Hồi ức của ông Hồ Văn Tửu về trận đánh vào nhà lao Hội An đêm ngày 14/7/1967

Thứ hai - 20/03/2017 05:21
Đã tròn 50 năm trôi qua nhưng trong tâm trí của ông Hồ Văn Tửu - nguyên tiểu đội trưởng thuộc trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 2 bộ đội đặc công tỉnh Quảng Đà (mật danh V25) vẫn còn nhớ như in về trận đánh vào nhà lao Hội An đêm ngày 14/7/1967.
          Ông quê ở xã Điện Nam - huyện Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng, hiện cư trú tại địa chỉ số 108, đường Lương Ngữ Hộc, thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia vào tiểu đoàn 2 bộ đội đặc công tỉnh Quảng Đà vào tháng 10/1965. Đến năm 1967, khi ta tổ chức trận đánh vào nhà lao Hội An, ông là tiểu đội trưởng của trung đội 3, thuộc đại đội 3. Ông cho biết, tham gia trận đánh này có nhiều lực lượng khác nhau, riêng tiểu đoàn 2 có 2 tiểu đội của trung đội 3 thuộc đại đội 3. Ngoài tiểu đội của ông với 11 đồng chí dưới quyền chỉ huy của đồng chí Mai Văn Hạnh - trung đội trưởng trung đội 3 làm nhiệm vụ chính là thọc sâu đánh vào trong nhà lao tiêu diệt địch, giải thoát tù nhân còn có tiểu đội do đồng chí Ngọc chỉ huy làm nhiệm vụ chính là hóa trang thành lính trung đoàn 51 ngụy đánh mở cửa nhà lao cho lực lượng của ta tấn công vào bên trong.
 
huu

Ông Hồ Văn Bửu
           Ban đầu, tiểu đội của ông trú chân ở vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình. Để chuẩn bị cho trận đánh vào nhà lao, tiểu đội được học tập, huấn luyện kỹ càng phương án tác chiến qua mô hình sa bàn. Thời gian này, công tác chuẩn bị cho trận đánh rất khẩn trương, chu đáo bởi lẽ Hội An là tỉnh lỵ của địch với nhiều lực lượng bố phòng rất kín kẽ.

          Đêm ngày 13/7/1967, tiểu đội ông bắt đầu hành quân về Hội An. Được cơ sở hỗ trợ, tiểu đội nhanh chóng vượt qua đoạn sông ở Cẩm Thanh, sau đó hành quân lên Cẩm An, qua Cẩm Hà. Điểm dừng chân cuối cùng là thôn Trà Quế. Lúc này đã khoảng 3 giờ sáng ngày 14/7/1967. Khi đến nơi, toàn tiểu đội được cơ sở đưa xuống hầm bí mật, bố trí mỗi hầm từ 3 đến 5 đồng chí. Đến khoảng 7 giờ tối ngày 14/7/1967, tiểu đội của ông lên công sự để nhắc lại nhiệm vụ, phương án tác chiến lần cuối trước khi di chuyển đến nhà lao. Trang bị vũ khí với thủ pháo, lựu đạn, súng AK đã đảm bảo, mọi công tác chuẩn bị đã sẵng sàng. Đến khoảng hơn 8 giờ tối, tiểu đội bắt đầu hành quân. Đường hành quân tiếp cận nhà lao cũng không đơn giản. Có đoạn đi nhanh, có đoạn đi chậm, thậm chí phải cúi khom, bò để quan sát, nắm tình hình địch. Đến một góc lối vào, cách cổng nhà lao khoảng 40, 50m, tiểu đội dừng lại ẩn nấp chờ tín hiệu hiệp đồng chiến đấu. Khi tiểu đội hóa trang tiểu đoàn 51 ngụy nổ súng mở cửa nhà lao, tiểu đội của ông di chuyển vào cổng nhà lao, nhanh chóng chia làm 3 tổ. Một tổ 3 đồng chí gồm có ông, đồng chí Bùi Đợi và Trần Văn Hồi do ông chỉ huy đánh vào khu vực bên trái nhà lao. Một tổ do đồng chí Hạnh chỉ huy đánh vào bên phải và một tổ do đồng chí Tuận chỉ huy đánh thẳng vào giữa nhà lao.

          Vừa vào trong nhà lao, do sơ ý, ông bị điện giật ngã xuống, mắt tối sầm lại. Thấy vậy, đồng chí Ba là cán bộ phụ trách thông tin của tiểu đoàn đặc phái cho trận đánh mang máy PRC25 chạy đến cứu. Không may đồng chí Ba cũng vướng phải dây điện và bị điện giật, rồi hy sinh. Riêng ông, sau khi tỉnh lại đã đứng dậy, tiếp tục chiến đấu với mục tiêu chính là tiến sát vào các phòng giam để mở cửa. Đến phòng giam, ông hô to “tất cả bà con dồn qua 1 bên, đây là quân giải phóng nhà lao, giải phóng bà con ra khỏi nhà lao”. Ban đầu, do tình hình quá gấp gáp nên ông rút súng bắn phá ổ khóa mà quên rằng mình có mang theo bộc phá; vài giây sau ông sực nhớ ra vội lấy bộc phá phá tung cửa. Ông mở được 3 phòng liên tiếp ở dãy nhà giam nam. Tình hình mỗi lúc càng thêm căng thẳng bởi ông và đồng đội phải vừa chiến đấu, vừa đề phòng địch, vừa lo mở cửa nhà lao rồi hướng dẫn tù nhân ra ngoài.

          Thời điểm trận đánh diễn ra, địch trong nhà lao có khoảng 1 đến 2 trung đội, vì bị bất ngờ nên chúng còn mặc thường phục. Cũng vì thế mà chúng dễ dàng trà trộn vào đám đông tù nhân gây khó khăn cho lực lượng của ta vì phải nhận diện địch trong đám đông tù nhân để chiến đấu. Hỏa lực của địch bên trong nhà lao không đáng kể, chủ yếu là hỏa lực yểm trợ từ bên ngoài. Đạn pháo của chúng từ các hướng nã tới tấp vào nhà lao. Quá trình chiến đấu, ông tiêu diệt được 3 tên địch. Trong số làn đạn hướng đến kẻ thù vô tình đã trúng 1 tù nhân vừa thoát khỏi phòng giam làm cho tử vong. Dù đã hàng chục năm trôi qua nhưng loạt đạn vô tình đó cứ làm ông ray rứt mãi.

          Trận đánh diễn ra tương đối nhanh chóng. Khi hầu hết các phòng giam đã được mở cửa, tù nhân được giải thoát lần lượt chạy ra cổng chính nhà lao, nhận được lệnh của đồng chí Hạnh chỉ huy, ông cùng đồng đội bắt đầu hòa vào dòng người rút lui về hướng Cẩm Thanh. Quá trình rút lui vừa phải nhanh chóng vừa phải đề phòng pháo kích của địch. Đã có nhiều người trúng đạn bị thương hoặc chết dọc đường. Về đến Cẩm Thanh, cơ sở của ta đã chuẩn bị sẵng ghe thuyền đưa bộ đội, tù nhân qua sông để về vùng căn cứ Đông Duy Xuyên an toàn, lúc này đã khoảng 4, 5 giờ sáng ngày 15/7/1967.

          Qua hồi ức của ông Hồ Văn Tửu, một nhân chứng trực tiếp tham gia đã cung cấp những thông tin quý không những làm sinh động thêm mà còn bổ túc vào nguồn tư liệu, giúp cho việc nhận thức đầy đủ hơn về diễn biến của trận đánh lịch sử vào nhà lao Hội An diễn ra đêm ngày 14/7/1967 phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền chung về di tích nhà lao Hội An trong thời gian đến.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây