Vài nét về đình làng ở Hội An

Thứ hai - 26/09/2016 05:33
Nói về đình làng Việt Nam, cho đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau về thời điểm xuất hiện và nguồn gốc. Song, dù quan điểm như thế nào các nhà nghiên cứu cũng đều cơ bản thống nhất rằng, đình làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có ba chức năng gồm: Chức năng tín ngưỡng, chức năng hành chính và chức năng văn hóa. Ở Hội An, do được hình thành trong bối cảnh diễn tiến lịch sử, cơ tầng kinh tế - xã hội và văn hóa mang yếu tố khác biệt nên qua nghiên cứu, khảo sát thực tế những ngôi đình làng/ấp ở Hội An hiện nay có thể thấy:
          Trong các làng xã ở Hội An xưa, để gọi là hoàn chỉnh, đầy đủ các thiết chế văn hóa thì phải có 4 thiết chế văn hóa cơ bản là: Nhà thờ Tiền hiền, hậu hiền hay Từ đường của làng, miếu thờ âm linh/âm hồn, ngôi chùa làng và đình. Ngoài chức năng chung của một ngôi đình ở Việt Nam là điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi giải quyết mọi việc trong làng - xã, nơi các bô lão, chức sắc và dân đinh hội họp, bàn việc công, đình còn là một thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng cư dân làng xã ở Hội An. Các vị thần chủ được thờ tại đình là Thổ thần gồm đứng đầu có Bổn thổ Thành hoàng, Bổn thổ Thổ địa phước đức chánh thần, Cao các đại vương Tôn thần...; Thủy thần gồm đứng đầu có Đại càn quốc gia Nam hải Tứ vị thánh nương, Nam hải cự tộc Ngọc lân tôn thần... Ở Hội An chưa tìm thấy Thành Hoàng là nhân thần/người cụ thể thờ trong đình như ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Các vị Thổ thần, Thủy thần này đều được nhà nước/vua sắc phong cho thờ tự, xếp hạng từ hạ đẳng thần, trung đẳng, đến thượng đẳng thần. Cả 4 thiết chế văn hóa: Từ đường của làng, miếu thờ âm linh/âm hồn, ngôi chùa làng và đình thể hiện rất rõ đặc tính nhân văn, tích hợp văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An ứng xử với thiên nhiên, với con người, đối với tiền nhân, với cư dân bản địa ở đây trước khi người Việt vào, và cả đối với những người tha phương, đất khách quê người. Đồng thời ở đây cũng thể hiện rõ nét tính đa dạng, tích hợp của nhiều yếu tố tín ngưỡng liên quan đến cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề thủ công... và cả sự giao thoa, tiếp biến văn hóa trên một Đô thị thương cảng quốc tế ở vùng cửa sông ven biển Faifo - Hội An, Xứ Quảng. Các yếu tố này đã góp phần tạo nên những nét riêng, đặc trưng văn hóa Hội An trên cả 2 phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cho đến nay, trải qua quá trình lịch sử do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hầu hết ở các làng đều có sự hợp nhất 3 thiết chế văn hóa: đình thờ thần, từ đường/nhà thờ tiền hiền, hậu hiền của làng, và miếu âm linh/âm hồn thành một thiết chế văn hóa gọi chung là Đình, thậm chí có trường hợp như ở làng Để Võng cả 4 thiết chế đều nhập chung vào một điểm nguyên là ngôi chùa làng, nay gọi chung là đình Để Võng. Hiện nay chỉ riêng làng Hội An còn giữ được 2 thiết chế riêng biệt đó là đình thờ Thần (đình Ông Voi) và nhà thờ Tiền hiền (Hội An Tiên tự). Hay ở ấp Nam Diêu (Thanh Hà) các thiết chế tập trung về một khu vực được gọi chung là Nam Diêu tổ miếu, ở đây gồm có miếu thờ thần (Thái giám Bạch mã), miếu tổ nghề, miếu âm linh, miếu Sơn Tinh.

          Về vị trí, không gian cảnh quan và mặt bằng tổng thể: Do vai trò đặc biệt quan trọng của đình đối với làng xã nói chung, nên việc chọn đất dựng đình được cộng đồng dân làng xem xét rất kỹ lưỡng và tuân thủ theo những nguyên tắc về dịch lý, phong thủy. Theo quan niệm chung đất phải có rồng chầu, hổ phục, có sông nước, núi đồi làm yếu tố “minh đường, hậu tẩm”, “sơn triều, thủy tụ”. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này ở mỗi ngôi đình làng còn phụ thuộc vào điều kiện vị trí và địa cuộc của mỗi làng. Nhìn chung vị trí xây dựng đình làng thường ở trung tâm, đầu mối giao thông của làng - xã. Đặc biệt, phải nhìn ra một dòng chảy (sông, lạch...), phía trước phải có một bức bình phong. Nhìn bên ngoài đình với quy mô, chiều cao vừa phải, mái đình không vươn lên quá cao, cong vút như đình Bắc bộ, hay như các công trình kiến trúc tín ngưỡng khác của người Hoa. Thường xung quanh đình với không gian thoáng mở, không xây tường rào, trụ biểu, cổng tam quan (trừ những công trình nằm  trong khu vực dân cư - khu vực Khu phố cổ hiện nay). Nhìn tổng quan của ngôi đình vừa riêng biệt, uy nghiêm nhưng cũng vừa hòa quyện, gắn với không gian, cảnh quan của làng - xã. Trường hợp các ngôi đình: Để Võng, Kim Bồng, Sơn Phong, Sơn Phô, Thanh Hà, Tu Lễ, Xuân Lâm... hiện có cổng tam quan, tường rào là đều mới được bổ sung xây dựng vào lần trùng tu vào những năm gần đây. Bên cạnh, phía trước đình thường có một miếu nhỏ thờ thổ thần. Bình phong nằm ở chính giữa (trục thần đạo) chiếu vào gian giữa đình. Các bình phong đa phần có kiểu dáng khá giống nhau ở một môtíp dạng cuốn thư, sự khác nhau chủ yếu về kích thước, những chi tiết kỹ thuật nhỏ hoặc đề tài đắp vẽ trang trí. Cơ bản bình phong là một bức tường hình chữ nhật, thường cắt góc, tạo nếp gấp cuốn thư và được áp liền với hai trụ bên như hai ống quyển. Trụ có thể vuông hoặc tròn, đỉnh trụ đắp búp sen hoặc núm tròn... Phía sau bình phong, trước đình thường có bàn hương án để cúng đất đai, cúng cô hồn.

          Quy mô, kiểu thức kiến trúc đình tùy vào điều kiện của mỗi làng - xã mà phổ biến với 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái hay 1 gian 2 chái. Sau gian/căn giữa có một nhà nhỏ, mái cao hẳn lên gọi là chánh/chính tẩm hay hậu tẩm là nơi uy nghiêm nhất. Có kết hợp với nhà Đông - nhà Tây hay tả vu - hữu vu. Riêng đình Cẩm Phô, phía trước chánh điện có thêm công trình “phương đình”, gồm 4 mái, có cổ diêm. Kết cấu khung chịu lực theo lối “nhà rường” tiêu biểu như đình Xuân Mỹ, Đế Võng... Vì/vài kèo phổ biến với hình thức “cột trốn/cột trụ đội - kẻ chuyền”, “thượng kèo - hạ kẻ”. Mặt tiền luôn có 3 bộ cửa thượng song - hạ bản đặt theo 3 gian. Riêng đình thờ thần của làng Hội An (đình Ông Voi), Tụy Tiên Đường Minh Hương của làng Minh Hương có quy mô lớn gồm chánh điện - tiền đình, cách nhau một khoảng sân, 2 bên có nhà Đông - nhà Tây (tả vu - hữu vu) và hệ vì/vài kèo chủ yếu là “vài chồng” hoặc “trính chồng - trụ đội”. Trang trí trên chất liệu gỗ thuộc về không gian bên trong đình chủ yếu tập trung trên các cấu kiện chịu lực của bộ khung như trính, kèo, trụ đội, với kỹ thuật chủ yếu là chạm nổi và chạm nét. Khác với các ngôi đình ở Bắc bộ tập trung trang trí phần cấu kiện gỗ bên trong thì đình làng ở Hội An lại tập trung cho phần mái. Trên các mái đình, phần nề với những con giống gồm tứ linh (long, lân, quy, phụng) hoặc dao lá... có các đề tài “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long chầu nguyệt”... Phần đầu hồi, bờ chảy được tô, đắp, vẽ khá uyển chuyển, mềm mại rất sinh động, cùng các đầu dòng ngói ở diềm mái gắn đĩa hoa văn màu lam càng làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm, bề thế của các ngôi đình làng. Tuy làng xã ở Hội An có lịch sử lâu dài, nhưng nhìn chung niên đại kiến trúc các công trình đình làng - xã ở Hội An đều được xây dựng, hoàn chỉnh vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

           Việc bố trí thờ tự hiện nay của các ngôi đình ở Hội An đã có phối thờ của sự hợp nhất 3 thiết chế: đình thờ thần, nhà thờ Tiền hiền và miếu âm linh. Ở chính giữa (hậu tẩm) thờ Thần/Thành hoàng, hai bên sẽ là các vị tiền hiền hậu hiền, ngoài cùng là âm linh, chiến sĩ trận vong...

         Có thể thấy, cùng với bước chân khẩn hoang của người Việt, nhiều làng xã ra đời, kéo theo các thiết chế văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Ngôi đình làng hình thành, phát triển ở Hội An đã trở thành một biểu trưng văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây và là ngôi nhà chung của cộng đồng cư dân làng xã. Hàng năm cứ vào dịp vào mùa xuân và mùa thu, dân gian gọi là “Xuân, thu nhị kỳ” cả dân làng lại nô nức về ngôi đình của làng mình cùng nhau tổ chức nghi lễ cúng tế. Mùa xuân thì cúng đất, cầu an, cầu một năm làm ăn thu được nhiều lợi, mưa thuận gió hòa... Mùa thu thì tạ ơn các chư thần, tổ nghệ, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã phù hộ cho dân làng một năm làm ăn thuận lợi, cầu cho cả dân làng bước vào mùa mưa tránh được thủy tai, gió bão... Đây cũng là dịp cả dân làng cùng chung niềm tin hướng về thần linh và cùng vui, thỏa thích với các hoạt động hội hè sau lễ, tăng thêm tình đoàn kết, thương yêu nhau, giúp nhau của những người trong cùng một làng. Đình làng hẳn là một di sản văn hóa tiêu biểu, một loại hình thiết chế văn hóa giữ vai trò chủ đạo trong tín ngưỡng cộng đồng của hầu hết các làng - xã, thôn - ấp ở Hội An cần được trân trọng giữ gìn và phát huy.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây