Chè Phố Hội

Thứ hai - 01/08/2016 03:51
“Hội An trăm vật trăm ngon
Từ từ lỗ miệng, để chồng con được nhờ”
          Bên cạnh những món đặc sản thường ngày như mì quảng, cao lầu, bánh bèo, cơm gà…, những món hàng quà ở Hội An cũng rất đa dạng, phong phú, trong đó phải kể đến một số món chè.

          Chè là món ăn ngọt nấu bằng đường với các chất bột, đậu, một số loại hạt khác,... và là món ăn hầu như địa phương nào trên đất nước ta đều có, nhưng chè ở mỗi nơi đều có đặc trưng riêng của địa phương đó. Ở Hội An cũng vậy, chè cũng là món ăn có truyền thống từ khá lâu đời, được bán rải rác ở nhiều nơi và chủ yếu tập trung ở các chợ, vỉa hè, góc phố… Ngoài những địa điểm trên, thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp một số người gánh hoặc đẩy xe bán dạo trên đường.
 
Che ba Ba Ban o via he duong Hoang Van Thu

Gánh chè bà Ba - Ở đường Hoàng Văn Thụ 
 
 
          Không như một số món ăn khác, chè không chỉ là món ăn vặt vào nửa buổi hoặc ăn giải khát vào buổi tối, mà còn là món ăn dùng trong dịp cúng giỗ tại các gia đình (như món xôi chè, chè đậu xanh đặc,…) và đây là món ăn không thiếu ở hầu hết xã/phường, xóm thôn nào trên địa bàn Hội An. Trước đây, khi mà một số món ăn vặt chưa nhiều và phổ biến như hiện nay, thì chè là món ăn vặt được mọi người lựa chọn, đặc biệt là những người thích ăn ngọt.

         Chè ngọt ở Hội An khá phong phú, với các loại chè: chè đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng, đậu ngự, đậu ván, chè bắp, chè thưng, chè chuối, chè hạt sen, chè thập cẩm, chè bột lọc, chè khoai môn. Ngoài các loại chè mang tính truyền thống của cộng đồng cư dân địa phương, ở Hội An còn có một món ăn mang hương vị ngọt rất đặc trưng đó là xí mà, tàu xá, chè trôi nước. Theo người dân địa phương cho biết, đây là một số món ăn được du nhập từ nước ngoài vào Hội An ở các thế kỷ trước, cụ thể là của cộng đồng cư dân người Hoa sinh sống tại Hội An. Qua sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, một số món ăn này đã trở món ăn đặc trưng, phổ biến của cư dân Hội An, mà chủ yếu là ở khu vực trung tâm phố thị. Vì vậy, những món ăn này hầu như chỉ có bán trong khu vực phố cổ.
 
Ba Ninh ban che dao trong K

Chè bà Ninh - bán gánh dạo trong Khu phố cổ Hội An 

           Chè ở phố Hội được bán quanh năm, vào mùa hè nắng nóng thì có một số món chè đậu, như đậu ván, đỏ, xanh, hạt sen… ăn cùng với đá. Vào mùa đông lạnh thì có món chè đặc thường được nấu từ nếp với một số loại đậu như đậu ván, đậu đỏ hoặc chè chuối, chè khoai môn… Nếu như chè đá, khi ăn chè được đựng trong ly thủy tinh, thì chè đặc được đựng trong những chén sứ nhỏ tạo cảm giác hấp dẫn cho người ăn, vì thế đã ăn hết một chén lại muốn ăn thêm chén nữa. Một đặc trưng nữa của chè phố Hội, đó là bên cạnh những hàng quán, những vị trí bán chè cố định thì chè ngọt là một trong những món ăn có truyền thống bán rong, bán dạo, đặc biệt là trong khu vực phố cổ. Những người bán chè dạo trong trang phục bộ đồ bà ba, mặc thêm bên ngoài một chiếc áo để che nắng, đội chiếc nón lá, trên vai là một đôi gánh với những tiếng rao nghe chân chất, mộc mạc. Đó là những hình ảnh, âm thanh quen thuộc và gần gũi với những ai đã từng sống và từng yêu mến Hội An.

           Theo một số cụ cao niên trong khu phố cổ, trước 1975, trong khu phố cổ có một số người bán chè nổi tiếng như: chè bà Hai Lò (ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học), chè bà Quang (149 Trần Phú), chè thưng bà Sùng (Đối diện 57 Trần Phú), chè tàu xá bà Nữ... và hiện tại, vẫn còn một số gánh chè bán lâu năm như chè đậu ván bà Ninh (hiện vẫn còn bán rong trong khu phố cổ), chè bà Ba (lề đường Hoàng Văn Thụ, trước hội quán Ngũ Bang), chè bà Trúc (cây Da Kèn)…

           Những gánh hàng rong, những vị trí, góc phố là nơi mà những gánh hàng rong đi qua, hoặc là địa điểm ngồi bán, cùng với những tiếng rao mộc mạc đã trở thành nét thân quen của những người dân phố Hội và nó lại làm cho họ nhớ hơn khi phải xa quê. Bên cạnh đó, với một số món chè đặc trưng ở Hội An cũng đã thể hiện khá rõ yếu tố giao lưu, hội nhập và dung hòa, tiếp biến văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ những gánh hàng rong truyền thống ở khu phố cổ là điều cần thiết, nhằm góp phần gìn giữ “cái hồn” của phố cổ Hội An cho hôm nay và mai sau.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây