Ghi công nghệ nhân
Có người từng viết về phố cổ Hội An rằng: “Hội An càng sâu thẳm và say đắm lòng người khi mỗi đêm về, đèn lồng giăng sáng khắp các ngã đường. Dường như, mỗi ánh đèn báo biểu cho sự hiện diện của mỗi tâm linh, nơi mà phố cùng người gặp nhau trong tình tự thời gian và ước nguyện”.
Dòng tâm sự đó đã nói hộ thật nhiều cảm xúc khi về với Hội An trong những đêm hội đèn lồng. Và đã thành truyền thống, hằng năm, vào dịp tết cổ truyền, Hội An tổ chức “Lễ hội đèn lồng” để tôn vinh các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất, tạo môi trường sáng tạo, chế tác mẫu mã, trưng bày, sắp đặt đèn lồng phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ công chúng và du khách.
Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Để đèn lồng trở thành một “Lễ hội” riêng của phố cổ hôm nay, hiệp thợ lồng đèn ở đây đã công nhận ông Huỳnh Văn Ba, năm nay 87 tuổi, là người đầu tiên cải tiến thành công kiểu lồng đèn xếp được như hiện nay. Tháng 12/2010, ông Huỳnh Văn Ba được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.”.
Gốc người Thăng Bình, nghệ nhân đến cư trú tại xã Cẩm Nam thuộc Hội An và sinh sống bằng nghề đan lát các loại dụng cụ bằng mây, tre,... Ông kể, những năm 1990, nhiều nhà ở Hội An còn lưu giữ, trang trí những cặp lồng đèn cổ rất ấn tượng, khơi gợi sự tò mò, ưa chuộng của du khách. Biết được thị hiếu này, ông làm thử một số lồng đèn hình tròn theo kiểu cũ với sườn cố định không bung, không xếp được để bày bán.
“Dù du khách rất thích mua lồng đèn nhưng rất khó đóng gói mang đi. Vì thế, tôi điều nghiên nguyên tắc bung xếp của chiếc quạt xếp và chiếc dù để tạo ra bộ sườn lồng đèn có thể bung xếp được.” - Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba chia sẻ.
Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba- Ảnh: Quốc Hải
Cũng theo ông Trần Văn An, do có điều kiện về thị trường tiêu thụ cũng như để đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ nên từ khá sớm, nghề làm lồng đèn đã có mặt ở phố Hội An. Thực tế cho thấy, nghề này có sự giao lưu rộng rãi về kỹ thuật chế tác giữa người Việt, Hoa, Nhật và phương Tây.
Trong khi người Việt chuyên làm các loại lồng đèn truyền thống bằng khung tre, dán giấy hình bánh ú, ông sao, cá chép thì người Hoa, người làng Minh Hương - Hội An chuyên làm các loại đèn khung gỗ, đèn kéo quân, trang trí các chữ Hán, các đồ án mang ý nghĩa cát tường hoặc tên các dòng họ, hiệu buôn, hội quán; người Pháp thì đã để lại tại Hội An một số lồng đèn bằng sứ, nhôm, thân bằng kính màu, ... “Các kinh nghiệm, kỹ thuật từ nhiều phong cách khác nhau đã được du nhập vào Hội An, tạo điều kiện để nghề làm lồng đèn phát triển và truyền lại cho đến ngày nay.” - Ông An nói.
Xuất khẩu đèn lồng
Thời điểm bắt đầu khởi sắc nghề làm lồng đèn ở Hội An là từ những năm 1990 - 1995. Ban đầu việc sản xuất được khôi phục ở một vài gia đình với các loại lồng đèn truyền thống như đèn ông sao, bánh ú, kéo quân, đèn xếp,... Dần dần, do nhu cầu mua sắm ngày càng cao nên nghề được mở rộng, phát triển ở nhiều hộ gia đình.
Cùng với đó là sự đa dạng hóa mẫu mã và phát triển về quy mô sản xuất qua việc chuyên môn hóa nhiều công đoạn. Tại Hội An đã xuất hiện nhiều cơ sở làm lồng đèn vượt khỏi phạm vi một gia đình, thu hút đông đảo nhân công và hàng ngày sản xuất một số lượng lớn các loại lồng đèn nhằm phục vụ nhu cầu mua bán tại chỗ cũng như bán ra nhiều địa phương ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo Phòng Kinh tế Hội An, năm 2007, Hội An có trên 38 cơ sở sản xuất lồng đèn, tập trung nhiều ở các phường trung tâm phố cổ với hơn 200 thợ chuyên nghiệp, hàng năm sản xuất khoảng 300.000 chiếc lồng đèn các loại với doanh thu gần 3 tỷ đồng. Ông Trần Hà - Chủ cơ sở sản xuất Đèn Lồng Hà Linh - Cẩm Châu - Hội An chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi có hàng chục nhân công, sản phẩm làm ra bán tại chỗ và cung cấp cho các quầy bán đèn lồng trong khu phố cổ. Tuy nhiên, số lượng bán nhiều nhất vẫn là thông qua con đường xuất khẩu ra nước ngoài”.
Đèn lồng Hội An tại thành phố Wernigerode - CHLB Đức
Hơn 15 năm trước, hầu hết cơ sở sản xuất đèn lồng tại Hội An đã xây dựng địa chỉ email riêng, về sau lập hẳn trang web để giao dịch với khách hàng ở nước ngoài. Thời điểm đó, việc buôn bán sản phẩm qua mạng Internet của các cơ sở sản xuất tại Hội An, trong đó có đèn lồng và cả nghề may “nóng” được cho là sự sáng tạo và nhanh nhạy “hiếm có”. Khách hàng có thể xem sản phẩm trên mạng, sau đó yêu cầu kích cỡ, số lượng, màu sắc,... và ấn định thời gian giao hàng.
Năm 2015, toàn thành phố đã xuất khẩu tại chỗ 240.000 chiếc đèn lồng, trị giá gần 14,5 tỷ đồng. Đến năm ngoái, với giá bình quân 60.000 đồng/chiếc, số lượng đèn lồng xuất khẩu tại chỗ tăng lên 270.000 chiếc, trị giá hơn 16 tỷ đồng. Cao điểm, các cơ sở sản xuất đã xuất khẩu trên 10 nghìn chiếc/tháng.
“Hiện nay, việc kết hợp kinh nghiệm chế tác truyền thống với các kỹ thuật hiện đại đã rút ngắn thời gian lao động, tạo ra những mẫu mã mới, phong phú, đa dạng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo này. Hơn nữa, đây đã là sản phẩm du lịch riêng có của Hội An và đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể.” - Kỹ sư Võ Quảng Lâm - Phòng Kinh tế thành phố nói.
Thương hiệu “Đèn lồng Hội An”
Năm 2013, trong chương trình khảo sát và cấp chứng thư "Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng" do Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam thực hiện, Đèn lồng Hội An đã được Hội đồng xét duyệt và quyết định cấp chứng thư "Top 50 Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013". Chương trình được tiến hành thông qua việc đánh giá trực tiếp từ người tiêu dùng trên cả nước.
Lãnh đạo TP. Hội An tặng đèn lồng cho cán bộ và nhân dân TP.Thanh Hóa kết nghĩa- Ảnh: Quốc Hải
“Trước đó, “Đèn lồng Hội An” cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể với 34 cơ sở sản xuất đèn lồng đăng ký tham gia. Đèn lồng Hội An mang tiêu chuẩn riêng biệt. Chi Cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng Quảng Nam công nhận 9 kiểu dáng là đèn tỏi, tròn, kim cương, dù, thùng, quả cà na, đu đủ, trái bí và bánh ú với kích cỡ chung là 25 x 120 cm.” - Bà Nguyễn Thị Vân -Trưởng Phòng Kinh tế Hội An cho biết.
Về chất liệu cấu tạo đèn lồng cũng đã được quy định cụ thể là tre chẻ thành nan phải già có độ tuổi từ 3 năm trở lên, thân thẳng, vỏ ngoài không bị trầy xước; gỗ làm chui đèn không bị nứt nẻ, ít co rút do nhiệt độ; vải bao quanh khung nan là loại vải tốt, có độ co giãn; thép làm khoé đèn có đường kính 0,3 mm đến 3mm. Về yêu cầu kỹ thuật, vật liệu phải được xử lý phòng chống mối mọt, nấm mộc, sơn bảo vệ. Mỗi đèn phải đính kèm một nhãn hiệu với tên hàng hoá, tiêu chuẩn công bố, nơi sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và thời hạn sử dụng, vv...
Năm 2015, Tạp chí du lịch nổi tiếng toàn cầu Wanderlust của Anh đã công bố danh sách bình chọn 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam, trong đó “Lễ hội lồng đèn Hội An” được xếp ở vị trí đầu tiên. 6 lễ hội ấn tượng còn lại gồm hội Chử Đồng Tử - Hưng Yên, lễ hội chùa Thầy - Hà Nội, Festival Huế, ngày thống nhất đất nước, lễ Vu lan và Tết Trung thu. Wanderlust cũng xếp Hội An vào top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới vị thứ 5, trên cả Vancouver - Canada, Berlin - Đức, Rome - Ý, Vienna - Áo và Krakow - Ba Lan cũng bởi một phần từ “ánh sáng đèn lồng”.
Từng đưa đèn lồng như một sản phẩm văn hóa riêng có của Hội An ra Hà Nội, Thanh Hóa, TP.HCM, Cần Thơ,... và sang Cộng hòa Liên Bang Đức, Italia, Singapore, Hồng Kông,... trưng bày và biểu diễn, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung Tâm Văn hóa - Thể thao Hội An bày tỏ: “Đến đâu tôi thấy ai cũng yêu thích đèn lồng, có lẽ không chỉ vì sắc màu huyền ảo của nó mà đèn lồng còn mang trong mình bóng dáng của phố cổ Hội An, nơi mà sự giao lưu, tiếp biến văn hóa ghi đậm dấu ấn sáng tạo của các thế hệ người Hội An. Vì thế, đèn lồng trở thành đặc sản đối ngoại, góp phần mang Hội An ra với thế giới”./.
Tác giả: Quốc Hải
Nguồn tin: www.hoianrt.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn