Tư liệu cho biết, làng Sơn Phô trước đây còn có tên gọi là Hoa Phô hay còn gọi là Ba Phô, thuộc tổng Phú Triêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Không rõ thời gian thành lập làng. Lúc này làng Sơn Phô còn một quyển châu bộ từ đời Gia Long thứ 13 có ấn chú của nhà vua. Theo truyền khẩu của các cụ kỳ lão, làng Sơn Phô có nhiều giấy tờ trước đời Gia Long, nhưng vì binh tai nên chỉ còn quyển châu bộ này.
Về tiền hiền của làng, theo ngày trước truyền lại thì thứ nhất là họ Phan, nhì là họ Lê. Tộc Lê Hữu sao lại một quyển gia phả từ đời Thịnh Đức, có ông Lê Phước Sơn người huyện Hoằng Hóa cùng 2 em trai là Lê Phước Hồng và Lê Phước Ân đi vào sinh nhai lập nghiệp làng Sơn Phô.
Về việc cai trị, làng có chánh phó trưởng ban, ban thường trực…cùng lý hương trong làng làm việc quan và họp hội đồng một tháng 2 kỳ để bàn chuyện và xử những chuyện tạp tụng. Những việc phi pháp nặng thì giải lên quan trên.
Về việc học hành, làng Sơn Phô nhờ ở gần thành phố Faifo có nhiều trường Pháp, Việt, nên số con em đến trường mỗi năm ước độ 100 trẻ. Bởi thế, làng Sơn Phô tuy ở vùng quê nhưng trình độ học thức của con em trong làng là khá cao.
Về cưới hỏi, nếu nam nữ ở chung một làng thì không cần trình làng biết. Cưới hỏi có 3 lễ, thứ nhất là lễ vấn danh (hỏi tuổi tác và nhà gái có bằng lòng viên thuận hay không), thứ hai là lễ thỉnh kỳ (lễ này diễn ra trước 3 ngày cưới, lễ này đàng trai phải nộp lễ tại nhà gái 1 bộ quần áo cưới và 1 đôi bông tai bằng vàng. Nếu nhà trai nghèo thì đôi bông tai bằng đồng xuy). Cuối cùng là đến lễ cưới. Về việc tế táng và tang chế, khi có người trong làng chết, phải đến trình làng với một mâm cau, trầu, rượu, làng sẽ cho đất chôn. Nếu người nào có công đức với làng, làng sẽ đi điếu và giúp công việc gọi là đền ơn người ấy khi còn sanh tiền có giúp việc cho làng. Nếu người khác làng muốn xin đất trong làng để chôn phải chịu tiền mộ địa.
Diện tích của làng được 212 mẫu kể cả công tư điền thổ.
Làng có thổ sản nhiều nhất là lúa, hằng năm có bán đi nơi khác. Ngoài ra còn có những thực phẩm khác như khoai, đậu vừa đủ tiêu thụ cho dân trong làng. Bởi thế nên làng này chuyên về nghề nông là nhiều nhất. Nhưng cũng còn một số ít đi ghe bạn cho những ông đi buôn ghe ở các làng khác.
Về thần sắc, có 19 đạo sắc Thần Thiên Y Chúa Ngọc, Thiên Y Ana, Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia, Ngũ Hành Tiên Nương, Thái Giám Bạch Mã… Ngoài ra, làng có một đạo sắc Thần của ông Mạc Văn Thoại làm Ty vụ của Ty Thừa Biệu – Phủ An Nhơn ngày 24 tháng 4 nhuần năm Minh Mạng thứ 11.
Đặc biệt, tập tài liệu còn mô tả khá chi tiết đình làng Sơn Phô và những lễ cúng liên quan đến đình. Đình Sơn Phô nằm cạnh con đường lộ số 99 chạy về Cửa Đại. Đình nằm trong một khu vườn rộng khoảng 8 sào. Đình làng theo kiểu xưa, được lập từ năm Thành Thái thứ 2 và trùng tu lại năm Duy Tân thứ 8. Đình thành xây gạch, lợp ngói. Thoạt tiên nhìn thấy hai trụ bằng vôi, tiếp đến là cửa chính đi vào đình, và một bình phong theo lối xưa, tiếp đến là nhà Đông và nhà Tây. Trong đình, ở giữa có một hương án chạm và sơn 3 mặt. Hai bên thờ vị Tiền Hiền và Hậu Hiền, còn hai bên sát vách thờ vọng các vị Tiền nhân và Tiền bối. Gian trong cùng là hậu tẩm. Gian này thờ các vị Thần và để sắc Thần. Kèo nhà chạm trổ một cách tỉ mỉ và tinh vi. Những đồ thờ của đình gồm có 01 bộ tam tự bằng đồng, 01 bộ ngũ tự bằng thiết đồng ngân, 01 hương án chạm và sơn 3 mặt.
Đình mỗi năm tế 02 kỳ: kỳ thứ nhất nhằm mồng 10 tháng giêng, kỳ tế này có dùng nhạc lễ và dùng linh vật là heo và kỳ tế này tục gọi là Tống ôn hay Tống quái; kỳ thứ hai là vào ngày rằm tháng 8, kỳ tế này cũng có lễ nhạc, linh vật là heo, nhưng kỳ này thì gọi là Cầu yên để làng được yên ổn làm ăn.
Theo truyền khẩu, trước mặt đình làng trước kia chính là một cái cồn tàu, tục gọi là Vũng Tàu. Khi đó, các tàu bè các nước đều đậu tại đó để buôn bán, nhưng về sau bồi dần dần đến bây giờ thành ruộng và một vài cái vườn.
Về lễ tế:
Tại lăng Ông Ngư có tế lễ vào ngày 21 tháng 10 mỗi năm. Kỳ tế này chỉ cúng trầm trà hoa quả.
Tại miếu Bà Chúa Vãi và Bà Chúa Lồi, lăng Thành Hoàng mỗi năm tế một lần vào ngày 12 tháng giêng. Chùa Âm Linh tế nhằm ngày rằm tháng 2 mỗi năm. Về lăng Thần Nông thì mỗi năm tế một lần, nhằm ngày mồng 2 tháng 10. Những kỳ tế này chỉ cúng trầm trà hoa quả.
Về sự tích bà Chúa Vãi, có tượng tại lăng thờ. Tương truyền rằng, ngày trước bà đi tu về sau thành chánh quả. Sau dân làng đúc tượng bà và thiết lập lăng để thờ. Sự tích bà chúa Lồi, có tượng bằng đá tại lăng, nguyên là dân làng khi đào móng đình thì bắt gặp tượng bà, đá làm tượng này như của người Chàm ngày trước chôn đi, và dân làng thỉnh lên thờ phụng.
Tựu chung, những thông tin điều tra về làng xã Hội An là một nguồn tài liệu quý, cung cấp nhiều thông tin giá trị góp phần nghiên cứu làng xã Hội An xưa, từ đó làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong thời gian tới.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền