Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề mộc Kim Bồng Hội An

Thứ hai - 28/11/2016 03:45
Làng Kim Bồng ngày xưa là châu Kim Bồng, thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, nay phần lớn đất thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một làng được hình thành khá sớm ở đô thị thương cảng Hội An dưới thời chúa Nguyễn.
           Theo sự truyền miệng dân gian của con cháu các tộc họ Nguyễn, Phan, Huỳnh, Trương ở xã Cẩm Kim thì vị thuỷ tổ nghề mộc làng Kim Bồng là người gốc ở Thanh Hoá đã di dân lập nghiệp tại đây vào thế kỷ XVI. Nhận thấy vùng đất Kim Bồng có ba mặt giáp sông, nằm bên bờ con sông lớn Thu Bồn, sát bên cạnh đô thị thương cảng quốc tế Hội An, rất thuận tiện cho sự phát triển nghề mộc xây dựng cũng như nghề mộc gia dụng mà các tiền hiền của làng Kim Bồng đã chọn nơi đây làm nơi định cư lâu dài để xây dựng làng nghề mộc truyền thống. Họ cũng bắt đầu nghề nghiệp của mình từ những ngôi nhà tranh, tre cổ truyền đến những ngôi nhà khung gỗ thông thường “Tam gian nhị hạ”, rồi đến các tiện nghi đồ dùng trong gia đình, phương tiện giao thông (ghe - thuyền nan, săng). Vào cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, Hội An với nhiều yếu tố thuận lợi đã nhanh chóng phát triển thịnh vượng, trở thành một đô thị thương cảng ngoại thương quan trọng ở xứ Đàng Trong, kéo theo nhiều ngành nghề có điều kiện phát triển, trong đó có nghề mộc Kim Bồng.
 
bai dong ghe thuyen web
Bãi đóng ghe thuyền ở Kim Bồng Cẩm Kim

          Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến sự phân công và phân vùng lao động tại Hội An. Các nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt đô thị thương cảng, trong đó có nghề mộc Kim Bồng. Từ đây, nghề mộc Kim Bồng đã có cơ may phát triển phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, tôn giáo - tín ngưỡng, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, trong đó có các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn (ghe bầu). Trải qua quá trình phát triển, nghề mộc Kim Bồng phân thành bốn nhánh chính gồm mộc xây dựng, mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ và mộc đóng ghe thuyền. Trong đó, thôn Trung Châu, Phước Thắng chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ và xây dựng; thôn Đông Hà, Ngọc Thành thiên về nghề mộc đóng ghe thuyền; thôn Trung Hà, Vĩnh Thành là nơi phát nghiệp của nghề mộc sản xuất đồ gia dụng.

          Theo hồi cố của các bậc cao niên trong làng, một số thợ mộc Kim Bồng còn đi đến nhiều địa phương khác để hành nghề. Đặc biệt, nhiều thợ mộc của làng được triều đình nhà Nguyễn chiêu mộ ra Huế xây dựng cung điện, lăng tẩm cho các vua được phong danh tượng mục, phong hàm Bát phẩm, Cửu phẩm… hay như ông Huỳnh Kim Hơn tham gia xây dựng lăng Bác Hồ.

          Trong quá trình lao động sáng tạo, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã làm nên những sản phẩm mộc đa dạng và phong phú gồm sản phẩm mộc mỹ nghệ (mộc mỹ nghệ dân dụng hơn 50 sản phẩm; mộc mỹ nghệ thờ tự, tín ngưỡng hơn 47 sản phẩm); sản phẩm mộc gia dụng (Tủ, Bàn, Ghế, Giường Giá, Kệ, Rương, Hòm, Thùng, Khay, Mâm …); sản phẩm mộc xây dựng (nhà ở, nhà thờ tộc, đình, chùa); sản phẩm mộc ghe thuyền (Xuồng, Thuyền, Tàu, Ghe). Nhìn chung, các sản phẩm mộc Kim Bồng chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa như Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… Trong đó một số sản phẩm mộc mỹ nghệ được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, khu vực Bắc Mỹ, Úc.
 
San pham Coi nguon huynh su
Tác phẩm Cội nguồn - NNUT Huỳnh Sướng
 
          Cùng với quá trình định cư, làm ăn sinh sống, cư dân Kim Bồng đã tạo dựng nơi thờ cúng các bậc tiền hiền khai khẩn và các vị tổ sư của nghề. Đình tiền hiền Kim Bồng được xây dựng thể hiện tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của con dân Kim Bồng. Bên cạnh đó, các lớp con cháu Kim Bồng đã xây dựng các nhà thờ Tộc, nhà ở để sinh sống và thờ tự.

          Không gian thờ tự, lễ nghi của nghề mộc Kim Bồng rất phong phú và đa dạng. Trong đó thờ tổ nghề là tập quán chung của nhiều gia đình. Thợ mộc Kim Bồng không xác định được tổ nghề riêng của mình, họ thờ tổ nghề mộc chung là Lỗ Ban, Lỗ Bốc, đồng thời thờ vị tổ Bách nghệ là Cửu Thiên Huyền Nữ hoặc ông Tiên Sư. Ngoài ra, các nhà làm mộc đều có trang thờ tổ nghề được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà. Hàng năm, vào ngày 6/1 Âm lịch những người thợ mộc Kim Bồng tổ chức lễ giổ tổ nghề mộc tại đình tiền hiền Kim Bồng. Lễ tế ngày 6/1 Âm lịch cũng được xem là ngày mở hàng khai trương của các kíp thợ làm mộc.
Trong những năm qua, nghề mộc Kim Bồng dần được phục hồi và phát triển đã góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, qua đó, góp phần tăng doanh thu cho ngành công nghiệp không khói của xã Cẩm Kim nói riêng, thành phố Hội An nói chung. Bên cạnh phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân giàu kinh nghiệm, cũng đã đào tạo được nhiều lớp thợ trẻ kế thừa và duy trì được hoạt động của nghề mộc trong thời gian tới. Hiện nay, hoạt động du lịch ở Hội An đang phát triển mạnh đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề, qua đó góp phần thúc đẩy nghề mộc từng bước hồi sinh.
 
le gio to nghe moc kim bong
Lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng - Cẩm Kim

          Có thể nói, nghề mộc Kim Bồng có những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển đô thị thương cảng Hội An.

          - Giá trị lịch sử: Nghề mộc hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử, không chỉ ở Hội An mà cả xứ Đàng Trong, mộc Kim Bồng đã đóng vai trò chính trong xây dựng kiến trúc nhà phố, nhà thờ tộc, đình, chùa, miếu ở Hội An và nhiều làng quê khác ở Quảng Nam. Nhiều thợ mộc Kim Bồng tham gia xây dựng kinh thành, lăng tẩm ở Huế, cũng như tham gia xây dựng lăng Bác Hồ.

          Đặc biệt, nghề mộc Kim Bồng hình thành và phát triển là một trong các cơ sở quan trọng xác định lịch sử hình thành làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.

          - Giá trị văn hóa: Qua hơn ba trăm năm tồn tại, nghề mộc Kim Bồng đã hình thành nên đội ngũ thợ có tay nghề cao, họ nắm giữ những tri thức, kỹ thuật, kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, bồi dưỡng và phát huy đội ngũ thợ trẻ. Đặc biệt, nhiều nghệ nhân của làng đã được phong là tượng mục thời phong kiến và phong nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân thời hiện đại. Hiện nay, lực lượng này là những người giữ sứ mệnh truyền dạy kỹ năng, kinh nghiệm cho các thợ trẻ, để từ đó họ trở thành những người thợ có tay nghề cao đóng góp công sức vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở Hội An.
 
gia cong lap dung rui he mai dinh de vong cam chau
Gia công lắp dựng rui hệ mái đình Đế Võng - Cẩm Châu

         Thợ mộc Kim Bồng với tài năng, trí tuệ, bàn tay khéo léo, tài hoa, bản tính cần cù, nhẫn nại đã để lại đến ngày nay cho chúng ta những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ không chỉ ở Hội An, Quảng Nam mà còn ở một số tỉnh/thành khác trên cả nước. Các thợ mộc Kim Bồng với kỹ năng chạm khắc truyền thống về chạm chìm, chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng nhiều tầng nhiều lớp, đã khắc hoạ nên những hình khối nhuần nhuyễn, những đường cong thanh thoát, những hoa văn, họa tiết sinh động, hết sức hấp dẫn, vô cùng độc đáo, giàu tính truyền thống mang bản sắc riêng của làng mộc Kim Bồng mà không nơi nào có được.

          Trải qua quá trình hội nhập, thẩm thấu, dung nạp chọn lọc các yếu tố văn hoá bên ngoài, sự giao lưu và hỗn dung giữa Hội An với các nền văn hoá ở khu vực Đông Nam Á, châu Á và các nước phương Tây, Hội An trở thành nơi hội tụ nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, từ đó tạo ra phong cách Hội An nhờ nhiều thế hệ nghệ nhân nghề mộc Kim Bồng.

Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, nghề mộc Kim Bồng đang có điều kiện thuận lợi để phát triển, khẳng định vị thế của mình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa địa phương và quốc gia.

          - Giá trị khoa học: Bên cạnh các giá trị lịch sử - văn hóa, nghề mộc Kim Bồng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học về lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học… Từ đây nhiều bài viết, công trình nghiên cứu nghề mộc Kim Bồng ra đời cung cấp những thông tin khoa học quý báu góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy một ngành nghề thủ công truyền thống của Cẩm Kim nói riêng, Hội An nói chung.

          Với những giá trị nổi bật của mình, nghề mộc Kim Bồng đã được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây