Chuyện kể rằng ngày xưa có một tàu buôn của nước ngoài đến thương cảng Hội An buôn bán đông lắm. Tàu vào ra tấp nập, trong đó có chiếc tàu của hai cha con người Nhật đến buôn bán. Tàu buôn của ông đến Hội An nhiều lần, chắc là ông hi vọng chuyển nghiệp cho đứa con để sau này thay ông khi về già. Trong những ngày lưu lại Hội An, một hôm ông đã nhìn thấy người con trai đang tâm sự với cô gái bên cạnh di tích chùa Cầu. Trên đường về nhà, hình ảnh đó cứ ám ảnh trong lòng ông và ông dự định sau bữa ăn cơm tối dưới tàu sẽ hỏi chuyện với con.
Như lời hứa với người yêu, sau bữa cơm tối anh đã trình bày tình yêu của anh với người con gái Hội An, mong cha thuận tình đồng ý. Nghe xong chuyện con trai kể, ông rất vui và ông đã suy nghĩ về cuộc tình duyên của con. Ông nói ông hi vọng Hội An là quê hương thứ hai của con và cũng là tổ ấm cho tàu buôn của ông được ở lại lâu ngày để tránh những cơn gió mùa khi tàu về nước.
Những ngày sau đó, hai cha con đi tìm mua những đặc sản ở Hội An và người con trai cũng đã gặp cô gái nói rõ ý định hai cha con sẽ đến gia đình xin cầu hôn và hẹn dịp trở lại. Tàu ông sẽ chở gia quyến, bạn bè đến Hội An để tổ chức lễ cưới cho hai con.
Trong lúc chuẩn bị tặng phẩm, thì một tin đến với hai cha con: Theo lệnh của Nhật Hoàng, tất cả những người dân Nhật đang ở nước ngoài phải về nước. Tin này như sét đánh ngang tai đối với hai cha con, từ đây nảy sinh sự không vui giữa hai người. Con thì xin cha tổ chức đám cưới ngay để anh ở lại, để cha về nước với con tàu. Còn người cha thì đòi hai cha con về nước, rồi sau đó sang lại sẽ tổ chức đám cưới thịnh soạn hơn. Ông hứa với con trai về nước sẽ sắm đặc sản quý của Nhật và chở gia quyến, bạn bè sang Hội An tổ chức đám cưới linh đình hơn.
Trước những lời lẽ thuyết phục của cha, anh gặp lại người yêu nói rõ việc anh phải trở về Nhật và hứa dù bất cứ trong hoàn cảnh nào anh cũng trở lại Hội An chung sống với cô suốt đời. Người con gái Hội An cũng hứa hẹn với anh là chung thủy, đợi chờ.
Về đến Nhật Bản, một sự hết sức bất ngờ đến với hai cha con là giấy phép bị thu hồi mà không được cấp lại giấy khác. Đó cũng là niềm tin báo cho anh biết không bao giờ trở lại Hội An nữa, anh không còn gặp lại người con gái mà anh yêu tha thiết. Những năm ở lại quê nhà, hình ảnh người yêu cứ ám ảnh bên anh, tin tức về người yêu hầu như biệt vô âm tín. Vượt biển chăng? Đi bằng cách nào? Những câu hỏi cứ dằn vặt lòng anh. Hai câu thơ của người yêu như nhắc nhở anh rằng:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”
Để trở lại Hội An, anh xin làm công dưới một chiếc tàu đi về phía Tây - Nam. Trong mấy năm làm trên tàu anh đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện để vượt biển. Vào một đêm trời im biển lặng, khi tàu đến vùng biển xác định được hướng vào Hội An, anh bí mật rời tàu với chiếc phao bơi, lương khô và nước uống. Nhiều ngày đêm đã qua mà anh còn lênh đênh trên mặt biển. Nước uống đã cạn, lương khô đã hết và anh bị thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên một chiếc giường tre trong một ngôi nhà lá dừa quen thuộc.
Bà con ngư dân Cù Lao Chàm vui mừng thấy anh tỉnh dậy và kể lại sự tình cho anh biết là sáng sớm hôm đó bà con đi đánh cá gặp anh đang nằm sóng soài trên bãi Ông. Chắc anh ăn ở đời có đức nên được cá ông cứu nạn.
Sau khi cảm ơn bà con ở đảo, anh trình bày nguyện vọng muốn vào Hội An để gặp lại người yêu cũ mà mình bao nhiêu năm xa cách. Hiểu thấu lòng anh, bà con đưa anh xuống thuyền vào Hội An.
Gặp lại nhau hai người vô cùng xúc động. Người con gái đã hết lòng cứu chữa, ngày đêm trông nom thuốc thang để anh chóng hồi phục. Nhưng bệnh tình quá nặng, sức đã kiệt quệ và biết mình không thể qua khỏi, anh kể lại hết sự tình và anh toạn nguyện khi gặp lại người yêu. Trên đôi môi anh hé nở nụ cười và vĩnh biệt trên đôi tay âu yếm của người yêu. Người con gái khóc nức nở bên anh và đưa bàn tay vuốt mặt anh để vĩnh biệt lần cuối cùng. Người con gái đó tên gì, ở đâu không ai rõ nữa mà chỉ biết người con gái Hội An.
Năm tháng đã trôi qua, nấm mồ lạnh lẽo, hiu quạnh nằm trên cánh đồng vắng vẻ. Mọi người hầu như đã quên một con người biệt xứ. Anh ạ! Ngày nay đã khác rồi. Từng đoàn, từng đoàn người với những nén hương nghi ngút đem hơi ấm đến nay đang xua tan dần sự lạnh lẽo dưới nấm mồ.
[*] Mộ có niên đại 1647. Đến nay đã được 360 năm (1647 - 2007). Mộ đã được trùng tu.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền