Cư dân Hội An thời tiền sơ sư

Thứ tư - 22/06/2016 05:54
          Hội thảo quốc gia về Hội An tháng 7/1985, các nhà khảo cổ học Việt Nam dựa vào thành tựu 10 năm (1975 - 1985) nghiên cứu khảo cổ học về Tiền - Sơ sử ở Xứ Quảng cũng chỉ mới đưa ra được dự đoán khả năng có dấu vết cư dân thời Tiền - Sơ sử ở Hội An. Đến hội thảo quốc tế tháng 3/1990, di tích khảo cổ học về thời kỳ này mới chỉ có được những thông tin ít ỏi qua 3 hố thám sát khảo cổ ở An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá (thuộc phường Thanh Hà hiện nay). Nhưng đây cũng là thời điểm đánh dấu bước đầu cho việc đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về lớp cư dân thời Tiền - Sơ sử ở Hội An. Và rồi cho đến nay, bằng vào sự cần mẫn nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trên những dải cát gắt bỏng ở Hội An bởi cái nắng hè khắc nghiệt của miền Trung vào những mùa điền dã, thám sát, khai quật khảo cổ học hàng năm, kết quả thông qua các di tích khảo cổ học, các nhà khoa học đã được bù đắp lại với những thông tin góp phần quan trọng cho việc nhìn nhận, đánh giá và xây dựng được một hệ phả về tiến trình, diện mạo lịch sử - văn hóa lớp cư dân đầu tiên vào thời Tiền - Sơ sử ở Hội An.

          Tại di tích khảo cổ Bãi Ông, thuộc Hòn Lao, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), các nhà khảo cổ đã phát hiện được khá nhiều hiện vật gốm thô (đất nung), hiện vật đá, công cụ mài như rìu tứ giác ngắn, rìu có vai, lưỡi ghè, bàn mài nhiều loại; Công cụ từ chất liệu cuội: Hòn kê, chày, hòn đập, bàn nghiền, dụng cụ miết gốm, chì lưới...; hoặc răng hàm cá, kim bằng xương, mảnh nhuyễn thể, hạt cây, than tro... Chúng được nằm trong tầng văn hóa ổn định. Đây là địa điểm cư trú gần kề với khu mộ táng của cư dân bản địa thời Tiền sử (các nhà khảo cổ xếp vào giai đoạn văn hóa với thuật ngữ Tiền Sa Huỳnh ở miền Trung - Việt Nam), có niên đại xác định bằng phương pháp các-bon phóng xạ qua mẫu than (C14): 3.100 ± 60 BP (tức là cách ngày nay khoảng hơn 3.000 năm). Di tích khảo cổ học Bãi Ông cho đến nay là dấu tích cư dân cổ xưa nhất ở Hội An và lại nằm trên hòn đảo thuộc cụm đảo Cù Lao Chàm nên nó không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình hình thành lớp cư dân Hội An mà còn có ý nghĩa đóng góp quan trọng liên quan đến thời Tiền sử của cư dân Xứ Quảng và cả chuỗi Nam đảo ở Đông Nam Châu Á.

         Tiếp nối là cả một hệ thống địa chỉ văn hóa khảo cổ học về cư dân thuộc phức hệ văn hóa Sa Huỳnh muộn (giai đoạn hậu kỳ) khá điển hình ở miền Trung Việt Nam có niên đại cách ngày nay ± 2.000 năm. Đây chính là những khu di tích mộ táng và di chỉ cư trú của cư dân thời kỳ này và được phân bố tập trung cơ bản trên một dải cồn cát dài khoảng 5 km, dọc theo một dòng chảy cổ theo hướng Tây - Đông (địa danh hiện nay gọi là Rọc Gốm ở Thanh Hà), từ phía Tây giáp với huyện Điện Bàn, xuống phía Đông - Trung tâm Hội An hiện nay, tạo nên các di tích Trảng Sỏi, An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá (thuộc phường Thanh Hà), mỗi điểm này lại cách nhau một dòng chảy nhỏ cắt ngang, chạy theo hướng Bắc - Nam. Ngoài ra, lấy phố cổ Hội An hiện nay làm trung tâm, thì thấy các di tích như: Đồng Nà, Bàu Ốc, Bàu Sấu, Trảng Kèo, Trà Quế (Cẩm Hà)... ở phía Bắc, Tây - Bắc, Trà Quân, lăng Bà (Cẩm Thanh), An Bàng, Phước Trạch (Cẩm An - Cửa Đại)... ở phía Đông; hay Xuân Lâm (Cẩm Phô) ở ngay cồn trung tâm Hội An. Tất cả đều thể hiện rõ tích chất phân bố dân cư men theo dòng chảy/sông. Như vậy, cho ta hiểu về yếu tố sông - nước, cồn - bàu hay yếu tố nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh trên địa bàn Hội An. Hơn nữa các dòng chảy/sông này, đương nhiên có cội nguồn núi - trung du ở phía Tây Quảng Nam, cùng hội tụ về Cửa Đại thông ra biển cả. Điều này khẳng định khả năng về yếu tố giao lưu văn hóa trong vùng, trong khu vực của văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Các khu mộ táng ở đây chính là những quan tài gốm (mộ chum), gồm 3 loài chính: Hình trụ có vai gãy, miệng loe, nắp đậy hình nún cụt; Hình trứng có đáy tròn, thân thun nhỏ dần lên trên, không có vai, miệng loe, nắp đậy hình nón cụt; Hình nồi, nắp đậy hình lồng bàn hoặc hình nón quạt. Theo các nhà khảo cổ học, người chết được hỏa táng và chôn trong những quan tài gốm/mộ chum này và người ta chôn theo đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, vũ khí... Nhiều  đồ gốm được tìm thấy bên trong và quanh bên ngoài mộ chum. Đó là  những đồ dùng hàng ngày như nồi, bát, bình, đèn,... hoặc những đồ minh khí (đồ gốm có kích thước nhỏ hơn đồ dùng thật). Đồ trang sức rất phong phú về loại hình, lẫn số lượng gồm có: khuyên tai (3 mấu, vành khăn), vòng đeo tay, hạt chuỗi... Chất liệu đá (hồng mã não, Nephrite, Crystal, Agate, phiến sắt), thủy tinh, kim loại vàng, chì, đồng... Đặc biệt có nhiều chuỗi hạt vằng thủy tinh, đá nhỏ li ti thể hiện công nghệ chế tác và kỹ thuật rất điêu luyện tinh vi. Đồ sắt có khá nhiều về số lượng với các loại hình vũ khí: Qua, dao găm, giáo, mác, dao, mũi nhọn...; Công cụ sản xuất: Rựa, dao quắm, rìu, đục, thuổng, cuốc, dao,... Đáng chú ý ở đây, nhiều đồ sắt có cán cầm còn dấu vết vải bọc, bao gỗ. Qua các hiện vật tìm thấy trong các di tích khảo cổ thời kỳ này, chúng ta có thể thấy sức sản xuất của cư dân cổ Sa Huỳnh khá cao. Họ là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, biết khai thác những sản vật của sông nước, biển, biết dệt vải, rèn sắt, làm đồ trang sức, biết chế ra nhựa thực vật để gắn nắp với miệng chum/quan tài,... Sản xuất phát triển của cải vật chất ngày càng nhiều dẫn đến sự phân hóa xã hội thể hiện qua hiện vật được chôn theo trong quan tài/chum: có chum nhiều đồ sắt... có chum chỉ có đồ gốm. Đặc biệt, trong các di tích có sự xuất hiện của những đồng tiền Trung Quốc (Ngũ Thù, Vương Mãng); gốm có hoa văn ô vuông kiểu Hán; Hay những hiện vật sắt kiểu Tây Hán, dáng dấp Đông Sơn (ở phía Bắc), Óc Eo ở phía Nam và rộng hơn ở trong khu vực Đông Nam Á; Hoặc những nguyên liệu thủy tinh từ Nam Ấn Độ, Trung Quốc… Tất cả đã thể hiện tính chất  sông - biển  và vị trí thuận lợi cho giao lưu văn hóa qua lại của Hội An xưa quyết định. Có thể nói, vào giai đoạn này (trước sau Công nguyên- cách đây khoảng 2.000 năm), Hội An đã là tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai (Preport - town or Embryonary port town) là tiền đề cho sự hình thành những tiểu vương quốc Champa vào những thế kỷ đầu Công nguyên.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây