Hệ thống thờ tự và tình trạng cư trú, sử dụng di tích trong Khu phố cổ

Thứ hai - 11/07/2016 04:20
Khu phố cổ Hội An thu hút được đông đảo du khách tham quan bởi nó có giá trị đặc trưng của một “bảo tàng sống” - nơi mà trong di tích, người dân hàng ngày đang gìn giữ nếp sống của bao thế hệ, trải qua nhiều thế kỷ của đô thị thương cảng sầm uất. Tuy nhiên, “Hồn phố” cũng đang đứng trước những tác động lớn của nhu cầu phát triển kinh tế, kinh doanh, của sự phát triển du lịch và nhiều yếu tố khác nữa. Do vậy, gần đây vấn đề bảo tồn, gìn giữ văn hoá phi vật thể, gìn giữ nếp sống Khu phố cổ được các nhà nghiên cứu văn hoá, bảo tồn di sản, các nhà quản lý và người dân Hội An quan tâm. Một trong những việc quan trọng ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn nếp sống, giá trị văn hoá phi vật thể của Khu phố cổ là tình trạng cư trú và  kèm theo đó là hệ thống thờ tự, tín ngưỡng tại mỗi địa điểm cư trú mà cụ thể ở đây là tại mỗi di tích nhà ở.

          Trong bài viết này, từ thông tin khảo sát được tại các nhà dân, tuyến phố, các di tích, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề “Hiện trạng của hệ thống thờ tự và tình trạng cư trú, sử dụng di tích trong Khu phố cổ” nhằm góp thêm tư liệu để bảo tồn di tích, nếp sống cư dân phố cổ.

           1. Đối với tình trạng cư trú:
          - Để quản lý quá trình tu bổ di tích, hạn chế sự biến dạng của di tích, chúng tôi thiết nghĩ rằng cần phải nắm rõ số lượng dân cư sống trong di tích. Qua số liệu 740 phiếu điều tra tại các di tích trong  Khu phố cổ, chúng tôi tạm tính được số liệu phân bố mật độ dân cư thường xuyên ở các ngôi nhà mặt tiền trong Khu phố cổ là 4 người/di tích là nhà ở. Đây là con số không quá cao, không phải là một trong những áp lực chính đối với quá trình biến dạng di tích. Chúng tôi nghĩ, đối với vấn đề dân cư, điều tạo nên áp lực dân số trong Khu phố cổ là số người đến để buôn bán trong Khu phố cổ.

          - Về tình trạng cư trú, có 397 chủ nhà trong Khu phố cổ được điều tra là đã sống trong Khu phố cổ trước 1975. Trong khi đó có 167 chủ hộ là ở ngoài Khu phố cổ đến sinh sống từ sau 1975 và 119 chủ hộ ở ngoài Khu phố cổ đến sinh sống ở Khu phố cổ từ năm 1999. Như vậy là tình trạng nhập cư vào khu phố cổ trong thời gian gần đây vẫn chưa cao.

          - Điều đáng quan tâm là vẫn còn một số gia đình giữ gìn được qui mô gia đình truyền thống 3, 4 thế hệ. Trong đó, có 18 gia đình có 4 thế hệ,  nhiều nhất là ở đường Trần Phú là 10 gia đình. Đây là vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn hoá, xã hội học, bảo tồn cần quan tâm tiếp cận nghiên cứu những gia đình này để thu thập thêm thông tin nghiên cứu về vấn đề mô hình gia đình truyền thống trong bối cảnh văn hoá đô thị, bảo tồn. Vì đây là những gia đình đang lưu giữ những ký ức quan trọng về đời sống sinh hoạt, văn hoá dân gian trong Khu phố cổ qua nhiều thời kỳ.

        - Hiện trong Khu phố cổ đang có 21 di tích thuộc sở hữu tập thể, đa phần thuộc di tích nhà thờ tộc và di tích nhà ở là hiệu buôn lớn ngày xưa. Những di tích này có số lượng người đồng thừa kế lớn, trong số đó có những người thuộc thế hệ thứ 3,4,5 của chủ sở hữu trước đây và cũng có nhiều người đang ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ở nước ngoài. Điều này tạo ra một khó khăn lớn trong việc huy động sự thống nhất, sức lực để kịp thời tu bổ di tích. Bên cạnh đó, số lượng di tích do tư nhân sở hữu chiếm tỷ lệ lớn cũng đã, đang và sẽ là một vấn đề áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo tồn, ngăn chặn sự biến dạng. Nhiều cá nhân vì quan điểm thẩm mỹ cá nhân, vì sự tiện nghi, vì thương mại mà đã cố tình làm sai giấy phép tu bổ được UBND thành phố cấp hoặc sửa chữa lén lút vào đêm khuya, vi phạm qui chế bảo tồn do UBND thành phố qui định và gây ra biến dạng di tích.

         - Về tình trạng sử dụng di tích, 10 năm gần đây, sự phát triển kinh doanh trong khu phố cổ là khá mạnh mẽ, kéo theo đó là việc sử dụng nhà ở là di tích trong Khu phố cổ để kinh doanh cũng tăng lên khá lớn. Cụ thể là trong 740 di tích được điều tra, vào trước năm 2005 có đến 291 ngôi nhà trong Khu phố cổ chỉ để ở thì đến nay chỉ còn 121 di tích, giảm hơn 1 nữa. Tương tự như vậy, hiện nay số ngôi nhà không ở, chỉ để cho thuê kinh doanh tăng lên đến 66 nhà, gần gấp 5 lần so với cách đây 10 năm là 13 nhà. Đây là vấn đề cần quan tâm đối với các nhà quản lý, bảo tồn, bởi di tích được tập trung quá mức vào mục đích kinh doanh sẽ làm che mất đi không gian cổ kính vốn có của nó. Hơn thế nữa, số nhà đang được sử dụng để ở có kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao: 300 nhà. Vì mục đích kinh doanh, nhiều chủ nhà có thể tìm nhiều cách để cơi nới, điều chỉnh những hạng mục, chi tiết gốc hoặc cũ có gía trị kiến trúc nghệ thuật cao. Việc chủ sở hữu di tích thường xuyên vắng mặt cũng gây khó khăn trong tiếp cận khảo sát di tích, phổ biến các chủ trương bảo tồn, vận động bảo tồn di tích hiệu quả.

           2. Về đối tượng thờ tự:
          Khu phố cổ là nơi mà có truyền thống buôn bán từ nhiều thế kỷ, trong đó có nhiều di tích là hiệu buôn có niên đại gần 200 năm. Hiện nay đang có sự phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ phục du khách tham quan Khu phố cổ. Qua khảo sát 740 ngôi nhà trong Khu phố cổ bao gồm nhà công sở, nhà cho thuê của Nhà nước, nhà thờ tộc và nhà có người dân đang ở hàng ngày cũng phản ánh khá rõ nét văn hoá tín ngưỡng của cư dân Khu phố cổ, đó là:

         - Văn hoá thờ tổ tiên vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Truyền thống thờ thần quản gia bao gồm Ngũ tự, Môn thần (thần cửa), Tĩnh thần (thần giếng), Táo Quân, Phước Đức chính thần vẫn được duy trì. Đối với Tĩnh thần thì do có nhiều nhà phố không có giếng nên số lượng thờ không nhiều và khám thờ Phước Đức Chính thần gần như chỉ xuất hiện ở một số gia đình. Có một biểu hiện rõ nét về là tục lệ thờ Quan Thánh, tuy nhiên trường hợp này cũng không quá nhiều, chỉ 49 trường hợp. Thờ Thần tài có 443 trường hợp, cho thấy hoạt động thương mại và tục thờ thần tài của cư dân phố cổ vẫn còn duy trì mạnh mẽ. Về tôn giáo, thì Phật là đối tượng thờ chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, yếu tố giao lưu văn hoá trong tín ngưỡng cũng được thể hiện trong một số hình thức thờ tự của cư dân đô thị, cư dân thương mại như thờ Thiên Hậu thánh mẫu, thờ Bà Chúa Tiên...

          Nhìn chung, qua tiếp cận hiện trạng cư trú và văn hoá tín ngưỡng trong khu phố cổ, chúng tôi nhận thấy yếu tố “sống” của Khu di sản văn còn duy trì tốt, các sinh hoạt và nếp sống văn hoá truyền thống của người dân trong Khu phố cổ vẫn được giữ gìn, trong đó nổi bật có những gia đình có đến 4,5 thế hệ. Đây là những gia đình cần được quan tâm nghiên cứu, phát huy để du khách có thể hiểu thêm về truyền thống văn hoá gia đình trong khu phố cổ. Những yếu tố văn hoá tín ngưỡng truyền thống thể hiện sự giao lưu văn hoá Việt - Hoa vẫn được bảo tồn một cách hài hoà. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần quan tâm đó là vấn đề kinh doanh trong các ngôi nhà, sự di cư để không gian nhà cổ lại phục vụ cho thuê kinh doanh đang tăng lên. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, điều tiết kịp thời những biểu hiện này thì nguy cơ thương mại hoá không gian di sản là rất rõ nét.
 
 
 
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây