Tạo sinh khí cho bảo tàng

Thứ năm - 22/12/2016 03:54
Không chỉ đơn thuần với chức năng lưu giữ, trưng bày hiện vật, nhiều bảo tàng ngày càng rõ hơn vai trò là một thiết chế văn hóa công cộng, thu hút du khách gần xa.
          
images1314807 trang7A 14

Bảo tàng tỉnh vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện khâu trưng bày hiện vật.

          Thời gian tới, ngoài việc Bảo tàng Quảng Nam hoàn thiện giai đoạn 2 và chính thức đưa vào hoạt động, tỉnh sẽ có thêm Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng nơi trưng bày, lưu giữ hiện vật, câu chuyện cảm động về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Câu chuyện làm thế nào để các bảo tàng thoát khỏi cảnh đìu hiu, luôn là trăn trở của nhiều người. Và với những nỗ lực đang được thực hiện, hy vọng sẽ có quả ngọt ở tương lai.

          Nỗ lực đưa bảo tàng vào cộng đồng
 
Mới đây, một cuộc Hội thảo khoa học “Bảo tàng với hoạt động giáo dục, trải nghiệm và kết nối lữ hành - trường học” do Bảo tàng Văn hóa Việt Nam tổ chức đã đưa ra các điểm nhìn khác lạ nhằm kích thích hoạt động của bảo tàng. Xây dựng giải pháp để mở rộng kết nối bảo tàng với trường học, các hãng lữ hành du lịch trong cả nước tham gia vào hoạt động giáo dục, trải nghiệm; đưa bảo tàng thật sự trở thành điểm vui chơi, học tập và khám phá giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam của công chúng, sẽ là mục tiêu chung cho bảo tàng trong nay mai.
        May mắn nằm ở một vị trí thuận lợi, những phòng triển lãm chuyên đề, hay được gọi là các bảo tàng mini tại Hội An, luôn luôn nhận được sự quan tâm của du khách lẫn người dân địa phương. Thành công nhất của các bảo tàng ở Hội An, chính là đã kết nối được với cộng đồng cùng tham gia từ trực tiếp lẫn gián tiếp đến các hoạt động của những thiết chế đặc biệt này. Bà Lê Thị Tuấn - cán bộ phụ trách bảo tàng của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ: “Tính cộng đồng trong hoạt động bảo tàng là những người dân sống tại địa phương cùng tham gia trong các hoạt động chuyên môn, trải nghiệm tại bảo tàng. Họ có trách nhiệm và được chia sẻ lợi ích từ các hoạt động này”. Theo bà Tuấn, hoạt động bảo tàng rất cần có sự tham gia của cộng đồng, như công tác sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền giáo dục, trình diễn nghề truyền thống.



 
images1314808 bao tang

Viết thư pháp - một trong những hoạt động thu hút người dân và du khách đến với
Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An. Ảnh: S.ANH

          “Hiện nay các bảo tàng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện vật, trong khi đó muốn đưa được hiện vật gốc về bảo tàng lại phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Vì vậy, sự tham gia của mạng lưới cộng đồng địa phương trong việc sưu tầm hiện vật hết sức quan trọng. Cộng đồng dễ dàng phát hiện ra hiện vật, đồng thời với những kinh nghiệm, tri thức dân gian của họ sẽ làm cho các chuyên đề trưng bày sinh động, gần gũi công chúng hơn. Và cũng chính cộng đồng là người hiểu rõ khán giả thật sự cần gì, muốn gì” - bà Tuấn nói. Ngoài ra, hoạt động trải nghiệm ở các bảo tàng của Hội An đều hướng đến người dân sở tại, với mục tiêu tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử cho nhiều lớp người. Từ trình diễn nghề truyền thống tại bảo tàng, đến việc đưa học sinh đến bảo tàng của nhà trường, người địa phương làm thuyết minh viên… khiến những hoạt động bảo tàng của Hội An luôn luôn đầy hấp lực.

           Độc đáo để khác biệt
 
Trưng bày khoa học - một cách để thu hút khách
Giữa tháng 11 vừa qua, Hội An đã mở cửa trở lại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, sau một thời gian tu sửa và nâng cấp. Hàng năm, bảo tàng này đón hàng trăm nghìn lượt khách. Thành lập năm 1995, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh cũng được xem như mô hình bảo tàng mini thành công của Hội An. Bảo tàng này lưu giữ bộ sưu tập độc đáo và phong phú với hơn 1.000 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách nay 2.000 năm. Hiện vật ở đây đều có địa chỉ khảo cổ học cùng với hệ thống tài liệu, ảnh chụp minh chứng cho vị trí của chúng trong lòng đất. Ngoài ra, còn có các di chỉ phát hiện được ở Bãi Ông (Cù Lao Chàm) hay một số vùng lân cận Hội An… phản ánh thông tin nhiều chiều về tộc người xưa.
Và Hội An không chỉ có Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh làm được một hệ thống trưng bày khoa học, phong phú và cuốn hút. Nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh - bảo tàng cá nhân về đồng chí Cao Hồng Lãnh cũng như lưu giữ một giai đoạn của phong trào Duy Tân nức tiếng xứ Quảng với tên gọi nhà cổ Đức An; hay Phòng truyền thống cách mạng Hội An, đủ dựng nên một giai đoạn hào hùng của đất cổ thị. Còn có Bảo tàng Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Lịch sử Văn hóa… đều trưng bày bố trí hợp lý để người xem dễ dàng nhận biết và hình dung.
         Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, nếu Hội An thuận lợi vì ở vị trí của một khu di sản với lượng khách đông đảo, thì ở những địa phương không thuận lợi được như thế, bảo tàng muốn tạo dấu ấn phải độc đáo. Độc đáo từ việc sở hữu các bộ sưu tập đến câu chuyện trưng bày và cách tạo điểm nhấn. “Cùng hiện vật đó, nhưng có những bộ sưu tập rất hút người xem, đó là do cách thức trưng bày, cách thức thuyết minh của mỗi bảo tàng” - ông Tịnh nói. Cũng theo ông, mỗi bảo tàng phải có bộ sưu tập đặc sắc là cách thức duy nhất để hấp dẫn, lôi kéo người tìm đến.

         Với Bảo tàng tỉnh, ngoài thuận lợi là đang sở hữu một cơ ngơi bề thế, theo ông Tịnh, số lượng hiện vật của bảo tàng cũng không hề thua kém các bảo tàng lớn trên cả nước. Bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng tỉnh đã lên đến con số hàng chục nghìn đơn vị từ năm 2010. Bất lợi duy nhất là Bảo tàng tỉnh nằm ở một vị trí thưa vắng khách du lịch. Hiện tại thiết chế này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên cũng chưa thể đánh giá được mức độ thành công sau này. Nhưng ông Tịnh rất lạc quan, khi cho rằng Bảo tàng tỉnh đang đi theo hướng trưng bày sản phẩm đặc sắc của địa phương. Cách thức trưng bày cùng sự phong phú của hiện vật sẽ tạo nên sự khác biệt. Riêng với Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hoàn thiện trong thời gian tới, và là bảo tàng duy nhất trên cả nước chỉ trưng bày hiện vật về Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Để tránh sự lặp lại của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng với các hình ảnh hiện vật sẽ được bố trí theo 3 chủ điểm: Mẹ Việt Nam, Mẹ Tổ quốc; Mẹ Việt Nam anh hùng và một không gian về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Ông Tịnh cho biết, với cách tổ chức như vậy, hy vọng sẽ tạo được cảm xúc với những người tới thăm viếng tượng đài và tham quan bảo tàng…

            Sẽ còn nhiều ưu tư về hiện trạng của các thiết chế văn hóa đặc biệt này, nhưng hy vọng, với những sự chăm chuốt, ít ra, các bảo tàng ở xứ Quảng cũng sẽ trở thành điểm nhấn của vùng đất với khách đến Quảng Nam.
 

Tác giả: Song Anh

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây