Ý nghĩa của việc tìm thấy Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An*

Chủ nhật - 04/12/2016 22:31
Từ sau Hội thảo Quốc gia về khu phố cổ Hội An tháng 7/1985, lịch sử - văn hóa Hội An mới có điều kiện nghiên cứu. Trong những năm sau đó, ta mới biết về một thương cảng đô thị cổ tương đối rõ, nhưng về một Đại Chiêm hải khẩu thì mờ nhạt, về tiền sơ sử ở Hội An thì chưa hề ai biết đến. May thay vào năm 1989, chuẩn bị cho Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An được Nhật Bản tài trợ, một đoàn nghiên cứu do giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu cùng với đội ngũ cán bộ Ban Quản lý Di tích Hội An (Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An - BBT) đi khảo sát vùng cát Cẩm Hà phát hiện có dấu vết Văn hóa Sa Huỳnh và quyết định đào thám sát một hố ở Hậu Xá đã tìm thấy một số mộ chum của Văn hóa Sa Huỳnh. Đây là một phát hiện mới ngoài kế hoạch Hội thảo. Từ buổi khởi đầu này, Văn hóa Sa Huỳnh thật sự hé mở tạo nên sức hút đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước đến với Hội An.

          Với sự giúp đỡ của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Akimi Ishimoto, chúng tôi làm dự án khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An nhờ hãng Toyota Foundation Nhật Bản tài trợ. Theo gợi ý của chị Akimi là hãng Toyota Foundation đã tài trợ nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở miền Bắc, miền Nam, còn miền Trung chưa có đề tài một công trình nào.

           Đây là vấn đề rất khó đối với chúng tôi. Vì đơn vị mới thành lập vào năm 1986, cán bộ hầu hết là mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm dự án. Vả lại, về lịch sử đô thị, về kiến trúc cổ hay về Champa thì đã có cán bộ của Tỉnh và Trung ương nghiên cứu rồi, chỉ còn Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung chưa có và còn mới, nhưng ở chúng tôi lại thiếu cán bộ chuyên ngành khảo cổ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi lại thiếu cán bộ chuyên ngành khảo cổ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm làm dự án nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh, không chỉ hấp dẫn ở Hội An mà còn cho cả miền Trung, nhất định sẽ được hãng Toyota chú ý. Để đảm bảo cho dự án thực hiện, chúng tôi mời giáo sư Trần Quốc Vượng làm cố vấn vì giáo sư là người đầu tiên có công tìm thấy Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An và được giáo sư nhận lời. Với sự cam kết của giáo sư, hãng Toyota Nhật Bản chấp thuận tài trợ cho dự án trong 3 năm (từ năm 1993 - 1995). Việc chúng tôi thực hiện đề tài này là một sự bất ngờ đối với các cơ quan Trung ương và ở Tỉnh vì một đơn vị tương đương cấp huyện lại được một cơ quan có tiếng ở nước ngoài tài trợ là một việc chưa từng thấy ở Việt Nam và ít nhiều khó tin chúng tôi làm được. Để tạo điều kiện tiến hành khảo cổ học đạt kết quả tốt, phía Nhật Bản cử thêm giáo sư E. Nitta – chuyên gia khảo cổ học Đông Nam Á của Nhật Bản sang cùng nghiên cứu và giám sát. Đây là một dịp rất tốt nhằm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ tại chỗ một cách thiết thực.

          Tháng 11/1995, Hội thảo khoa học về Văn hóa Sa Huỳnh được tổ chức tại Hội An, các giáo sư Việt Nam và Nhật Bản cùng với một số cán bộ khoa học trong nước đến dự và đã trình bày 28 bản báo cáo khoa học của 26 nhà nghiên cứu thuộc 11 cơ quan chuyên ngành tham dự và đánh giá cao giá trị việc tìm thấy Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An.

          Kết quả của việc đào thám sát và khai quật:
          - Số điểm đào: 9 (5 di chỉ cu trú, 4 di tích mộ táng).
          - Số hố đào: 30 (14 hố di chỉ cư trú, 16 di tích một táng)
          - Diện tích đào: 239m2 (110 m2 di chỉ cư trú, 129 m2 di tích mộ táng)
          - Hiện vật đào được:
         A/ Đồ gốm: 220 đơn vị (73 chum, trong đó phục dựng được 29 cái; 68 nội các loại, 36 bát cổ bồng các loại và một số đĩa, bình, cốc, đèn, nắp chum các loại).

          B/ Đồ sắt: 68 đơn vị (đục, rìu, dao binh khí).

        C/ Đồ trang sức: 2.121 đơn vị (khuyên tai ba mấu, khuyên tai vành khuyên bằng đá, thủy tinh, hạt chuỗi bằng mã não các loại…)

         Tất cả những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh được trưng bày trong Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh tại 149 Trần Phú, Hội An phục vụ khách tham quan.

          Việc tìm thấy Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An đã làm sáng tỏ một số vấn đề lớn và có ý nghĩa rất quan trọng:

         1. Nếu như trong cả nước có trên 500 huyện, thị xã thì Hội An là một trong những thị xã đầu tiên xác định được vùng đất lịch sử - văn hóa có niên đại trên 2000 năm, có thể phân ra các thời kỳ:

          2. Văn hóa Sa Huỳnh phát hiện ở Hội An trên một diện rộng không chỉ có ở xã Cẩm Hà mà còn có trên các xã trong thị xã và một số xã ở huyện Duy Xuyên giáp với Hội An. Bình diện trên 70 km2 chưa được khám phá và giải mã hết. Cũng có nghĩa là thời kỳ hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An thì tương đối rõ, còn thời trung kỳ, sơ kỳ của Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An có hay không còn là vấn đề hóc búa.

          3. Việc tìm thấy đồ gốm, khuyên tai ba mấu bằng đá hoặc bằng thủy tinh, mã não, hạt chuỗi các loại chứng minh cho một thời thịnh vượng của ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Nghệ thuật rất tinh xảo mà hiện nay không tìm thấy nơi nào sản xuất các mặt hàng trên.

          4. Những khuyên tai ba mấu hoặc khuyên tai vành khuyên bằng thủy tinh và những hạt chuỗi bằng mã não các loại, nếu trên mảnh đất miền Trung này không sản xuất được thì phải trao đổi với nước ngoài. Mặt khác, trong mộ chum còn tìm thấy đồng tiền Ngũ Thù Trung Quốc (thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên) và đồng tiền Vương Mãng (thế kỷ 1 sau Công Nguyên) thì thương cảng Hội An có nền móng từ thời Văn hóa Sa Huỳnh hay không? Đến nay vẫn là điều bí ẩn chưa giải đáp được.

          5. Nguồn gốc, chủ nhân, đời sống của người Sa Huỳnh cổ là ai? Từ những năm đầu của thế kỷ XX các nhà khoa học trong và ngoài nước có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo các học giả Phương Tây cho rằng, chủ nhân của di tích mộ chum là những người ở biển và từ biển vào chôn cất tại đây và khi họ chết, xác được thả ngoài biển, còn hồn chôn theo đồ dùng và trang sức trong mộ chum. Điều đó cũng có nghĩa là trước và sau Công nguyên chưa có dân tộc nào ở trên dải đất miền Nam Trung bộ Việt Nam.

           Cùng với thời gian khảo cổ ở Hội An, ở miền Trung, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh từ Đồng Nai đến Quảng Trị. Với phương pháp cải táng của họ, xác người được thiêu lấy tro chôn trong chum và một phần rải xung quanh chum (tìm thấy răng người trong chum còn lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An). Như thế, phải chăng trước thời  Champa phải có người Sa Huỳnh cổ sinh sống tại đây.

           6. Theo thư tịch cổ của Trung Quốc có ghi, người Champa cổ có biết trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải; nấu cát làm đồ thủy tinh; hồ phách; làm nghề biển về nghề rừng… Nếu đó là đặc trưng của người Champa cổ thì ở Hội An cũng tìm thấy những hiện vật giống như thế trong mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh, chỉ có điều chưa phát hiện được nhiều di tích trong các tầng văn hóa phát triển liên tục thông qua khảo cổ về sự nối tiếp từ Văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa (VHCP) hay còn gọi hậu Sa Huỳnh - Tiền Champa. Để giải đáp được vấn đề trên chỉ có cách nghiên cứu qua đồ Văn hóa Sa Huỳnh muộn với gốm Văn hóa Champa sớm để thấy được tính kế thừa, phát triển của chúng. Đó là phương pháp nghiên cứu có tính hữu hiệu để có cơ sở khoa học kết luận Văn hóa Champa bắt nguồn từ Văn hóa Sa Huỳnh và dân Champa cổ đại là con cháu của cư dân Sa Huỳnh xưa sinh sống trên mảnh đất miền Trung này.

          Với kết quả nghiên cứu bước đầu Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An qua đồ gốm phát hiện có dấu hiệu đó phải chăng là mối quan hệ giữa Văn hóa Sa Huỳnh với Văn hóa Champa. Chúng tôi hy vọng rằng, những trang sách đất ở Hội An sẽ được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mở ra để làm sáng tỏ những bí ẩn của thời trung kỳ, sơ kỳ và gạch nối giữa Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Champa còn nằm trong lòng đất Hội An./.

* Bài này tác giả viết sau hội thảo Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An năm 1995
 
 
 

Tác giả: Nguyễn Vân Phi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây