loại này cũng được sản xuất tại vùng Thanh Hà, ngoại ô Hội An, được dùng để nấu cơm, kho cá hoặc làm chậu đựng than để nướng thịt. Nhóm nắp đậy 1 đi thành bộ với nhóm bát 2 này. Loại nắp có hình dạng giống như loại nắp này hiện vẫn được sản xuất tại miền Bắc và miền Trung và được bán theo bộ với nhóm bát 2. Nhóm bát 3 và 4 có lẽ được dùng làm nồi đun nấu. Cách sử dụng nhóm bát 5 vẫn chưa được xác minh.

            Nhóm bát nông 1 có lẽ được dùng làm đĩa để dựng thức ăn. Nhưng cũng có khả năng chúng được dùng làm nắp đậy. Người dân ở Hà Tĩnh còn dùng loại bát này để làm máng cho lợn ăn. Nhóm bát 2 cũng có thể được dùng để đựng thức ăn. Tuy nhiên, tại các khu di tích lò gốm Mỹ Xuyên – Huế hay Mỹ Cương thuộc tỉnh Quảng Bình loại bát này lại được dùng để chứa các dụng cụ làm gốm hoặc lon sành. Ngoài ra, người dân còn dùng làm đĩa đặt dưới chân chạn bát, đổ nước vào để chống kiến. Tại Hội An, người ta chỉ tìm thấy một mảnh di vật như vậy và họ cho rằng nó đã được chuyển sang dùng làm dụng cụ làm gốm.

             Nhóm bát lớn 1 và 2, đều được dùng làm bồn rửa, chẳng hạn như chậu rửa bát v.v… Hiện nay, tại vùng Thanh Hà, ngoại ô Hội An, người ta vẫn sản xuất loại này để làm chậu rửa bát.

             Nhóm nắp đậy 2, bên cạnh việc dùng làm nắp nồi, nếu ta thử lật ngược cái nắp đó lại, trông nó sẽ giống như một cái cốc uống nước nên có khả năng loại nắp này đã được dùng làm cốc hoặc bát ăn cơm. Loại này không được sản xuất ở Thanh Hà nhưng tại xã Cô Đầm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh người ta vẫn sản xuất loại nắp này bằng đất nung. Theo ghi chép của tác giả, nó được sản xuất ra để làm cốc uống nước. Nhóm nắp 3 cũng được sử dụng làm nắp, còn nhóm 4 chưa rõ là nắp của loại bình đựng nào. Nhóm V có lẽ đã được dùng làm nắp của một loại bình đựng có kích thước lớn.

           Nhóm bình, lọ 1 có lẽ đã được dùng làm bình chứa. Nhóm 2 có khả năng được dùng làm bình đựng nước. Gần đây loại bình này vẫn được sản xuất ở Phước Tích – Huế và được dùng nhiều để làm bình đựng nước. Ở Hội An vẫn có gia đình dùng bình này làm bình đựng nước. Loại bình này được tìm thấy tại khu di tích lò gốm Mỹ Xuyên có niên đại thuộc thề kỷ XVI – XVII. Chúng có sự khác nhau về kích cỡ. Chiếc bình loại nhỏ nằm trong số cổ vật trưng bày tại chùa Thanh Lương, Trung Phường, phía nam sông Thu Bồn, đã được dùng để đựng hài cốt. Nhóm bình loại nhỏ nằm trong số cổ vật trưng bày được dùng để đựng hài cốt. Nhóm bình lọ 3 có phần cổ nhỏ nên có lẽ được dùng làm bình chứa chất lỏng. Nhóm 4 do có lớp bồ hóng bám trên bề mặt nên có lẽ nó đã được dùng làm xoong, nồi. Nhóm 5 có lẽ dùng làm bình chứa.

             Nhóm bình vôi 1 và 2 thường được dùng làm bình đựng vôi do phụ nữ Việt Nam có thói quen ăn trầu cau (trộn vôi với quả cau, sau đó cuốn lại bằng lá trầu). Hình dáng của nhóm 1 thường thấy ở miền Bắc. Nhóm 2 được tìm thấy ở khu di tích lò gốm Huế - Mỹ Xuyên và Phúc Lý thuộc tỉnh Quảng Trị, mang đặc trưng về kiểu dáng của vùng trung bộ.

             Loại đồ đựng nhỏ, hình đĩa, trong giống như cái đĩa đèn được tìm thấy ở khu di tích lò gốm Mỹ Cương thuộc tỉnh Quảng Bình và khu di tích lò gồm Mỹ Xuyên, tuy không thấy dấu vết của bồ hóng nhưng người ta cho rằng đây là cái đĩa đèn.

             Loại bình chứa to thường được sử dụng  làm đồ đựng, chứa.

            Trên đây là nhửng suy đoán về việc sử dụng các loại đồ gốm, đồ đất nung dựa trên những quan sát về di vật và thói quen sử dụng trong dân gian. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ thu thập thêm tài liệu để kiểm tra lại những thứ còn chưa được xác minh.

              V. ĐỒ GỐM SỨ TRUNG QUỐC VÀ ĐỒ SỨ HIZEN

             Tại di chỉ khảo cổ hình rãnh có niên đại thuộc thề kỷ XVII tại địa điểm Đình Cẩm Phô (dưới đây gọi tắt là di chỉ hình rãnh), dấu tích hình sông bị lấp hồi thề kỷ XVIII và di chỉ khảo cổ có niên đại thuộc thề kỷ XVII tại địa điểm trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, đã tìm thấy đồ gốm sứ Trung Quốc và đồ sứ Hizen.

            Phần lớn đồ gốm sứ Trung Quốc tìm thấy là đồ sứ, có rất ít đồ gồm (đồ gốm tráng men và đồ gốm không tráng men). Về nơi sản xuất của những sản phẩm gốm này, có đồ sứ men hoa lam, đồ sứ hoa văn tranh mầu, sứ trắng thuộc dòng lò gốm Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến – Quảng Đông và Đức Hóa, niên đại sản xuất của chúng thuộc khoảng từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII[13]. Về chủng loại, chúng gồm có chậu, bát, bát nhỏ, đĩa, bình, nắp và siêu nước.

           Đồ sứ Hizen chỉ có loại tráng men hoa lam, chủng loại sản phẩm gốm có chậu, bát, đĩa, nắp và bình. Chậu và bát thường có hoa văn hình đá tảng, đĩa thường là loại có hoa văn hình chim phượng hoàng. Niên đại sản xuất thuộc khoảng nửa sau thế kỷ XVII, từ khoảng năm 1650 đến năm 1680[14].

           Hai phần di chỉ hình rãnh tìm thấy tại hố đào số 1 và số 2 tại địa điểm Đình Cẩm Phô là của cùng một di chỉ, trong lớp đất phủ bên trên di chỉ này, từ lớp đất dưới cùng đến lớp đất giữa đã tìm thấy đồ gốm sứ Trung Quốc, còn ở lớp trên cùng đã tìm thấy đồ sứ Hizen.

           Di chỉ hình rãnh tại hố đào số 1 có chiều rộng khoảng 1,1m – 1,5m, độ sâu khoảng 70cm. Đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ lấp trong di chỉ hình rãnh này, trừ những mảnh gốm sứ quá nhỏ vụn, ngoài ra tất cả di vật tìm thấy đều được ghi chép đầy đủ về vị trí và độ sâu tìm thấy. Tổng số lượng mảnh gốm sứ tìm thấy và được ghi chép lại là 441 mảnh. Các di vật phân bố, trải rộng tới tận phía trước phần mở sộng của hố đào số 1. Xét theo tình trạng phân bố các di vật theo chiều thẳng đứng, ở tầng đất dưới cùng tìm thấy rất ít di vật, còn ở tầng giữa và tầng trên cùng lại tìm được rất nhiều.

          Đặc trưng phân bố của di vật căn cứ vào nơi sản xuất như sau: gốm sứ thuộc dòng Cảnh Đức Trấn và Phong Kiến – Quảng Đông Trung Quốc phân bố chủ yếu ở tầng đất giữa, chỉ có một ít tầng dưới và tầng trên cùng. Ngược lại, đồ sứ Hizen thì lại hoàn toàn không thấy có ở tầng dưới cùng và tầng giữa, chỉ thấy có ở tầng đất trên cùng.

         Tại di chỉ hình rãnh của hố đào số 2 tìm thấy 585 mảnh di vật, còn tại di chỉ hình sông tìm thấy 286 mảnh di vật. Trong số các sơ đồ minh họa sự phân bố của các di vật, hình 5 -1 và 5 – 2 là sơ đồ minh họa sự phân bố theo bình diện ngang và theo chiều dọc thẳng đứng của các di vật tìm thấy tại di chỉ hình rãnh và hình sông. Căn cứ vào sơ đồ phân bố của di vật theo chiều dọc thẳng đứng, có thể thấy, có rất ít di vật phân bố ở tầng đất dưới cùng (tương ứng với tầng đất thứ 3 phủ trên di chỉ hình rãnh tại hố đào số 2), mà phân bố rất nhiều tại tầng đất giữa (tương ứng với tầng đất thứ 2) và tầng trên cùng (tương ứng với tầng đất thứ 1). Đồ gốm sứ thuộc dòng Cảnh Đức Trấn phân bố từ lớp dưới đến lớp trên cùng của di chỉ hình rãnh, nhưng ở lớp đất dưới cùng rất ít. Ngoài ra cùng tìm thấy di vật thuộc dòng gốm sứ này tại di chỉ hình sông. Đồ gốm sứ thuộc dòng Phúc Kiến – Quảng Đông cũng phân bố tương tự như vậy. Tuy nhiên, có rất nhiều ở tầng giữa, Đồ sứ Hizen hầu như không tìm thấy tại di chỉ hình rãnh, mà lại tìm thấy rất nhiều từ di chỉ hình sông.

            Xu hướng tìm thấy các di vật về cơ bản cũng tương tự với hố đào số 1. Tuy nhiên, vị trí tìm thấy đồ sứ Hizen ở hố đào số 2 khác với hố đào số 1, chỉ tìm thấy 1 chút ở lớp đất trên cùng của di chỉ hình rãnh, còn lại phần lớn đều tìm thấy tại di chỉ hình sông. Điều này chứng tỏ rằng, vào thời điểm những đồ sứ Hizen này bị vứt đi thì chiếc rãnh này đã hầu như bị vùi lấp hoàn toàn rồi.

           Sau khi kiểm chứng lại, ta thấy đồ gốm sứ Trung Quốc có niên đại từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII chủ yếu được tìm thấy ở tầng dưới cùng và lớp giữa, còn đồ sứ Hizen có niên đại thuộc nửa cuối thế kỷ XVII được tìm thấy tại tầng đất trên cùng. Điều này chứng tỏ rằng, vào nửa cuối thế kỷ XVII, xu hướng sử dụng đồ sứ tại Hội An đã chuyển từ đồ gốm sứ Trung Quốc sang đồ sứ Hizen.

             VI. THÀNH PHẦN GỐM SỨ HỘI AN THẾ KỶ XVII

             Đồ gốm sứ tìm thấy tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 1 và số 2 , và di chỉ hình sông ở hố đào số 2 tại địa điểm Cẩm Phô là những tư liệu có giá trị giúp tìm hiểu về đồ đựng thức ăn hồi thế kỷ XVII. Vì vậy, qua các mảnh vỡ tìm thấy, chúng ta suy đoán ra số lượng gốm sứ khi còn nguyên vẹn, từ đó làm rõ thành phần của gốm sứ ở Hội An. Trước tiên, để xác định số lượng gốm sứ khi còn nguyên vẹn, ta sẽ phân biệt chúng thông qua sự khác nhau về phần đáy, hoa văn và phần vành miệng.

            Tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 1, đã đào được 178 di vật, tại chi chỉ hình rãnh ở hố đào số 2, đã đào được 209 di vật. Ngoài ra, tại di chỉ hình sông ở hố đào số 2, người ta đã đào được 125 di vật. Biểu đồ dạng hình tròn, số lượng của từng nhóm di vật phân theo nơi sản xuất. Nếu phân biệt theo thời gian, thì căn cứ vào sự chuyển giao giữa các triều đại của Trung Quốc (Minh - Thanh) và những chính sách ngoại thương có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu gốm sứ của Trung Quốc, người ta chia thành 4 thời kỳ. Thời kỳ I: từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII; thời kỳ II: nửa cuối thế kỷ XVII; thời kỳ III: nửa cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII; thời kỳ IV: nửa cuối thế kỷ XVIII trở đi.

             Kết quả là, đồ gốm sứ tìm thấy tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 1 phân theo nơi sản xuất có tỷ lệ như sau: đại bộ phận là đồ gốm sứ Việt Nam (44%) và các loại bát đĩa sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến – Quảng Đông (41%), đồ sứ Hizen chiếm 11%. Còn đối với đồ gốm sứ tìm thấy tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 2 thì đại bộ phận là đồ gốm sứ Việt Nam (39%) và các loại bát đĩa sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến – Quảng Đông (54%). Tuy nhiên, tại di chỉ hình sông ở hố đào số 2, thì ngoài đồ gốm sứ Việt Nam (41%) và các loại bát đĩa sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến – Quảng Đông (32%), số lượng bát đĩa sứ Hizen chiếm đến 19%.

            Mặt khác, sự thay đổi về số lượng đồ sứ theo từng thời kỳ như sau. Vào thời kỳ I: tại di chỉ hình sông ở hố đào số 2, số lượng của đồ sứ thuộc dòng lò gốm Cảnh Đức Trấn cũng tương đương với số lượng đồ sứ thuộc dòng lò gốm Phúc Kiến – Quảng Đông. Nhưng tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 2, đồ sứ Phúc Kiến – Quảng Đông nhiều hơn. Tại di chỉ hình sông cũng vậy. Nhưng ở thời kỳ thứ hai, đồ sứ Hizen xuất hiện nhiều hơn, còn đồ sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến – Quảng Đông lại cực ít. Sang đến thời kỳ III thì đồ sứ Hizen lại không thấy xuất hiện. Nguyên nhân số lượng đồ sứ Hizen thời kỳ này ít là do khi số đồ sứ Hizen bị loại bỏ thì chiếc rãnh đã hầu như bị vùi lấp hoàn toàn. Bằng chứng là, tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 2 người ta ít thấy đồ sứ Hizen, nhưng ở di chỉ hình sông lại thấy rất nhiều.

            Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu các chủng loại đồ sứ, chủng loại đồ gốm và đồ đất nung của Việt Nam dựa trên những đồ gốm sứ tìm thấy trong di chỉ hình rãnh.

            Tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 1 và số 2, đã tìm thấy rất nhiều bát, chậu, đĩa sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến – Quảng Đông. Nhưng riêng bát, chén nhỏ thì đồ sứ Cảnh Đức Trấn chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Còn về đồ sứ Hizen thì sản phẩm chủ yếu là những đồ như bát, chậu, đĩa, các sản phẩm loại khác rất ít.

           Về gốm sứ Việt Nam, trong phần trước đã đề cập đến cách phân loại và cách sử dụng của chúng, còn trong phần này, biểu đồ hình cột sẽ biểu thị cách phân loại theo chủng loại sản phẩm. Trong số các đồ gốm sứ tìm thấy tại di chỉ hình rãnh, chủng loại sản phẩm chủ yếu là: bình thân dài nhóm 1 và nhóm 2, nắp đậy nhóm 1. Bình thân dài nhóm 1 và nhóm 2 được dùng làm đồ cất trữ, bát nhóm 2 và 4 được dùng làm đồ đun nấu, bát cỡ lớn nhóm 1 được dùng làm chậu rửa bát, bát nông nhóm 1 được dùng làm mâm, còn nắp đậy nhóm 1 là nắp đậy của bát nhóm 2 và 4. Không tìm thấy đồ sứ tráng men sản xuất tại miền Bắc.

             Qua đó, ta có nhận xét về những sản phẩm dùng làm đồ đựng thức ăn ở Hội An hồi thế kỷ XVII như sau: Từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thề kỷ XVII, chủ yếu sử dụng chậu, bát, đĩa sứ thuộc dòng gốm sứ Cảnh Đức Trấn và Phúc Kiến - Quảng Đông Trung Quốc; trong đó đồ sứ thuộc dòng gốm sứ Phúc Kiến - Quảng Đông nhiều hơn. Tuy vậy, đến cuối thế kỷ XVII đã có sự thay đổi, xuất hiện chậu, bát và đĩa sứ Hizen. Đồng thời, đồ gốm và đồ đất nung của Việt Nam thường được dùng làm đồ cất giữ, nồi đun nấu và chậu rửa bát. Những sản phẩm này cùng với những sản phẩm bát đĩa sứ nhập từ nước ngoài đã tạo nên đặc trưng trong những đồ đựng thức ăn ở Hội An hồi thế kỷ XVII. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét nơi sản xuất đồ gốm và đất nung của Việt Nam tìm thấy ở Hội An.
 
 

[1]Kikuchi Seichi – 1997, Sản xuất gốm tại miền trung Việt Nam và Nhật Bản – giao lưu Nhật Việt hồi thế kỷ XVI, XVII, văn hóa vật chất, số 63, tr.1 – 22.
[2] Kikuchi Seichi – 1998, Thành quả nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam trong những năm gần đây và những vấn đề tồn tại, Văn hóa vật chất, số 64, tr. 29 – 40.
[3] Aoyagi Yoji – 1996, thành quả nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam trong những năm gần đây và những vấn đề tồn tại, Văn hóa vật chất, số 64, tr. 29 – 40.
[4] Yamagata Mariko – 1997, bối cảnh thời kỳ thành lập nước Lâm Ấp – trọng tâm vào các di vật của Trung Quốc tim thấy tại di tích Trà Kiệu, Khảo cổ học Đông Nam Á”, số 17, tr. 167 – 184.
[5] Yabe Yoshiaki – 1990, Đại từ điển về trà đạo do nhà sách Kadokawa phát hành, tr.63.
[6] Goto Kinpei – 1975, Lịch sử kháng chiến cứu quốc của Việt Nam, công ty Shinjinbutsu Orai phát hành, tr. 24 – 28.
[7]Mikami Tsuguo – 1984, Đồ gốm Việt Nam và buôn bán đồ gốm, Toàn tập gốm sứ thế giới, tr. 210, công ty Shogakukan phát hành.
 
[8] Abe Yuriko – 1998, Kỹ thuật làm gốm nung tại Việt Nam, Báo cáo điều tra khảo cổ học tại Hội An – Việt Nam, Kỷ yếu Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế trường đại học nữ sinh Showa, tập 4. Nội dung phần 4 hoàn toàn căn cứ vào bản báo cáo của Abe.
[9] Tác giả đã quan sát vào tháng 12 n8am 1997. Về cách làm đồ đất nung tạu làng Phú Lan, tham khảo cuống Nhật ký điều tra đồ gốm sứ Việt Nam, “Kỷ yếu của Phòng biên tập lịch sử”, số 23, Ủy ban giáo dục tỉnh Okinawa do nhóm tác giả Asato Shijun, Kikuchi Seichi, Kin Seiki, Tezuka Naoki viet vào năm 1998.
[10] Kikuchi Seichi và Abe Yuriko – 1998, Cách làm đồ đất nung tại Thanh Hà, Hội An ở miền Trung Việt Nam, Nghiên cứu cổ đại học, số 142, tr. 22 – 23.
[11] Cristophoro Borri - 1998, Xứ Đàng trong năm 1621.
[12] Phan Đại Doãn – 1993, Hội An và Đàng Trong, con đường tơ lụa trên biển và Việt Nam, nhà sách Hodaka, tr. 315.
[13] Về niên đại của đồ gốm sứ, dựa vào kết quả nghiên cứu của các ông Ohashi Koji, Mori Takeshi, Morimura Kenichi.
[14] Ohashi Koji – 1982, một vài quan sát về chậu và bát có trang trí hoa văn hình đá tảng tráng men, Bạch thủy, số 9, hoặc Nogami Tatenori – 2002, Đồ sứ Hizen xuất khẩu, lịch sử giao lưu giữa 2 nước Nhật Việt -  phố Nhật Bản và đồ gốm sứ, công ty Kashiwa Shobo.
Trích sách: Nguyên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb: Thế giới, năm 2010.

Tác giả: GS. Kikuchi Seiichi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây