Trên gác hai nhà cổ

Thứ năm - 22/12/2016 03:26
Bạn tôi nói, về Hội An cứ thích nhìn lên gác hai những ngôi nhà cổ. Ở đó, có một cuộc sống mà chắc rằng, nếu vội vàng, không bao giờ người ta cảm nhận được.
Sống trên tầng cao
Hội An, gác hai nhà cổ, nơi lưu giữ bao nhiêu hào hoa phố thị của những lớp người đã góp phần làm nên đời sống văn hóa đặc sắc của Hội An ngày cũ. Trên ban công với lan can làm bằng gỗ đã tối màu, sau ô cửa cũng cũ kỹ không kém, bên dưới những mái ngói âm dương đã hàng trăm năm tuổi, là những con người. Họ ở đấy, kiên nhẫn ngắm nhìn phố thị. Và cũng ở đấy, để giữ lại chút gì là hồn cốt Hội An. Người già trong nhà được ưu ái sống ở căn phòng gần sát ban công. Lớp con cháu ở lùi về phía sau gian thờ cúng. Nhà cổ, bên dưới là hàng hóa mua bán, nhộn nhịp khách đến đi. Bước lên cầu thang gỗ, lách qua khe cửa, bắt gặp một đời sống khác. Tĩnh mịch, thư thái. Từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy những bóng dáng chuyển động. Âm thanh đời thường của cuộc bán buôn, lùi khỏi không gian trên tầng. Tôi ngược trở lại đường Nguyễn Thái Học, tìm gặp cụ ông Lê Khuê - người chơi vĩ cầm của phố cổ xa xưa. Căn nhà ông ở là di tích nằm trong diện bảo tồn. Con cháu đặt cho ông một cái ghế bố sát lan can. Cùng ấm trà và vài tờ báo, ông ngồi đấy, mắt nhập nhòe nhìn xuống phố xá mỗi ngày thêm đông.
 
images1313772 trang6A 9
Cụ ông Lê Khuê trên gác hai nhà mình. Ảnh: SONG ANH

Như bao nhiêu căn nhà trên các trục đường phố cổ, từ Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú…, gian dưới của ngôi nhà cụ Lê Khuê được tận dụng để kinh doanh. Mỗi mặt tiền giá thuê hàng chục triệu đồng, cơn cớ gì không mọc lên cửa tiệm này, tiệm kia? Và vậy là, những gia đình tứ đại đồng đường sống quây quần trong ngôi nhà ống kiểu dáng cũ xưa, không rộng nhưng sâu và cao. Nhà nào sâu thì lùi gian thờ vào bên trong giếng trời. Giếng trời chính là khoảng không nối từ cửa hàng phía ngoài với gian nhà bên trong. Bước qua khoảng sân này cũng một không khí khác, mang tính chất riêng tư, gia đình. Nhà nào không có chiều sâu thì “di tản” cuộc quây quần lên gác trên. Và hẳn nhiên, cuộc tụ hội này mang đủ đầy nếp sống văn hóa của phố cổ, có dấu ấn lễ giáo, gia tiên. Với những cư dân sống miệt mài cả đời ở phố, yêu đến tròn trịa cả những mất mát của vết dấu phố cũ, thì san sớt, căn gác hai của những ngôi nhà cổ là “nơi lưu giữ những kỷ niệm của một đời người, một gia đình, nó chứng kiến cả những thịnh suy của gia đình đó”. Và trong họ, gác hai nhà cổ như một cái kho lưu giữ những gì thuộc về kỷ niệm, vật chất và cả phi vật chất.
 
images1313773 trang6A 97
Cà phê trên gác hai nhà cổ ở Hội An. Ảnh: HẢI HOÀNG

Ở phố lại nhớ phố
Tôi đọc “Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách” của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Và rất tâm đắc với anh chàng si mê Đà Lạt này, rằng với mỗi vùng đất, ai cũng có thể là lữ khách. “Lữ khách cả khi ta đang nghĩ mình đã thuộc về nó vĩnh viễn”. Hội An cũng vậy. Có những sự đổi thay mà ngay cả người ở phố cả đời vẫn không dám nhìn thẳng vào nó. Họ cứ giữ trong hồi ức mình những vết dấu đầu tiên, về một Hội An tĩnh lặng, đầy tiệm sách và sôi động trong đời sống văn nghệ “thứ thiệt”. Cụ ông Thái Tế Sùng, của nhà hiệu ảnh Vĩnh Tân, người mê mải với đồ cổ, từ những hiện vật cũ đến cả những câu chuyện cũ, vẫn coi gác hai nhà mình như một chốn lui về. Ông ở đó, hàng ngày ra phố, đi dọc ven những con đường, mắt ngóng ngoải nghĩ về những thứ đã qua. Cũng như cụ Lê Khuê, đời sống phố Hội muôn niên vẫn là những ký ức trở đi trở lại. Nếu ông Sùng và người anh trai vẫn giữ nguyên căn nhà cùng bộ ghế - đã có lần vị vua triều Nguyễn tìm đến nhà và tọa ở đó để đàm chuyện, thì ông cụ Khuê, trong giọng nhớ của mình, vẫn ám ảnh hoài về ban nhạc Hội An xưa, nơi những người bạn vong niên đã về trời gần hết, về cây vĩ cầm đã từng có lần chơi cho những bận ghé phố của nhạc sĩ Phạm Duy… Họ, hẳn nhiên phải là “lớp quý tộc”, “lớp tinh hoa” của phố thị Hội An.

Trong cơn chuyển xoay của thời thế, rất nhiều gia đình ở phố Hội ra đi, tìm kế thoát ly. Bây giờ, đôi khi họ trở về, ngồi phía bên kia cầu An Hội, đưa mắt nhìn về phố cổ, và kể bằng giọng của “phố nhà tôi”. Phố nhà họ khi ấy không đông đúc và sặc sỡ như bây giờ. Người xa phố, nhớ phố, hẳn nhiên. Nhưng vẫn có những người ở phố mà lại nhớ phố. Họ là những cư dân các tộc họ tiền hiền của phố cổ, theo phương án giãn dân của thành phố, về sống ở những vùng ngoại vi. Họ đôi khi đến thăm nhà mình, giờ đa số đã thành những cửa hiệu, lách qua khoảng cách giữa những mặt hàng lưu niệm, lên gác hai, thắp một nén nhang. Không phải cho tổ tiên, mà cho chính căn nhà, chính con đất. Những người ở Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, như đọc được những sự phai dấu của hồn phố cũ, và tổ chức rất nhiều cuộc gặp những người già phố cổ, để lặng tìm và giữ lại ký ức Hội An. Và những cuộc gặp, từ đời sống thương mãi, phố buôn đến đời sống văn hóa, giáo dục, từ trong quá khứ, đã hiển lộ về một cổ thị văn minh.

Khoảng gần một năm trở lại đây, những căn gác hai của nhà cổ thưa người ở dần. Bắt đầu một cuộc đổ bộ của trào lưu cà phê ngắm phố cổ trên cao. Và những chủ nhân nhà cổ, ngoại trừ người già, đã kịp bắt lấy xu hướng này. Hoặc tự họ chỉnh trang căn gác, hoặc họ cho người nơi khác đến thuê làm. Những căn gác giờ đông đúc hơn, vui hơn, nhưng đã mất đi cái đằm sâu của một chốn… lui về.

Tác giả: Song Anh

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây