Một số thông tin về võ thuật Hội An trước năm 1975 qua tư liệu ký ức từ tham vấn cộng đồng

Chủ nhật - 08/01/2017 22:47
Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hoạt động thể dục thể thao ở Hội An hoạt động khá sôi nổi và mạnh mẽ, với nhiều bộ môn hình thành và phát triển, trong đó có bộ môn võ thuật.
           Theo ký ức của các bậc cao niên cho biết, võ thuật Hội An có sự giao lưu tiếp biến của các dòng võ thuật trong và ngoài nước. Trước hết, võ thuật Hội An ảnh hưởng võ truyền thống của vùng đất Thanh - Nghệ theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong, ảnh hưởng võ cổ truyền Trung Quốc, hay ảnh hưởng võ thuật của các nước tư bản Pháp, Nhật, Hàn Quốc… theo chân các binh sĩ và thương nhân đến Hội An buôn bán.

           Võ thuật của người nước ngoài có mặt tại Hội An phải kể đến là môn võ quyền Anh của người Pháp; môn võ Taekwoondo của người Hàn do một võ sư người Hàn mở tại sân vận động Hội An với tên gọi võ đường Thanh Long, người dân địa phương thường gọi là võ Đại Hàn. Tuy nhiên, giai đoạn này ảnh hưởng và phát triển nhất tại Hội An là võ thuật Tây Sơn của người Việt.

          Thông qua một số tư liệu, dấu tích hiện còn lưu giữ tại Hội An như Gia phả tộc Trần ở Cẩm Thanh, tộc Nguyễn Đức ở Thanh Hà, mộ thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn,... đã cho thấy sự hiện diện của phong trào Tây Sơn và đội quân Tây Sơn ở Hội An. Võ Tây Sơn ở Hội An ảnh hưởng võ thuật Trung Hoa nhưng được các võ sư Việt hóa phù hợp với người bản địa. Nổi tiếng ở Hội An có bài Ngọc Trảng quyền và bài Lão Mai quyền. Bài Ngọc Trảng quyền ở Hội An so với các địa phương khác như Bình Đình, Sài Gòn... được xem là dài nhất và vẫn giữ được nguyên bản với 27 câu thiệu, 139 câu từ, 200 động tác.

           Về thầy dạy võ, ở Hội An xuất hiện nhiều thầy dạy võ nổi tiếng, trước hết phải kể đến thầy Xú. Thầy tên thật là Trịnh Tống Quân, thuộc môn phái Thiếu Lâm, người bang Phúc Kiến, Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, làm Thầy thuốc bắc và dạy võ thuật. Thầy Xú rất thích đánh trống chầu, là người sáng lập đội Thiên cẩu Hội An biểu diễn rất nổi tiếng trong thời kỳ này. Đội Thiên cẩu của thầy Xú có tên gọi là Đại Hòa Lạc. Đội thường biểu diễn vào dịp lễ tết, trung thu, khánh thành, khai trương cửa hiệu.
 
HINH VO DUONG

          Kế tiếp sau thầy Xú, ở Hội An xuất hiện nhiều võ sư nổi tiếng như võ sư Năm Sửu tên thật là Hà Sửu với công phu Thạch đầu công, võ sư Năm Khê tên thật là Nguyễn Khuê với công phu Thiết trảo công, võ sư Đội Chưởng tên thật là Trương Chưởng với công phu Bổng đả ba đào, võ sư Trần A Hòa với công phu Khóa roi, võ sư Nguyễn Thời với công phu đòn rước.

         Về võ đường, để có cơ sở hoạt động, các võ sư thành lập cơ sở để giảng dạy võ thuật. Thời gian đầu các cơ sở võ thuật không có bảng hiệu, thường lấy tên thầy dạy gọi tên võ đường. Thầy dạy không mang đai đẳng, không có quy định về võ phục. Sân tập là ở nhà thầy. Đến năm 1973, ở Hội An mới có một số võ đường được thành lập và có bảng hiệu riêng.

          Võ đường Kỳ Sơn do võ sư Trương Chưởng thành lập tại nhà số 67/10, nay là nhà số 51/2 Phan Châu Trinh. Võ đường do võ sư Trương Chưởng làm trưởng môn, huấn luyện viên võ đường là Trần Xuân Mẫn, Võ Viết Hồng.

            Võ đường Ngũ Phụng Sơn do võ sư Nguyễn Khuê thành lập tại xóm hạ Sơn Phong, nay là nhà số 32/5 Nguyễn Duy Hiệu. Võ đường do võ sư Nguyễn Khê làm trưởng môn, huấn luyện viên võ đường là Huỳnh Tiến Lập, Võ Văn Lai, Lê Phi.

           Võ đường Trường An do võ sư Nguyễn Thời thành lập tại nhà số 71/1 Huỳnh Thúc Kháng, nay là nhà số 70/1 đường Hùng Vương. Võ đường do võ sư Nguyễn Thời làm trưởng môn, huấn luyện viên võ đường là Nguyễn Kỳ Tâm.

          Thời kỳ này, các võ đường hoạt động dưới sự quản lý của Tổng cục Quyền thuật Việt Nam. Riêng, thầy Trần A Hòa với sự giúp đỡ của thầy giáo Trần Do đã mở lớp võ thuật Thiếu Lâm tự tại trường Trần Quý Cáp nhưng chỉ duy trì được một thời gian.

          Về dụng cụ tập luyện rất đơn giản, học trò thường dùng bao cát, dây thừng, cột tre, cây chuối… để luyện võ. Người đến học võ thường là con trai. Học trò  học võ đi lễ thầy vào mùng 5 và lễ Tết. Ngày xưa ở Hội An có lệ xem tướng khi thu nhận học trò. Hầu như vị thầy nào cũng nhắm tướng mạo của học trò đến xin học để quyết định có nên nhận hay không. Có những học trò học võ 3 - 4 năm nhưng không có thành tựu nổi bật, nhưng cũng có những học trò chỉ học võ khoảng 3 - 4 tháng thì được thầy truyền dạy những tuyệt kỹ, kỹ thuật phức tạp, hay là những bí quyết của thầy.

          Về nội dung học, thời kỳ này học ít bài, chủ yếu là một số bài võ như Võ dưỡng sinh Thiết tuyến, Dịch cân kinh, Thiết sa chưởng, Thiết túy quyền, Thạch đầu đà, Hà Ma công...

          Có thể nói, hoạt động võ thuật ở Hội An giai đoạn này khá sôi nổi, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm các hoạt động thể dục thể thao ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung trước đây, cung cấp nhiều tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu võ thuật Hội An trước năm 1975.
         
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây