Một số thông tin về làng Để Võng xưa ở Hội An

Thứ ba - 04/10/2016 22:15
Trong bản khai folklore về làng xã ở Quảng Nam do Viễn Đông Bác cổ triển khai thực hiện vào năm 1941 - 1943, có nhiều làng xã ở Hội An, điển hình như làng Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong, Để Võng, An Mỹ… Dưới đây xin được giới thiệu một số thông tin liên quan đến làng Để Võng thuộc phường Cẩm Châu hiện nay. Đây là tập tài liệu viết bằng tay đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về làng Để Võng xưa như diện tích, dân số, nghề nghiệp, thần tích, sắc phong, tục tang ma cưới hỏi, đình làng… liên quan đến làng.
          Về thời gian thành lập Để Võng: tài liệu cho biết làng Để Võng thành lập từ đời Hậu Lê, nhưng vẫn còn giữ nhiều bộ thủy điền, địa bộ cùng đinh bộ từ đời vua Thịnh Đức thứ 7 (vua Lê Thần Tông). Về  tiền hiền và hậu hiền của làng, theo Theo một tờ khai vào năm Khải Định thứ 9 có viết, các ông hương chức trong làng và lý trưởng Trần Duy Phúng cho rằng ông Nguyễn Viết Lộ trước đời Thịnh Đức, đi lính thủy binh vào đây, thấy chỗ này có thể định cư được nên khai trưng ra nhiều thủy điền và lập ra xã hiệu là Để Võng, ông này sau được dân làng công nhận là tiền hiền. Sau này có thêm hai ông Đoàn Thế Vinh và Nguyễn Viết Phú khai trưng thêm thủy điền nên được làng công nhận là hậu hiền.

          Về diện tích, dân số nghề nghiệp, thổ sản: diện tích làng Để Võng được trên 20 mẫu kể cả điền thổ và bạch thổ mộ, dân số khoảng 200 người. Làng có quyền lấy thuế trên 6 tờ thủy điền của những người đánh cá trên những con sông từ Cửa Đại đến Hà Bản, từ Cửa Đại đến Trà Nhiêu…Vì thủy tổ của làng trước đây trưng canh những thủy điền truyền đến bây giờ nên nhà nước phong kiến cho làng có quyền kiểm soát tiền thuế. Nghề nghiệp của dân làng là nghề đánh cá, chài lưới. Bởi thế thổ sản của làng chủ yếu là cá tôm. Ngoài ra, trong làng có một số người làm nghề nông và thương mãi, các nghề khác nhưng không được đặc sắc bằng nghề cá. Các nông sản sản xuất được như lúa, khoai, thực phẩm khác trong làng không đủ tiêu thụ nên phải mua các làng khác.

          Về thần sắc, làng Để Võng còn lưu giữ 17 đạo sắc về thần Bạch Mã, Thành Hoàng, Ngũ hành tiên nương, Bích Sơn, Đại Càn… được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự dưới thời vua Minh Mạng đến thời vua Khải Định.

          Về phong tục cưới hỏi, theo quy định hai người trong một làng lấy nhau thì không nộp tiền phí và không có lệ trình làng. Nếu người con trai là người khác làng phải đến trình báo, và làm một mâm cau trầu rượu. Muốn cưới hỏi vợ ở làng này thì phải có 3 lễ, gồm lễ vấn danh, lễ sính và lễ cưới.

          Về tang chế - tang ma, dân trong làng có người chết thì đến trình làng mâm cau trầu rượu, làng sẽ cho người chôn cất, không nộp tiền mộ địa. Làng còn có tục lệ cúng điếu cho những người có công đức với làng và giúp những người nghèo khổ thiếu thốn. Còn việc tang chế thì giống như các làng khác.
 
           Đặc biệt, tập tài liệu còn mô tả khá chi tiết đình làng Để Võng và những lễ cúng liên quan đến đình. Đình nằm bên trái trên con đường số 99 xuống Cửa Đại khoảng 800 thước Tây. Đình làng thoạt nhìn giống như một nhà ở vì có hai chái ngoài là Đông đường và Tây đường. Gian giữa là tiền đường. Gian trong là đình, gian nhỏ sau cùng là hậu tẩm thờ thần. Trước đình có một bình phong, hai bên bình phong đặt tượng con quy và con lân. Tương truyền, đình này trước đây làm bằng tranh trên mảnh đất làm nhà Hội hương bây giờ, đình quay mặt về hướng Đông, lợp ngói và đổi tên vào năm Đinh Hợi, trùng tu lại vào năm Nhâm Thân. Mỗi năm tại đình có tổ chức 3 lễ tế, lễ tế mồng 10 tháng giêng và lễ tế ngày 15 tháng tám chỉ cúng trầm trà hoa quả nhằm cầu yên cho dân làng. Lễ tế ngày 15 tháng ba được tổ chức quy mô hơn, lễ vật gồm 2 con heo, một con dùng để cúng thần cầu mong cho dân làng đánh bắt được nhiều tôm cá, vì làng này có thủy điền; còn 1 con dùng để cúng tiền hiền, nhớ công ơn người đời trước đã khai phá lập làng.

          Ngoài ra, tập tài liệu còn mô tả nhiều thông tin có giá trị khác như việc cai trị trong làng có Phó chánh ban thường trực, hội đồng hào mục cùng ngũ hương, mỗi tháng họp 2 kỳ để xét xử những việc kiện cáo. Nếu làng xét ra người nào phạm tội nặng hay không tuân luật lệ thì giải đến quan để nghiêm trị. Còn việc học hành trong làng, phần vì công bổn ít, phần vì dân số ít nên số lượng con em trong làng đi học không nhiều. Mỗi năm có khoảng 10 học sinh đến trường.

          Có thể nói, những thông tin trong bản khai về làng xã ở Hội An là một nguồn tư liệu quý, cung cấp nhiều thông tin giá trị để nghiên cứu làng xã ở Hội An nói riêng và lịch sử - văn hóa Hội An nói chung trong thời gian đến.
 
 
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây