Di sản văn hóa ở Cẩm Kim qua số liệu điều tra thực địa

Thứ hai - 10/10/2016 03:52
           Cẩm Kim là một trong 13 đơn vị hành chính của thành phố Hội An, nằm, cách trung tâm phố cổ khoảng 1,5km về phía Nam. Qua các tư liệu cho biết, xã Cẩm Kim được hình thành từ nhiều trăm năm trước. Trải qua quá trình cộng cư, sinh tồn, các thế hệ người dân Cẩm Kim đã tạo nên và hiện còn bảo lưu nhiều tài nguyên văn hóa cả về vật thể và phi vật thể có giá trị, không chỉ phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn có tiềm năng phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng cho địa phương. Trên cơ sở điều tra, khảo sát thực tế; đồng thời dựa trên các quy định hiện hành của nhà nước về phân loại di sản văn hóa vật thể (di tích) và di sản văn hóa phi vật thể, đã nhận thấy nguồn tài nguyên văn hóa ở Cẩm Kim rất phong phú về loại hình và biểu hiện sinh động trong đời sống văn hóa hiện nay của người dân địa phương. Dưới đây đã xin nêu số liệu tổng hợp để minh chứng cho điều này.

            Trước hết là loại hình di sản văn hóa vật thể. Qua khảo sát, thống kê, đã ghi nhận ở Cẩm Kim hiện có tổng cộng 54 di tích lịch sử văn hóa; trong đó hiện có 28 di tích đã được công nhận, xếp hạng, đưa vào danh mục bảo tồn và 43 địa điểm có cảnh quan sinh thái - văn hóa đẹp. Cụ thể về di sản văn hóa vật thể có 08 di tích lịch sử đấu tranh cách mạng đều đã được ghi vào danh mục di tích bảo vệ. Trong số các di tích này, có 02 di tích thuộc giai đoạn Tiền khởi nghĩa là vườn bà Thủ Khóa và chùa Kim Bửu; các di tích còn lại như cồn Trùm Phổi, Gò Mồ, Bến chùa … thuộc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật có tổng cộng 46 di tích. Trong loại hình này, theo chức năng sử dụng có các loại: Di tích phục vụ sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng có 13 di tích, bao gồm: đình: 01 di tích, chùa: 01 di tích, miếu: 04 di tích, nhà thờ: 05 di tích, mộ: 01 di tích, lăng: 01 di tích. 13 di tích này đã được ghi vào danh mục bảo vệ, trong đó có 01 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia là nhà thờ tộc Phan Xuân, 02 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là đình tiền hiền Kim Bồng và chùa Kim Bửu. Di tích là nhà ở có kiểu dáng kiến trúc truyền thống có 13 di tích; trong đó 05 di tích đã được ghi vào danh mục bảo vệ. Di tích là giếng cổ có 08 di tích được xây dựng ước khoảng đầu thế kỷ XX, trong đó 02 di tích đã được ghi vào danh mục bảo vệ là giếng Tứ tộc và giếng trong vườn bà Thủ Khóa. Ngoài ra, hiện ở Cẩm Kim còn có 12 giếng nước là giếng bi, hình tròn, được làm trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1975 theo chính sách điền địa của chế độ cũ.

           Một loại hình khác trong di sản văn hóa vật thể phải kể đến ở Cẩm Kim là cảnh quan sinh thái - văn hóa gắn với từng địa điểm, khu vực nhất định. Trong số 43 cảnh quan đẹp có 12 cảnh quan sông nước, 29 cảnh quan khu vực sản xuất nông nghiệp, 01 cảnh quan khu dân cư, 01 cảnh quan khu trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng. Cảnh quan sinh thái - văn hóa ở Cẩm Kim có sự kết hợp đan xen, hài hòa giữa hai yếu tố sinh thái và văn hóa; phong phú và giàu tiềm năng phát triển do chưa bị tác động nhiều.

           Về di sản văn hóa phi vật thể: chúng tôi ghi nhận ở Cẩm Kim có 6 loại hình văn hóa, gồm: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, tri thức dân gian và ẩm thực. Theo từng loại hình cũng có sự phong phú riêng:

          Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có hát múa và trò chơi dân gian. Hát múa có 07 loại gồm: Hát giả vôi, giả gạo; Hát bộ; Hô thai; Hò Khoan; Nói vè; Cải lương; Múa lân; Bài chòi. Trò chơi dân gian có 21 loại gồm: Đua ghe; đá kiện; u mọi; đá gà (gà cỏ); bóng đá; bóng chuyền; nhảy dây (nhảy choáng choáng); đánh tổng; nhảy lò cò (nhảy máy bay); cờ tướng; cờ gánh; tứ sắc; bài tới; đánh lú; đập nồi; nhảy bao bố; kéo co; đẩy gậy; lắc thúng chai; bầu cua; lô tô.

          Loại hình tập quán xã hội có phong tục, tập quán liên quan đến vòng đời; phong tục, tập quán trong phạm vi gia đình, dòng tộc và phong tục, tập quán liên quan đến cộng đồng, xã hội. Phong tục, tập quán liên quan đến vòng đời có 03 loại chủ yếu là trong sinh đẻ, trong hôn nhân và trong tang ma. Phong tục, tập quán trong phạm vi gia đình, dòng tộc có phong tục, tập quán trong cúng tế tại gia đình với ít nhất 10 hình thức thờ tự và 14 lễ cúng tại gia đình; đối với tộc họ là lễ hội tộc hàng năm của 27 chư tộc phái trên địa bàn. Phong tục, tập quán liên quan đến cộng đồng, xã hội được biểu hiện qua nhiều tập tục, lễ nghi liên quan đến hoạt động sản xuất như tục cúng Thần Nông, cúng cơm mới, cúng đất… hay trong sinh hoạt thường ngày của người dân như ăn, ở, mặc,... và trong các hoạt động lễ nghi có tính chất cộng đồng, nổi bật là 05 lễ nghi: lễ cúng mục đồng, cúng vạn nghề mành, cúng vạn nghề giả, cúng bến sông, lễ giỗ tổ nghề mộc.

            Loại hình lễ hội truyền thống thì phong phú và diễn ra quanh năm gắn với các hoạt động nghi lễ diễn ra trong phạm vi cộng đồng, tộc họ và gia đình.

          Loại hình nghề truyền thống có 17 nghề thủ công truyền thống, trong đó có một số nghề mang tính đặc trưng của địa phương như: nghề mộc, nghề ươm tơ dệt lụa, nghề dệt chiếu, nghề đóng ghe bầu, nghề đạp vải, nghề nề và đắp vẽ, ... Ngoài nghề thủ công truyền thống, ở Cẩm Kim còn có một số lượng lớn nghề khác như trong ngư nghiệp có tổng cộng 14 nghề với 03 nghề biển và 11 nghề sông, trong nông nghiệp có tổng cộng 14 nghề với 10 nghề trồng trọt và 4 nghề chăn nuôi. Một số nghề đặc thù của địa phương cũng cần kể đến là nghề buôn nguồn, nghề vận chuyển đò ngang, nghề khám, chữa bệnh Đông y.

           Loại hình tri thức dân gian, nổi bật hơn cả ở địa phương là tri thức dân gian về thời tiết, về khám chữa bệnh và về lao động sản xuất. Trong tri thức dân gian về thời tiết, chúng tôi ghi nhận có hơn 30 kinh nghiệm được tích lũy trong nhân dân để nhận biết về thời tiết và 04 nhóm kinh nghiệm ứng phó với bão, lụt. Trong khám chữa bệnh, bằng các loại cây lá với những phương pháp cơ bản như uống, xông, ăn/đắp trực tiếp, chưng cách thủy, người dân địa phương tích lũy nhiều kinh nghiệm để chữa trị cho 19 bệnh lý thường gặp trong cuộc sống. Trong lao động sản xuất, mỗi nghề đều có rất nhiều kinh nghiệm được người dân tích lũy qua thời gian, trong đó đáng lưu ý nhất là tri thức trong 06 nghề có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống của người dân là nghề trồng lúa, nghề lưới kéo, nghề lưới rọ, nghề rớ, nghề giả cào, nghề mành.

           Loại hình ẩm thực có 33 món ăn có tính truyền thống được chế biến từ những sản vật gắn với đặc điểm tự nhiên, sinh thái của địa phương.

          Có thể nhận thấy, qua số liệu nêu trên phần nào minh chứng cho sự phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa ở Cẩm Kim. Nếu được khai thác, phát huy hiệu quả sẽ là nguồn lợi góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Cẩm Kim trong thời gian đến.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây