Những lần tu bổ di tích Chùa Cầu ở Hội An

Thứ năm - 18/08/2016 21:11
Mặc dù chưa xác định chính xác niên đại khởi dựng nhưng hiện nay Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng kiến trúc của di sản văn hóa Hội An, là chứng tích về một thời kỳ phát triển phồn thịnh của đô thị thương cảng Hội An cũng như về mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây tại Hội An trong nhiều thế kỷ trước đây...
Có thể nói, đối với người Hội An, Chùa Cầu là một công trình kiến trúc đặc biệt, vừa mang công năng là chiếc cầu phục vụ dân sinh đi lại, cũng vừa là địa điểm tín ngưỡng với quan niệm chống thiên tai lũ lụt, bảo vệ sự an toàn cho khu phố, cho cộng đồng.
 
chua cau
Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
          Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, tên chữ tại di tích là Lai Viễn Kiều (cầu Lai Viễn, tức là cầu của những người bạn từ phương xa đến). Sách Đại Nam Nhất thống chí thời Nguyễn chép rằng: “Cầu Lai Viễn: Ở xã Cẩm Phố (Phô) về phía tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói. Năm Kỷ Hợi, Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là Lai Viễn Kiều và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”[1].

          Bức biển khắc tên Lai Viễn Kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm Kỷ Hợi - năm 1719 hiện được treo trang trọng trên lối vào nội thất gian thờ của Chùa Cầu. Xung quanh bức biển trang trí hình 6 con rồng, lạc khoản ghi: Quốc Chúa Thiên Túng Đạo Nhân đề.

          Trong Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư được vẽ và chú thích vào năm Bính Dần - 1686, lần đầu tiên hình vẽ di tích Chùa Cầu được thể hiện trên bản đồ với dòng chữ chú thích là Hội An kiều. Trước đó vài năm, tên di tích Chùa Cầu đã được nhắc đến trong một câu chuyện diễn ra trong thời gian khoảng từ năm 1673-1683, được giáo sĩ Bénigne Vachet ghi lại mà L. Cadière giới thiệu trong tập Những người bạn cố đô Huế (BAVH), tập 7, xuất bản năm 1920 với tiêu đề dịch sang tiếng Việt: Trên cầu Faifo thế kỷ XVII - Câu chuyện bi hài. Năm 1695, Chùa Cầu được thiền sư Thích Đại Sán chép trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự là cầu Nhật Bản: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phước Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố[2].

          Chùa Cầu dài 20,4m, rộng 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) - vị thần có chức năng trị thủy. Cầu và miếu có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, sàn lát ván dày, trụ cầu được xây bằng đá. Với những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa tín ngưỡng, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX, Chùa Cầu đã được Viện Viễn Đông Bác cổ liệt hạng cấp quốc gia cùng với 2 di tích khác ở Hội An là chùa Bà Mụ - Ông Chú và Hội quán Triều Châu[3]. Hình ảnh Chùa Cầu cũng từng được in trên bưu thiếp thời Pháp thuộc. Vào ngày 17/5/2006, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phát hành tiền polyme mệnh giá 20.000đ có in hình vẽ Chùa Cầu của khu di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. Ngày nay, Chùa Cầu trở thành biểu trưng của thành phố Hội An, cũng là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

          Từ khi được xây dựng cho đến ngày nay, di tích Chùa Cầu đã được cộng đồng cư dân Hội An gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Những tư liệu hiện còn cho biết, đến nay Chùa Cầu đã được tu bổ lớn ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.        

          Theo xà cò, năm Quý Mùi - 1763, Chùa Cầu được người đứng đầu xã Minh Hương là Trương Hoằng Cơ cùng toàn xã tu bổ. Nội dung xà cò ghi: Long Phi tuế thứ Quý Mùi niên Bính Thìn nguyệt, Ất Dậu nhật, Kỷ Mão thời, Minh Hương xã Duyên thủ Trương Hoằng Cơ ký toàn xã đẳng trùng hưng.

          54 năm sau, tức vào năm Đinh Sửu - 1817, Chùa Cầu được tiếp tục tu bổ. Xà cò về lần tu bổ này ghi: Gia Long thập lục niên tuế thứ Đinh Sửu, Ất Tỵ nguyệt, Mậu Tý nhật, Bính Thìn thời, Minh Hương xã hương quan hương lão hương trưởng toàn xã đẳng đồng trùng tu. Ngoài xà cò còn lập bia đá Trùng tu Lai Viễn Kiều ký đặt ở đầu phía đông Chùa Cầu.

          Rồi 58 năm sau, tức vào năm Ất Hợi - 1875, Chùa Cầu lại được xã Minh Hương và những thương buôn tại Hội An tu bổ. Xà cò lần này ghi: Tự Đức nhị thập bát niên tuế thứ Ất Hợi, Giáp Thân nguyệt, Bính Thìn nhật, Bính Thân bài, Minh Hương xã hương quan hương trưởng bổn xã tịnh bổn phố quý thương đẳng đồng trùng tu.

          Dưới thời Pháp thuộc, Chùa Cầu cũng được chính quyền và cộng đồng cư dân tu bổ. Lần tu bổ này được khắc ghi trong 3 bia đá và xà cò hiện còn tại di tích. Trong đó có bia đá ghi lại việc năm Ất Mão - 1915, chánh công sứ  Lesterlin Galtier đã chuẩn xuất ngân để tu bổ di tích Chùa Cầu. 02 bia đá còn lại ghi phương danh cúng tiền tu bổ. Xà cò ghi lại lần tu bổ này như sau:  Khải Định nhị niên tuế thứ Đinh Tỵ lục nguyệt cát nhật Minh Hương xã quan viên hương chức, ngũ bang bang trưởng tịnh thành phố chư quý thương đồng trùng tu.

          Khoảng năm 1962, Chùa Cầu được chính quyền tỉnh Quảng Nam tu bổ, thay thế và gia cố những cấu kiện bị mục nát. Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ có bảng treo ở Chùa Cầu ghi: “Cổ tích liệt hạng: Lai Viễn kiều. Cấm phá hoại di sản, dán giấy, vẽ và viết trên cổ tích, ai phạm pháp sẽ bị truy tố và trừng phạt theo luật lệ hiện hành về bảo tồn cổ tích viện khảo cổ”[4].

          Từ sau năm 1975 đến nay, Chùa Cầu được tu bổ 2 lần vào năm 1986 và 1996. Lần tu bổ vào năm 1986 được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10, do Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) thực hiện. Hạng mục tu bổ gồm trùng tu phần mái, phục hồi sàn cầu như hiện nay. Năm Bính Tý - 1996, chùa Cầu tiếp tục được UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tiến hành tu bổ. Hạng mục tu bổ gồm xây lại ½ trụ phía Tây, đúc dầm tường phía Bắc.

          Trải qua sau 25 năm từ lần tu bổ năm 1996, dưới những tác động của thiên tai, mối mọt nên hiện nay di tích Chùa Cầu xuống cấp nặng. Được sự thống nhất của HĐND tỉnh Quảng Nam tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 19/4/2021, kỳ họp thứ 23, khóa IX đã thống nhất bổ sung Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu vào danh mục khởi công mới thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2021. Hiện nay Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang triển khai các thủ tục để tiến hành tu bổ di tích nhằm gìn giữ nguyên vẹn giá trị di tích Chùa Cầu nói riêng, di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An nói chung không những cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
 
 
 
 
[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 1997, trang 379.
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, trang 154.
[3] Liste Général de classement des Nonuments historiques de L’Indochine.
[4] Theo Hồ Ngận (1962), Quảng Nam xưa và nay, Nxb Thanh Niên, xuất bản năm 2003.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây