Tri thức dân gian - nguồn tư liệu quý về biển đảo nhìn từ Hội An

Thứ hai - 18/07/2016 04:26
Là một bộ phận của di sản biển đảo Việt Nam, vùng biển đảo Hội An nằm ở trung độ của cả nước và có vị trí chiến lược quan trọng trong mạng lưới biển đảo nước ta cũng như ở khu vực Đông Nam Á và biển Đông. Dựa vào biển đảo và thích ứng tối đa với môi trường biển đảo để sinh tồn, phát triển là một truyền thống lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An, xứ Quảng nói riêng, của các địa phương có biển đảo nước ta nói chung. Truyền thống này được thể hiện đa dạng ở nhiều khía cạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng dân cư và tích lũy nên những giá trị vô cùng to lớn, trong đó có kho tri thức dân gian về biển đảo.
          Tri thức dân gian về biển đảo chính là kết tinh của quá trình thích ứng chung sống với môi trường biển đảo của các lớp cư dân địa phương từ đời này qua đời khác, từ thời kỳ, giai đoạn lịch sử này sang thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác. Các vương triều, thể chế có thể thay đổi, mất đi nhưng kho tri thức dân gian, tri thức bản địa về biển đảo lại không ngừng được bồi đắp, tích lũy từ nhiều nguồn cội, tầng hướng… và qua kho tri thức này bề dày của quá trình tương tác, thích ứng, vươn ra làm chủ biển đảo của người Việt ở Hội An, xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung cũng hiện lên hết sức rõ nét và sinh động.

           I/ Tri thức về địa hình, thời tiết, khí hậu biển đảo:

          Tri thức này thể hiện trước hết ở khối lượng từ đồ sộ liên quan đến biển đảo bao gồm các từ chỉ địa hình biển đảo, các từ chỉ hiện tượng tự nhiên, thời tiết khí hậu trên biển, các từ chỉ nghề nghiệp và các phương tiện hành nghề, các từ chỉ sản vật biển đảo và cả các từ chỉ trạng thái tình cảm sử dụng các hình tượng từ biển đảo kiểu: “Bao giờ bãi nọ xa gành; Cù Lao xa biển anh mới đành xa em”. Hệ thống từ vựng này chiếm tỉ lệ rất lớn trong kho từ vựng chung của địa phương chứng tỏ sự thâm nhập sâu sắc của biển đảo vào lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây. Về địa hình tự nhiên liên quan đến biển đảo, ngoài các từ phổ biến ở nhiều nơi như: đảo, cửa biển, bãi, vịnh, hòn, vũng… ở Hội An còn có những từ chỉ các dạng địa hình mang tính địa phương như: gành, mỏm, cồn, doi, nỗng, hố, hục, kinh, kèo, eo gió, cù lao,… Tại Cù Lao Chàm chúng tôi ghi nhận được hơn 40 từ chỉ các dạng địa hình biển đảo khác nhau: hòn, nỗng, gò, cồn, dốc, cù lao, bãi, nương, eo, hố, hang, hục, vũng, sũng, khe, suối, mũi, bền, truông, nà, bằng, giại, đá, dòn, kinh, luồng, lạch, mỏm, lò rượu, rạn, vịnh, kèo, lố, ao, tàu, nhỏn, giàn, cửa, bực, rừng, xéo (xẹo), bạt lộ, óc mồ, thị hồng… Trong bài Vè Các lái lưu truyền ở Hội An chúng tôi cũng ghi nhận được sự có mặt của nhiều từ chỉ các dạng địa hình biển đảo khác nhau như: vũng, bãi, cửa, hòn, rạn, kinh, lò, lao, núi, vịnh, vời, mũi, gành, lố, eo, chóp chài, đá, lạch, khe, hóc, ao, giếng,… Sự hình thành, lưu truyền hệ thống từ chỉ các dạng địa hình biển đảo phong phú và đa dạng như vậy chứng tỏ rằng người dân nơi đây đã có quá trình chung sống lâu dài với biển đảo để phát hiện, xác định nên những đặc điểm của từng dạng địa hình và phân biệt chúng với nhau. Có thể nói không ngoa rằng hệ thống từ chỉ các dạng địa hình biển đảo này là minh chứng có sức thuyết phục về quá trình vươn ra làm chủ biển đảo của các lớp cư dân người Việt tại địa phương.

          Cùng với hệ thống từ chỉ các dạng địa hình, địa lý tự nhiên là hệ thống từ chỉ các cấp độ khác nhau từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từ nguy hiểm ít đến nguy hiểm nhiều của sóng, gió. Về sóng thì có các từ như lặng, êm, động, nhóc, lừa, cồn… Về gió thì có: nồm, nam, bấc, chướng, lòa, giông, tố, lốc, ông Cụt… Về gió nam, gió nồm thì cũng có nhiều cấp độ: “Tháng giêng động rài, tháng 2 động bấc, tháng 3 nồm rộ, tháng tư nam non, tháng 5 nam giòn, tháng 6 nam kiệt”…

         Bên cạnh kho từ vựng đồ sộ chứng tỏ sự tiếp cận ngày càng sâu sắc của cộng đồng cư dân địa phương đối với môi trường biển đảo thì người dân biển nơi đây cũng đã tích lũy nên kho tri thức về thời tiết, khí hậu - thủy văn liên quan đến biển đảo. Đó là kho kinh nghiệm dựa vào các hiện tượng tự nhiên, mây gió, sóng nước, cây cỏ, chim thú để dự đoán thời tiết, thời vụ, đoán định các mối nguy hiểm để ứng phó, phòng tránh hoặc các điều kiện, nhân tố thuận lợi để tranh thủ, lợi dụng tổ chức các hoạt động hàng ngày từ khai thác, đánh bắt đến dịch vụ, buôn bán trên biển. Kho tri thức về thời tiết, khí hậu - thủy văn biển đảo này có thể tập hợp thành các nhóm sau:

          1/ Dựa vào các hiện tượng tự nhiên như mây, sấm, cầu vồng, chuyển động của nước biển, thay đổi của cát biển… để dự đoán thời tiết. Đêm giao thừa ra ngoài bãi biển nhìn mây, chớp phía chân trời để đoán xem năm ấy có bao nhiêu cơn bão, trận lụt; chớp nhiều ở dưới nước phía hòn Nghê thì trời sắp động; mây phía hang Tò Vò ửng đỏ thì sẽ có bão, cát biển bước xuống bị lún thì trời sắp động… “Đời ông cho chí đời cha Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa” “Đóng mống Cu Đê lo về dọn gác; Đóng mống Cửa Đại ở lại làm ăn” v.v…

          2/ Dựa vào tinh tượng để dự đoán thời tiết, xác định phương hướng. Những tài công, hoa tiêu, những người đi biển lão luyện của địa phương cũng là những người có kinh nghiệm nhìn trăng sao, bầu trời để xác định phương hướng, xác định vị trí cũng như dự đoán sự thay đổi của thời tiết. “Đi ra trông sao, đi vào trông rú”, “Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa”; “Ngó lên Bắc Đẩu, Nam Tào, Kìa là Cá Liệt, nọ sao Ông Chài”. Do có kinh nghiệm về lĩnh vực này nên dù không có la bàn hoặc hải đồ nhưng những người đi biển địa phương vẫn có thể xác định được phương hướng, cự ly để điều khiển con thuyền một cách chính xác.

          3/ Dựa vào cây cỏ để dự đoán thời tiết: Mụt măng mọc vào chính giữa bụi tre thì năm ấy có bão; mọc ra bên ngoài thì không có bão hoặc bão nhỏ. Lau sậy trổ bông thì hết lụt; hoa ngô đồng bay lá trắng thì trời mưa…

          4/ Dựa vào chim cá, muông thú để dự đoán thời tiết, dự báo nguy hiểm: Ong vò vẽ làm tổ trên cao thì ít bão, làm tổ dưới thấp thì có bão lớn. Trời đang động mà chuồn chuồn bay ra nhiều thì trời chuyển lặng. Chạng vạng (hoàng hôn) mà nghe chim lạc kêu vang thì ngày mai sẽ có gió bấc. “Cò bay xuôi nước lui ra biển; Cò bay ngược nước vượt lên bờ”. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. “Diều kêu thì gió, Ó kêu thì mưa” v.v…

           II/ Tri thức về y dược gắn với biển đảo:

          Cư dân biển đảo địa phương Hội An và các vùng lân cận không chỉ tìm thấy ở biển đảo một kho thực phẩm phong phú vô hạn mà còn dần dà phát hiện ra ở biển đảo nhiều loại nguyên liệu, sản vật có tác dụng chữa bệnh và những cách thức phòng trị bệnh dân gian gắn với môi trường biển đảo. Trong cộng đồng cư dân địa phương từ lâu đã hình thành niềm tin về một thế giới thần tiên ở biển Đông, nơi có những vị tiên có khả năng cải tử hoàn sinh, cho thuốc cứu người và trên thực tế người dân nơi đây cũng đã khám phá ra nhiều phương thuốc, vị thuốc chữa bệnh từ biển đảo.

          Trước hết người dân nơi đây đã biết tác dụng to lớn của nước biển, cát biển, không khí trong lành của biển đối với sức khỏe và 1 số bệnh ngoài da, phong thấp, suy nhược, bệnh đường hô hấp, viêm xoang, gai cột sống… Từ đó hình thành nên phong trào đi biển vào buổi sáng, buổi chiều của đông đảo người dân để rèn luyện thân thể, chữa trị một số loại bệnh bằng phương thức tắm biển, chôn mình trong cát, phơi nắng, đi bộ dọc biển…

           Dược tính của nhiều loại nguyên liệu, sản vật, rong tảo, cây lá từ biển đảo cũng đã được phát hiện và sử dụng để chữa trị khá nhiều chứng bệnh trong điều kiện khó khăn, khan hiếm về thuốc thang và thiếu các thầy thuốc chuyên nghiệp như trước đây. Tuy chỉ mới sưu tầm trong phạm vi hẹp tại Hội An và thời gian sưu tầm ngắn nhưng chúng tôi cũng tập hợp được khá nhiều cách chữa bệnh dân gian bằng các nguyên liệu, sản vật lấy từ biển đảo. Điều này chứng tỏ kho tri thức y dược gắn với biển đảo rất phong phú, đa dạng, chắc chắn sẽ gây bất ngờ thú vị khi sưu tầm đầy đủ.

          Riêng tại Cù Lao Chàm chúng tôi sưu tầm được trên 40 bài thuốc trị bệnh bằng các loại lá cây, nguyên liệu, sản vật tại chỗ, trong đó có các loại như nang mực, vỏ bào ngư, máu đồi mồi, ba ba biển; xương cá ông (cá voi), đầu cá lược, bào ngư, hải sản, cá ngựa, vi cước cá, tổ chim yến, v.v… Tại Cù Lao Chàm từ lâu đã nổi tiếng với nước lá Lao, một loại nước nấu từ 30 đến 40 loại lá có dược tính cao hái từ các vạt rừng tại chỗ có tác dụng chữa một số bệnh thời khí, bồi bổ sức khỏe, nhuận trường, tiêu thực…

           III/ Tri thức về ẩm thực biển đảo:

         Tri thức này thể hiện trước hết ở việc khai thác, sử dụng các nguồn nguyên liệu, sản vật biển đảo để làm món ăn, thức uống hàng ngày. Sự có mặt ngày càng nhiều các món ẩm thực sử dụng nguyên liệu từ biển đảo, một mặt làm phong phú rõ rệt bữa ăn hàng ngày của người dân địa phương, mặt khác thể hiện sự chiếm lĩnh sâu sắc của người dân đối với môi trường biển đảo.

          Cùng với các loại tôm cá cua mực, nhiều loài nhuyễn thể, tảo, rong biển đã được khai thác và chế biến thành các món ăn hàng ngày hoặc gia công thành các mặt hàng xuất khẩu có giá trị như hải sản, bào ngư, rong biển khô, mứt biển…

         Cách thức chế biến các món ăn từ hải sản cũng ngày càng có sự phát triển để làm nên sự có mặt của nhiều loài mắm từ cá biển, trong đó nổi tiếng có loại mắm nhỉ, mắm dãnh, mắm thính, mắm ruốc. Thực đơn các món ăn từ biển đảo cũng ngày càng phong phú với sự góp mặt của  các loại gỏi hải sản, các món trộn, nướng, lẫu, chiên, hấp, cháo, chè… lấy nguyên liệu từ biển đảo. Mỗi loại món ăn có cách chế biến, kỹ thuật nấu nướng riêng nhằm tạo nên sự hấp dẫn, ngon miệng. Đặc biệt các món ăn, thức uống từ yến sào, bào ngư, hải sâm, vi cước cá từ lâu đã được xem là những món ẩm thực trứ danh của biển đảo, tạo nên sự đối trọng về hải vị đối với sơn hào.

          IV/ Tri thức về ngành nghề gắn với biển đảo:

         Quá trình chung sống, tương tác lâu dài với biển đảo đã cho ra đời tại địa phương một ngành kinh tế mới là nghề biển với nhiều phương thức hành nghề khác nhau. Trước đây, khi nói đến nghề biển người ta thường chú ý đến các nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Thật ra, ngoài các nghề khai thác đánh bắt hải sản còn có các nhóm nghề liên quan đến gia công, chế biến hải sản, nghề thủ công liên quan đến biển và đặc biệt là các nghề dịch vụ, buôn bán bằng đường biển. Tất cả tạo nên bức tranh kinh tế biển khá đa dạng và kèm theo đó là các kinh nghiệm hành nghề, tri thức ngành nghề liên quan đến biển đảo từng bước được tích lũy, hoàn thiện và lưu truyền cho đến ngày nay.

          1/ Về khai thác, đánh bắt: Ở Hội An chúng tôi thống kê được 45 nghề bao gồm các nhóm nghề lưới, mành, câu, lặn, cào, gỡ, bẫy, đốn, hái,… Mỗi nghề có những kỹ thuật, kinh nghiệm hành nghề riêng.

         2/ Về thủ công, gia công, chế biến: Ở Hội An có các nghề đóng ghe đi biển, đóng ghe bầu; đan thúng chai; đan võng ngô đồng, đan các loại lưới; chế biến hải sản (tôm, mực khô, bào ngư, hải sâm, vi cước cá; hàng mỹ nghệ từ san hô, vỏ ốc, vỏ các loài giáp xác…). Đặc biệt nghề đóng ghe bầu, ghe đi biển trước đây phát triển rất nhộn nhịp với nhiều trại xưởng đóng ghe tại địa phương.

          3/ Về buôn bán, dịch vụ: Do tính chất là một thương cảng mở ra biển Đông nên nghề buôn bán, dịch vụ đường biển rất phát triển ở Hội An và tích lũy nên nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này. Trước đây đội ngũ khách buôn, tài công, thủy thủ người Việt tại Hội An tham gia mạng lưới mậu dịch trên biển rất đông đảo bao gồm những người ở các vùng phố thị và các khu vực nông thôn được gọi là “dân ghe bầu”, “bạn ghe bầu”. Phạm vi hoạt động buôn bán của ghe bầu Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong nói chung không chỉ ở các bến cảng, thị tứ ven biển nước ta mà còn mở rộng ở nhiều quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Indonesia, Nhật Bản v.v… Điều này cho thấy khả năng hàng hải thực sự của người Việt tại địa phương: Trong quá khứ các thế hệ cư dân địa phương đã thực sự ra biển, dấn thân vào biển để sinh tồn, phát triển và vào những thời điểm nhất định họ đã ra biển xa hơn chúng ta bây giờ.

          Cùng với việc buôn bán đường biển tại Hội An trước đây cũng đã phát triển các nghề như làm tài công, hoa tiêu thuê cho các tàu buôn trong và ngoài nước; nghề bảo dưỡng tàu thuyền hàng năm, nghề rỗi biển… Từ các nghề nhóm dịch vụ, buôn bán đường biển cư dân ở đây đã tích lũy, lưu truyền nhiều tri thức ngành nghề mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

          Tri thức dân gian về biển đảo dù mới được tiếp cận một cách cục bộ từ Hội An và cũng chưa đầy đủ nhưng cũng cho thấy sự phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Trong lúc các nguồn tư liệu thư tịch về biển đảo, về sự tiếp cận, tương tác của các lớp dân cư người Việt đối với biển đảo còn hạn chế thì nguồn tư liệu dân gian, trong đó có kho tri thức dân gian đã bổ sung cần thiết và góp phần quan trọng để xác định sự có mặt của một nền văn hóa biển đảo ở nước ta, về truyền thống thích ứng và tương tác lâu dài với biển cả của các thế hệ cư dân địa phương ở Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong và cả nước nói chung trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước. Kho tri thức dân gian này cũng đã góp phần đáng kể đóng những cột mốc vững chắc xác định chủ quyền lãnh hải trên biển Đông của các lớp cư dân người Việt trong quá trình chiếm lĩnh, thích ứng và khai thác lâu dài môi trường biển đảo.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây