Giới thiệu một vài nông cụ truyền thống ở Hội An được làm chủ yếu từ tre

Thứ hai - 07/11/2016 22:18
Ở Hội An, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân. Liên quan đến sản xuất nông nghiệp có rất nhiều công cụ, dụng cụ gắn với từng công đoạn sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Những công cụ này được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, có những thay đổi theo thời gian. Song có thể thấy trong lịch sử, những công cụ, dụng cụ làm từ chất liệu tre luôn chiếm số lượng phong phú và giữ vai trò quan trọng. Điều này xuất phát từ điều kiện thực tế về nguồn nguyên liệu cũng như hoàn cảnh lịch sử. Tại Hội An, nhiều địa phương vùng ven đô thị như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Hà,… trồng rất nhiều tre nên được người dân nơi đây sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ trong sinh hoạt thường ngày và canh tác nông nghiệp. Bên cạnh những sản phẩm kết hợp giữa tre và các chất liệu khác như cuốc, giằng,... còn có nhiều sản phẩm được tạo tác chủ yếu bằng chất liệu tre như thúng, mủng, nong nia, rổ,…. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số nông cụ truyền thống ở Hội An được làm chủ yếu bằng tre:

1. Rổ sàng
          Rổ sàng (rổ sổ) (dạng lòng rổ sâu hoặc dạng lòng rổ cạn) là một vật dụng đan bằng nan tre già được bào nhẵn. Dụng cụ này dành riêng để sàng lúa khi đã tuốt xong lúa, sàng cho hạt lúa rớt xuống, còn cọng lúa, nhau lúa nằm trên sàng thì bỏ đi. Rổ được dùng sàng càng nhiều thì càng trơn, láng. Rổ sàng đan bằng nan tre nhỏ thẳng, vót đều, kiểu lóng mốt, thường có đường kính 50cm, cao 7cm, phần đáy hơi nhỏ lại, sàng. Khoảng cách giữa các lỗ sàng đủ lớn để cho hạt lúa rơi xuống, nhau lúa giữ lại trên sàng. Nếu rổ sàng có đường kính 50 cm thì được đan bởi 22 nan dọc với 22 nan ngang. Đan rổ sàng thì phải đan từ giữa ra. Khi đan đủ diện tích cần thiết, chiên các nan nhỏ kích thước khoảng 0,4 cm lên 4 đầu để rổ có hình tròn và đạt độ cong, dùng vành tre nhỏ cạp xung quanh bên ngoài rổ và 1 vành nhỏ hơn cạp trong rổ, các đầu nan nằm giữa 2 vành tre, bắt đầu nứt cước cho chặt rổ. Sau khi đan xong là có thể dùng được.

2. Đòn xóc
          Đòn xóc là công cụ dùng để gánh lúa sau khi cắt đến nơi tuốt hoặc dùng để gánh rơm, hoặc một số thân cây hoa màu khác như đậu phộng, mè,... Tre làm đòn xóc phải chọn loại tre thẳng, già, đặt ruột, đường kính khoảng từ 7 đến 8 cm. Tre chặt về lấy đoạn gần gốc dài khoảng 2m, dùng dao rựa vót nhọn hai đầu, vót nhẵn các mắt tre, phơi đòn xóc hơi khô là sử dụng được. Lúa sau khi gặt xong, xếp lại từng đống nhỏ, dùng lạt tre buộc chặt thành từng bó. Khi buộc, dùng đầu gối ép lúa chặt thành hình tròn, tay túm 2 đầu dây lạt chụm lại, xoắn dây lạt theo hình xoắn ốc và cắm phần dư của dây lạt vào trong bó lúa. Sau khi bó xong, dùng đòn xóc chọc mạnh vào phần thân giữa bó lúa, mỗi đầu một bó. Sau đó người gánh phải khom lưng xuống, kề vai vào đòn sóc, 2 tay nắm đầu trước và sau, đứng thẳng lưng và gánh lúa đi.
 
3. Nong, nia
          Nong và nia là dụng cụ để phơi lúa, hứng lúa khi giê, phơi các loại hoa màu như đậu, bắp, khoai, sắn…. Nong và nia có nhiều điểm giống nhau, cùng làm bằng nan tre, hình tròn, cạn, cạp vành giống nhau, chúng chỉ khác về độ to, nhỏ và một số công dụng.

          Tre làm nong, nia phải làm tre to, già, dùng ở phần đoạn giữa cây tre là tốt nhất. Tre tươi chặt về chẻ làm nan, nan tre phải thẳng, được vót nhẵn, phơi khô, chiều rộng của nan làm nong khoảng 1cm, dày 1mm. Nan đan nia mỏng, nhỏ và ngắn hơn nan đan nong.
cai nia
Cái nia
 
          Đan nong, nia từ giữa đan dần ra bốn phía, đan lóng 2, 3, 4, chiên 4 đầu để nong, nia có độ cong, đặt vành nong, nia bằng miếng tre dày rất chắc chắn nứt bằng dây cước cho chặt. Nong có kích thước lớn, đường kính 1,6 - 2m, cao 8cm. Nia có đường kính từ 1 - 1,3m, cao 5cm. Có thể dùng nia để sảy trấu, hạt lúa lép, phơi các loại nông sản khác như khoai, đậu, sắn,…

4. Bồ đựng lúa
           Bồ đựng lúa (còn gọi là bồ tranh bông) dùng để đựng lúa sau khi thu hoạch. Bồ đựng lúa làm bằng tre, có chiều cao trung bình khoảng 1m20, đường kính miệng và đáy bồ từ 0,8m - 1m, đường kính giữa thân bồ khoảng 1m50. Có thể đựng khoảng 20 đến 25 ang lúa (1 ang = 30 lon). Dùng cây tre già, thẳng, chặt từng đoạn có chiều dài khoảng 4m, chẻ dọc thành từng miếng tre nhỏ và vót trơn láng thành nan. Đan bồ giống như đan giỏ, đan lóng mốt, đan từ dưới đáy đan lên, đến thân bồ phải nới nan ra cho thân bồ to, lên đến gần miệng bồ phải siết nan lại cho chặt. Đan đến gần miệng bồ vặn các nan theo hình xoắn ốc, phần dư của nan găm vào thân bồ để làm miệng bồ cho chặt, nan nào dài thì cắt bớt. Nắp miệng bồ cũng đan theo kiểu lóng mốt, kích thước lớn đủ đậy vừa khít miệng bồ.

         Sản phẩm làm từ tre luôn có độ bền cao, chịu được nắng, mưa thân thiện với môi trường nên được nhiều người ưa chuộng sử dụng tre để làm các vật dụng phục vụ trong cuộc sống. Đặc biệt việc sử dụng nguyên liệu tre làm dụng cụ để phục vụ hoạt động nông nghiệp đã có từ lâu đời và đem lại nhiều hiệu quả trong việc canh tác, thu hoạch, bảo quản,... Ngày nay, không chỉ bó gọn trong khuôn khổ sử dụng thường ngày ở từng hộ gia đình đặc biệt là các nhà làm nông nghiệp, mà các sản phẩm như rổ, rá, thúng,... đã được làm dưới dạng thu nhỏ để trưng bày, trang trí phục vụ tham quan du lịch cho du khách khi đến tham quan tại Hội An./.
 
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây