Tháng 3/1964 tổ chức cách mạng mang tên Đội Vũ trang tuyên truyền giải phóng Hội An- tiền thân “Đội Biệt động Hội An” ra đời với sự tham gia của 9 đồng chí và 3 cơ sở. Đến tháng 4/1966 “Đội vũ trang tuyên truyền” chính thức đổi tên thành “Đội Biệt động Hội An”. Vừa ra đời, Đội đã liên tục đặt mìn, ném lựu đạn, diệt xe quân sự, tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, gây cho chúng nhiều tổn thất. Để hoạt động cách mạng, các chiến sỹ phải chia nhỏ lực lượng, ở nhiều địa điểm đình chùa, miếu mộ, ở nhờ nhà dân, làm đủ các công việc để vừa trá hình hoạt động, vừa tự kiếm sống mà vẫn đảm bảo bí mật. Đội Biệt động Hội An vừa đánh địch, vừa tự học tập tác chiến, vừa tự cung tự cấp lương thực thực phẩm, lấy vũ khí của địch để đánh địch, cải trang địch để tiêu diệt địch. Đại tá Lê Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho rằng: “Đối với Đội Biệt động Hội Anthì đây là một điển hình về chiến tranh nhân dân. Bởi vì so với Biệt động thành của Đà Nẵng và Biệt động thành Sài Gòn đều do quân đội trang bị vũ khí, huấn luyện, cung cấp quân phục vũ khí, còn Đội Biệt động thành Hội An dưới sự chỉ huy của Thị ủy Hội An, anh em phải tự lấy súng địch đánh địch, tự vẽ sơ đồ tác chiến. Anh em là những người thợ mộc thợ nề, những người đi ở đợ, gành nước thuê đi làm biệt động thành. Cho nên họ từ nhân dân mà ra, do nhân dân mà sống và tự trang bị cuộc sống của mình. Họ khác cái đặc thù nó như thế, cho nên Biệt động thành Hội An là một điển hình của chiến tranh nhân dân…”
Các chiến sỹ biệt động thăm lại địa chỉ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ- Ảnh: Lê Hiền
Hơn 10 năm chiến đấu và trưởng thành, Đội Biệt động Hội An đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt hàng trăm tên Mỹ-ngụy với nhiều trận đánh vang dội, như: Trưa ngày 10/5/1967 ba chiến sỹ biệt động đột nhập vào phòng đại tá Mỹ, đặt mìn tự tạo tiêu diệt 2 tình báo Mỹ, làm bị thương 5 tên; Trận phục kích, ném 10 quả lựu đạn vào Ty kiến thiết, Ty điền địa, đồn quân cảnh tư pháp diệt 15 tên địch vào ngày 5/7/1967; Trận đánh giải phóng hàng trăm chiến sĩ cách mạng tại nhà lao Hội An ngày 14/7/1967…. Hoạt động đầy hiểm nguy trong lòng địch nhưng những trận đánh bất ngờ, chớp nhoáng, táo bạo, quyết tử gắn liền với tên tuổi của các chiến sĩ biệt động như Đinh Văn Lời, Trang Anh Tuấn, Nguyễn Cho, Nguyễn Kim Nhất… đã làm kẻ thù kinh hoàng, khiếp sợ, gây tổn thất nặng nề cho Mỹ ngụy tại Hội An. Tại buổi gặp mặt, Đội trưởng Đội Biệt động Hội An Đinh Văn Lời - người đang được Bộ Tư lệnh Quân Khu V làm thủ tục đề nghị tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mong muốn các ngành chức năng sớm có chế độ chính sách ghi nhận những cống hiến thầm lặng của những đồng đội đã hi sinh cũng như còn sống; hoàn thiện thủ tục đề nghị các cấp xem xét công nhận danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc của Đội Biệt động thành Hội An.Cựu chiến binh Đinh Văn Lời – Đội trưởng Đội Biệt động Hội An bày tỏ: “Hơn 40 năm rồi mà mọi người chưa biết những chiến công thầm lặng của Đội Biệt động Hội An. Họ chỉ nghe vụ án ông Nguyễn Một rứa thôi chứ không biết vụ án ông Nguyễn Một là sao. Cho nên hơn 40 năm anh em chúng tôi tổ chức để cho bây giờ báo đài truyền thông để cho toàn dân biết về Đội Biệt động Hội An và để Đảng và Nhà nước, quân đội biết để có những chính sách khen thưởng cho anh em. Bởi vì đã hơn 40 năm rồi anh em chưa được ghi nhận những chiến công đó. Bởi vì những chiến công đó là chiến công thầm lặng.”
Các hiện vật còn lại của các chiến sỹ biệt động- Ảnh: Lê Hiền
Cũng tại buổi gặp mặt này, nhiều hình ảnh, hiện vật quý được Đội Biệt động thành Hội trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm tư liệu để Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn xuất bản sách về Biệt động thành Hội An trong thời gian đến. Các ý kiến phát biểu tại buổi lễ đều cho rằng, những trận đánh vang dội và lòng yêu nước sâu sắc của Đội Biệt động Hội An là bài học xương máu đối với Đảng bộ quân và dân Hội An trong giai đoạn hiện nay. Ông Trần Ánh - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An nhận định: “Trong những đóng góp của lực lượng vũ trang Hội An trong suốt quá trình kháng chiến thì đã có rất nhiều tổ chức và cá nhân đóng góp rất là nổi bật. Trong đó Đội Biệt động Hội An là một trong những đơn vị như vậy. Tuy không phải là vũ trang chính quy, tuy không được trang bị huấn luyện theo kiểu quân đội, họ đều là những nông dân, những công nhân thợ thủ công, thậm chí có người đi làm thuê tuy nhiên bằng tinh thần yêu nước, sự giác ngộ và sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy Hội An trước đây, họ đã trở thành những chiến sỹ biệt động hết sức xuất sắc, đóng góp hết sức nổi bật cho sự nghiệp giải phóng quê hương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Đội Biệt động Hội An cũng là một đơn vị vũ trang rất là đặc biệt. Chúng tôi rất tự hào về điều này”.
Trên 50 cán bộ, chiến sĩ nay Đội Biệt động Hội An chỉ còn 26 đồng chí còn sống, trong đó có nhiều người đã để lại một phần xương máu và thân thể tại chiến trường ác liệt Hội An. Hôm nay họ tụ họp về đây để ôn lại một thời hào hùng, kể cho thế hệ trẻ về những ngày tháng họ đã sống và chiến đấu lặng thầm như thế.
Tác giả: Lê Hiền
Nguồn tin: www.hoianrt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn