Tổng quan về Đình làng ở Hội An

Thứ hai - 10/04/2017 23:57
Trải bao thăng trầm, biến cố lịch sử để hình thành và phát triển, cộng đồng cư dân Hội An - Xứ Quảng được xem là một trong những địa phương mẫu hình về hành xử trên từng bước đường hành tiến về phương Nam của dân tộc Việt. Điều đó được khẳng định trên nhiều mặt của cơ tầng - cấu trúc kinh tế - văn hóa - xã hội ở nơi đây. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu tổng quan về đình làng, một loại hình thiết chế văn hóa giữ vai trò chủ đạo trong tín ngưỡng cộng đồng của hầu hết các làng - xã, thôn - ấp ở Hội An.
          Trước hết, nói về đình làng Việt Nam, cho đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau về thời điểm xuất hiện và nguồn gốc. Có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng. Có ý kiến khác cho rằng, vào thời Lý ở Thăng Long, người ta xây dựng những phương đình (có quy mô nhỏ) để dán các thông báo của chính quyền, hoặc là nơi người ta tuyên cáo các văn kiện của nhà vua. Sau đó kiến trúc loại này tỏa về làng với chức năng như trụ sở hành chính của làng. Một vài ý kiến cho rằng đình làng có thể bắt nguồn từ các kiến trúc thờ thần đất và thần nước. Các cư dân Việt cổ trong tín ngưỡng bản địa, sùng bái thần đất và thần nước che chở nuôi sống họ... Dù quan điểm như thế nào thì đến nay các nhà nghiên cứu cũng đều cơ bản thống nhất rằng, đình làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có ba chức năng. Chức năng Tín ngưỡng: với hệ thống đa nguyên, đó là hệ thống pha lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng sơ khai của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẹ, các thần sức mạnh tự nhiên; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người anh hùng và có phần ảnh hưởng của đạo Phật, đạo Nho. Chức năng hành chính: mọi công việc về hành chính của làng đều được tiến hành ở đây, từ việc xét xử các vụ tranh chấp, phạt vạ, khao vọng, thu tô thuế đến việc bắt lính, việc sưu dịch... Chức năng này là biểu tượng của tính tự trị và sự cố kết cộng đồng của làng xã Việt Nam. Chức năng văn hóa: Đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng và đỉnh cao của các hoạt động văn hóa ở đình làng là ngày cúng tế, lễ hội, gây ấn tượng nhất trong năm đối với cả dân làng.

          Ở Hội An, để hiểu rõ về ngôi đình làng cần phải đặt nó trên nền tảng về đặc điểm hình thành khối cộng đồng dân cư Hội An - Xứ Quảng trong lịch sử, cả về cơ tầng kinh tế - xã hội. Bởi đây chính là nền tảng, cơ sở tạo nên sự khác biệt trên cả 3 chức năng của đình làng ở Hội An so với ngôi đình làng ở vùng đồng Bắc bộ và cả Bắc Trung bộ của Việt Nam. Cho đến nay, bằng những nguồn sử liệu, tư liệu gia phả, bia ký, tư liệu khảo cổ học và qua thực địa đã khẳng định người Việt kế tiếp người Chàm là một bộ phận cư dân cơ bản, chủ nhân chính của khối cộng đồng cư dân Hội An ngày nay. Về nguồn gốc của cư dân Hội An chủ yếu là dân cư Đại Việt, một số ít ở đồng bằng Bắc bộ, còn đại bộ phận ở Bắc Trung bộ, vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong đó có một số đã di chuyển vào Thuận Hóa hoặc một số nơi khác ở Quảng Nam sau đó lại tiếp tục di chuyển đến Hội An.

          Nhà thờ Tiền hiền, hậu hiền hay Từ đường của làng: Dân gian có nơi gọi là lăng Tiền hiền (như ở Cù Lao Chàm và các làng ven biển); đình Tiền hiền, miếu Tiền hiền hay với tên chữ đầy đủ như: Hội An Tiên từ/tự (của làng Hội An), Cẩm Phô hương hiền (của làng Cẩm Phô), Minh hương Tụy tiên đường (của làng Minh Hương ),... Thần vị được thờ ở đây là các vị thủy tổ, tiền hiền sáng lập ra làng xã, các vị hậu hiền kế tục khai phá mở mang đất đai. Tức là các vị thủy tổ của các tộc/họ trong làng xã, tùy theo thứ tự trước, sau đến lập cư ở làng và công trạng của từng vị mà được dân làng suy tôn là Tiền hiền hay Hậu hiền của làng thì đều được thờ phụng tại ngôi từ đường/nhà thờ chung của làng xã này. Tín ngưỡng thờ phụng này tuy có từ sớm, nhưng triều đình ban sắc phong diễn ra vào đầu thế kỷ 20 (thời vua Duy Tân đến Khải Định) được xếp hạng vào bậc thần hạ đẳng.
 
minh huong tuy tien duong
Minh hương Tụy tiên đường - Trần Phú - Hội An 

           Miếu thờ âm linh/âm hn: Theo tín ngưỡng dân gian, trên mảnh đất sinh sống của mỗi làng đều có vong linh phiêu dạt, những người không có con cháu thờ tự, các chiến sĩ tử trận, các nạn nhân bị ôn dịch, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai... chết vất vưởng tha hương, những người xiêu mồ lạc mả, không nơi nương tựa... gọi là cô hồn, nên phải lập thờ tự gọi là Miếu Âm hồn hay Âm linh.

           Ngôi chùa làng: Khác với các ngôi chùa mang tính chất tu hành theo hệ thống giáo lý phật giáo thường tách ra khỏi làng xóm, xa dân cư, nơi yên tịnh thì ngôi chùa làng lại gắn chặt với cộng đồng dân cư thành một phần hữu cơ, tổng thể của thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian làng - xã. Và như vậy hầu như mỗi làng đều có một ngôi chùa, ở đây không có sư xuất gia mà chỉ có cư sĩ tại gia trông coi hương khói và nghi lễ cầu cúng. Sự phối tự thờ cúng ở đây cũng khá phong phú: Thờ Phật có Tam Thế phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma,...; Thờ Ngọc Hoàng thượng đế hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập Điện Diêm Vương; Thờ thánh: Có Quan thánh Đế quân hai bên có Châu Thương và Quan Bình; Thờ Thánh Thiên Y - A - Na với hai vị công tử Hiển Tài và Hiển Quý. Bên ngoài có Kim Cang, Hộ pháp  và Tiêu Diện đại sĩ... Vào những ngày lễ quan trọng tại đình, từ đường của làng thì đều phải có bái Phật, Thánh tại chùa làng và dân trong làng vào những ngày sóc, vọng cũng thường lui tới chùa để lễ bái.
 
chua
Chùa Long Tuyền - Hội An 
 
          Cả 4 thiết chế văn hóa này thể hiện rất rõ đặc tính nhân văn, tích hợp văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An ứng xử với thiên nhiên (trời - đất), với con người, đối với tiền nhân, với cư dân bản địa ở đây trước khi người Việt vào, và cả đối với những người tha phương, đất khách quê người. Đồng thời ở đây cũng thể hiện rõ nét tính đa dạng, tích hợp của nhiều yếu tố tín ngưỡng liên quan đến cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp (sông, biển), nghề thủ công... và cả sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trên một Đô thị thương cảng quốc tế ở vùng cửa sông ven biển Faifo - Hội An, Xứ Quảng. Các yếu tố này đã góp phần tạo nên những nét riêng, đặc trưng văn hóa Hội An trên cả 2 phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cho đến nay, trải qua quá trình lịch sử do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hầu hết ở các làng đều có sự hợp nhất 3 thiết chế văn hóa: đình thờ thần, từ đường/nhà thờ tiền hiền, hậu hiền của làng, và miếu âm linh/âm hồn thành một thiết chế văn hóa gọi chung là Đình, thậm chí có trường hợp như ở làng Để Võng cả 4 thiết chế đều nhập chung vào một điểm nguyên là ngôi chùa làng, nay gọi chung là đình Để Võng. Hiện nay chỉ riêng làng Hội An còn giữ được 2 thiết chế riêng biệt đó là đình thờ Thần (đình Ông Voi) và nhà thờ Tiền hiền (Hội An Tiên tự). Hay ở ấp Nam Diêu (Thanh Hà) các thiết chế tập trung về một khu vực được gọi chung là Nam Diêu tổ miếu, ở đây gồm có miếu thờ thần (Thái giám Bạch mã), miếu tổ nghề, miếu âm linh, miếu Sơn Tinh.

           Về vị trí, không gian cảnh quan và mặt bằng tổng thể: Do vai trò đặc biệt quan trọng của đình đối với làng xã nói chung, nên việc xây dựng phải tuân theo thuyết phong thủy, phải xem hướng. Việc chọn đất dựng đình tất nhiên được cộng đồng dân làng xem xét rất kỹ lưỡng và tuân thủ theo những nguyên tắc về dịch lý, phong thủy. Theo quan niệm chung đất phải có rồng chầu, hổ phục, có sông nước, núi đồi làm yếu tố “minh đường, hậu tẩm”, “sơn triều, thủy tụ”. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này ở mỗi ngôi đình làng còn phụ thuộc vào điều kiện vị trí và địa cuộc của mỗi làng. Nhìn chung vị trí xây dựng đình làng thường ở trung tâm, đầu mối giao thông của làng - xã. Đặc biệt, phải nhìn ra một dòng chảy (sông, lạch...), phía trước phải có một bức bình phong. Nhìn bên ngoài đình với quy mô, chiều cao vừa phải, mái đình không vươn lên quá cao, cong vút như đình Bắc bộ, hay như các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác của người Hoa. Thường xung quanh đình với không gian thoáng mở, không xây tường rào, trụ biểu, cổng tam quan (trừ những công trình nằm  trong khu vực dân cư - khu vực Khu phố cổ hiện nay). Nhìn chung, tổng quan của ngôi đình vừa riêng biệt, uy nghiêm nhưng cũng vừa hòa quyện, gắn với không gian, cảnh quan của làng – xã.  Trường hợp các ngôi đình: Để Võng, Kim Bồng, Sơn Phong, Sơn Phô, Thanh Hà, Tu Lễ, Xuân Lâm... hiện có cổng tam quan, tường rào là đều mới được bổ sung xây dựng vào lần trùng tu vào những năm gần đây. Bên cạnh, phía trước đình thường có một miếu nhỏ thờ thổ thần. Bình phong nằm ở chính giữa (trục thần đạo) chiếu vào gian giữa đình. Các bình phong đa phần có kiểu dáng khá giống nhau ở một môtíp dạng cuốn thư, sự khác nhau chủ yếu về kích thước, những chi tiết kỹ thuật nhỏ hoặc đề tài đắp vẽ trang trí. Cơ bản bình phong là một bức tường hình chữ nhật, thường cắt góc, tạo nếp gấp cuốn thư và được áp liền với hai trụ bên như hai ống quyển. Trụ có thể vuông hoặc tròn, đỉnh trụ đắp búp sen hoặc núm tròn... Phía sau bình phong, trước đình thường có bàn hương án để cúng đất đai, cúng cô hồn.
 
dinh de vong
Đình Để Võng - phường Cẩm Châu - Hội An 
 
           Quy mô, kiểu thức kiến trúc đình tùy vào điều kiện của mỗi làng - xã mà phổ biến với 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái hay 1 gian 2 chái. Sau gian/căn giữa có một nhà nhỏ, mái cao hẳn lên gọi là chánh/chính tẩm hay hậu tẩm là nơi uy nghiêm nhất. Có kết hợp với nhà Đông - nhà Tây hay tả vu - hữu vu. Riêng đình Cẩm Phô, phía trước chánh điện có thêm công trình “phương đình”, gồm 4 mái, có cổ diêm. Kết cấu khung chịu lực theo lối “nhà rường” tiêu biểu như đình Xuân Mỹ, Đế Võng... Vì/vài kèo phổ biến với hình thức “cột trốn/cột trụ đội - kẻ chuyền”, “thượng kèo - hạ kẻ”. Mặt tiền luôn có 3 bộ cửa thượng song - hạ bản đặt theo 3 gian. Riêng đình thờ thần của làng Hội An (đình Ông Voi), Tụy Tiên Đường Minh Hương của làng Minh Hương có quy mô lớn gồm chánh điện - tiền đình, cách nhau một khoảng sân, 2 bên có nhà Đông - nhà Tây (tả vu - hữu vu) và hệ vì/vài kèo chủ yếu là “vài chồng” hoặc “trính chồng - trụ đội”. Trang trí trên chất liệu gỗ thuộc về không gian bên trong đình chủ yếu tập trung trên các cấu kiện chịu lực của bộ khung như trính, kèo, trụ đội, với kỹ thuật chủ yếu là chạm nổi và chạm nét. Khác với các ngôi đình ở Bắc bộ tập trung trang trí phần cấu kiện gỗ bên trong thì đình làng ở Hội An lại tập trung cho phần mái. Trên các mái đình, phần nề với những con giống gồm tứ linh (long, lân, quy, phụng) hoặc dao lá... có các đề tài “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long chầu nguyệt”... Phần đầu hồi, bờ chảy được tô, đắp, vẽ khá uyển chuyển, mềm mại rất sinh động, cùng các đầu dòng ngói ở diềm mái gắn đĩa hoa văn màu lam càng làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm, bề thế của các ngôi đình làng. Tuy làng xã ở Hội An có lịch sử lâu dài, nhưng nhìn chung niên đại kiến trúc các công trình đình làng - xã ở Hội An đều được xây dựng, hoàn chỉnh vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

           Việc bố trí thờ tự hiện nay của các ngôi đình ở Hội An đã có phối thờ của sự hợp nhất 3 thiết chế (đình thờ thần, nhà thờ Tiền hiền và miếu âm linh). Ở chính giữa (hậu tẩm)thờ Thần/Thành hoàng, hai bên sẽ là các vị tiền hiền hậu hiền, ngoài cùng là âm linh, chiến sĩ trận vong[1]...

          Có thể thấy, cùng với bước chân khẩn hoang của người Việt, nhiều làng xã ra đời, kéo theo các thiết chế văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Ngôi đình làng hình thành, phát triển ở Hội An đã trở thành một biểu trưng văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây và là ngôi nhà chung của cộng đồng cư dân làng xã. Hàng năm cứ vào dịp vào mùa xuân và mùa thu, dân gian gọi là “Xuân, thu nhị kỳ” cả dân làng lại nô nức về ngôi đình của làng mình cùng nhau tổ chức nghi lễ cúng tế. Mùa xuân thì cúng đất, cầu an, cầu một năm làm ăn thu được nhiều lợi, mưa thuận gió hòa... Mùa thu thì tạ ơn các chư thần, tổ nghệ, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã phù hộ cho dân làng một năm làm ăn thuận lợi, cầu cho cả dân làng bước vào mùa mưa tránh được thủy tai, gió bão... Đây cũng là dịp cả dân làng cùng chung niềm tin hướng về thần linh và cùng vui, thỏa thích với các hoạt động hội hè sau lễ, tăng thêm tình đoàn kết, thương yêu nhau, giúp nhau của những người trong cùng một làng. Đình làng hẳn là một di sản văn hóa tiêu biểu, một loại hình thiết chế văn hóa giữ vai trò chủ đạo trong tín ngưỡng cộng đồng của hầu hết các làng - xã, thôn - ấp ở Hội An cần được trân trọng giữ gìn và phát huy.   
 
 
 
 
 

[1] Xem bài:  Sơ đồ vị trí thờ tự tại một số ngôi đình làng/ấp ở Hội An hiện nay của tác giả Phạm Phước Tịnh, trang 23 của tập Thông tin nghiên cứu này.  

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây