Nghề rớ chồ ở Hội An

Chủ nhật - 26/06/2016 22:46
Dọc sông Thu Bồn chảy qua Hội An ra Cửa Đại hay trên sông Cổ Cò, chúng ta thường thấy những chiếc rớ lớn được cố định trên sông để đánh bắt các loại tôm, cá,... mà dân gian gọi là rớ chồ. Đây là một trong những công cụ, phương tiện đánh bắt thủy sản đặc trưng của cư dân vùng sông nước cửa sông ven biển ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, phản ánh nét đa dạng trong văn hóa ngành nghề của cư dân Hội An.
         
12729378 954190781328620 6287641863512105083 n

          Qua lời kể dân gian, nghề này xuất hiện ở Hội An từ rất lâu. Trước đây người ta dùng lưới gai, hiện nay là loại lưới nhợ do nó có độ mềm, bền chắc, chịu được nắng mưa, môi trường nước, lợ. Nghề rớ chồ làm cố định tại một khu vực nước sâu trên sông, diện tích mặt nước rộng thoáng, chính vì vậy chúng ta thường thấy rớ chồ tập trung ở các con sông cái hay những nhánh sông rộng. Bất cứ nghề đánh bắt thủy hải sản nào cũng có những cách hành nghề riêng biệt, nghề rớ chồ cũng vậy, cần có nhiều kinh nghiệm trong cách hành nghề. Nghề rớ chồ thường hoạt động vào mùa nắng ráo từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch, các tháng còn lại mưa gió không thích hợp với nghề rớ này. Vì là công cụ đánh bắt thủy sản được cố định một chỗ trong thời gian dài nên việc chọn vị trí để cặm rớ hết sức được chú trọng. Cặm rớ phải chọn chỗ lòng sông sâu bằng cách dò con nước. Chọn 4 cây tre già thẳng, không quá to cặm 4 góc sao cho khoảng cách từ mặt nước tính lên cao khoảng 4m để treo rớ không chạm mặt nước, sau đó giăng dây giằng qua lại các hướng để khi treo rớ lên không bị ngã. Miệng rớ có cạnh phía trước dài từ 17 - 18 sải, cạnh hai bên là 15 sải, cạnh gần chồ rớ là 13 sải. Chồ rớ làm theo hình chữ nhật, đặt sát mép sông hoặc trên sông sao cho phù hợp với vị trí cặm rớ. Chồ rớ được đóng bằng các cây tre, buộc bằng dây thừng chắc chắn, mái chồ được làm hình vòm bằng các nẹp tre, lợp tấm tranh dừa nước hoặc che bằng tấm bạt. Chồ rớ đặt tấm ván hoặc đan nẹp tre làm chỗ nghỉ ngơi và quay rớ. Phía trước chồ rớ đặt 1 trục quay tròn có tay quay. Trục quay làm bằng gỗ, dài khoảng 1,5m, giữa trục đóng các tay quay bằng tre làm kép được bố trí sao cho vừa tầm tay để quay, giữa rớ và trục quay nối bằng 2 dây gối buộc cố định vào trục quay để có thể quay nâng rớ lên hoặc hạ xuống. Khi kéo rớ đòi hỏi người làm rớ vừa phải dùng sức của đôi tay và lực của đôi chân để quay rớ lên khỏi mặt nước. Hạ rớ xuống thì đơn giản hơn, có thể buông tự do cho rớ chìm xuống nước. Nghề rớ thường làm từ chiều tối đến rạng sáng hôm sau, có một số hộ làm ban ngày. Kỹ thuật néo rớ cũng cần lưu ý, thường khi néo phải là lúc con nước đứng, nước chảy mạnh thì không néo vì khi đó trọng lượng rớ sẽ rất nặng khó néo. Trung bình rớ được ngâm khoảng 1,5 tiếng néo lên 1 lần. Để nhử cá vào trong rớ, trước đây người làm nghề dùng đèn măng xông buộc vào dây căng ngang giữa rớ, nhưng hiện nay thay bằng bóng đèn điện 200 w để chiếu sáng.
 
12985611 1001506936597004 1009862054229342640 n
 
12509002 954201781327520 4925509433643303951 n
         
           Nghề rớ chồ thường đánh bắt các loại cá sông, tôm, cua, ghẹ... Cá thường là các loại cá nhỏ, thỉnh thoảng mới bắt được những loại cá lớn. Rớ được néo lên xong, người néo rớ đội nón nhôm, chèo thuyền ra giữa rớ dùng roi tre nhỏ quét vào lưới dồn các loại cá vào lổ nhỏ nằm ở ngay dưới bụng rớ để trút cá. Khi quét lưới phải theo hướng gió, gió thổi hướng nào thì chèo thuyền theo hướng đó để quét lưới và trút cá được dễ dàng hơn. Thông thường, khi hoạt động nghề rớ chồ cần 2 người làm, một người quay rớ còn người kia bơi thuyền ra quét rớ lấy tôm, cá. Một người vẫn có thể làm được nhưng phải mất nhiều thời gian hơn do phải vừa quay rớ vừa quét. Sau khi đã lấy tôm, cá xong, rớ được hạ xuống để đánh bắt lần tiếp theo. Các loại cá, tôm bắt được được phân loại trên thuyền, sau đó xếp vào rổ hoặc trong thùng ướp lạnh bằng đá, có khi rộng cá dưới nước, chờ đến sáng tinh mơ đem ra chợ bán.
 
13342988 1089537471127283 6952167613602700955 n

          Trong những năm gần đây lượng cá trên sông không còn nhiều như trước nên nghề rớ chồ ở Hội An gặp nhiều khó khăn. Do thu nhập không cao nên một số hộ làm nghề rớ lâu năm đã chuyển sang hình thức đánh bắt khác hoặc chuyển nghề. Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn duy trì nghề này vì đã gắn bó với họ trong thời gian dài và đây cũng là một trong nghề mang tính đặc trưng của vùng sông nước Hội An. Khi ngành du lịch tại Hội An phát triển, nhiều hình thức du lịch được khai thác, đặc biệt du lịch gắn với vùng sông nước được chú trọng, các hãng lữ hành đã đưa một số dịch vụ như làm nông dân, làm thợ, làm ngư dân,… vào phục vụ, nên nghề rớ chồ cũng được sử dụng trong ngành dịch vụ này để phục vụ du khách cùng tham gia, một mặt tạo thêm thu nhập cho ngư dân, mặt khác quảng bá văn hóa Hội An đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước./.
 
 
 
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây