Theo sách Nghề truyền thống ở Hội An, từ trước năm 1975 ở xã Cẩm Kim có khoảng 10 đến 15 hộ chuyên đan thúng chai, với số lượng người tham gia làm nghề khoảng gần 100 người, mức thu nhập tương đối cao so với các nghề khác. Nhưng sau đó với nhiều lý do, mà chủ yếu là do sự ly tán trong chiến tranh nên nghề đan thúng chai ở Cẩm Kim dần dần chỉ còn thưa thớt một số hộ làm nghề. Sau năm 1975, với nhu cầu sản phẩm ngày càng nhiều để phục vụ cho nghề đánh bắt trên môi trường sông nước nên nghề đan thúng chai, ghe nan, mui ghe, đan rổ,… lại còn điều kiện để phát triển. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Hội An chỉ có rải rác một số nơi duy trì nghề đan thúng chai như xã Cẩm Kim, Cẩm An, Minh An… Riêng ở xã Cẩm Kim chỉ có gia đình ông Đỗ Khá còn duy trì nghề này. Với sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình thực hành nên sản phẩm của ông làm ra có uy tín, chất lượng vì thế được đặt hàng nhiều. Lúc đó, để cung cấp sản phẩm cho hoạt động đánh bắt trên sông, biển của ngư dân các xã Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Nam, Cù Lao Chàm, Duy Vinh…, ông Khá phải thuê thêm 4 đến 5 thợ để làm. Những người thợ này chủ yếu ở Duy Vinh - Duy Xuyên.
Theo ông Khá - người có trên 50 năm gắn bó với nghề đan thúng chai cho biết, để làm ra được một chiếc thúng chai phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi người làm phải cẩn trọng, chịu khó và phải có tâm mới làm ra sản phẩm bền chắc, đẹp và giá thành rẻ. Trước tiên là công đoạn chọn và đốn tre. Tre phải được đốn vào tháng giêng là tốt nhất vì tháng giêng tre già, rụng lá sẽ làm ra sản phẩm bền, không bị mọt. Sau khi đốn tre về, róc mắt tre cho sạch rồi cắt đoạn, chẻ tre thành những miếng nhỏ và vót thành nan. Công đoạn này cũng rất tốn công và đòi hỏi người làm phải chịu khó vì phải vót lấy cật tre và phải chuốt thật kỹ. Nan tre được đem phơi khoảng 3 đến 4 nắng cho thật khô. Tiếp đến là công đoạn đan. Đây là khâu quan trọng nhất, phải đan lần lượt từ trong ra ngoài và phải theo các quy định của đan nong mốt, nong hai, nong ba, nong tư… Nếu đan không theo quy định thì đến khi đan xong sẽ không lận vành được. Sau khi hoàn tất việc đan sẽ đến công đoạn lận vành. Đây cũng là một khâu rất quan trọng và không phải ai khéo tay cũng làm được, bởi việc lận vành đòi hỏi phải có kinh nghiệm, sáng tạo nếu không sẽ không lận được hoặc lận xong nhưng thúng bị méo mó. Cùng với việc vót nan để đan thì vành thúng cũng được làm. Vành được làm từ 5 đến 6 miếng tre, làm xong được cuộn tròn và buộc lại bằng lạt tre. Sau khi lận vành thì nứt cước xung quanh vành thúng. Việc nứt cước vành thúng đòi hỏi phải cẩn thận, kỹ lưỡng thì chiếc thúng sau khi hoàn thành mới chắc, sử dụng được lâu dài. Nứt cước vành thúng xong là cơ bản hoàn thành một chiếc thúng. Chiếc thúng này được phơi khoảng một vài nắng rồi trét phân trâu để bịt kín những lỗ hở, chờ cho khô sẽ trét dầu rái cho dính chắc vào. Đây là những kinh nghiệm dân gian trong công đoạn hoàn thiện một sản phẩm là phương tiện vận chuyển trên sông nước như tàu/thuyền gỗ, ghe nan, thúng chai… để giữ cho vật liệu lâu bị hư và nước không thấm vào bên trong. Kích cỡ thúng chai có nhiều loại tùy thuộc chức năng sử dụng. Đối với thúng loại lớn có đường kính 6 thước mộc, dùng để câu mực ở biển. Thúng loại nhỏ, có đường kính 2,5 thước mộc, dùng trên sông. Hiện tại, để làm hoàn chỉnh một cái thúng chai kích thước nhỏ nhất phải mất khoảng 15 đến 20 ngày, giá thành là 2.500.000đ.
Theo những người đã từng học nghề đan thúng chai cho biết, việc học thành nghề này không phải dễ, có một số người dù đã nhiều lần cố gắng học nhưng vẫn không thành bởi vì nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, yêu nghề và phải có năng khiếu mới học được, hơn nữa đây là một nghề tương đối vất vả, trong khi đó thu nhập không cao. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, đó cũng là những lý do chung dẫn đến nguy cơ mai một của một số nghề truyền thống của địa phương. Nghề đan thúng chai ở Cẩm Kim là một trong những nghề có nguy cơ mai một cao, bởi lẽ hiện nay ở xã Cẩm Kim chỉ còn duy nhất hộ ông Đỗ Khá, ở thôn Đông Hà - xã Cẩm Kim còn làm nghề này. Đối với ông Đỗ Khá, dù không làm xuyên suốt nghề đan thúng chai nhưng ông đã gắn bó với nghề hơn nửa đời người. Hiện nay dù tuổi đã ngoài 80 nhưng hàng ngày ông vẫn chăm chú thực hành nghề để giới thiệu với du khách, bạn bè gần xa về một nghề truyền thống của địa phương đang có nguy cơ bị mai một. Khi ông Khá không còn đủ sức để làm nữa thì nguy cơ mai một của nghề này là rất cao, bởi lẽ, vì nhiều lý do mà con cháu ông không thể kế nghiệp nghề của cha mặc dù ông rất muốn điều đó. Do vậy, để duy trì, bảo tồn nghề truyền thống này trước tiên cần phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng một số ban ngành liên quan để đưa ra giải pháp bảo tồn phù hợp và bền vững.
Ông Đỗ Khá, ở thôn Đông Hà - xã Cẩm Kim
Đối với Cẩm Kim là một xã vùng ven, nơi đây vẫn còn đậm chất của một làng quê Việt, chưa bị tác động bởi đô thị hóa nên việc bảo tồn, gìn giữ những nghề truyền thống là rất phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa phục vụ phát triển du lịch địa phương, đặc biệt là du lịch sinh thái. Nhằm từng bước cụ thể hóa chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển các vùng nông thôn và hải đảo, tạo sự chuyển biến đồng bộ toàn diện cho cả thành phố và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn, vừa qua trong kỳ họp thứ 3, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân thành phố Hội An, khóa XI đã thông qua nghị quyết chuyên đề về đề án “
Xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim, giai đoạn 2017 - 2025”. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để bảo tồn, phát huy những nghề truyền thống vốn có của Cẩm Kim, trong đó có nghề đan thúng chai, một trong những nghề truyền thống ở Hội An có nguy cơ mai một cao.