Vài thông tin về di tích miếu Trung Giang ở Cẩm Kim

Thứ năm - 22/12/2016 02:46
Miếu Trung Giang, tên gọi dân gian là Lăng Ông hiện tọa lạc tại thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim. Hiện trạng miếu có mặt tiền xoay về hướng Nam. Các mặt phía Bắc, Đông, Nam giáp với đất trống, phía Nam là cánh đồng trồng hoa màu; giữa bình phong và miếu có đường bê tông cắt ngang khuôn viên. Tổng thể di tích bao gồm các hạng mục: bình phong, hiên và miếu chính.
            Bình phong được xây gạch có dạng hình cuốn thư, hai bên có hai trụ xây, trên đầu trụ gắn cặp con Lân bằng sứ; mặt trong trụ đắp nổi cặp câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi Quan Công, được phiên âm là “Tam quốc anh hùng vô đối thủ/Nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân”. Kế cạnh phía trong bình phong là cây vạn tuế phân thành hai nhánh lớn, mỗi nhánh có đường kính khoảng 0,5m. Kiến trúc miếu chính có hai phần: phần hiên và phần thờ tự. Niên đại kiến trúc của hạng mục này vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX với mái ngói lợp bằng tôn fibro xi măng và ngói móc, trụ và tường bao xây gạch. Trước mặt hiên đắp nổi hai cặp câu đối bằng chữ Hán hàm ý ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân đối với vùng đất này, phiên âm là: “Kim địa vinh quang chương sự nghiệp/Bồng danh hiển hách trứ cơ đồ” và “Tiền nhân sáng nghiệp thiên thu tại/Hậu bối khai cơ vạn đại tồn”. Gian thờ miếu có 3 bệ thờ xây. Bệ thờ giữa đặt tượng thờ Quan Công ở giữa trong tư thế đang ngồi, hai bên là Quan Bình và Châu Thương trong tư thế đứng. Bệ thờ bên phải (ngoài nhìn vào) đặt tượng Thần Hoàng trong tư thế đang ngồi. Bệ thờ gian trái đặt 05 tượng bà Ngũ hành trong tư thế ngồi.

            Qua điều tra hồi cố của các vị cao niên hiện sống ở khu vực lân cận di tích cho biết, đầu thế kỷ XX, ngôi miếu này đã được xây dựng. Quy mô ngôi miếu lúc bấy giờ nhỏ hơn, chỉ có kiến trúc một gian, bên trong thờ 03 tượng lớn, trong đó tượng Quan Thánh ở giữa. Trải qua các cuộc chiến tranh, nhất là thời gian kháng chiến chống Mỹ; có thời điểm toàn bộ cư dân ở đây đi tản cư nơi khác nên trong thời gian này một phần không được chăm sóc, phần bị chiến tranh tàn phá nên ngôi miếu bị hư hại lớn. Đến năm 1975, ngôi miếu đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng. Để có nơi thờ cúng, người dân đã che tạm lại bằng tôn và khoảng năm 1986 tiến hành xây dựng miếu trên nền móng cũ với hình thức kiến trúc cơ bản như hiện nay gồm 2 nếp, mỗi nếp có 03 gian. Tuy nhiên qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một chi tiết đáng lưu ý là hiện ở miếu có 02 phiến đá đã được gia công, người dân cho biết chúng đã có ở đây từ lâu. Một phiến đá có kích thước: dài 0,67m x rộng 0,48m x dày 0,08m và một phiến đá lớn có kích thước: dài 2,27m x rộng 0,5m x dày 0,07m; trong đó phiến đá lớn có hình thức như một cánh cửa đi. Điều này có thể gợi ra suy nghĩ cần làm rõ hơn về kiến trúc cũng như quy mô ngôi miếu trước đây.

            Trong việc bố trí thờ tự ở đây, bên cạnh bàn thờ Quan Thánh ở gian giữa, hai gian bên còn có thờ tượng Thành Hoàng bổn xứ và Ngũ Hành tiên nương – điều này tương đối lạ ở Hội An. Bước đầu tìm hiểu về nguyên nhân có hiện tượng này, chúng tôi có vài suy nghĩ sau:

           Thứ nhất về việc thờ tượng Quan Công. Trong lịch sử, vùng đất này vốn thuộc Chiêm Động - Cổ Lỹ của vương quốc Champa từ trước thế kỷ XV và thuộc về nước Đại Việt quản lý vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Vào thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn, đơn vị hành chính của vùng đất này là châu Kim Bồng, tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo nguồn tư liệu gia phả cho biết, thủy tổ các tộc Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương là những vị tiền hiền có công khai phá đất đai ở đây; sau đó có thêm các tộc khác: Đỗ, Bùi, Lê ... Đáng lưu ý là vào đầu thế kỷ XVIII đã có một bộ phận người  làng Minh Hương đến định cư tại đây. Điều này thể hiện qua sổ ghi ngân lễ làng Minh Hương; theo đó, sổ ghi ngân lễ năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) ghi tên 13 người làng Minh Hương sống ở châu Kim Bồng cúng số tiền là 7 quan, 9 mạch; sổ ngân lễ năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) ghi tên 16 người làng Minh Hương sống ở châu Kim Bồng cúng số tiền là 8 quan, 2 mạch và sổ ngân lễ năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) ghi tên 11 người làng Minh Hương sống ở châu Kim Bồng cúng số tiền là 6 quan, 2 mạch. Việc có sự cộng cư của người làng Minh Hương ở đây dẫn đến sự du nhập văn hóa bên ngoài (của người Hoa) vào vùng đất này, bên cạnh văn hóa thuần Việt. Điều này phần nào được minh chứng và lý giải qua sự tồn tại của ngôi miếu Trung Giang hiện nay – ngôi miếu thờ chủ thể chính là Quan Thánh – một tín ngưỡng văn hóa phổ biến của người Hoa. Ngoài ra, trên địa bàn xã Cẩm Kim còn có gia đình ông Trần Tứ ở thôn Trung Châu hiện vẫn duy trì tục thờ và cúng Quan Thánh.
 
hinh mieu

           Thứ hai là việc phối thờ Thành hoàng và Ngũ hành. Chúng tôi nghĩ rằng do có thời gian gần như toàn bộ người dân ở đây tản cư trong thời kỳ kháng chiến, bộ phận người làng Minh Hương cũng trong tình cảnh chung đó nên sau ngày giải phóng, sau khi về lại định cư chỉ có người dân địa phương (người Việt) và họ đã phục hồi ngôi miếu trên cơ sở thờ tự cũ và đã bổ sung đối tượng thờ tự để phù hợp với tín ngưỡng địa phương (thực tế hiện nay ở địa phương đã không còn gia đình có gốc Hoa sinh sống). Hơn nữa các vị cao niên còn cho biết vào khoảng đầu thế kỷ XX, bên cạnh miếu này (miếu Ông) còn có miếu Bà (Ngũ Hành) ở dưới trường THCS Lý Thường Kiệt hiện nay nhưng cũng bị sụp đổ trong chiến tranh. Duy trì chức năng thờ tự cũ (chủ thể chính là Quan Thánh), phục hồi tín ngưỡng thờ Ngũ Hành khi miếu đã bị sụp đổ và để có nơi tạ ơn Thần Hoàng bổn xứ bảo hộ xóm làng có lẽ là những lý do có hiện tượng phối thờ ở miếu như hiện nay.

           Dù nguyên nhân nào thì đây cũng là một trong những cơ sở sử liệu thực địa để nghiên cứu về quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa giữa người làng Minh Hương, người Hoa với người Việt bản địa trong lịch sử; đồng thời cho thấy nét độc đáo trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương hiện nay.
 
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây