Tấm bia đá lập năm Quý Dậu - 1753 tại Quan Công miếu

Chủ nhật - 05/02/2017 21:24
Quan Công miếu, tên khác là Quan Thánh miếu, Trừng Hán cung, trong dân gian thường gọi là chùa Ông. Đây là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng điển hình ở đô thị thương cảng Hội An. Bởi lẽ ngôi miếu không chỉ có giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc mà nơi đây còn lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm có giá trị về mặt văn học, lịch sử,... Đồng thời ngôi miếu là nơi thờ Quan Công, một vị tướng tài ba tượng trưng cho sự trung tín, một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động thương mại. Sách Đại Nam Nhất thống chí của triều Nguyễn có chép rằng, “Miếu Quan Công ở phố Hội An, huyện Diên Phước, do người làng Minh Hương xây dựng thờ Quan Thánh đế quân, quy chế lộng lẫy. Năm Minh Mạng thứ 6, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế du tuần phương Nam, xa giá qua đền ban cho 300 lạng bạc…”.
       
quan cong mieu

          Quan Công miếu hiện tọa lạc tại số 24 Trần Phú, thuộc vực I của khu phố cổ Hội An. Miếu xoay hướng nam, trước mặt là chợ Hội An, sau lưng là chùa Quan Âm. Kiến trúc ngôi miếu kiểu chữ khẩu, gồm tiền đường, chính điện, tả vu, hữu vu. Kết cấu gồm tường bao dày được xây bằng gạch đất nung; hệ khung chịu lực hoàn toàn bằng gỗ với cột, kèo, trính, xiên có kích thước khá lớn được tạo dáng công phu nên trông rất uy nghi; mái lợp ngói âm dương được điểm xuyết bởi các hình thức trang trí bằng đĩa sứ cổ, đắp vẽ và cẩn mảnh sành sứ,... Ngôi miếu còn lưu giữ nhiều hiện vật giá trị, đặc biệt là bộ tượng Quan Thánh, Quan Bình, Châu Thương cùng ngựa xích thố, bạch mã được thờ ở chính điện ngôi miếu. Hiện nay, miếu Quan Công vừa là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách xa gần, vừa là một địa chỉ văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cư dân Hội An và vùng lân cận, nhất là vào dịp tết Nguyên tiêu, ngày vía Quan Công. 
 
via quan cong

 
          Dưới góc độ tư liệu văn bản, Quan Công miếu là di tích còn lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm có giá trị cao về mặt lịch sử lẫn mặt văn học như các bức gỗ đề thơ của Nguyễn Nghiễm - thân phụ đại thi hào Nguyễn Du, của Nguyễn Lệnh Tân, Uông Sĩ Dư; các bia đá khắc ghi sự kiện liên quan đến việc hình thành cũng như những lần tu sửa ngôi miếu. Hiếm có di tích nào ở Hội An còn lưu giữ nhiều văn bia Hán Nôm có giá trị như Quan Công miếu. Không kể các bia chữ Quốc ngữ, hiện tại bên trong ngôi miếu có 10 bia chữ Hán Nôm, phía sau ngôi miếu có 5 bia chữ Hán Nôm của một số di tích khác ở Hội An mà hiện nay không còn. Liên quan đến Quan Công Miếu, tấm bia lập năm Quý Dậu 1753 là bia có niên đại sớm nhất ghi chép sự kiện trùng tu di tích này. Bia gắn trên tường phía đông thuộc lòng nhất chính điện Quan Công miếu (vị trí đầu tiên trên tường phía đông tính từ bắc về nam). Bia nằm cách mặt nền hiện trạng 55cm, có đắp bệ đỡ bên dưới. Bia bằng phiến thạch màu đen xám, hình chữ nhật có cách điệu ở góc đỉnh, mặt bia phẳng nhưng hiện nay đang bị phong hóa. Bia được lập vào ngày tốt tháng 2 năm Quý Dậu 1753. Bia có hoa văn trang trí rất đẹp. Viền bên ngoài của diềm bia được sơn màu đen. Diềm bia có hoa văn trang trí rất ấn tượng, được chia thành 2 phần. Phần bên ngoài trang trí hoa dây cách điệu hình con rồng màu xanh ở hai bên, hình con dơi màu xanh ở phía trên. Phần bên trong trang trí sư tử hí tiền ở bên dưới, hoa cúc dây màu xanh bông màu vàng ở hai bên và chim phụng mặt nhật. Chữ đề trên bia kiểu khải thư, có 17 dòng, trong đó dòng dài nhất có 40 chữ. Chữ khắc cạn, nét chữ không đều, được sơn màu đỏ. Nội dung tấm bia này được nhà Hội An học Nguyễn Bội Liên dịch như sau:
 
bia
 
          “Đã sáng lập nên từ trước để lại cho đời sau, đời sau làm cho đẹp như trước thì nối tiếp được sự sáng tươi, công đức trông thấy rõ ràng. Khá gọi đó là toàn thịnh và càng được lâu bền.

          Miếu Quan Thánh Đế Quân, chùa Phật Quan Âm đều do bản xã kiến lập hơn 100 năm nay. Đất chiếm nơi vượng khí núi sông, anh linh chung đúc, khí thiêng xã tắc giúp thịnh lợi… mới có việc cầu xin mà được xuống đức đáp hưởng. Song đã lâu năm, miếu mạo không còn được như ngày trước, kiến mối xoi rường cột thành hang, mái ngói rơi rụng, bái đường, phòng ốc bị thấm ẩm, ướt át. Tượng thần không còn rạng vẻ dung nhan, hương xã đã nhiều phen bàn việc tu sửa, song phải động đến phí tổn cả mấy ngàn (đồng/lượng) mà đợi cho được… thì biết đến ngày nào? May có ông Tẩy Quốc Tường, cùng Ngô Đình Khoan và ông Trương Hoằng Cơ, người sẵn lòng chuộng đức, xuất của mà chẳng cầu được danh, trong hương lý đều kính là bậc tuấn sĩ, là người đàn Việt đủ sức giúp. Ba vị khẳng khái tự xuất của nhà chi dùng mà không ngại nhiều tổn phí. Bổn xã rất vui mừng hiệp lực cùng làm mà chỉ mong cho chóng thành để ghi nhớ công người trước đã cấu tác, cho được tráng lệ quy mô. Nay thì đã kế tục được chí người xưa mà chế độ hiên ngang và tên họ được chiêu dương đời đời, đức rạng dường mấy, vui vẻ nên công thì thần và dân cũng đều tốt rạng. Xa gần đều chiêm ngưỡng. Nay bổn xã cũng xuất tiền công thêm vào để thành tựu nên ghi rõ vào đây.
         Ngày tốt, tháng giữa xuân năm Quý Dậu.
          Hương quan, hương lão, hương trưởng xã Minh Hương soạn tự

          Qua nội dung văn bia này cho biết Quan Công miếu cùng chùa Quan Âm được lập trước năm 1753 chừng 100 năm, tức khoảng năm 1653. Như vậy, về mặt tư liệu văn bản thì Quan Công miếu cùng chùa Quan Âm là những di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An có niên đại sớm nhất được xác định tương đối cụ thể cho đến hôm nay.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây