Một số thông tin, sự kiện liên quan đến di tích Chùa Cầu ở Hội An

Thứ hai - 15/08/2016 04:53
Chùa Cầu, tên gọi khác là cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều là một trong những công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam. Tương truyền, chùa Cầu do người Nhật ở Hội An khởi dựng vào đầu thế kỷ XVI và được các thế hệ cộng đồng cư dân Hội An tôn tạo, phát triển và bảo tồn cho đến ngày nay. Hiện nay, chùa Cầu đã trở thành biểu trưng của thành phố Hội An, là hình ảnh phản ánh mối quan hệ hữu nghị, giao lưu quốc tế tại Hội An trong quá khứ. Trong bài viết này xin được giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến di tích đặc biệt này.
          Trong thời gian lưu trú tại Hội An, giáo sĩ Bénigne Vachet đã ghi chép câu chuyện diễn ra trên cầu Faifo (chùa Cầu) vào khoảng những năm từ 1673-1683. Câu chuyện này được L. CADIÈRE  giới thiệu trong tập Những người bạn cố đô Huế (BAVH), tập 7, xuất bản năm  1920 với tiêu đề: Trên cầu Faifo thế kỷ XVII - Câu chuyện bi hài. Câu chuyện kể về hoạt động coi bói của những người mù tại cầu Faifo và hành động thiếu kiềm chế của người lính đối với thầy bói mù dẫn đến vụ kiện mà nguyên nhân là do thầy bói nói sai. 
 
31 Canh ban hang tren cau 1930 1950

          Vào năm Bính Dần - 1686, hình vẽ di tích chùa Cầu được thể hiện trong Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo vẽ và chú thích. Hình vẽ di tích chùa Cầu được chú thích bởi dòng chữ bên cạnh là: 會 安 橋 (Hội An kiều, tức cầu Hội An). Hình vẽ di tích chùa Cầu với chú thích tương tự còn thể hiện trong tập bản đồ Càn Khôn nhất lãm của Phạm Đình Hổ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.
 
         Năm Ất Hợi - 1695, di tích chùa Cầu được đề cập trong tác phẩm Hải Ngoại kỷ sự của thiền sư Thích Đại Sán, người Quảng Đông, Trung Quốc. Theo lời mời của chúa Nguyễn Phước Chu, năm 1695 thiền sư Thích Đại Sán đã đến Đàng Trong và có thời gian lưu lại ở Hội An, Cù Lao Chàm. Trong tác phẩm Hải Ngoại kỷ sự có đoạn chép:

          “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phước Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập họp mua bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây.[1]

          Năm Kỷ Hợi - 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu tuần du phương nam, đến phố Hội An thấy gần chùa Cầu thuyền buôn các nơi buôn bán tấp nập nên chúa ban tên chữ cho chùa Cầu là 來 遠 橋 (Lai Viễn Kiều), cho khắc biển vàng treo tại chùa Cầu còn lưu lại đến ngày nay. Việc này được Quốc Sử quán triều Nguyễn chép lại trong sách Đại Nam Nhất thống chí như sau:  

“Cầu Lai Viễn: Ở xã Cẩm Phố (Phô) về phía tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói. Năm Kỷ Hợi thứ 28, Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế (tức chúa  Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là Lai Viễn Kiều (cầu Lai Viễn) và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”[2]

          Năm Quý Mùi - 1763, lập xà cò ghi lại việc tu bổ di tích chùa Cầu do người đứng đầu xã Minh Hương là Trương Hoằng Cơ cùng toàn xã thực hiện. Xà cò hiện còn tại di tích, văn khắc ghi: Long Phi tuế thứ Quý Mùi niên Bính Thìn nguyệt, Ất Dậu nhật, Kỷ Mão thời, Minh Hương xã Duyên thủ Trương Hoằng Cơ ký toàn xã đẳng trùng hưng

          Năm Đinh Sửu - 1817, lập xà cò ghi lại việc tu bổ di tích chùa Cầu do xã Minh Hương thực hiện. Xà cò hiện còn tại di tích, văn khắc ghi: Gia Long thập lục niên tuế thứ Đinh Sửu Ất Tỵ nguyệt Mậu Tý nhật Bính Thìn thời Minh Hương xã hương quan hương lão hương trưởng toàn xã đẳng đồng trùng tu. Ngoài xà cò còn có bia đá đề bài ký trùng tu Lai Viễn kiều (Trùng tu Lai Viễn kiều ký) do đốc học Quảng Nam Đinh Tường soạn. Bia đá hiện còn tại di tích.
 
Chua Cau Hoi An nam 1990

          Năm Ất Hợi - 1875, lập xà cò ghi lại việc tu bổ di tích chùa Cầu do xã Minh Hương và những thương buôn tại Hội An thực hiện. Xà cò hiện còn tại di tích, văn khắc ghi: Tự Đức nhị thập bát niên tuế thứ Ất Hợi Giáp Thân nguyệt Bính Thìn nhật Bính Thân bài Minh Hương xã hương quan hương trưởng bổn xã tịnh bổn phố quý thương đẳng đồng trùng tu.

          Vào thập niên đầu thế kỷ XX, hình ảnh chùa Cầu đã được in trên bưu thiếp, trong đó có bưu thiếp in hình mặt tiền chùa Cầu, có bưu thiếp in hình mặt phía đông chùa Cầu.

Năm Ất Mão - 1915, chánh công sứ  LESTERLIN GALTIER đã chuẩn xuất ngân để tu bổ di tích chùa Cầu. Việc này được ghi lại trong bia đá đặt tại phía nam đầu phía tây chùa Cầu.

          Năm Đinh Tỵ - 1917, lập xà cò ghi lại việc tu bổ di tích chùa Cầu do xã Minh Hương, bang trưởng ngũ bang và những thương buôn tại Hội An thực hiện. Xà cò hiện còn tại di tích, văn khắc ghi: Khải Định nhị niên tuế thứ Đinh Tỵ lục nguyệt cát nhật Minh Hương xã quan viên hương chức, ngũ bang bang trưởng tịnh thành phố chư quý thương đồng trùng tu. Ngoài xà cò còn có 02 bia đá ghi lại việc tu tu bổ di tích chùa Cầu với những phương danh cúng tiền để thực hiện.

Vào thập niên 30 thế kỷ XX, chùa Cầu (Cầu Nhật Bản - Pont Japonais) cùng với 2 di tích khác ở Hội An là chùa Bà Mụ - Ông Chú (Pagoda de la Maternitéouou Temple) và Hội quán Triều Chầu đã được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Đông Dương liệt hạng cấp quốc gia[3]. Chùa Bà Mụ và Ông Chú tức là 2 cung Cẩm Hà và cung Hải Bình. Công trình kiến trúc tín ngưỡng này hiện nay chỉ còn lại cổng vào có quy mô lớn mà dân gian quen gọi là Tam quan chùa Bà Mụ.  

          Năm Nhâm Dần - 1962, di tích chùa Cầu được chính quyền tỉnh Quảng Nam tu bổ, thay thế và gia cố những cấu kiện bị mục nát. Bộ Quốc gia giáo dục có bản treo ở chùa Cầu đề: “Cổ tích liệt hạng: Lai Viễn kiều. Cấm phá hoại di sản, dán giấy, vẽ và viết trên cổ tích, ai phạm pháp sẽ bị truy tố và trừng phạt theo luật lệ hiện hành về bảo tồn cổ tích viện khảo cổ (Bộ Quốc gia giáo dục)”[4]

          Vào thập niên 60 thế kỷ XX, hình ảnh chùa Cầu cũng được in trên tem lệ phí vi bằng của tỉnh Quảng Nam.

          Năm Bính Dần - 1986, vào tháng 8 đến tháng 10, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tiến hành tu bổ di tích chùa Cầu. Hạng mục tu bổ gồm trùng tu phần mái, phục hồi sàn cầu như hiện nay. Tổng số tiền tu bổ là 555.454 đồng. Trong thời gian 2 tháng tiến hành tu bổ di tích chùa Cầu, có 79 đoàn khách đến tham quan, trong đó có 39 đoàn khách nước ngoài. Đại sứ Ba Lan và các nhân viên sứ quan cũng đến tham quan trong thời gian này.

          Năm Canh Ngọ - 1990, vào ngày 17/2, cùng với Khu phố cổ Hội An, Hội quán Phước Kiến và nhà cổ Tấn Ký, di tích chùa Cầu đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là những di tích cấp quốc gia được cấp bằng xếp hạng đầu tiên ở Hội An.

          Năm Nhâm Thân – 1992, vào ngày 7/7, di tích chùa Cầu được UBND tỉnh Quảng Nam lập biên bản và quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích với diện tích 12,9 x 20,6m.
 
DSC 0495

          Năm Bính Tý - 1996, vào tháng 10, UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tiến hành tu bổ di tích chùa Cầu. Hạng mục tu bổ gồm xây lại ½ trụ phía tây, thượng lưu, đúc dầm tường phía Bắc của chùa. Tổng kinh phí tu bổ là 18.236.032đ
          Năm Kỷ Mão - 1999, vào ngày 24/7, UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tổ chức Hội nghị trùng tu chùa Cầu. Hội nghị với sự tham gia gồm: GS. Phan Huy Lê – Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Cục phó Cục Bảo tồn Bảo tàng, TS. Hoàng Đạo Kính – Giám đốc Trung tâm Thiết kế tu bổ di tích Trung ương, Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng Địa – Kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Giao thông vận tải, Nguyễn Đình An – Chủ tịch TW Hội Bảo trợ Di sản Văn hóa Kiến trúc Hội An, Kikuchi Seiichi – chuyên gia JICA, Mark Chang – Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa; các cơ quan chuyên môn của Tỉnh và lãnh đạo, cơ quan chuyên môn của thị xã Hội An.

          Năm Bính Tuất – 2006, vào ngày 17/5, Ngân hành nhà nước Việt Nam đã phát hành tiền polyme mệnh giá 20.000đ màu xanh lơ đậm, kích cỡ 136 x 65mm. Mặt sau của tờ tiền trang trí hình phong cảnh chùa Cầu của khu di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An.

           Cũng trong năm này, vào tháng 8, đoàn khảo cổ thuộc Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Khoa sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An tiến hành đào thám sát đầu phía đông chùa Cầu. Kết quả đã phát hiện nhiều thông tin thú vị liên quan đến việc hình thành chùa Cầu và dấu tích cư trú của cư dân Hội An cuối thế kỷ XVI.
           
 
 
 

[1] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, trang 154
[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 1997, tập 2, trang 379
[3] Liste Général de classement des Nonuments historiques de L’Indochine
[4] Theo Hồ Ngận (1962), Quảng Nam xưa và nay, NXB Thanh niên, xuất bản năm 2003

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây