Sử liệu Trung Quốc và Nhật Bản cho biết trước khi sang Nhật định cư vào năm 1658, Chu đã nhiều lần theo tàu buôn đến Việt Nam. Trong khoảng thời gian ở nước ta, không những sở học của Chu chẳng có ai nhận chân được giá trị, thậm chí có lúc Chu còn bị quản thúc và suýt mất mạng. Chắc hẳn vì thế nên Chu đã từ giã Việt Nam để sang định cư ở Nhật với tư cách là một học giả về Nho học. Trước khi rời Việt Nam, Chu có viết một ký sự về khoảng thời gian bị câu lưu và phục dịch cho phủ chúa Nguyễn ở đất Thuận-Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam). Tập ký sự này được viết vào năm 1657 và mang tên An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự về việc phục dịch ở An Nam). Sau khi sang Nhật, Chu được nhiều người mến mộ tài năng nên đã có dịp thi thố sở học của mình và đóng góp lớn vào việc nghiên cứu, phát triển Nho học trong nước Nhật lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, ở Trung Quốc và Nhật Bản tên tuổi của Chu còn được nhắc nhở đến khá nhiều, trong lúc đó ở Việt Nam không mấy ai biết đến[2]. Trên thực tế, cùng với tập Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán[3] và cuốn Xứ Đàng Trong vào năm 1621 của Christophoro Bori[4], An Nam cung dịch kỷ sự là một sử liệu độc đáo cung cấp cho ta nhiều thông tin bổ ích về tình hình ở đất Thuận-Quảng nói riêng cũng như Đàng Trong nói chung vào thế kỷ XVII.
Chu người Dư Diêu (cùng quê với Vương Dương Minh) tỉnh Chiết Giang, sinh năm 1600 vào đời Vạn Lịch nhà Minh. Tên thật của Chu là Chi Du, hiệu là Thuấn Thủy, tổ tiên hình như có liên hệ với Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Vì chán cảnh quan trường thối nát, Chu hồi trẻ đã nuôi chí giúp đời (kinh thế tế dân) và nhất quyết không chịu đi thi, chỉ theo thầy đọc sách ở Tùng Giang Phủ (Nam Kinh). Tuy không đi thi, nhưng sở học và tài năng của Chu được xa gần đánh giá rất cao. Năm 1638, Chu được Học chính giám sát ngự sử ở Tô Tùng (Tô Châu và Tùng Giang) chọn là nhân vật “văn võ toàn tài đệ nhất” và tiến cử lên Bộ Lễ làm “ân cống sinh”. Thượng thư Bộ Lễ lúc bấy giờ sau khi đọc bài viết của Chu, khen là bài viết hay nhất từ khi nhà Minh được khai sáng (khai quốc lai đệ nhất).
Khi quân phản loạn của Lý Tự Thành công phá Bắc Kinh (1644), Minh Nghệ Tôn phải thắt cổ tự tử, di thần nhà Minh là Sử Khả Pháp lập Phúc vương Do Tùng (tức Hoàng Quang Đế) ở Nam Kinh. Có điều lạ là lúc này Chu được Phúc vương vời ra giúp hơn mười lần nhưng lần nào Chu cũng nhất mực khước từ, đến nỗi phải bị hạch tội là không giữ lễ quân thần. Phải chăng Chu muốn giữ một tư thế độc lập trong nỗ lực phục hồi nhà Minh? Sau khi Phúc vương bị quân Thanh bắt sống (1645), nhóm Trương Quốc Duy lập Lỗ vương Dĩ Hải làm Giám quốc ở Chiêu Hưng. Chính Giám quốc Lỗ vương là người đã ban chiếu ân xá cho Chu vào năm 1657. Tuy Chu không bao giờ giải thích vì sao trong khoảng 12 năm từ năm 1646 cho đến năm 1658, Chu đã từ Chu Sơn (Chiết Giang) bôn ba sang An Nam (chủ yếu chỉ miền Thuận-Quảng lúc bấy giờ) ít nhất 5 lần và Nhật Bản (Nagasaki) 7 lần, ta có thể phỏng đoán rằng mục đích các chuyến đi của Chu là để tìm cách yểm trợ phong trào “bài Thanh phục Minh” ở miền Nam Trung Quốc.
Căn cứ trên những tài liệu Trung Quốc và Nhật Bản, Chu đã đến Đàng Trong 5 lần sau đây: (1) 1646, từ Nagasaki - An Nam, về Chu Sơn; (2) 1651, từ Chu Sơn - An Nam; (3) 1652, từ Nagasaki - An Nam, bị bệnh; (4) 1653, từ An Nam - Nagasaki (tháng 7), từ Nagasaki - An Nam (tháng 12); (5) 1654, từ An Nam - Nagasaki (tháng Giêng), từ Nagasaki - An Nam, bị thổ huyết rồi lưu trú tại Việt Nam; 1656: từ An Nam định đi Áo Môn, nhưng không đi được, tiếp tục ở lại An Nam; 1657: bị giam giữ, sau khi được thả về bị thổ huyết nặng; 1658: từ An Nam đi Nagasaki (vào mùa Hè).
Trong 5 lần đến Đàng Trong, thời gian Chu lưu trú lâu nhất là khoảng 4 năm từ năm 1654 cho đến năm 1658. An Nam cung dịch kỷ sự là “hồi ký” của Chu viết về những sự việc xảy ra vào năm 1657 trong khoảng thời gian hai tháng rưỡi kể từ khi Chu bị quản thúc ở Hội An (ngày 3 tháng 2 âm lịch, tức ngày 17 tháng 3 năm 1657), kế đó được chuyển ra bản doanh của chúa Nguyễn ở Dinh Cát (thuộc đất Thuận Hóa lúc bấy giờ, nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), cho đến khi được cho về lại Hội An vào ngày 21 tháng 4 âm lịch (tức ngày 2 tháng 6 năm 1657). Vị “Quốc vương” mà Chu thường nhắc đển trong An Nam cung dịch kỷ sự là chúa Nguyễn, hay nói rõ hơn là chúa Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền), người cai quản Đàng Trong từ năm 1648 đến năm 1687.
Căn cứ theo thư Chu gửi Giám quốc Lỗ vương sau khi về lại Hội An vào đầu tháng 6 năm 1657, lúc này Chu bị thổ huyết không ngừng, mãi sang Hè năm sau (1658), Chu mới hồi phục để theo tàu buôn trở sang Nagasaki. Tại đây, Chu gặp được tri kỷ là Andô Shuyaku (Seian), gia nhân của Yanagawa-han (han giống như là một lãnh địa). Andô mến tài Chu, ngỏ ý mời Chu làm thầy. Nhưng lúc đó, nghe tin Trịnh Thành Công đã cử quân Bắc phạt và đang uy hiếp Nam Kinh, Chu trở về Hạ Môn (tháng 10 năm 1658), cùng con thứ là Chu Đại Hàm gia nhập hàng ngũ kháng Thanh. Rủi ro cho Chu, Đại Hàm bị bệnh chết bất thình lình, và sau đó chẳng bao lâu lực lượng kháng Thanh đại bại ở Nam Kinh (tháng 7 năm 1659), bản thân Trịnh Thành Công phải rút lui về đảo Kim Môn.
Tháng 10 năm 1659, Chu quyết định trở lại Nagasaki, Andô Shuyaku không những giúp Chu xin giấy phép cư trú đặc biệt mà còn tự trích ra một nửa bổng lộc của mình để giúp Chu. Qua sự khuyến khích của Andô, Chu viết tập Dương cửu thuật lược[5] (1661), kể lại nguyên nhân vì sao nhà Minh gặp họa mất nước.
Ở Nagasaki được 5 năm, Chu được tiến cử làm tân khách của Mito-han, một trong ba lãnh địa lớn nhất ở Nhật dưới thời tướng quân Tokugawa (Đức Xuyên). Daimyô (giống như lãnh chúa) của Mito-han lúc bấy giờ là Tokugawa Mitsukuni (Đức Xuyên Quang Quốc, 1628-1700), người chủ trì việc biên soạn bộ Dai Nihon shi (Đại Nhật Bản sử) đồ sộ, bộ sử gồm có đến 397 cuốn này trên thực tế phải đến năm 1906 mới hoàn tất[6]. Mitsukuni cũng là người chủ xướng học phái Mito (Mito-gaku), một học phái có ảnh hưởng sâu đậm đến những shishi (chí sĩ) trong phong trào yêu nước dẫn đến Minh Trị duy tân.
Ở Mito, Chu có may mắn là được Mitsukuni đối đãi hết lòng. Để đền ơn tri ngộ, Chu quyết định ở lại Mito và đem sở học của mình ra đóng góp cho đến khi tạ thế (1682). Chu có lần đã bộc lộ tâm tình của mình như sau: “Nếu người Nhật Bản mà tin tôi đến thế, tôi sẽ đem hết sức mình để giúp đất nước này”[7]. Có thể nói rằng những lý tưởng mà Chu vẫn hằng ấp ủ để mong có ngày thực hiện ở Trung Quốc nay Chu có dịp đem ra thi thố trên đất Phù Tang. Mộ của Chu nay vẫn còn ở huyện Ibaragi (Mito-han ngày trước), bia mộ có đề “Minh trưng quân tử Chu Tử mộ” (Mộ của Chu Tử, người quân tử mưu đồ khôi phục nhà Minh), đúng theo nguyện vọng của Chu từ khi còn luân lạc ở Việt Nam.
Lúc sinh thời, Chu giao du rộng rãi với các học giả trong học phái Mito, và đã góp phần không nhỏ vào việc trao đổi học thuật giữa Nhật Bản và Trung Quốc lúc bấy giờ. Về học vấn và tư tưởng, Chu đặc biệt chú trọng lối học thực hành (thực học) theo truyền thống Nho học của miền Giang-Chiết (Giang Tô và Chiết Giang). Chu xem những lối học không mang lại lợi ích cho đời, cho dầu hào nhoáng đến đâu chăng nữa, cũng không khác gì đồ bỏ. Trong bức thư trả lời câu hỏi của Andô Shuyaku về “phương pháp đọc sách và viết văn”, Chu đáp: “Điều đáng quý trong học vấn là thực hành. Nhan Hồi[8] tuy học một biết mười, nhưng điều quan trọng là ông đứng đầu về đức hạnh”[9]. Ngoài ra, Chu cũng đã từng căn dặn môn đệ: “Trên đường học vấn, những người chỉ muốn lập danh thì chẳng có ích gì. Phải áp dụng ngay cho chính bản thân mình”[10]. Mitsukuni có lần đã viết về tinh thần thực học của Chu như sau: “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về “kinh bang tế thế”. Giả sử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì “thi thư lễ nhạc”, tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu, làm tương… Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ loại gì”[11]. Cái thực học của Chu so với cái học để thi cử rỗng tuếch ở Trung Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ thì phải nói là cách xa nhau một trời một vực.
2. Nội dung An Nam cung dịch kỷ sự Chu cho biết là Chu nhận được hịch chiêu mộ người “biết chữ” của “Quốc vương” và ra trình diện ngày 3 tháng 2 năm 1657, Chu bị tống giam và bị đối đãi như “tù giặc nước ngoài bị bắt sống” (khấu lỗ). Sau đó, khi được dẫn đến nha môn, quan ra lệnh cho Chu làm một bài thơ khẩu hứng rồi viết lên giấy. Chu khăng khăng không chịu làm thơ, dùng bút giải thích là vì “cảnh nước mất nhà tan” và “không cam bím tóc” theo nhà Thanh nên Chu mới trốn sang nước ta, “ruột gan nóng như lửa đốt, làm thơ sao đặng”.
Khi biết Chu là “cống sĩ” (giống như “trưng sĩ”, nhưng trưng sĩ là cách gọi tổng quát), quan có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.
Ngày 8 tháng 2, Chu được đưa đến “Ngoại dinh sa” (Dinh Cát) để “mệnh kiến Quốc vương”. Vì Chu có ghi là Chu rời Hội An ngày hôm trước (mồng 7 tháng 2), như vậy có lẽ Chu đã được dẫn từ Hội An ra Dinh Cát bằng thuyền.
Chu kể lại rằng hôm yết kiến Quốc vương, “tất cả văn võ đại thần tụ tập ở mái phải của cửa chính; ngoài ra lính gác có vài ngàn người, tay cầm đao cung kính xếp thành hình tròn”. Đến trước Chúa, Chu viết trên tấm lụa đã trải ra sẵn hai chữ “đốn thủ” (xin kính cẩn cúi đầu). Quan hầu đứng cạnh Chúa thấy Chu chỉ viết “đốn thủ” nhưng không chịu lạy, bèn dùng gậy viết lên cát chữ “bái” (lạy đi!). Chu mượn gậy, viết thêm trên chữ “bái” một chữ “bất”, tức là “bất bái” (không lạy). Các quan văn võ nổi trận lôi đình, bảo Chu “cậy thế Trung Quốc là nước lớn, khinh nhờn nước nhỏ”, xin Chúa cho giết Chu. Chu trả lời: “Tôi sang đây một mình, làm sao dám chống lại Quốc vương. Vì tôi thực sự nghĩ là tôi không thể lạy, và không dám vì sợ uy thế mà vượt lễ... Hôm nay nếu vì giữ lễ mà chết mà giữ lễ [với chúa cũ là Giám quốc Lỗ vương], thì tôi sẽ ngậm cười nơi chín suối...”.
Trong “Thượng Giám quốc Lỗ vương tạ ân tấu sớ” (Sớ tạ ơn tâu lên Giám quốc Lỗ vương) thảo sau khi được thả về Hội An và nhận được chiếu ân xá của Giám quốc, Chu giải thích rõ hơn lý do vì sao không chịu lạy Chúa Nguyễn: “Thần nhiều lần nhận được chiếu sắc vời làm trưng sĩ của quốc gia, khác với những quan viên tầm thường khác, nếu quỳ gối lạy trước triều đình của một nước vị khai (di triều) thì sẽ làm nhục quốc điển. Quốc vương không biết nghi lễ đó, nổi giận muốn giết thần”[12].
Cũng cần nói thêm là ở Hội An, Chu không ở phố Khách mà cư ngụ ở phố Nhật, thuê nhà chung với ba người Nhật. Chủ nhà là Gombê (Quyền binh vệ), cũng là người Nhật. Sáng sớm trước khi bị dẫn ra Dinh Cát, Chu tắm gội sạch sẽ, rồi căn dặn cặn kẽ người nhà phải làm gì khi trong trường hợp bị giết mà không về lại Hội An. Khi bị hăm dọa chém đầu vì không chịu lạy, Chu yêu cầu Lê Sĩ Khôi là sau khi giết Chu nếu được thì xây một tấm bia bên mộ khắc mấy chữ “Minh trưng quân tử Chu mỗ chi mộ” (Mộ của người họ Chu, người quân tử được nhà Minh vời ra giúp).
Vẫn theo lời thuật lại của Chu, sau đó Quốc vương mật sai người vào Hội An nhiều lần để điều tra xem lời khai của Chu có đúng sự thực hay không. Khi biết rõ là Chu không có tội tình gì, các quan phủ chúa mới bỏ ý định giết Chu. Sau đó đến ngày 19 tháng 2, Chu được thư của chúa mời Chu ra giúp, trong thư có câu: “Thái Công [Vọng, tức Khương Tử Nha] xưa phò nhà Chu dựng nên nghiệp vương, Trần Bình giúp nhà Hán [Lưu Bang Hán Cao Tổ] hưng khởi”. Nhưng đối với Chu, lúc này thì đã cạn tàu ráo máng. Bởi vậy, trong thư trả lời viết cùng ngày hôm đó, Chu từ chối lời mời của chúa Nguyễn.
Tuy vậy, sang ngày 20 tháng 2 Chu nhận viết thay chúa Nguyễn một bài hịch kêu gọi người tài cán ra giúp để chống lại quân giặc (lỗ). Bài hịch này mang tên là “Đại An Nam Quốc vương thư” (Thư viết thay cho An Nam Quốc vương). Ta biết rằng vào lúc này chúa Nguyễn Phúc Tần một mặt vừa đánh nhau với Chiêm Thành ở vùng Phú Yên, một mặt đang tiếp tục cuộc chiến dai dẳng với quân chúa Trịnh Toàn ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Chữ “lỗ” dùng ở đây chắc hẳn để chỉ quân chúa Trịnh.
Chu kể lại là khi từ Dinh Cát về lại Hội An thì đồ đạc trong phòng Chu bị kẻ trộm vào lấy sạch, không còn gì cả. Trong khi hàng xóm láng giềng ai cũng đinh ninh chủ nhà là thủ phạm, Chu vẫn một mực không chút tỏ ý nghi kỵ Gombê. Sau khi điều tra biết Gombê là người vô tội, lúc bấy giờ hàng xóm mới khen Chu không phải là người tầm thường. Trong khoảng thời gian này Chu bị thổ huyết không ngừng, đến mùa Hè năm sau (1658), Chu mới hồi phục để theo tàu buôn trở sang Nagasaki. Tập ký sự của Chu thuật lại chuyện cho đến thời điểm này.
3. Vài nhận xét về An Nam cung dịch kỷ sự An Nam cung dịch kỷ sự là một sử liệu độc đáo trên nhiều mặt. Tác giả Chu Thuấn Thủy là một học giả có tầm cỡ, lại có nhãn quan của một người có chí kinh luân hằng ấp ủ mộng “bài Thanh phục Minh”. Thêm vào đó Chu đã từng cư ngụ ở đất Thuận-Quảng nhiều lần trong khoảng 12 năm từ năm 1646 cho đến năm 1658. Bởi thế, lối quan sát và nhận định của Chu về tình hình học thuật, xã hội, và chính trị của Đàng Trong, cũng như những điều Chu nhận xét về một số nhân vật mà Chu đã từng tiếp xúc trong thời gian bị câu lưu mang nét sống động của một người có óc quan sát chứ không phải là những lời bình phẩm chung chung của một khách bàng quan.
Người đọc không nhất thiết sẽ đồng ý với tất cả những nhận xét của Chu. Thậm chí một vài nhận xét của Chu có thể làm độc giả người Việt không mấy hài lòng. Chu là một nhà trí thức tuy khá am tường về Việt Nam nhưng ưu tiên của Chu là “bài Thanh phục Minh”, khác với hoài bão với những người Việt trên bước đường Nam tiến. Tuy nhiên, ý nghĩa của An Nam cung dịch kỷ sự là tập ký sự này cho ta một bức tranh về tình hình Đàng Trong vào thế kỷ XVII với một số nét chấm phá mới mẻ. Chính vì thế nên việc phân tích và đánh giá An Nam cung dịch kỷ sự không phải đơn giản, đòi hỏi người đọc có thái độ muốn bình tâm tìm hiểu một cách khách quan về những nhận xét của Chu trong thời gian bị quản thúc ở Hội An và Thuận Hóa.
Với tư cách là “trưng sĩ”, Chu trên thực tế là một trí thức hàng đầu của nhà Minh. Tuy sang Việt Nam lánh nạn, Chu không những là một di thần của nhà Minh mà còn là một trí thức tiêu biểu trong vận động “bài Thanh phục Minh” ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Theo trật tự Đông Á trước thời cận đại với Trung Quốc là trung tâm, chỉ có người trị vì ở Trung Quốc mới được xưng là “hoàng đế”, còn vua của các nước trên vòng ngoại vi của Trung Quốc như Việt Nam, Triều Tiên chỉ được xưng hay gọi là “vương” (trên nguyên tắc phải được hoàng đế Trung Quốc sắc phong) trong các quan hệ chính thức với Trung Quốc. Chu xem mình nếu đã là “trưng sĩ”, là “tôi” của “hoàng đế” Trung Quốc, thì không thể lạy vua An Nam - một nước mà theo “trật tự thế giới của Trung Quốc” chỉ là một phiên quốc. Chu cho rằng việc bắt Chu lạy là trái với “lễ nghi” trong quan hệ sắc phong và triều cống giữa Trung Quốc với các nước “phên giậu” láng giềng. Trong tập ký sự, Chu nhắc đi nhắc lại chữ “lễ” nhiều lần chính vì Chu muốn nhấn mạnh điểm này. Trong khi đó, các quan sai của phủ chúa Nguyễn khi thấy Chu không chịu lạy vị chúa của mình đã cho rằng Chu đã “cậy thế Trung Quốc là nước lớn” nên không chịu lạy. Ngày trước, khi những sứ thần của Trung Quốc chính thức sang thăm viếng Việt Nam, vì các nghi lễ tiếp đón đã quy định sẵn nên có lẽ không mấy khi xảy ra những trường hợp phức tạp như thế này. Tuy nhiên, khi Chu trình diện với chúa Nguyễn, vấn đề nghi lễ trở nên gay cấn đến cực độ, bởi lẽ trong khi phủ chúa Nguyễn chỉ xem Chu như một người “biết chữ” (thức tự) có thể tuyển mộ để giúp về việc thảo văn thư chữ Hán, Chu lại tự coi mình như là một trí thức đại diện của phong trào phục Minh. Vì đứng trên lập trường đó nên Chu đã xem nhiệm vụ hàng đầu của chúa Nguyễn là phải giúp Chu trong nỗ lực khôi phục nhà Minh, trong khi mối quan tâm trước mắt của chúa Nguyễn - như chúng ta đã biết - là một mặt tiếp tục cuộc tranh hùng dai dẳng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, một mặt mở mang bờ cõi ở phương Nam.
Nhìn trên quan điểm về nghi thức ngoại giao, những khác biệt về nhãn quan và ngộ nhận về lập trường giữa Chu và các quan sai trong phủ chúa Nguyễn là một trường hợp độc đáo cần được nghiên cứu và thảo luận kỹ càng hơn. Có điều khá rõ ràng là khi sang Nhật, không những Chu đã không bị bắt lạy mà còn được trọng vọng, Mitsukuni đã tiếp Chu như một quốc sư. Trong một bức thư gửi về Trung Quốc, Chu đã viết về Mitsukuni như sau: “Ông đầy đức độ và lòng dũng cảm, thông minh, và có văn hóa cao. Ông không ngần ngại theo lời khuyên của kẻ dưới... Giá có một vị chúa như vậy ở Trung Quốc, với sự giúp đỡ của những người có tài năng, ông ta có thể xây dựng một xã hội hòa hợp và thanh bình không mấy khó khăn”[13]. Tìm được đất dụng võ, Chu quyết định ở lại Nhật suốt hơn hai mươi năm cho đến lúc tạ thế để truyền bá Nho học. Về điểm này, trong phần kết luận của bài giới thiệu về Chu Thuấn Thủy khoảng hơn nửa thế kỷ trước, học giả Quán Chi Đào Trinh Nhất đã đưa ra nhận xét chí lý như sau:
“[... Người nước ta] tiếc một ông thầy chân nho đến ở nhà mình 12 năm ròng rã, mà nhà nho mình thuở ấy không ai biết lợi dụng khải phát được điều gì, để cho ông thầy đâm chán, đem theo cái đạo học cao xa đi xứ khác mất. Cứ xem bọn nhà nho nước Nhật ở thế kỷ XVII tôn sùng họ Chu rồi sau mới biết Khổng học một cách khác hơn”[14].
Ngoài ra, qua tập ký sự của Chu Thuấn Thủy, chúng ta có thể tìm thấy những thông tin bổ ích khác về tình hình Đàng Trong giữa thế kỷ XVII. Chẳng hạn về ngôn ngữ, Chu cho biết một số cách xưng hô trong phủ chúa mà từ trước đến nay không thấy ghi lại trong các tư liệu Việt Nam. Dựa theo các chú thích về cả hai mặt nghĩa và âm của tác giả, ta biết chúa Nguyễn tự xưng là tau (tức là tao) khi nói chuyện với quần thần; hoặc giả chữ mi (tức là mày) cũng là cách gọi phổ biến của người trên với người dưới, không những trong dân gian mà cả trong phủ chúa.
Chu còn cho chúng ta thấy đôi nét về cộng đồng người Hoa và người Nhật ở Hội An, tình hình học thuật, thư mục những sách chữ Hán ở Đàng Trong lúc bấy giờ. Tập ký sự của Chu còn đề cập đến tình trạng thích bói toán, khuynh hướng chuộng bằng cấp hư danh, đánh giá người theo khả năng làm thơ phú chứ không chú trọng đến thực học trong phủ chúa lúc bấy giờ[15]. Điều này khác hẳn thái độ của chúa Sãi khi thu dụng Đào Duy Từ chỉ mới cách đấy có hai đời chúa.
Khuynh hướng kỳ thị trong việc sử dụng nhân tài nước ngoài - không những của chúa Nguyễn mà của các triều đại Việt Nam nói chung - đều biểu hiện một thái độ đa nghi co mình lại. Chính vì thiếu ý thức tuyển dụng và nung đúc nhân tài nhằm xây dựng một nền thịnh trị lâu dài cho đất nước, nên một nhân vật có tầm cỡ như Chu Thuấn Thủy vẫn không tìm được đất dụng võ ở Việt Nam, phải đợi cho đến khi họ Chu sang Nhật mới có thể phát huy được sở học và tài năng của mình. Bài học lịch sử này vẫn còn đáng được cho chúng ta ngày nay suy ngẫm.
4. Văn bản Người dịch đã được xem 3 ấn bản An Nam cung dịch kỷ sự. (1) ấn bản trong Chu Thuấn Thủy toàn tập (tập Thượng) do Chu Khiêm Chi chỉnh lý (Trung Hoa Thư cục, Bắc Kinh, 1981); (2) ấn bản trong Chu Thuấn Thủy toàn tập (quyển 1) do Dương Gia Lạc chủ biên (Thế giới Thư cục, Đài Bắc, 1956); (3) ấn bản do Trần Kinh Hòa hiệu đính và in lại trong bài “Chu Thuấn Thủy ‘An Nam cung dịch kỷ sự’ tiên chú” đăng trong tập san Hương Cảng Trung văn Đại học Trung Quốc Văn hóa Nghiên cứu sở Học báo (1968).
Chúng tôi khi dịch đã chủ yếu dựa trên ấn bản (1), đồng thời tham khảo các ấn bản (2) và (3). Ấn bản (1) dựa trên bản in trong Shu Shunsui zenshû (Chu Thuấn Thủy toàn tập) (Bunkaidô, Tokyo, 1912); ấn bản này và ấn bản (3) có một số chú thích bổ ích mà chúng tôi đã tham khảo. Tuy nhiên, khoảng hơn 90% những chú thích trong bản dịch quốc ngữ là do sự tra khảo của chúng tôi.
Chú thích[1] Người có tài được tiến cử ra giúp triều đình chứ không qua đường thi cử.
[2] Quán Chi (Đào Trinh Nhất) là học giả Việt Nam đầu tiên nhắc đến Chu Thuấn Thủy và An Nam cung dịch kỷ sự (Đào quân viết nhầm là An Nam cung dịch ký). Xem “Chu Thuấn Thủy 12 năm ở nước Nam”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 79 (21 tháng 9 năm 1941) của Quán Chi. Bài viết của Quán Chi mặc dầu có một số chi tiết không chính xác, nhưng có điểm tích cực là đã mạnh dạn gióng lên tiếng chuông thức tỉnh độc giả về thái độ thủ cựu, bài ngoại của sĩ phu nước ta.
[3] Do Viện Đại học Huế xuất bản năm 1963.
[4] Do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
[5] Có khi gọi là Trung nguyên dương cửu thuật lược. “Dương cửu” lấy từ câu “dương ách ngũ, âm ách tứ” (dương có 5 tai ách và âm có 4 tai ách, tổng hợp tất cả tai ách âm dương thành 9), dùng để chỉ “tai ách” hay “tai họa”. Văn Thiên Tường đời Tống trong Chính khí ca, có câu: “Hỡi ôi! Tôi đang gặp dương cửu”.
[6] Đương thời, tiếng tăm của Mitsukuni còn lẫy lừng hơn cả Shôgun (Tướng quân).
[7] Inaba Kunzan, “Shu Shunsui no gakufû to seishin” (Phong cách học hành và tinh thần của Chu Thuấn Thủy), trong Shu Shunsui (Chu Thuấn Thủy) do Hội Kỷ niệm Chu Thuấn Thủy biên soạn và xuất bản, Tokyo, 1912, tr. 51.
[8] Tức Nhan Uyên (514-483 trước CN), học trò giỏi của Khổng Phu Tử, trong cảnh hàn vi bao giờ cũng vui vẻ, an bần lạc đạo.
[9] “Đáp An Đông Thủ Ước vấn bát điều” (Trả lời tám câu hỏi của Andô Shuyaku), Chu Thuấn Thủy tập, tập Thượng, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1981, tr. 369.
[10] “Thuấn Thủy tiên sinh hành thực” (Những hành động trên thực tế của Thuấn Thủy tiên sinh, Chu Thuấn Thủy tập, tập Hạ, Trung Hoa Thư cục, Bắc Kinh, 1981, tr. 624.
[11] Inaba Kunzan, bài đã dẫn, tr. 46. Theo học giả Ishihara Michihiro, Chu rất sành về hương liệu và có thể phân biệt 12 loại hương liệu ở Chiêm Thành/Việt Nam (tốc hương, hoàng thục hương, nghệ hương, long não, v.v…) một cách rành mạch (Xem bài “Shu Shunsui jûni kô” [Mười hai khảo sát về Chu Thuấn Thủy] trong Ibaragi Daigaku Bunrigakubu Kiyô, 1964, tr. 4-5). Tương truyền sau khi định cư ở Nhật, Chu cũng là người đầu tiên ở Nhật giới thiệu cách làm sơn mài của Việt Nam.
[12] Chu Thuấn Thủy tập, tập Hạ, Trung Hoa Thư cục, Bắc Kinh, 1981, tr. 32.
[13] Xem Julia Ching, “Chu Shun-shui, 1600-82”, Monumenta Nipponica, tập XXX, số 2, tr. 186.
[14] Quán Chi, bài đã dẫn, tr. 14.
[15] Trước đó, trong một bức thư viết gửi chúa Nguyễn Hoàng thay cho một thương nhân Nhật Bản, Fujiwara Seika có ý trách là chúa quá xem trọng văn thơ và xem nhẹ những người buôn bán. Xem “Thư gửi An Nam Quốc vương”, trong Fujiwara Seika shû (Tuyển tập Fujiwara Seika), tập I, tr. 125-126.