Vào cuối năm 1941, phong trào cách mạng ở Cẩm Kim đã có sự phát triển mạnh với nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động năng nổ và có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào chung của Hội An. Bước sang năm 1942, mặc dù nhiều địa phương gặp khó khăn do bị địch khủng bố gay gắt nhưng Kim Bồng vẫn là địa bàn khá an toàn với nhiều cơ sở đã được xây dựng vững chắc, lực lượng đảng viên lại rất trung kiên, tình hình an ninh được giữ vững. Cũng vì thế mà các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy và Tỉnh ủy lúc bấy giờ chọn địa phương này làm địa bàn đứng chân hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng không chỉ ở Hội An mà còn ở phạm vi toàn tỉnh. Trong thời gian này, Liên tỉnh thành ủy Quảng Nam – Hội An – Đà Nẵng cũng được thành lập ở đây. Ngoài cơ quan chính đặt tại nhà đồng chí Nguyễn Hàng ở ấp Vĩnh Hưng, Liên tỉnh thành ủy đã chọn nhà bà Thủ Khóa ở ấp Trung Châu đặt làm cơ quan dự bị. Việc chọn đặt cơ quan dự bị tại nhà bà Thủ Khóa cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của Liên tỉnh thành ủy đối với cơ sở cách mạng này. Được sự bao bọc, bảo vệ và hỗ trợ tích cực của gia đình bà Thủ Khóa về địa điểm, vật chất … đã giúp cho các đồng chí lãnh đạo của Liên tỉnh thành ủy có điều kiện lưu trú, hội họp an toàn trong một thời gian.
Đầu năm 1943, sau vụ việc đánh rơi vé số cứu quốc ở Duy Xuyên, địch đẩy mạnh việc lùng bắt cán bộ trên quy mô toàn tỉnh, phá hoại nhiều cơ sở cách mạng của ta, gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng chung. Ở Hội An, từ Thành ủy đến nhiều chi bộ cơ sở ở các địa phương cũng bị vỡ, chỉ còn lại chi bộ Ngọc Thành và chi bộ Kim Bồng. Trước tình hình đó, đảng viên của các chi bộ còn lại tích cực kết nối, củng cố, xây dựng lại tổ chức đảng. Đến cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Phe – Bí thư Chi bộ Kim Bồng cùng một số đảng viên mở một hội nghị tại nhà bà Thủ Khóa. Tại hội nghị này đã quyết định thành lập Thành ủy lâm thời Hội An gồm 3 đồng chí là Nguyễn Phe, Trần Tân và Võ Văn Thắng, đồng chí Nguyễn Phe được cử làm Bí thư. Việc thành lập Thành ủy lâm thời đánh dấu sự phục hồi của tổ chức đảng ở Hội An sau thời gian bị địch khủng bố.
Diễn biến tình hình trong đầu năm 1945, đặt biệt là sau khi Trung ương Đảng đề ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi quân Nhật, giành chính quyền đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở các địa phương trong cả nước phát triển, trong đó có Hội An. Tiếp thu chỉ đạo của Tỉnh ủy, vào tháng 5 năm 1945, đồng chí Nguyễn Phe – Bí thư thành ủy Hội An triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng tại nhà bà Thủ Khóa để bàn việc thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy. Hội nghị đã nhất trí với Nghị quyết của tỉnh ủy, xác định nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa với việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hiệu triệu quần chúng chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời củng cố hệ thống mặt trận Việt Minh ở các cơ sở. Cũng tại hội nghị này, Thành ủy quyết định bổ sung hai đồng chí là đồng chí Hoàng Kim Ảnh và đồng chí Nguyễn Hàng vào Thành ủy nhằm tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Thành ủy. Sau hội nghị, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi nổi khắp các địa phương ở Hội An.
Bước sang tháng 8 năm 1945, không khí sục sôi chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa ở các địa phương trên địa bàn Hội An trở nên gấp rút, khẩn trương hơn bao giờ hết. Cùng với sự chuẩn bị chung đó, vào ngày 17 tháng 8, tại nhà bà Thủ Khóa, lá cờ Việt Minh cỡ lớn phục vụ cho đoàn quân khởi nghĩa được các đồng chí Lưu Quý Kỳ và Phan Trí hoàn thành trước một ngày diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa.
Có thể thấy rằng, trong giai đọan cách mạng Tiền khởi nghĩa đầy khó khăn, thử thách, Vườn bà Thủ Khóa là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của tổ chức Đảng không chỉ của Hội An mà còn của tỉnh. Những sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra tại đây có ý nghĩa đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng chung, nhất là đối với Hội An. Đặc biệt việc tổ chức thành công hội nghị mở rộng vào tháng 5 năm 1945 tại đây đã tạo nên tiền đề để quân và dân Hội An nổi dậy giành chính quyền thắng lợi và trở thành 1 trong 4 thành phố, tỉnh lỵ giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Với những giá trị đó, vừa qua, di tích đã được triển khai dựng bia lưu niệm, qua đó giúp cho công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày càng hiệu quả hơn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền