Di tích dinh trấn Thanh Chiêm và mối quan hệ của nó với bức tranh Chaya

Thứ năm - 23/06/2016 04:00
Phố cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía đông Nam. Tại đây, người ta vẫn còn lưu giữ những dãy nhà gỗ truyền thống được dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Hội An vừa là một đô thị cổ của Việt Nam lại vừa là một cảng thị cổ kính ở Đông Nam Á. Từ thế kỷ XVIII, Hội An đã từng là một thương cảng có tầm vóc quốc tế, ở đây vẫn còn những dấu tích về sự tồn tại của phố Nhật, nơi người Nhật từng sống tập trung, lập thương quán để buôn bán và thu mua hàng hóa từ thời kỳ mậu dịch Châu ấn thuyền. Vì những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt đó cảng thị này đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
          Từ quan điểm lịch sử hình thành đô thị cổ và khu vực Hội An, chúng tôi đã tiến hành điều tra khai quật tại đô thị cổ và khảo sát sự phân bố các đi tích tại lưu vực sông Thu Bồn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã công bố các kết quả nghiên cứu trên một số tạp chí khoa học ở Việt Nam và Nhật Bản (1).

         Từ năm 1999 đến năm 2001, được sự giúp đỡ của các chuyên gia lịch sử và khảo cổ học Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa (Đại học Quốc gia Hà Nội); Bảo tàng Quảng Nam; Phòng Văn hóa huyện Điện Bàn cùng một số cơ quan khác trong tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và khai quật tại di tích thôn Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đồng thời sử dụng thiết bị khảo sát dưới lòng đất để tìm hiểu về các dấu vết khảo cổ học cũng như vị trí của Dinh trấn Quảng Nam, trị sở hành chính thời chúa Nguyễn. Theo các nguồn sử liệu, Dinh trấn được xây dựng ở phía tây Hội An năm 1602 (2). Việc các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam hết sức chú trọng đến di tích lịch sử này trước hết là nhằm để tìm hiểu về lịch sử Đàng Trong dưới thời trị vì của các chúa Nguyễn mà một số người vẫn gọi là họ Nguyễn Quảng Nam. Thêm vào đó, việc nghiên cứu khu Dinh trấn còn góp phần làm sáng tỏ mối liên hệ của nó với cảng thị Hội An cũng như hoạt động của các thương gia Nhật Bản và quốc tế thời Châu ấn thuyền.
Hiện nay, chùa Jomyo ở thành phố Nagoya, Nhật Bản đang bảo quản bức tranh quý giá mô tả về hoạt động của thuyền Châu ấn thuộc họ Chaya. Bức tranh được gọi là "Chaya Shinroku Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ". Trong bức tranh này, người ta đã thể hiện cảnh một thương nhân Nhật Bản đang dâng lễ vật tai một tòa nhà lớn, có vẻ như là dinh quan, nằm ở thượng lưu khu phố Nhật ở Hội An. Vì vậy, việc xác định vị trí của tòa nhà đó là điều rất có ý nghĩa. Trên cơ sở một số kết quả đạt được, chúng tôi xin trình bày những suy nghĩ và cách thức tiến hành công việc khảo cứu của mình về di tích Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
 
           I. DI TÍCH THANH CHIÊM, ĐIỆN BÀN 
 
          Di tích Thanh Chiêm hiện được coi là phạm vi của thôn Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phía đông và phía bắc của di tích giáp với xã Điện Minh, phía tây giáp với vùng Đông Khương, xã Điện Phương. Phía nam thôn Thanh Chiêm là Chợ Củi, là một nhánh của sông Thu Bồn. Phía bắc Thanh Chiêm vẫn còn một cái hồ là dấu tích của sông Cựu Hà.

          Điểm di tích cánh Hội An khoảng 8km về phía tây. Nó nằm trên đường quốc lộ 1A đồng thời cũng nằm trên con đường dẫn tới Hội An. Theo ghi chép trong "Đại Nam Nhất thông chí" thì đây vốn là quan lộ của nhà Nguyễn (1802-1945), huyết mạch giao thông quan trọng thời kỳ đó.

          Năm 1960, các nhà nghiên cứu ở miền Nam Việt Nam đã khảo sát kỹ lưỡng di tích này và đã chỉ ra những dấu tích có liên quan đến di tích Dinh trấn Quảng Nam (3). Sau đó, vào năm 1988, các nhà nghiên cứu từ miền Bắc đã vào khảo sát lại di tích này. Địa bàn khảo sát được tiến hành trên phạm vi nam - bắc: 700m, đông - tây: 250m. Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh được sự tồn tại của những di tích có liên quan đến Dinh trấn Quảng Nam trong lịch sử (4).
 
13226961 1356635287686460 8692328962292861951 n

Hình 1: "Chaya Shinroku Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ"

          Tiếp tục công việc nghiên cứu đó, từ năm 1997 đến năm 1998 chúng tôi đã tiến hành điều tra địa hình và sự phân bố di tích tại lưu vực sông Thu Bồn. Khi đó, chúng tôi đã tìm thấy gốm sứ Hizen, gốm sứ Trung Quốc và cả đồ gốm sứ, đồ sành của Việt Nam thế kỷ XVII. Trong số những di vật đó có cả những mảnh ngói dùng để trang trí, giống như những vật dụng được sử dụng trong các công trình kiến trúc tại cung đình Huế. Hơn nữa, về danh từ học cái tên Thanh Chiêm cũng phù hợp với chi tiết nói về Dinh trấn là "Cư quán Thanh Chiêm" được ghi lại trong "Quảng Nam dinh thực lục" của bộ sách "Nhất thống dư địa chí" (1806). Từ những kết quả nghiên cứu của những người đi trước và khảo cứu thực địa, văn bản ... chúng tôi cho rằng địa điểm thôn Thanh Chiêm có khả năng là di tích của Dinh trấn Quảng Nam. Tuy nhiên, để xác định một cách chắc chắn thì không có cách nào khác ngoài biện pháp phải tiến hành nghiên cứu khảo cổ học. Do vậy, năm 1999 chúng tôi đã tiến hành thám sát trong khu vực di tích và năm 2000 tổ chức khai quật. Năm 2001, để hiểu rõ hơn về quy mô và lịch sử phát triển của khu di tích qua các nền kiến trúc chúng tôi đã tiến hành việc sử dụng thiết bị thám sát dưới lòng đất.

           1. Khai quật và điều tra thám sát dưới lòng đất

          Trong khu vực di tích, chúng tôi đã thực hiện 4 hố khai quật. Vì chỉ có hai hố khai quật số 3 và số 4 đưa lại những kết quả khả quan nên chúng tôi chỉ xin báo cáo về 2 hố khai quật này.

           a. Hố khai quật số 3

          Trên phần ruộng nhà ông Lê Em, chúng tôi đã đào thăm dò một hố khai quật với kích thước 1m x 2m. Vì phát hiện được một phần di vật nên năm 2000 đoàn nghiên cứu đã mở rộng kích thước thêm 2m nữa. Chúng tôi đã phát hiện thấy trong hố khai quật này một dấu tích hình vuông kích thước khoảng 1,8m x 1,8m. Đó là các mảnh gạch nhỏ được nén chặt vào nhau tạo thành một lớp dày khoảng 30cm. Lớp gạch này rất cứng, có dạng tam diện. Theo nhận định, lớp gạch này được nén rất chặt với nhau bằng công cụ. Có thể đây là dấu tích cột trụ của một móng nhà. Trong số các di vật có cả đồ sứ hoa lam của Phúc Kiến và Quảng Đông (Trung Quốc) niên đại khoảng thế kỷ XVIII. Ngoài ra, hố khai quật còn có cả đồ sánh Việt Nam có niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX.

          Tuy nhiên, khi đào đến độ sâu 3m ở góc phía bắc của hố khai quật, chúng tôi đã phát hiện thấy đồ sành Việt Nam có niên đại khoảng thế kỷ XVII và cùng với chúng là đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII. Điều đáng chú ý là, một phần của hố khai quật còn thể hiện là dấu tích của một đoạn hào. Từ niên đại của các di vật có thể thấy rằng, các di vật niên đại thế kỷ XVIII - XIX nằm ở phần trên của di tích, còn phía dưới lại là những di vật có niên đại khoảng thế kỷ XVII. Hơn nữa, những người dân ở đây nói rằng từ thế kỷ XX vùng đất này không còn một ngôi nhà lớn nào được xây dựng. Từ đó có thể thấy rằng đây là dấu tích của một cột nhà xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Cùng với dấu tích của nền nhà, có thể thấy rằng đó không thể là cột trong kiến trúc dân dụng mà chỉ có thể là dấu vết của một công trình xây dựng lớn.
 
 
13164431 1356635357686453 4738108705232146743 n 1

Hình 2: Từ trái sang phải: Ông Đinh Trọng Tuyên, Ông Nguyễn Trọng Trí, GS. Seiichi Kikuchi tại đình Thanh Chiêm

          Vì vậy, trong cuộc điều tra năm 2001, chúng tôi đã thực hiện việc khảo sát dưới lòng đất và mở rộng phạm vi điều tra khu di tích. Loại máy dùng cho lần thám sát này mang nhãn hiệu SIR-2P, hãng G.S.SI-USA, tần số ăng ten 400MHz (30cm2). Chúng tôi cho chạy máy trong phạm vi cách mép hố khai quật khoảng 50cm. Tại khu vực phía nam - bắc của hố khai quật 25,5m và phía đông - tây 21m, máy chạy theo hướng Đông - Tây 0,5m và tiến hành đo ở độ sâu 1,8m. Kết quả là bắt đầu từ độ sâu 30cm, có tín hiệu trong phạm vi chiều dài quá 2m, khoảng cách tín hiệu mạnh hơn trong khoảng 4m. Từ cách phân bố này, có thể nghĩ đây là cột của cùng một tòa nhà (5). Như vậy, có thể cho rằng phần di tích đã phát hiện bằng khai quật và nền nhà này chỉ là một và đó rõ ràng là một tòa nhà lớn.

          b. Hố khai quật số 4

          Chúng tôi đã triển khai một hố khai quật tiếp theo với kích thước 1m x 4m tren ruộng của bà Huỳnh Thị Náng, cách hố khai quật số 3 khoảng 20m về phía bắc. Năm 1999, chúng tôi đã điều tra và xác định được di tích. Năm sau, chúng tôi mở rộng hố khai quật và thực hiện việc điều tra. Kết quả là chúng tôi đã phát hiện ra 5 rãnh rộng từ 1,5m đến 2m. Rãnh thứ nhất và thứ hai là cùng một di tích. Từ rãnh thứ ba đã tìm thấy đồ gốm miền Trung Việt Nam thế kỷ XVII, bát hoa lam ở Bắc Bộ Việt Nam thế kỷ XVI. Từ rãnh số 2 đã tìm thấy đồ sứ Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XVII, đồ sành miền Trung và đĩa men nâu của miền Bắc Việt Nam thế kỷ XVII. Ở cả 2 đường hào này đều phát hiện được đồ sứ Hizen Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII. Điều cần chú ý là tại 2 rãnh này có sự xuất hiện của đồ sứ miền Bắc Việt Nam. Đây là loại hiện vật chưa tìm được ở Hội An. Vì vậy, có thể cho rằng niên đại của di tích có khả năng là nửa đầu thế kỷ XVII.

          Như đã nói ở trên, năm 2001 chúng tôi đã sử dụng thiết bị để thực hiện việc thám sát dưới lòng đất với mục đích làm rõ tính chất và quy mô của di tích. Tuy nhiên, vì vùng đất cần điều tra là đồng ruộng, có nhiều luống đất, hơn nữa máy bắt tín hiệu cả từ móng nhà mới xây dựng của nhân dân địa phương nên không thể xác định được chính xác quy mô và niên đại của di tích.

           2. Tính chất của di tích Thanh Chiêm

         Sách "Đại Nam Nhất thống chí" của triều Nguyễn có viết: “Khi mới dựng nghiệp, Chúa đã cho xây Dinh trấn tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, sau có loạn nên bỏ, đến buổi trung hưng, lại thu phục Quảng Nam, tạm lập Dinh trấn tại phố Hội An. Đến năm Gia Long thứ 2 mới dời vào xây tại chỗ đất cũ Thanh Chiêm, đắp thành bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 14 mới dời qua chỗ này”. Như vậy, xã Thanh Chiêm là nơi mà Chúa Nguyễn Quảng Nam, thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, đã cho xây dựng Dinh trấn Thanh Chiêm. Sau đó, nó tiếp tục được duy trì với tư cách là Dinh trấn Quảng Nam của triều Nguyễn, từ năm Gia Long thứ hai (1804) đến năm Minh Mạng thứ tư (1824).

          Mặc dù những gì tìm thấy trong lần điều tra khai quật này chỉ là một số rãnh thoát nước có niên đại thế kỷ XVII, nền của một ngôi nhà lớn niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX nhưng nó chắc chắn phù hợp với những gì được ghi lại trong "Đại Nam Nhât thống chí". Mặc khác, việc tìm thấy những mảnh ngói dùng để trang trí hay đồ gốm hoa lam miền bắc Việt Nam có niên đại khoảng từ thế kỷ XVI trở về trước, chưa từng được tìm thấy trong những đợt điều tra, khai quật tại phố cổ Hội An cũng thể hiện cho đặc trưng của di tích.

          Năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Quảng Nam vì vậy vùng Trung Bộ hiện nay được đặt dưới quyền quản chế của ông. Tuy nhiên, trong thời gian này ông vẫn luôn ra Bắc yết kiến vua Lê. Có khả năng ông trực tiếp đưa đồ gốm hoa lam từ miền Bắc vào miền Trung. Vì chúng tôi chưa từng phát hiện thấy đồ gốm hoa lam miền Bắc tại các bến cảng Thanh Hà (Thừa Thiên Huế) và Hội An (Quảng Nam) nên khó có thể nghĩ rằng những đồ gốm này đã được đưa vào miền Trung thông qua con đường của giới thương nhân.

          Từ những điều đã trình bày ở trên có thế thấy rằng di tích ở Thanh Chiêm thuộc huyện Điện Bàn hiện nay chính là Dinh trấn Quảng Nam đã được xây dựng năm 1602 để cai quản vùng Quảng Nam. Vì vậy, phần di tích đã được phát hiện ở hố khai quật thứ 3 có thể là một phần Dinh trấn Quảng Nam thời Nguyễn có niên đại từ năm 1804 đến năm 1824. Khu Dinh trấn được xây dựng ở vị trí này đã nằm đúng vị trí trọng yếu của hệ thống giao thông thủy bộ. Nó vừa hội tụ được các đầu mối giao lưu và nguồn cung cấp lâm sản phong phú, nơi tập trung hương liệu từ vùng thượng lưu vừa quản lý được các cảng mậu dịch quốc tế ở hạ lưu. Đồng thời, ở vị trí này, Dinh trấn cũng kiểm soát được con đường giao thông quan trọng nối liền Nam- Bắc.

          II. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN MẬU DỊCH CHÂU ẤN THUYỀN
 
         Trong bức tranh mô tả về mậu dịch Châu ấn thuyền, vẽ từ thế kỷ XVII có tên là "Chaya Shinroku Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ", người ta đã vẽ nơi mà thương nhân Nhật Bản dâng lễ vật ở vùng thượng lưu phố Nhật ở Hội An cùng với những khẩu đại bác, cổng và dinh thự... Tòa nhà trong bức tranh đã được Tsuji Zennosuke giải thích là "nơi giống như dinh quan" (6) còn Iwao Seiichi giải thích là “trạm làm việc ở cảng” (7). Lần này, sau khi thực hiện khai quật và nghiên cứu các tư liệu lịch sử của Việt Nam, chúng tôi cho rằng tòa nhà trong bức tranh có thể là Dinh trấn Quảng Nam được xây ở phía tây Hội An. Vì vậy, nhân vật người Việt được vẽ trong tranh rất có khả năng là hình ảnh của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người thứ hai nắm giữ quyền lực ở Đàng trong.

          Niên đại của bức tranh này hiện nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, cuốn "Kinmeiroku" (Kim minh lục) thời Edo đã có phần ghi chép về sự tồn tại của bức tranh này vào năm 1778 (8). Như vậy bức tranh này chắc chắn được vẽ trước năm 1778. Nếu tòa nhà trong bức tranh này đúng là Dinh trấn Quảng Nam thì có thể nó được vẽ trong thời kỳ Châu ấn thuyền hay chí ít cũng được thể hiện theo trí nhớ về thời kỳ Châu ấn thuyền. Bởi vì từ năm 1635 chính quyền Edo đã thực hiện chính sách tỏa quốc (sakoku). Tóm lại, bức tranh này nhiều khả năng được sáng tác vào nửa đầu thế kỷ XVII. Vì vậy, bức tranh "Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ" là một tư liệu lịch sử quan trọng để tìm hiểu về diện mạo và quy mô của Dinh trấn Quảng Nam.
 
13226698 1356635401019782 4330603536898804859 n

Hình 3 : GS Kikuchi Seiichi tại Hội phước cổ tự.

         Nếu di tích Thanh Chiêm chính là Dinh trấn Quảng Nam, thì cũng như những gì được vẽ trong bức tranh, chắc chắn là thương nhân Nhật Bản đã đặt chân lên mảnh đất này từ thế kỷ XVII.

          Để nghiên cứu về cảng mậu dịch quốc tế Hội An thế kỷ XVII thì việc lý giải bối cảnh chính trị và vị trị của chính quyền đương thời là rất cần thiết. Cũng từ ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng việc xác định được vị trí của Dinh trấn Quảng Nam nơi đóng trị sở của chính quyền chúa Nguyễn đối với sự nghiên cứu về mậu dịch Châu ấn thuyền và lịch sử Đàng trong của Việt Nam, là một thành tựu khoa học có nhiều ý nghĩa.
 
 

           CHÚ THÍCH
          1. Kikuchi Seiichi và những người khác: Báo cáo điều tra khảo cổ học Hội An - Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, 1998.
         2. Kikuchi Seiichi - Abe Yuriko và những người khác: Nghiên cứu khảo cổ học về Trung bộ và Nam bộ Việt Nam nhìn từ "Con đường tơ lụa trên biển", Trung tâm Nghiên cứu Con đường tơ lụa, 2003.
          3. Phạm Đình Khiêm: Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVIII, Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, 1960, tr. 71-96.
       4. Vũ Hữu Minh: Báo cáo điền dã khu vực Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng từ 17/7/1989 đến 19/7/1989, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989, Hà Nội, 1990.
         5. Nishimura Yashushi: Nghiên cứu mang tính khảo cổ học về Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam nhìn từ "Con đường tơ lụa trên biển". Kết quả khảo sát tại di tích Thanh Chiêm, Điện Bàn, Trung tâm nghiên cứu Con đường tơ lụa, Tokyo, 2003.
          6. Tsuchi Zennosuke: Phố Nhật Bản ở Nam Dương (Bản bổ sung), Hải ngoại Giao lưu sử thoại, 1930, tr.582-599.
          7. Iwao Seiichi: Nghiên cứu về phố Nhật Bản ở Nam DƯơng, 1940, tr.35-37.
          8. Ousa Bunko thành phố Nagoya, "Kinmeiroku", 1986, tập 14.

 
 

Tác giả: GS Seiichi Kikuchi

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây