Vấn đề chờ trông các nhà nghiên cứu xác định: ai là người có công đầu, đâu là nơi ở nước ta mở ra sự hình thành chữ quốc ngữ, một ngày kỷ niệm chữ quốc ngữ mỗi năm vốn đang được nhiều người đặt ra...
Nơi đặt bia di tích cư sở Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định).
Cư sở này được giáo sĩ Francesco Buzomi xây dựng năm 1618 - Ảnh: H.V.M.
Từ nhu cầu cần thiết cho công việc, các giáo sĩ dòng Tên của Công giáo từ phương Tây sang nước ta truyền đạo hồi đầu thế kỷ 17 đã nghĩ đến việc dùng mẫu tự Latin ký âm tiếng Việt để tiện cho đôi bên học hỏi ngôn ngữ của nhau. Phác lại bước đầu của việc sáng chế chữ quốc ngữ - mà lâu nay được gọi là chữ Việt - quả là lý thú và cảm động...
Kiên trì mò mẫm
Theo linh mục Đỗ Quang Chính, S.J. - tác giả sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1620-1659), từ đầu thế kỷ thứ 17 các giáo sĩ dòng Tên đến Nhật Bản truyền đạo đã thành công trong việc dùng mẫu tự Latin để ký âm và làm nên chữ Nhật mới romaji - chữ Nhật Latin hóa - hồi cuối thế kỷ 16. Bởi vậy, khi đến Việt Nam, các giáo sĩ dòng Tên đã vận dụng cách làm này để ký âm tiếng Việt và làm nên chữ Việt mới để thuận lợi cho sứ vụ truyền giáo của mình.
Nhưng các giáo sĩ đến đây dù tất cả đều am hiểu một số ngôn ngữ châu Âu, với họ lúc đầu tiếng Việt quả là rất khó học vì đã đơn âm lại có thanh điệu, rất khó trong việc phát âm, một âm chỉ cần đọc nặng - nhẹ một tí là sẽ có nghĩa hoàn toàn khác nhau. “Khi vừa đến Đàng Trong, nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ học được tiếng Việt” - giáo sĩ Alexandre de Rhodes (gọi tắt là Đắc Lộ), người đến Hội An, Quảng Nam và ở lại cư sở Thanh Chiêm (cách cảng thị Hội An chừng 7km về hướng tây) vào cuối năm 1624 để truyền đạo, kể lại.
Nghe cũng như nói trọn một câu tiếng Việt có nhiều từ hẳn là khó, nhưng với câu chỉ vài từ vẫn không dễ vì cách phát âm theo đúng thanh điệu rất tế nhị. Vẫn giáo sĩ Đắc Lộ kể: một giáo sĩ ở cùng với ông đã nhờ người giúp việc đi chợ mua cá về dùng bữa, nhưng vì cách phát âm của vị giáo sĩ không chuẩn, bà giúp việc thay vì mua cá lại mua về một thúng cà. Biết mình đã nói sai từ “cá” thành “cà”, vị giáo sĩ liền xin lỗi người giúp việc. Còn một vị giáo sĩ khác thì lại làm đám trẻ trong nhà mình hoảng sợ và bỏ chạy tán loạn khi ông nhờ người trong nhà mình đi chém (chặt, đốn) tre nhưng ông lại đọc là đi “chém trẻ”!
Nhưng, vượt qua khó khăn bước đầu, rồi khám phá ra sự “du dương hòa điệu”, “giống như bản nhạc liên hồi” của tiếng Việt - như các giáo sĩ Cristophoro Borri và Đắc Lộ nhận xét, ai có khiếu âm nhạc thì việc học tiếng Việt không khó. Nhờ vậy, qua miệt mài học hỏi, luyện tập, nhiều giáo sĩ - trong đó có Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha), C. Borri (người Ý) và Đắc Lộ (người Pháp) - đã nhanh học được tiếng Việt.
Những giai đoạn mở đầu
Vạn sự khởi đầu nan. Và sự khởi đầu của một công trình, một cuộc cách mạng ngôn ngữ càng rất khó khăn. Linh mục Đỗ Quang Chính đã trân trọng chia lịch sử buổi đầu của việc hình thành chữ quốc ngữ từ năm 1620-1648 thành hai giai đoạn: 1620-1626 và 1631-1648.
Quả là khá nhanh và sớm khi từ năm 1620-1626, nền móng “ngôi nhà” quốc ngữ đã đặt được những viên đá tảng cơ bản, bởi các giáo sĩ dòng Tên chỉ mới đặt chân đến đất Quảng Nam (thuộc xứ Đàng Trong) vào đầu năm 1615, trải qua nhiều lao đao trong việc lập cư sở truyền đạo. Từ cư sở Hội An - 1615, rồi đến các cư sở Nước Mặn (tỉnh Bình Định) -1618 và cư sở Thanh Chiêm (Quảng Nam) - 1623, với nỗ lực học tiếng Việt bền bỉ, các giáo sĩ ở đây đã từng bước Latin hóa được một số từ tiếng Việt về tên đất, tên người cùng những danh từ bản xứ với chiều hướng ngày càng tiến bộ.
Bằng chứng của tiến trình này được rút ra từ những báo cáo thường niên của các giáo sĩ ở các cư sở Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm gửi về vị giám mục bề trên cả dòng Tên ở La Mã, hiện còn lưu giữ ở các thư viện, văn khố các nước châu Âu. Đọc qua các từ quốc ngữ được linh mục Đỗ Quang Chính rút ra từ bảy bản báo cáo thường niên (1620-1626), thật xúc động trước công lao khó nhọc của những người tiên phong làm ra loại chữ cực kỳ thông dụng và khoa học này.
Annam (An Nam), Sinoa, Sinuua (Xứ Hóa/tức Thuận Hóa), Cacham, Cacciam (Ca Chàm/tức Kẻ Chàm hay Thanh Chiêm), Unsai (ông sãi), Ungue, Ungué (ông nghè), Ontrũ (ông trùm), Oundelin (ông đề lĩnh), Banco, Bancô, Bancò (Bàn Cổ), Nuocman (Nước Mặn), Ainam (Hải Nam), Quanghia, Quamnguya (Quảng Nghĩa), Quignhin (Qui Nhơn), Bafu (Bà Phủ/tức vợ quan phủ)... - những địa danh, những danh từ Việt được Latin hóa tiên khởi ở những năm 1620-1621. Dễ nhận thấy là các từ luôn được viết liền, hầu hết không có dấu thanh, thi thoảng các dấu thanh huyền, sắc, ngã, ô được sử dụng.
Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ - Ảnh tư liệu
Bìa cuốn Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong được viết năm 1621-1622 bằng tiếng Ý,
trong đó có một số từ quốc ngữ được viết rời - Ảnh tư liệu
Bắt đầu viết rời các từ
Cũng ở những năm tháng xây nền đặt móng này, việc viết rời các từ đã lác đác xuất hiện. Sayc Kim (sách kinh), Sayc Chiu (sách chữ); Da, an, nua (đã ăn nửa), Da, an, het (đã ăn hết) - nói về hiện tượng nguyện thực; scin mocaij (xin một cái); Dàdèn, Lùt, Dàdèn Lùt (đã đến lụt), Tuijciam, Biet (tui/tôi chẳng biết), Onsaij di Lay (ông sãi đi lại/tức đi đi lại lại); Muon bau dau christiam chiam (muốn vào đạo Christiang chăng?) được giáo sĩ C. Borri viết trong bản tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong (1621-1622) đệ lên đức giáo hoàng Urbanô VII là những bước tiến quan trọng trong tạo lập chữ quốc ngữ, bởi đây là bước khởi đầu việc viết rời các từ.
Từ tiến bộ này, ở giai đoạn hai (1631-1648) trong các bản văn và sách của mình, giáo sĩ Đắc Lộ đã viết rời các từ và nhóm từ Việt, phần lớn vẫn chưa có dấu, nhưng thi thoảng ông lại cũng viết liền các từ về địa danh, nhân danh cũng như đánh dấu thanh cho một vài từ. Đáng nói là việc đưa các dấu thanh Hi Lạp (huyền, sắc, ngã) vào để tạo dần sự hoàn chỉnh âm vận cũng như thêm chữ “đ” vào bộ mẫu tự Latin cho quốc ngữ của giáo sĩ Gaspar d’Amaral (người Bồ Đào Nha).
Đàng tlaõ (Đàng Trong), Đàng ngoày (Đàng Ngoài), Đàng tlên (Đàng Trên), nhà thượng đày (nhà thượng đài), nhà huỵen (nhà huyện), oũ Khỏũ (ông Khổng/Khổng Tử), đức vương (đức vương), tế kỳ đạo (tế kỳ đạo), chuá tũ, chuá dũ, chuá quành (chúa Tung, chúa Dũng, chúa Quỳnh/tên các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài), Thíc ca (Thích Ca), chợ thũi (chợ Thủy), Sãy (sãi/sư sãi), thầy (thầy/thầy giảng), đôủ thành (Đông Thành/tên một tu sinh)... Một ít trong số những từ được linh mục Đỗ Quang Chính trích từ các tường trình về hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài của giáo sĩ G. d’Amaral viết vào những năm 1632, 1637 cho thấy vị giáo sĩ này đã đưa việc chế tác chữ quốc ngữ tiến một bước rất dài chỉ trong thời gian rất ngắn.
Tác giả: Huỳnh Văn Mỹ
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn