Chợ Hội An xưa và nay

Thứ ba - 21/06/2016 00:06
Chợ là bộ mặt của một địa phương, làng xóm, vùng miền. Làng thịnh thì chợ đông vui, nhộn nhịp. Làng nghèo thì chợ heo hút, đơn sơ. Ông bà ta có câu “Chợ tan, làng mạt” để khẳng định vai trò quan trọng của chợ trong đời sống của xóm làng, chợ mà tan thì làng ấy sớm muộn cũng bước vào mạt vận… Tuy nhiên chợ không chỉ là bức tranh của sự phát triển về kinh tế mà còn là nơi biểu hiện tập trung phong thái văn hóa của mỗi địa phương. Tục ngữ xưa từng đúc kết: “Trai khôn tìm vợ chợ đông” vì khi vào đến chợ thì người lanh kẻ chậm, người hiền thục, kín đáo, kẻ tinh ranh, mồm miệng được bày ra rất rõ ràng.
          Trong quá khứ, Hội An là một khu chợ lớn, khu chợ mang tính quốc tế mà theo Lê Quý Đôn thì hàng hóa không thứ gì không có, phàm những thứ mà nơi khác thiếu thì tìm vào Hội An để mua “… Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang đường thủy, đường bộ, đi thuyền đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An vì thế người khách phương Bắc đều đến tu tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được…[1]
 
choxua
 
c xua 2

 Chợ Hội An xưa - Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

          Theo ghi chép của một số giáo sĩ, nhà du ký phương Tây vào thế kỷ 17,18 thì hàng năm tại đây mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền, việc trao đổi, mua bán diễn ra rất nhộn nhịp, sôi động[2]. Đến nửa đầu thế kỷ 19, Quốc sử quán triều Nguyễn vẫn còn ghi nhận: “Chợ Hội An: ở xã Hội An về đông huyện Diên Phước tục gọi phố Hội An, phía nam liền sông cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm, bến sông ghe thuyền tấp nập đi lại như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ, có 4 bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam, buôn bán hàng hóa phương Bắc, có đình chợ và hội quán buôn bán tấp nập, làm nơi đô hội lớn xưa nay…[3]

          Như vậy trong quá khứ Hội An là một khu chợ lớn bao gồm những lều chợ tập trung tại trung tâm và mở rộng ra một số đường phố vào những thời điểm đông đúc. Đây cũng là nơi hội tập hàng hóa của các chợ vệ tinh từ các ngõ nguồn ở miền núi, trung du cho đến các thị tứ ở hạ lưu sông Thu Bồn cũng như ở một số vùng miền khác của nước ta. Vai trò kết nối về giao thương, buôn bán với các địa phương nằm dọc hệ thống sông Thu Bồn từ các ngõ nguồn miền núi cho đến các bến chợ ven sông - biển cũng như vai trò liên kết giao thương buôn bán giữa xứ Quảng với các vùng miền khác bên ngoài Cửa Đại, biển Đông trong và ngoài nước của chợ Hội An là một thực tế lịch sử và chính điều đó đã tạo nên sự hưng thịnh một thời của thương cảng Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong nói chung.

          Cùng với vai trò phát triển kinh tế là vai trò kết nối văn hóa: “Ai về nhắn với bạn nguồn; Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Cảnh buôn bán dọc sông Thu Bồn kết nối với Hội An trước đây nhộn nhịp cả đêm lẫn ngày và để lại những chuyện tình hết sức thơ mộng:
Ghe xuôi đến bến Phó Thừa
Hội An tới đó trời vừa sáng ra
Hỡi người hoa nguyệt nguyệt hoa
Ngày mai đến Phố đôi ta trao lời
(Ca dao)
 
           Điều đáng nói hơn cả là trải qua quá trình phát triển cư dân địa phương đã bồi đắp nên một nền nếp giao thương buôn bán với nhiều ưu điểm. Trước hết đó là tính cởi mở, linh hoạt trong buôn bán, nhất là đối với người nước ngoài. Cristophoro Borri đã có một nhận xét thú vị: “Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta…[4]
 
cho xua 3
 
Ban noi dat(cho Hoi An 50)

 Chợ Hội An xưa - Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
           Nền nếp trong kinh doanh buôn bán đã được chính quyền phong kiến trước đây và cư dân địa phương chú ý xây dựng với nhiều biện pháp, hình thức, từ các quy định của chính quyền về sắp xếp hàng hóa cho văn minh lịch sự ở phố Hội An, khơi thông cống rãnh để bảo vệ môi trường cảnh quan, nghiêm cấm việc tùy tiện nâng cao giá cả bắt chẹt người mua đến các quy ước cộng đồng, tập thể về giữ chữ tín, hỗ trợ lẫn nhau trong giao dịch, buôn bán…[5]
 
hoi an market old

Chợ Hội An trước khi được trùng tu - Nguồn: hoian.vn
 
          Hiện nay về kiến trúc chợ Hội An có quy mô không lớn, thậm chí là hơi nhỏ. Dáng dấp này của nó được ổn định từ thời thuộc Pháp vào đầu thế kỷ 20 cho đến bây giờ, cái thời mà những người đi chợ còn bận áo dài khăn đóng hoặc đội nón lá như trong một số ảnh tư liệu chụp về sinh hoạt ở chợ Hội An nửa đầu thế kỷ XX. Về hàng hóa, chợ bày bán nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm từ các vùng quê ven Hội An, các mặt hàng vải vóc, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng thủy hải sản tươi ngon của vùng sông nước cửa sông - ven biển và vùng biển đảo, các mặt hàng lâm thổ sản từ các vùng trung du, miền núi xứ Quảng như cau, quế, hạt tiêu, ớt, trầm hương… Lượng hàng hóa tuy không quy mô như trước đây nhưng cũng khá đa dạng, phong phú và khá phù hợp với nhu cầu mua sắm của cư dân địa phương cũng như du khách trong ngoài nước. Bên trong lòng chợ bố trí một dãy hàng quán ăn uống khá khang trang với nhiều món ăn truyền thống của địa phương như mỳ Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh xèo, cơm gà, bún, phở… Tuy nhiên như đã nói, cái quan trọng hơn cả là nếp sinh hoạt, buôn bán bên trong chợ. Chợ Hội An thu hút khách thương không chỉ vì lưu lượng hàng hóa mà còn vì là nơi thuận mua vừa bán, nơi khách hàng có thể hài lòng tìm mua những thứ mình cần mà không sợ bị chặt chém, tráo đổi. Một số việc làm của các mẹ, các chị buôn bán ở chợ Hội An trong quan hệ giao dịch với khách hàng đã trở thành những ví dụ về lòng hiếu khách, về hành vi văn hóa trong kinh hoanh buôn bán cho đến nay vẫn còn truyền miệng. Ở đây ta thấy hồi quang của một thời kỳ tích cực xây dựng khu kinh tế mở Hội An thời các chúa Nguyễn như Lê Quý Đôn mô tả: “… Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang; ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp…[6]. Cho đến bây giờ khi bước chân vào chợ Hội An ta vẫn có thể cảm nhận được một không khí không quá ồn ào, náo nhiệt, một cảm giác thân thiện, gần gũi vừa lạ vừa quen…
 
cho hien

Chợ Hội An hiện nay - Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
          Mới đây cẩm nang du lịch lớn nhất thế giới Lonely Planet đã bình chọn chợ Hội An là điểm ẩm thực được yêu thích trên thế giới. Truyền thống đã được tiếp nối một cách có hiệu quả bởi những con người đương đại để tạo nên những giá trị mới về văn hóa kinh doanh du lịch ở chợ Hội An nói riêng, Hội An, Quảng Nam nói chung.
  
 

[1] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, tr 234.
[2] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr 89.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr 376.
[4] Cristophoro Borri, Sđd, tr 49.
[5] Những văn bản này hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[6] Lê Quý Đôn, Sđd, tr 50.

Tác giả: Trần Văn An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây