Chuyện này thì khá cũ, chuyện xảy ra ở Tân Bình, Sài Gòn thời Pháp, lúc đó vùng này còn thưa thớt người ở, có nhiều gia đình Quảng Nam đầu tiên vào làm nghề dệt ở đây. Có một mẹ đẻ khó, bà mụ làm hết cách rồi nhưng đứa trẻ vẫn không chịu ra, lúc này bệnh viện cũng chưa có, mà trời thì đang sắp tối, không khéo... Gia đình rất lo lắng, chưa biết tính sao, thì có một ông thầy đồ đi qua, thấy cả nhà xôn xao mới vào hỏi chuyện. Nghe người nhà nói xong ông phẩy tay: “
Tưởng chi, để tui”. Nói xong ông bước vào buồng, nhìn quanh rồi hét lớn: “
Mặt trời lên cây sào rồi kìa, con trai con lứa gì mà ngủ nướng, hư quá!”. Nói xong lão quay ra, vừa bước ra khỏi cửa buồng đã nghe tiếng trẻ khóc oa oa. Có người hét: Con trai! Ông thầy giỏi thiệt! Cả nhà mừng rơn, vội cơm nước đãi thầy đồ. Khi mọi chuyện đã yên, cơm rượu cũng xong, người nhà mới hỏi ông làm cách gì mà tài vậy. Lão thầy đồ thủng thẳng đáp: “
Tui nghe giọng thì biết cả nhà mình người Quảng Nam mới vô đây mần ăn phải không? Mà người Quảng thì hay cãi phải không? Hì hì... trời gần tối mà tui nói đã sáng, đồ lười, là hắn có ngủ nướng cũng phải chui ra mà cãi chớ răng. Khà khà.... đúng là đầu hàng với dân Quảng Nam các ông!”. Và đây là chuyện thật trăm phần trăm, những chuyện trên dầu sao cũng là giai thoại, nhằm minh họa hơn là phản ảnh, riêng chuyện này thì không chỉ phản ảnh mà còn cho thấy sự căng thẳng trong giao tiếp của cái tính cách khá dễ nhận ra này. Trong sách “
Hồi ký trên đường đi tìm Tú Quỳ” tác giả Thy Hảo Trương Duy Hy kể: “
Thật khó quên buổi hội kiến với cụ Nguyễn Xương Thái, nguyên thư ký báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Thái người Điện Bàn. Hồi đó có đôi bạn đến bảo tôi nên tìm gặp cụ vì chắc cụ biết nhiều về Tú Quỳ, nhất là nghiệp vụ ngày cụ làm báo Tiếng Dân, hẳn cụ gần gũi với nhiều vị túc nho. Riêng tôi không lạ gì cụ! Cuối năm 1959, tôi gặp cụ trong bữa tiệc mừng đầy tháng do người bạn khoản đãi tại Điện Bàn, với lý do vợ anh vừa sinh con thứ bảy là trai, sáu đứa đầu đều là gái cả. Số thực khách được giới hạn là hiệu trưởng, các thầy dạy cấp II trường Diên Hồng, trường Sào Nam; vợ chồng bác sĩ Quý ở Hội An, ông quận Thái quận trưởng Điện Bàn. Sau khi gia chủ quận Thái cho phép đốt pháo trước khi vào tiệc và gia chủ tuyên bố lý do, cụ Thái đứng lên phát biểu, nói chậm rãi:- Đại diện cho các ông các bà tham dự bữa tiệc hôm nay tôi xin có đôi lời: Bữa tiệc này là bữa tiệc mừng gia chủ sinh được một con trai. Tôi thấy các món ăn bày biện ở đây rất ngon, vậy chúng tôi được mời đến là để ăn! Còn như mừng cháu trai thì không dám mừng, vì lỡ như ngày sau lớn lên, nó làm điều bất lương hại nước, hại dân thì mừng sao được!!!... Gia chủ đứng cạnh vâng vâng, dạ dạ chứ không dám phản ứng gì cả. Gia chủ là anh Thiệp, vừa ra tù do Diệm bắt, về sau làm dân biểu quốc hội ở Sài Gòn, nay định cư ở Hoa Kỳ. Chưa hết, trước khi chia tay cụ Thái lại đứng lên cảm ơn: - Bữa tiệc ngon quá! Chúng tôi rất cảm ơn gia chủ và chúc gia chủ... sang năm cũng lại sinh con trai nữa để chúng tôi lại được mời ăn!”.(hết trích)
Thật hết biết. Chuyện cụ Ông Ích Khiêm mời các quan trong huyện đến ăn tiệc rồi mắng người nhà khi gọi nước mấy lần không bưng lên: “Mả cha bọn bây, cứ vục mặt vô ăn mà không lo chi đến nước!”. Ở đây, bữa tiệc đầy tháng này không có lý do gì để mắng ai cả, hay cụ muốn nói kháy vị quận trưởng Điện Bàn cũng có mặt trong buổi tiệc? Nhưng nếu vậy thì tội cho gia chủ, tội cho cả đứa bé nữa chứ. Cụ Thái rõ ràng là người có học, có chữ thế nhưng cái tính cách khi đã nghĩ trong đầu thì phải nói ra đằng miệng cho bằng được này thì rất rõ nét tính cách đặc trưng của người Quảng Nam.
* Đã nhiều người bàn về tính hay cãi của người Quảng Nam, lý giải được nhiều người nghĩ đến có thể quy vào ba nguyên nhân chính:
1/ Đây là nơi có môi trường sống không dễ dàng, thậm chí khắc nghiệt, mùa hè thì nóng bức, mùa mưa thì bão lụt, con người phải mạnh mẽ lắm mới tồn tại được, lâu ngày thành thói quen, nên có tính cách mạnh mẽ, dữ dội.
2/ Đây là nơi lưu đày các tội đồ của triều đình, là nơi tụ hội của dân tứ chiến, đầu trộm đuôi cướp. Chính cái tính cách mạnh mẽ dữ dội của họ đã truyền lại cho con cháu mà thành nên tính cách quyết liệt của người Quảng hôm nay.
3/ Đây là đất của người Chăm, mà trong lịch sử người Chăm được Sử ký toàn thư ghi lại là họ luôn cướp phá vùng ven biển. Trong các nghiên cứu của các học giả phương Tây thì người Chăm giỏi nghề đi biển
[1] và trong sự giao lưu, tiếp biến văn hóa người Việt tiếp thu nhiều thứ trong đó tiếp thu cả tính cách “ăn sóng nói gió” này. Đặc biệt, trong “Dư Địa chí” của Nguyễn Trãi có câu khi đề cập đến vùng Thuận Hóa: “
Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm, tính tình hung hãn, quen khổ sở”
[2] (Ý này thực ra chưa nhiều người đề cập đến nhưng ta có thể xem đây như một ý kiến quan trọng cần xét đến nếu muốn chạm đến cái gì lớn lao hơn).
Có lẽ ngay bản thân những người nêu lên các nguyên nhân giả định này cũng cảm thấy có gì đó không ổn, nói thì nói vậy chứ ai cũng biết Quảng Nam chưa phải là nơi có môi trường khí hậu khắc nghiệt nhất, nếu phải bầu chọn thì có lẽ Quảng Trị, Quảng Bình mới là nơi có môi trường sống khó khăn nhất; thế nhưng ta lại thấy đó lại là nơi lạc quan nhất nước, khôi hài nhất nước với chuyện trạng Vĩnh Hoàng, chẳng hạn. Và thực tế tính cách người Quảng Trị, Quảng Bình là khá vui nhộn, nhẹ nhõm.
Còn nếu như đây là cá tính của những tội nhân lưu đày từ năm, sáu trăm năm trước thì bản thân quê hương họ vùng Thanh Nghệ, nơi tạo nên những tính cách đó mới là nơi lưu giữ sự gay gắt hoặc hay cãi chứ? Và nữa, những nơi lưu giữ tội nhân lưu đày, hoặc tập hợp dân tứ chiếng trong lịch sử như vùng đất phương Nam hoặc miền Tây Nam bộ sao lại không có tính cách này?
Nếu đây là sự kế thừa tính cách của người Chăm thì cớ sao vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lại không nổi bật tính hay cãi này trong khi các vùng đất này mới chính là nơi người Chàm sinh sống và chuyển sang Việt muộn hơn rất nhiều so với Quảng Nam?
Từ góc nhìn phân kỳ lịch sử chúng ta hiểu cần phải nhìn vấn đề ngay trong cái thời gian đằng đẵng 500 năm ấy. Đã thực sự đã có ngót 500 năm hai tộc người Chăm - Việt sống cạnh nhau, tôn trọng, hòa hiếu hay không tùy theo từng thời nhưng chắc chắc rằng trong suốt 500 năm đó, bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong.
Có nhiều bằng chứng cho biết đến năm 1.802 (khi Gia Long lên ngôi) ở Đà Nẵng Quảng Nam vẫn còn rất nhiều những làng Chàm sinh sống, thậm chí họ vẫn bảo lưu được giọng nói, y phục của mình mặc dù đã mất chủ quyền từ 500 năm trước. Điều đó có nghĩa là họ, người Chàm, đã ý thức về bản sắc văn hóa của mình và họ quyết bảo lưu, giữ gìn nó. Hãy thử hình dung họ bảo lưu bằng cách gì nếu đó không phải là thái độ phê phán gay gắt những gì khác mình? Những khảo sát ban đầu cho thấy suốt một thời gian dài các làng Chăm - Việt ấy đã cài da báo, sống xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một con bàu, hay thậm chí một con đường làng chỉ lọt chiếc xe bò! Có nghĩa là mở mắt ra đồng họ đã chạm nhau; hai thửa ruộng chỉ cách nhau một con đường hay bờ ruộng nhỏ… có nghĩa là sự va chạm là dai dẳng trong suốt thời gian hơn nửa thiên niên kỷ ấy.
Có nhiều bằng chứng về sự xung đột hai nền văn hóa này. Chiếu bình Chiêm có những câu “ Bọn búi tóc dùi”, “Nó cấm dân ta mổ thịt”... Tại sao lại cấm mổ thịt? Vì người Chăm thờ bò trong khi người Việt thì mổ bò khi cả làng ăn hội (ồn như mổ bò). Trong khi người Việt bảo người phụ nữ phải tam tòng tứ đức phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng thì người phụ nữ Chăm nắm hết quyền hành gia đình, cởi áo phơi ngực ra mà nhảy múa ngày lễ hội. Khi người Việt bảo Trời, Phật mới là tối thượng thì người Chăm bảo không Siva, Visnu mới là đấng tối cao... Cứ vậy họ đã cãi nhau suốt cái thời gian đằng đẵng ấy. Người lớn cãi là dĩ nhiên mà trong những phạm trù này trẻ con cũng rất thích cãi: “Tau đi đường ni có bông có hoa. Mi đi đường nớ có ma đứng đường. Tau đi đường ni có bụi tùm lùm. Mi đi đường nớ có hùm chụp mi” (đồng dao Quảng Nam)...
Ai cũng như phải cố trung thành với niềm tin của mình, cố khẳng định mình đúng, có sai phè ra cũng phải cãi cố cho được là mình đúng. Đây không phải chỉ là tính bảo thủ mà là sự sống còn của bản sắc văn hóa, sống còn hay diệt vong của một dân tộc! Và phải chăng chính nhờ thế mà họ đã bảo lưu được bản sắc văn hóa của mình suốt 500 năm? Đến tận năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, với những thiết chế văn hóa phong kiến mạnh mẽ, văn minh phong kiến Việt độc tôn, đẩy văn hóa Champa thành sự xa lạ, nhất là dưới thời Minh Mạng, sự xung đột này mới chịu mất đi với sự ưu tiên vượt trội của văn hóa Việt. Thế nhưng tính hay cãi thì đã nhiễm vào máu mất rồi!
Nhưng mọi chuyện hình như không phải chỉ có thế, nếu chỉ có thế thì giả định này xét cho cùng cũng giống như các giả định trên, không thể kiểm chứng một cách khoa học được. Và nếu được phản biện, liệu cái tính hay cãi do xung đột văn hóa có tiếp tục được duy trì khi chí ít từ 1802 sự xung đột này không còn nữa? 200 năm là hơn 8 thế hệ không còn phải tranh cãi hơn thua văn hóa nữa thì cơ sở nào để sự tranh cãi được nuôi dưỡng hết thế hệ này đến thế hệ khác?
Câu hỏi này đã dẫn đến một giả định khác, chúng tôi đồ chừng dường như chính ngay trong giọng nói, cách biểu đạt của phương ngữ Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tính cách người Quảng. Thế nhưng giả định này thật khó tin, nó hoàn toàn chưa từng có một tiền lệ nào để có thể đặt niềm tin ngoại trừ những nhận xét vui trong trà dư tửu hậu, hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào, như: Tiếng Pháp là để nói với người yêu, tiếng Anh là để hành chính, tiếng Đức để nói với kẻ thù; hoặc: Giọng Bắc để nói chính trị, Giọng Nam để làm ăn vì xởi lởi, giọng Huế nói với người yêu, giọng Quảng Nam để cãi, hay làm luật sư v.v...
Nhiều lần về vùng quê, tiếp xúc với những bà mẹ bà chị, có người cả đời chưa ra khỏi làng, lặng im nghe họ nói, và trong một lúc chúng tôi chợt nhận ra họ sử dụng một lượng vốn từ vựng nghèo nàn, thiếu hụt một cách trầm trọng!
Không kể số danh từ vật nào tên nấy, không thiếu; nhưng với tính từ, trạng từ, nhất là số từ biểu lộ tình cảm người Quảng Nam thiếu một cách không thể tưởng tượng được. Những câu người Bắc, người khu Bốn, Quảng Trị Huế diễn đạt một cách đơn giản, dễ dàng, sắc thái biểu cảm sinh động như: Điêu; quá đáng; tinh tướng; lấp lánh; hão; háo; vẽ chuyện; ra phết, đanh đá... thì người Quảng Nam hoàn toàn không biết đến những từ này! Và xem một người Quảng Nam diễn đạt vất vả một chuyện gì đó ta hiểu họ đã phải thay sự diễn đạt đó bằng những câu khái quát chung như: “Cái này cái nọ”, “nói chung là”,... được xuất hiện với tầng số khá phổ biến, trong khi người miền khác lại không dùng đến. Mời xem lại chương về “Giọng nói người Quảng Nam” (trang...) và “Vấn đề vốn từ vựng của người Quảng” (trang...).
Đây không còn câu trả lời nào khác ngoài hiện tượng ngôn ngữ đã được nhiều nhà ngôn ngữ khẳng định: Một cộng đồng người đã từ bỏ tiếng nói mẹ đẻ để nói một ngôn ngữ khác. Ở đây, đó chính là người Chàm đã từ bỏ tiếng Chàm để nói tiếng Việt!
Nhưng vấn đề vốn từ vựng người Quảng ảnh hưởng thế nào đến tính cách của họ?
Nhiều người nhận xét người Quảng Nam
“ăn cục nói hòn”, “nghĩ sao nói vậy”, ghét kẻ “mồm miệng đỡ chân tay” “đĩ miệng”, “ba voi không được bát nước xáo”, tính tình bộc trực, “nói thẳng ruột ngựa”... thế nhưng tại sao lại
“ăn cục nói hòn” thì hầu như chưa ai chạm đến? Theo chúng tôi, đó chính là vì sự thiếu vốn từ trong diễn đạt đã khiến sự diễn đạt trở thành
“ăn cục nói hòn”!
Phải chăng, chính sự diễn đạt khó khăn đó đã tạo nên tính cách? Tại sao, mặc dầu biết rõ “
Lời nói chẳng mất tiền mua; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc “
Nói ngọt lọt tới xương” nhưng “nói ngọt” với người Quảng Nam dường như là điều vô cùng khó ! Chính vì không thể diễn đạt được các sắc thái tình cảm tinh tế, không nói được điều cần nói một cách bay bổng, nhẹ nhõm, người Quảng Nam đã lấy sự chân thành, nói thẳng mà bù trừ? Chính vì không diễn đạt được, không ba hoa bóng bẩy được nên người Quảng Nam lấy nói thẳng làm ưu thế, lấy thẳng thắn trung thực làm sở trường để chống lại cái sở đoản trong văn hóa diễn đạt? Mà nói thẳng thì hay gay gắt; chân thành thì hay giận; trung thực thì hay cáu vì đòi hỏi ai cũng trung thực như mình. Tất cả những tính cách ấy đều dẫn đến một thái độ tương đối căng thẳng trong cuộc sống.
Khi nói đến tính hay cãi của người Quảng Nam người ta thường lấy ví dụ về sự nghiệp canh tân đổi mới của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Khôi... để bênh vực cho vẻ đẹp của tính hay cãi nhưng xét cho cùng sự canh tân đổi mới đâu có xuất phát từ sự hay cãi; người vùng nào mà không có những vĩ nhân đi đầu trong canh tân đổi mới điều gì đó trong suốt lịch sử nhiều ngàn năm của vùng đất đó ? Hay cãi chỉ thành vấn đề khi chuyện vụn vặt không đáng cãi mà cũng vẫn cứ cái. Trong một cuộc đàm luận, ai đó nói điều trái ý, với người Bắc chỉ cần nói: “
Bác cứ nói thế chứ em thì em nghĩ khác”; hoặc: “
Bác cứ quá lời”. Nhưng đó là một ông Quảng Nam thì mọi chuyện đã khác : “
Mi nói nghe ngu quá, hắn không lọt cái lỗ tai”, đã là nhẹ lắm rồi, nếu không thì: “
Núa như con kẹt, con nít núa nghe còn hay hơn” !
Chúng ta thử đọc một vài bài thơ, vè do người Quảng Nam viết để cảm nhận mức độ nào đó về vốn từ họ sử dụng cũng như khả năng tìm sự diễn đạt thay thế là như thế nào.
Một bài về nghề dệt tằm tơ
:Làng ta ươm dệt tơ tằm
Tay thoi dịu nhút đũa tranh sợ vàng
Vải ta chẳng giống láng giềng
Khổ tuy hẹp tré nhưng mình mịn thanh
Lụa mỡ gà, vải Hà Đông
Đông hàn ấm hiểm, hè nồng mát ghê
Tuýt-so chỉ đánh hết chê
Đóng bộ đồ lớn bắt mê bắt thèm
Sa-tanh, hạnh phúc đệm bông
Mặc vô mát rượi anh hoanh hơn nàng
Trơn lu láng cóng tay rờ
Gái trai thêm ngộ, thêm gồ, thêm ngon.
Một bài khác, không sử dụng phương ngữ hơi cường điệu như trên mà là một bài huê tình, nghĩa các trạng thái tâm lý, tình cảm là khá tinh tế, nhưng đọc bài thơ ta chỉ thấy những khái niệm được mô tả bằng những con chữ tối thiểu, những so sánh biểu dụ được sử dụng tối đa nhằm thay thế cho sự mô tả nội tâm khá là nhạy cảm của người phụ nữ lúc xa người mình thương:
Giếng sâu lấp lại sao đầy
Dẫu thương cho mấy hồi nầy cũng xa
Đêm đông mờ mịt sương sa
Tay choàng qua cổ bậu, khóc òa như mưa
Thiếp với mình tình cũ nghĩa xưa
Dầu tối như mực cũng đưa nhau về
Bên chàng chiếu trải gối kề
Thương chưa nói thiệt mình về kẻo khuya
Dẫu mà phụ mẫu phân chia
Đừng rời mới lịch, đừng lìa mới xinh
Nghiêng tai hỏi nhỏ chút tình
Còn thương như cũ hay mình hết thương?
Chừng nào con ngựa rời cương
Thì đây thiếp mới hết thương chút tình...
Đây quả thực là một ví dụ sinh động về tính cách “có chi nói thẳng”, “ăn cục nói hòn” “nghĩ sao nói vậy” không thích vòng vo, đong đưa, bóng gió. “Thương chưa nói thiệt mình về kẻo khuya”. Nếu chuyển sang ngôn ngữ đối thoại hằng ngày thì sẽ là: “Thương không nói trớt để tui về kẻo khuya!”. Và nữa: “Nghiêng tai hỏi nhỏ chút tình, còn thương như cũ hay mình hết thương”. Vâng, lòng dạ em vậy, bụng em nghĩ vậy, em hỏi thẳng vậy. Nếu đây là một người con gái Bắc Bộ, con gái Huế thì họ sẽ nói sao?
Phải chăng chính cái lục cục lòn hòn, chính sự thô ráp tối đa trong biểu cảm của những người mẹ như thế này đã truyền lại cho con cái họ sự bộc trực trong diễn đạt, ngắn gọn chính xác và tối giản nhất trong giao tiếp, lại được nuôi dưỡng trong cái môi trường xung đột văn hóa kéo dài đã khiến hình thành nên tính cách người Quảng Nam? Và từ đó, đi đến tính cách hay cãi có lẽ là khoảng cách không xa nếu không nói chính là một.
Cũng như các giả định khác, có thể đúng có thể sai, nhưng chí ít giả định này là có thể chứng minh được nếu ta có được công trình về vốn từ người Quảng và công cụ tâm lý tham gia. Phần xây dựng công cụ đã cố gắng đưa ra một cái nhìn về vấn đề vốn từ của người Quảng, nó cần một công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn thế nhưng cũng tạm đủ cho ta có một cái nhìn không thể bỏ qua trong việc tìm hiểu bản sắc người Quảng Nam. Chí ít thì hướng đi này là có thể chứng minh được, kiểm chứng được và vì thế nó là khoa học hơn các giả định khác về tính cách người Quảng, như cho là do nước uống, do tính cách dân tội đồ lưu đày, do đầu sóng ngọn gió cần phải nói to!
Và một lần nữa yếu tố “người Chàm ở lại” đã để một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn người Quảng Nam hôm nay. Sự thừa nhận điều này không thuộc về khoa học. Cho dù bây giờ ta làm được xét nghiệm ADN với từng người Quảng Nam và kết luận nguồn gốc Chămpa đậm đặc trong mỗi người thì sự thừa nhận nguồn cội cũng thuộc về quyết định của từng người chứ không nằm ở trong cái phiếu xét nghiệm ADN ấy.
Vẫn còn một câu hỏi nữa, tại sao vùng Bình Định, Phú Yên nói người Chăm ở lại đông hơn, chuyển sang nói tiếng Việt muộn hơn lại không vấp phải tính cách hay cãi này mà thường bông lơn hơn, vui nhộn hơn? Theo tôi dường như ở các tỉnh này vấn đề xung đột văn hóa diễn ra không gay gắt bằng Quảng Nam, ở các tỉnh phía Nam này người Chàm ở lại trong suốt chiều dài lịch sử là số đông tuyệt đối, lượng người Việt luôn là số ít cho đến cả sau khi Nguyễn Hoàng vào Nam. Không có hình ảnh da báo, làng Việt xen kẽ làng Chăm kéo dài nhiều trăm năm như ở Quảng Nam. Bằng chứng là số tộc họ có số đời trên 15 ở Quảng Ngãi - Bình Định là vô cùng hiếm. Và trong ngôn ngữ, vấn đề từ vựng và mẫu câu, theo cảm nhận ban đầu, các tỉnh này không rơi vào khủng hoảng thiếu như ở Quảng Nam. Tại sao lại thế thì có lẽ câu trả lời nằm đâu đó trong cái thời gian mà người các tỉnh này chuyển sang nói tiếng Việt, hoặc sự bảo lưu ngôn ngữ của người Chàm ở lại là dai dẳng hơn chúng ta nghĩ. Các tư liệu để lại là chữ Hán, là của người Việt, những tư liệu xã hội thì qua những bức tranh của Barrow đến Đà Nẵng năm 1793, những người mà sử liệu gọi là “mọi” đó nói thứ ngôn ngữ gì thì ta không được biết. Đến lúc nào thì họ mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt, thời Minh Mạng chăng? Lý do gì đi nữa thì ta cũng có vài bằng chứng mơ hồ do luận suy mà có về những người Chàm ở lại chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt rất muộn. Và đây, có phải chính là nguyên nhân để lượng vốn từ, cũng như tính cách người Quảng Nam khá là đặc biệt như đã nói.
Và điều cuối cùng muốn nói, chỉ khi hiểu rõ nguyên nhây gây nên bệnh thì mới có thể chữa dứt được bệnh, chỉ khi hiểu rõ nguồn cơn của tính cách, tuy nhiều tích cực nhưng cũng không ít tiêu cực trong văn hóa giao tiếp, thì ta mới có thể cải thiện được cho lớp trẻ các thế hệ tương lai. Khi nói đến việc một người Quảng Nam hòa nhập trong giao tiếp với người vùng miền khác nhiều người chỉ nghĩ đến vấn đề ngữ âm hay phát âm cố cho chuẩn mà không hay rằng vốn từ mới là điều quan trọng. Chúng tôi tin với số lượng vốn từ phong phú hơn, diễn đạt trôi chảy hơn, mẫu câu giao tiếp nhiều hơn thì tính cách người Quảng sẽ được cải thiện hơn, chí ít là trong diễn đạt, điều mà lối sống hiện đại đòi hỏi ngày càng cao.
Và một kết luận nữa, dù muốn hay không ta cũng phải đi đến kết luận rằng tính cách của con người ta, chính xác hơn, tính cách của một cộng đồng, một dân tộc được quyết định phần lớn ở thứ ngôn ngữ mà họ nói! Người Minh Hương đến Malacca sau 300 năm vẫn giữ nguyên bẳn sắc với ngôn ngữ và lối sống của mình. Cùng lúc đó người Hoa Minh Hưong đến Hội An đã hoàn toàn hòa nhập vào cộng đồng Việt. Câu hỏi đặt là quá lớn nhưng dự cảm về một vai trò nào đó của ngôn ngữ tiếng Việt là có thể đặt ra và xứng đáng để đi đến cùng. Một sức mạnh nào đó, hay đơn giản chỉ là một sự tiện dụng nào đó của tiếng Việt đã khiến cho mọi ngôn ngữ khi tiếp xúc với nó đều như bị tiêu vong? Một kết luận quả thực hết sức to tát và tác giả bài viết này thực sự không muốn, và cũng không đủ sức để đi hết con đường này.
(1) Vợ cả Chế Mân là một công chúa Java, điều đó cho biết mối quan hệ biển đảo của Chiêm Thành là vô cùng mật thiết, điều Đại Việt không hề có trong suốt lịch sử của mình. Sức mạnh thủy binh của Chiêm Thành mạnh đến mức các học giả phương Tây như Massepero hoặc Philippe Papin phải gọi họ là những hải tặc đáng gờm.
(2) Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, trang 235.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền