Với hơn 2/3 cán bộ, công nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được xem là một trong những đơn vị có nguồn lực dồi dào về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều đề tài/dự án do cán bộ Trung tâm chủ trì, phối hợp thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực và được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn. Trong 10 năm (2006 - 2015) cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã phối hợp tiến hành 02 đợt khai quật, thám sát khảo cổ tại Hội An và hàng chục cuộc nghiên cứu, thám sát khảo cổ học gắn với việc triển khai thực hiện các dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng phố cổ Hội An, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Hội An. Trung tâm đã thực hiện 05 đề tài nghiên cứu cấp Ngành, 01 đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh, 06 đề tài cấp Thành phố và nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Song song với nghiên cứu khoa học là hoạt động in ấn xuất bản, Trung tâm đã tổ chức bản thảo và in ấn xuất bản hơn 22 đầu mục sách, 32 bản tin và hàng trăm bài viết, bài khảo cứu được đăng trên các Báo, Tạp chí chuyên ngành.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình điều tra khảo sát về kiến trúc, văn hóa ở Hội An được thực hiện, đặc biệt là các chương trình/đề tài nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An như Chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống ở Hội An; Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Cù Lao Chàm; Đề tài điều tra, nghiên cứu và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở Cẩm Kim… Ngoài ra, Trung tâm đã lập được 39 hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể trong đó tập trung vào các loại hình nghề truyền thống, lễ hội, tri thức dân gian, di sản Hán Nôm. Đã có 06 ấn phẩm trực tiếp, gián tiếp nghiên cứu sâu về di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An được xuất bản thông qua các chương trình nghiên cứu khác nhau do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì.
Trên cơ sở đó, một số kết quả đề tài trên được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn như đề tài Nghề truyền thống Hội An đã được xuất bản thành sách và phát hành, tạo điều kiện để phục hồi, định hướng phát huy một số nghề truyền thống của địa phương trong thời gian qua; tư liệu của đề tài cũng được sử dụng để lập 02 bộ hồ sơ nghề khai thác yến sào Thanh Châu và nghề mộc Kim Bồng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đề tài Điều tra, khảo sát một số trò chơi dân gian ở Hội An đã cung cấp cơ sở để các địa phương, đơn vị phục hồi một số trò chơi dân gian của trẻ em để tổ chức Hội thi trò chơi dân gian hàng năm, đưa vào chương trình “Chúng em cùng khám phá Bảo tàng” phục vụ các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố.
Một số ấn phẩm đã xuất bản như Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An, Di tích - danh thắng Hội An, Lễ lệ lễ hội ở Hội An, Múa Thiên Cẩu ở Hội An, Kỷ yếu Cù Lao Chàm - Vị thế, Tiềm năng và Triển vọng, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An... đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ nhu cầu tham khảo, nghiên cứu của độc giả trong và ngoài nước về lịch sử - văn hóa Hội An. Một số chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu như kỹ thuật làm, lợp ngói âm dương, vữa vôi truyền thống đã được Trung tâm ứng dụng trong công tác tu bổ di tích để ngày càng đảm bảo tính chân xác hơn. Kỷ yếu Cù Lao Chàm - Vị thế, Tiềm năng và Triển vọng đã cung cấp cơ sở tư liệu để xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đạt yêu cầu.
Đối với những đề tài/chương trình điều tra về di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An, đặc biệt là những thông tin điều tra, thu thập được ở Cù Lao Chàm, Cẩm Kim góp phần nhận diện giá trị đặc trưng; đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và đối với từng di sản văn hóa cụ thể nói riêng gắn với phát triển du lịch bền vững ở Cù Lao Chàm, Cẩm Kim. Đồng thời đã xuất bản Thông tin nghiên cứu Cù Lao Chàm, Kim Bồng - Cẩm Kim phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở Cù Lao Chàm, Cẩm Kim trong thời gian đến.
Mặt khác, thông tin từ một số ấn phẩm về văn nghệ dân gian của Trung tâm xuất bản đã được Trung tâm Văn hóa Thể thao tham khảo đầu tư phục hồi, phát huy hiệu quả một số di sản văn hóa như: Hô hát bài chòi, Hát bội, múa Thiên cẩu… để phục vụ trong Đêm phố cổ.
Về công nghệ: Trung tâm thường xuyên đầu tư, cập nhật các phần mềm, công nghệ mới như Google Earth, Google Map, Auto Cad, Photoshop, Q.Office… để cán bộ nghiên cứu, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ, công việc. Bản tin chuyên môn, website của Trung tâm được nâng cấp, thay đổi về hình thức, và hàm lượng khoa học đạt chất lượng hơn. Đặc biệt, những thành quả nghiên cứu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An đã được quảng bá rộng rãi trên website hoianheritage.net của cơ quan, Chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản Văn hóa được phát hàng tuần trên Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An. Những hình ảnh tư liệu lưu trữ tại Trung tâm được xử lý để phục vụ công tác trưng bày, triển lãm thường xuyên và theo từng chủ đề khác nhau.
Về hợp tác quốc tế: Trong 10 năm qua, Trung tâm đã đón tiếp và làm việc với hơn 300 lượt cá nhân, đoàn, tổ chức quốc tế đến hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, hợp tác tổ chức lễ hội... Trung tâm cũng đã cử hơn 35 lượt cán bộ ra nước ngoài học tập, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều chuyên gia và hơn 10 tình nguyện viên (Nhật Bản, Đức, Úc) đến giúp đỡ các hoạt động quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An. Phối hợp tổ chức hàng chục hội thảo và tập huấn quốc tế về quản lý, bảo tồn, tu bổ các di tích kiến trúc gỗ tại di sản văn hóa Hội An. Ngoài ra còn phối hợp với các chuyên gia UNESCO, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các chuyên gia văn hóa trong nước thực hiện nhiều dự án hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.
Nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ là điều kiện, cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này thời gian qua của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An là khá lớn nhưng vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo tồn một khu di sản sống như Hội An. Việc tự nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng tốt hơn các thành tựu khoa học và công nghệ về bảo tồn, mở rộng hợp tác quốc tế, quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu là những điều cần phải làm tốt hơn trong thời gian đến để từng bước nâng cao công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của đơn vị./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền