Súng Cácbin - Kỷ vật Bác Hồ tặng cho Hội An

Thứ ba - 24/05/2016 22:39
Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tích Hồ Chí Minh, Ban biên tập nội dung website Hoianheritage.net xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Vân Phi cách đây 11 năm với tiêu đề “Súng Cacbin – Kỷ vật Bác Hồ tặng cho Hội An” để chúng ta cùng tham khảo.
          LGT: Trong bài tham luận này, tôi xin ghi lại những nhận định của Bác Hồ về chiến công của Quân và dân Hội An từ năm 1949 qua lời kể của đồng chí Trần Kỳ Nhẫn. Tuy nhiên, những nhận định của Bác mang tính chiến lược, không những đúng trong thời gian đó mà còn có ý nghĩa đến năm 1975. Để làm rõ thêm, tôi xin phép được trình bày những dẫn chứng diễn ra trong những năm tiếp theo trong nước và tỉnh Quảng Nam.

          Vào một buổi chiều tháng 10 năm 1972 tại Hà Nội, tôi gặp lại anh Trần Kỳ Nhẫn – Nguyên ủy viên Thường vụ Thị ủy Hội An từ năm 1947 được Ban Thường vụ Thị ủy phân công làm Chính trị viên Thị đội Hội An. Hai anh em ngồi tâm sự nhắc lại những kỷ niệm xưa trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Khi nhắc đến khẩu súng Các – bin mà Bác Hồ tặng cho quân và dân Hội An trong trận tập kích vào Tỉnh lỵ Quảng Nam bắt sống tên tỉnh trưởng bù nhìn, vì anh là một trong những người chỉ huy trận đánh, anh trở nên trầm lặng một hồi như đưa anh về ký ức xa xưa nhớ lại cuộc Hội nghị Tổng kết phong trào “Chiến tranh du kích” tại Quảng Ngãi trong tháng 7 năm 1949 của Liên khu V tổ chức.

          Đồng chí Phạm Văn Đồng được ủy nhiệm của Bác trao khẩu súng cho đồng chí Trần Kỳ Nhẫn. Sau đó, đồng chí Nguyễn Chánh – Nguyên chính ủy Liên khu V – người mang khẩu súng Các – bin của Bác từ Việt Bắc về Liên khu, trao đổi với anh Nhẫn về những ý kiến nhận xét của Bác.

          Được Trung ương triệu tập, đồng chí Nguyễn Chánh cùng đoàn cán bộ Liên khu đi ra Việt Bắc dự Hội nghị và trực tiếp báo cáo về tình hình chiến đấu của quân và dân Liên khu V thực hiện chủ trương diệt đói, diệt dốt và diệt ngoại xâm đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Khi nghe đến lực lượng dân quân du kích Hội An tập kích làm chủ được Tỉnh lỵ Quảng Nam bắt sống tên Tỉnh trưởng bù nhìn, Bác đề nghị đồng chí Nguyễn Chánh báo cáo tỷ mỹ hơn và Bác chăm chú nghe quá trình chuẩn bị tác chiến và giành thắng lợi hoàn toàn. Nghe xong Bác có ý kiến nhận xét mà anh đã được nghe đồng chí Nguyễn Chánh nói lại. Mặc dù Bác đã đi xa hơn 3 năm, nhưng anh vẫn còn nhớ mãi trong ký ức của anh không bao giờ quên được. Anh tiếp tục nói lại những ý kiến nhận xét của Bác.

          1- Chủ nghĩa thực dân kiểu củ của thực dân Pháp đã bị sụp đổ hoàn toàn trong cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, nay chúng trở lại xâm lược nước ta, âm mưu dựng lại chính quyền bù nhìn để thực hiện chính sách “dùng người Việt Nam trị người Việt Nam” và truyên truyền ra thế giới về cái gọi là “Độc lâp giả hiệu” nhằm thay thế bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Việc quân và dân Hội An diệt tề trừ gian và làm chủ được Tỉnh lỵ trong 1 đêm bắt sống tên Tỉnh trưởng bù nhìn là một chiến công lớn góp phần phá tan chủ nghĩa thực dân kiểu mới của địch. Âm mưu này nhất định sẽ bị sụp đổ hoàn toàn.

         Nhận định này của Bác đã phản ánh đúng đắn trong hiệp định Hội nghị Geneve năm 1954 về lập lại hoàn bình ở Đông Dương: “Chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập dân tộc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương”. Nhận định này của Bác còn đúng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta qua mấy câu thơ chúc Tết của Bác:
 
“Đánh cho Mỹ cút
Đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”
 
          2 - Làm chủ được Tỉnh lỵ thể hiện sự trưởng thành của quân và dân Hội An, không những trong chỉ đạo kế hoạch tác chiến mà còn trong tổ chức tác chiến một cách hoàn hảo. Mặc dù chưa trải qua một lớp huấn luyện quân sự nào, với một địa hình phía Bắc thông với Đà Nẵng, còn xung quanh bao bọc biển và sông nước đã tổ chức được tấn công và rút về căn cứ an toàn.
 
         3 – Trong cuộc hiến tranh chống thực dân Pháp có lực lượng lục quân được trang thiết bị hùng mạnh với lực lượng của ta còn non trẻ, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hậu quả nạn đói năm 1945 vẫn còn đó, muốn chiến thắng được địch ta phải thực hiện đường lối “trường kỳ kháng chiến” với cuộc chiến tranh nhân dân. Trong tác phẩm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, Đảng và Bác Hồ vạch ta chiến lược tiến hành chiến tranh qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, tổng tiến công. Việc quân và dân Hội An chỉ hơn một năm chiến đấu đã lập được chiến công đó là một điểm sáng cho việc chấm dứt giai đoạn phòng ngự chuyển sang giai đoạn cầm cự.
 
 
          Từ năm 1950 lực lượng ta đã trưởng thành xây dựng được những trung đoàn và sư đoàn chủ lực, có đủ điều kiện tổ chức tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta lấy vũ khí địch trang bị lại cho ta với chiến thuật đánh công kiên và vận động chiến, tiêu diệt chủ lực địch, bắt địch co cụm lại, thu hồi vùng tạm chiếm. Như ở Quảng Nam quân ta đã triệt hạ đồn Thu Bồn, buộc địch chạy về Ái Nghĩa, địch rút bỏ Mỹ Lược, Kiểm Lâm và sau này cả Giao Thủy. Ta thu được khẩu súng Jumeler (2 nòng) và khẩu Vicker là một trong 3 khẩu súng tối tân của Pháp gửi sang Đông Dương.

          Sau khi thành lập Tiểu đoàn 29 của Tỉnh Quảng Nam đã có một trận đánh vận động chiến tại Gò Nổi do đồng chí Trần Tất Thắng – Tỉnh đội trưởng – Trung đoàn trưởng chỉ huy.

          Đại đội 12 Hội An tiêu diệt lô cốt Cầu Cống và lô cốt Hồ Bà Thiên. Sau này, địch phải rút bỏ lô cốt Cầu Cống, Hồ Bà Thiên và lô cốt Gành… Địch co cụm về nội ô thị xã.
 
          4 – Chiến công của quân và dân Hội An càng chứng tỏ rằng đường lối tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn với việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: Dân quân du kích, bộ đội địa phương và quân chủ lực. Việc quân và dân Hội An làm chủ tỉnh lỵ mà không yêu cầu hỗ trợ của bộ đội chủ lực nói lên tính độc lập tác chiến của dân quân du kích, là lực lượng chiến đấu liên hoàn, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, đánh thắng từng bước, dồn địch co cụm lại, mở rộng căn cứ ta, thu hẹp trận địa địch tiến dần đến phản công từng phần và tổng phản công trên cả nước. Thể hiện rõ ở Hội An địch chỉ ở trong nội ô, không mở rộng hành lang chiếm đóng cho đến khi kết thúc chiến tranh năm 1954.

          5 – Việc bắt sống tỉnh trưởng bù nhìn đưa về khu căn cứ an toàn là thể hiện tính nhân văn của Đảng ta không những đối với người Việt Nam lầm đường lạc lối mà còn đối với kẻ thù khi đã hạ vũ khí đầu hàng ta đều đối xử tử tế và khoan hồng, thể hiện tính đúng đăn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa do Đảng ta lãnh đạo được Bác Hồ sáng lập và rèn luyện.

          Để khen thưởng chiến công trên, Bác Hồ quyết định tặng cho quân và dân Hội An khẩu súng do Trung đoàn Thủ đô đánh vào Hà Nội thu được làm chiến lợi phẩm tặng Bác.

          Đồng chí Nguyễn Chánh rất phấn khởi là lần đầu tiên một đơn vị của Liên khu V được nhận quà tặng của Bác. Đó là niềm vinh dự không những đối với quân và dân Hội An m,à còn đối với quân và dân Liên khu V. Khi nhìn thấy khẩu súng trung liên, đồng chí ngỡ ngàng vì mang không nổi do đi bộ từ Việt Bắc về đến Quảng Nam phải qua bao rừng, bao núi, còn phải đối phó với trường hợp địch phục kích.

          Đồng chí đến thưa với Bác về khó khăn bảo vệ súng về Quảng Nam. Để tiện việc mang đi và phục vụ trên đường, Bác đổi lại khẩu súng Các-bin cho anh mang đi.

          Đồng chí Trần Kỳ Nhẫn mang khẩu súng về trao lại cho Đại đội 12 bảo vệ và sử dụng. Đồng chí Hà Vi Bông – nguyên đại đội trưởng Đại đội 12 đã dùng khẩu súng Các – bin này hạ tên đồn trưởng người Pháp ở đồn Phước Trạch. Cuối năm 1950, Ban chỉ huy Đại đội 12 đã trao khẩu súng lại theo lệnh thu hồi của Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam.
 
           Kính thưa các quý vị đại biểu!

          Nhân dịp kỷ niệm 115 ngày sinh nhật Bác Hồ, Ban Thường vụ Thị ủy Hội An tổ chức Hội thảo hôm nay, là một người con sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Hội An, là một đảng viên - đội viên dân quân du kích khu 2 (nay là phường Cẩm Phô) có tham gia vào trận tập kích bắt sống tên tỉnh trưởng bù nhịn ở Hội An với nhiệm vụ quấy rối đồn Lò Heo nhằm kiềm chế địch ở trong đồn không cho chúng có thời gian đi tiếp viện để mũi tấn công chính của ta tiến vào thị xã dễ dàng và là một công dân Hội An, tôi xin được trình bày một số ý kiến đề nghị:

          Kỷ vật Bác Hồ tặng cho quân và dân Hội An dù lớn hay nhỏ (khẩu súng trung liên hay khẩu súng Các - bin) đều có giá trị như nhau, là kỷ vật vô giá, nói lên tình cảm của Bác Hồ đối với Đảng bộ, quân và dân Hội An, tình cảm ấy còn giữ mãi mãi hôm nay và mai sau không bao giờ phai nhạt.

         1. Nếu khẩu súng Các – bin của Bác Hồ tặng cho quân và dân Hội An được trưng bày tại Bảo tàng Khu V thì xin đề nghị Quân khu V trao lại cho Đảng bộ, quân và dân Hội An để trưng bày trong phòng bảo tàng cách mạng Hội An. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Quân khu V với Hội An.

         2. Nhân dịp này, xin đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy và UBND thị xã Hội An làm tờ trình báo cáo lên cấp trên đề nghị Nhà nước tặng cho quân và dân Hội An “Huân chương độc lập hạng nhất” hoặc “Huân chương Chiến công hạng nhất”

         3. Đảng bộ, quân và dân Hội An được bảo vệ kỷ vật của Bác tặng là nguồn động viên không những cho Đảng bộ, quân và dân Hội An hôm nay và mãi mãi mai sau về tình cảm của Bác Hồ đối với Đảng bộ, quân và dân Hội An và nguyện học tập làm theo lời Bác, cố gắng vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Bác vào điều kiện cụ thể của Hội An, trước mắt xây dựng thành công thị xã văn hóa, sau đó là thành phố văn hóa loại 3 của tỉnh – một công viên văn hóa lộng gió trên bờ biển Đông - một trong những trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Nam và của cả nước.

            Xin kính chúc Hội thảo thành công.
            Xin cảm ơn.
 

Tác giả: Nguyễn Vân Phi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây