Nghề trồng dâu, ươm tơ ở Cẩm Kim trước năm 1975 qua thông tin tham vấn cộng đồng

Thứ hai - 05/06/2017 22:41
Cẩm Kim hay còn gọi là Kim Bồng vào trước năm 1945 là một vùng đất cồn bãi thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, có nền kinh tế phát triển mạnh với sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề gồm nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, buôn ghe bầu, buôn nguồn, các nghề thủ công: mộc, nề, dệt chiếu, trồng dâu ươm tơ… Trong đó, nghề trồng dâu, ươm tơ khá phát triển trong giai đoạn trước năm 1954 và hiện nay đã không còn. Nhằm có một cái nhìn đầy đủ về các ngành nghề thủ công đã phát triển trong lịch sử của Cẩm Kim, chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin về nghề trồng dâu ươm tơ thu thập được từ những người đã tham gia làm nghề và sống lâu năm ở đây.
          Cẩm Kim có nhiều khu vực cồn bãi ven sông thích hợp cho việc trồng dâu. Một số người cao tuổi ở Phước Thắng cho rằng cách đây 50, 60 năm trở về trước, bãi Bà Mau là nơi trồng nhiều cây dâu tằm nên được dân gian gọi là Lùm tằm. Ngoài ra, còn có bãi Gò Mồ và một số bãi khác ở Phước Thắng… cũng trồng dâu.  Đồng thời, cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ đến những người phụ nữ giỏi việc trồng dầu, nuôi tằm, canh cửi cách đây hơn 60 năm như bà Hay, bà Cửu Bái, bà Vọng ở Phước Thắng, Bà Xuyên ỡ Thượng Phước...

          Ông Huỳnh Tấn Lộc thuộc một gia đình có trồng dâu nuôi tằm kể lại việc nuôi tằm ở Cẩm Kim cách đây 50 - 60 năm như sau: Dâu trồng bằng cây, trồng trên các bãi bồi phù sa, vào sau mùa lụt, khoảng tháng 11 âm lịch để cây không bị chết vì úng nước hoặc giảm chất lượng của dâu. Người ta cũng trồng dâu theo hàng, lấy nộm cây con khoảng 5,6 cây, bỏ vào hom đất đã được đào sâu đến 50cm theo tính toán từ mặt đất phù sa đến giáp đất thịt. Trong một hàng thì người ta đặt hom cách nhau 1,5m dự lường khi cây lớn, trồng hàng cách hàng 1,5m. Đến tháng Giêng năm sau cây cao khoảng 1m, hái lá lứa đầu tiên gọi là hái lá chân. Trong khi hái, có chừa một đoạn 40cm, 2 tháng sau hái lá lần thứ hai và hái liên tục đến giáp năm. Theo kinh nghiệm thì người ta sẽ hái những lá dâu không quá già, không quá non cho tằm ăn là tốt nhất. Vì lá non thì để dưỡng cho cây. Lá già đã trải qua thời gian ngâm nước lụt, khi cho tằm ăn sẽ nhả ra sợi tơ không mềm bóng. Sau khi cây bị ngập lụt, người ta chặt ngang gốc để cây tiếp tục sinh trưởng cho mùa sau.

          Người ta hái dâu về, ngắt bỏ những lá xấu, chọn những lá mướt rải đều trên nhiều nong to đường kính khoảng 1m để tằm đã lớn to bằng chiếc đũa tự ăn lá dâu. Đối với tằm nhỏ, người ta phải cắt lá dâu thành những sợi rất nhỏ tằm mới ăn được. Tằm ăn dâu cho đến khi thân chín vàng sẽ được đặt lên hom dâu được làm từ thân cây dâu phơi khô đan thành vĩ 4 x 2m, có kẹp nẹp tre. Người ta thường đặt tằm trên vĩ với mật độ khoảng 20 – 30 cm/con là phù hợp. Từ đây, con tằm bò trong hom gây ổ, sau lọt vào giữa ổ, nhả tơ. Khi tằm nhả xong tơ tự bít lỗ kén, lộn thành con nhộng. Bằng kinh nghiệm, người nuôi tằm tự nhận biết là tơ ngoài kén có màu vàng hơi đục gọi là thao càng, tơ ở giữa và trong cùng của kén gọi là tơ lụa, có màu vàng ánh, sợi mềm, rất đẹp.

          Để có tằm cho mùa sau, người nuôi tằm cũng phải tự chọn kén ngon làm giống. Kén lộn ra nhộng - thành bướm gồm bướm đực và bướm cái, sau khi khi thụ tinh, bướm đực sẽ ra khỏi kén, bướm cái ở lại đẻ, trong quá trình đẻ, bướm được cho nằm trên tờ giấy trắng, sau khi đẻ xong, gói tờ giấy lại cẩn thận, không để bị bể trứng, cột lại, treo trên cao vài ngày, thì trứng sẽ nở ra con tằm con như con sâu dùng cho mùa sau. 

           Ngày xưa, ở Cẩm Kim thường mua tằm ở Phú Bông – Duy Thành, Mã Châu cho ra nhiều lụa tốt, ít thao nhưng sản lượng không cao. Ngược lại, người ở Phú Bông lại thường xuyên dệt lụa, bán giống tằm, do vậy hai làng thường có sự quan hệ qua lại trong việc trồng dâu nuôi tằm. Sau năm 1975, những người biết ươm tơ dệt lụa vẫn tiếp tục nuôi tằm cho Hợp tác xã Cẩm Kim, cung cấp nhiều kén tơ cho Hội An và phục vụ cho phong trào dệt ở Hội An và một số nơi khác trong tỉnh phát triển. Đến cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, hợp tác xã tan rã, từ đó đến nay không còn ai làm gì gắn với ươm tơ dệt lụa nữa.

          Từ một số thông tin trên, hy vọng rằng một số doanh nghiệp du lịch quan tâm sẽ tìm hiểu sâu, đầu tư phục hồi hoạt động này để tạo thêm một điểm nhấn cho du khách khi đến với Cẩm Kim để góp phần quảng bá một giá trị văn hóa xưa của vùng đất này. 
 
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây