Một số tập tục tín ngưỡng trong nghề buôn ở Hội An

Chủ nhật - 16/10/2016 23:36
Trong lịch sử hình thành, với đặc điểm là một nghề thương mại, gắn bó với tính may rủi, lãi lỗ nên người buôn bán Hội An luôn tìm đến các hoạt động cầu may, cầu lộc, phát tài. Nghề này không xác định được Tổ nghề cụ thể, các hoạt động tín ngưỡng được thể hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng gia đình, cộng đồng gắn với từng loại hình kinh doanh hoặc gắn với yếu tố văn hóa dân tộc… Tựu trung lại bao gồm một số lễ tục đáng chú ý sau:

          + Tục thờ thần Tài và thổ địa tại các gia đình có buôn bán: Thần tài cụ thể được thờ phổ biến là Ngũ phương ngũ thổ long thần và Tiền hậu địa chủ Tài thần, Phước Đức Chính thần. Hiện nay, vẫn còn một số nhà trong Khu phố cổ còn trang thờ Phước Đức Chính thần, trong đó đáng chú ý là trang thờ được xây áp tường ở nhà 77 Trần Phú. Còn lại đa số các nhà buôn đều lập trang thờ thổ địa - thần tài bằng gỗ, thiết đặt ở nền đất gian trước của hiệu buôn, mặt trang thờ quay theo hướng mặt tiền. Lễ vật đặc trưng là tỏi để trừ tà kèm với một số lễ vật được thời đại hóa là thuốc lá, cafe. Đi kèm với thờ thần tài thì vào ngày mồng 2, 16 âm lịch hàng tháng người buôn bán lâu năm ở Hội An có lễ thắp hương, cúng cầu mua may bán đắt. Gần đây, vào mùa Trung thu, ngày 16/8 âm lịch - ngày thần tài của tháng 8, một số nhà buôn còn mời Lân, Thiên cẩu vào cửa hiệu để múa cầu may.

          + Tục thờ thần bảo hộ ở các di tích tín ngưỡng cộng đồng: Ở một số hội quán người Hoa ở Hội An như hội quán Phước Kiến, Dương Thương hội quán đã có thờ Tài công, Phước đức chính thần. Tại Quan Công miếu có thờ Quan Công và Bà chúa Tiên để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của những người cầu tài, cầu may mà đa số là người buôn bán. Trong dịp lễ Nguyên tiêu năm Bính Thân này, đã có 6000 lượt du khách đến hành lễ cầu tài tại Quan Công miếu, trong đó, đa số là người buôn bán, kinh doanh nhỏ và vừa ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại một số gia đình buôn bán cũng thờ Bà Chúa Tiên, Quan Công để phò trợ buôn bán… Không chỉ ở trung tâm phố thị có thờ Quan Công mà tại di tích miếu Trung Gian, thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim cũng có thờ Quan Công. Phải chăng đây là dấu vết còn lại của hoạt động tín ngưỡng liên quan đến buôn bán của một làng quê đã từng có sự phát triển thương mại bằng đường thủy.

          + Tục thờ thần bảo hộ thuyền buôn, ghe bầu: Trên các ghe bầu nội địa thường có thờ Bà Thu Bồn, Bà Phường Chào hoặc Bà Chúa Ngọc. Những ghe bầu buôn đường biển của người Việt thờ Bà Đại Càn, Bà Thủy Long, Quan Thế âm Bồ Tát, đây là những vị thần thường phò trợ cho họ khi gặp nạn. Các thương thuyền của người Hoa thì thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, Quan Âm bồ tát. Ở cộng đồng thì tại miếu vạn ghe bầu ở Cẩm Nam có thờ Bà Đại Càn, Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần, những vị thần này cũng là những vị thần phò trợ cho ngư dân trên biển khi hành nghề, gặp nạn. Tuy nhiên tục thờ thần bảo hộ của nghề buôn ghe bầu ở trên ghe không còn nữa.

           + Tục vay vốn các thần để buôn bán, làm ăn: Ở Hội An hiện nay, vào đầu năm và vào các dịp lễ Tết quan trọng, những người làm nghề buôn bán thường đến các đền miếu, hội quán có thờ thần bảo trợ như Thiên hậu Thánh mẫu, Quan Công, thờ Tài thần, thờ Bà chúa tiên để xin vay một ít tiền làm vốn buôn bán. Tục lệ này rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa, bà con làng Minh Hương xưa và cả đối với người Việt bôn bán lâu năm ở Hội An. Tục lệ này diễn ra sôi động trong Tết Nguyên Tiêu vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm ở Quan Công miếu, Hội quán Phước Kiến, Quảng Triệu, Triều Châu.

           + Tập tục cầu may: Vào đầu năm đến các di tích tín ngưỡng có thờ phúc thần để xin lộc, vay tiền cầu may. Cúng Thần linh, cầu may vào ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm hàng tháng âm lịch); cúng Thần tài, Thổ địa cầu may vào ngày 2, 16 âm lịch hàng tháng; mời đầu Thiên cẩu, Lân múa trừ tà để cầu may vào dịp Lễ tết, Lễ Khai trương, vào tết Trung thu. Tục cúng/thắp hương mở hàng đầu năm, đầu ngày. Tục chọn ngày tốt để khai trương, mở hàng. Hiện nay, người buôn bán ở Hội An thường chọn ngày chẵn của tháng Giêng với điều kiện ngày đó không quá xấu để mở cửa hiệu buôn bán, hoặc xuất hành hành nghề cho cả năm.

           Ở các hộ buôn bán tại vùng nông thôn, thuộc các làng nghề, các làng quê, các tục trừ tà, xui rủi bằng cách xông thảo mộc (giác, hương, gai chanh, các thảo mộc khác…) khi liên tục bị xui rủi trong kinh doanh, tục kiêng kỵ bước qua đòn gánh, úp nón lên gánh hàng, coi trọng bàn tính, mất lợi đầu năm, đầu ngày (me xưa, mở hàng) vẫn được duy trì.

           Nhìn chung các tập tục tín ngưỡng này là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện sự tâm lý cũng như sự thịnh vượng một thời của nghề buôn Hội An. Hiện nay, di sản văn hóa này đang được bảo tồn và phát huy tốt trong đời sống hành nghề buôn bán cũng như trong các lễ hội văn hóa ở Hội An, góp phần tạo nên nét đặc trưng văn hóa của một đô thị từng là thương cảng quốc tế sầm uất một thời.
 
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh (tổng hợp)

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây