Trải qua thời gian, dưới tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và từ con người, di tích chùa Cầu đã xuống cấp cần được tu bổ để bảo tồn những giá trị tiêu biểu về vật thể và phi vật thể của di tích. Tuy nhiên, việc triển khai dự án tu bổ di tích gặp phải những khó khăn liên quan đến quan điểm và giải pháp tu bổ. Dưới đây xin trích những quan điểm về tu bổ di tích chùa Cầu được trích trong bài tham luận của GS.TS. Trương Quốc Bình, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, tại hội thảo về Trùng tu di tích chùa Cầu - Hội An năm 2016.
1 - Việc làm nhà kính để bảo quản di tích chùa Cầu: theo chúng tôi là không khả thi, không phù hợp với điều kiện và tập quán bảo tồn di tích ở Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng. Từ nhiều năm nay, khu vực chùa Cầu là nơi dành riêng cho người đi bộ, việc cấm xe có động cơ đi trên cầu là một thành tích rất đáng ghi nhận của chính quyền Hội An. Do đó, việc tiếp tục để người dân địa phương và khách du lịch sử dụng cầu để đi lại và tham quan là việc làm cần thiết sau khi đã trùng tu, gia cố. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc trùng tu, cần có những giải pháp hữu hiệu để quản lý du khách nhằm giảm tải số lượng người quá đông trong cùng một thời điểm.
2 - Xem xét việc xây dựng một cầu phụ để giải quyết việc đi lại và phục vụ khách tham quan: Ngoài ý kiến đề xuất làm nhà kính để bảo quản di tích nói trên, còn có một số kiến nghị khác về việc mở một cầu phụ bên cạnh chùa Cầu để giải quyết việc đi lại cho người dân hoặc làm phương tiện chuyên biệt để khách tham quan ngắm nhìn di tích từ bên ngoài mà không đi và đứng trên cầu để giảm thiểu sự tác động của du khách. Mặc dù đề xuất này chưa thuyết phục được các cơ quan quản lý về những ảnh hưởng của nó đến cảnh quan di tích nhưng chúng tôi cho rằng, các cơ quan tư vấn về thiết kế tu bổ cần tham khảo để nghiên cứu đề xuất các phương án tối ưu nhất cho việc thực thi ý tưởng này.
3 - Lựa chọn giải pháp trùng tu tổng thể: Một số ý kiến cho rằng, việc gia cố phần trụ móng phía bên dưới đã được thực hiện trong thời gian qua đã có thể được xem là đã hoàn tất. Và, nhu cầu trùng tu cấp thiết hiện nay chỉ là tu sửa phần kiến trúc cầu và chùa ở bên trên. Do đó, có thể chỉ cần xử lý cục bộ, theo cách hỏng đâu sửa đó.
Nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng, để tu sửa, thay thế các cấu kiện đã hư hỏng, tái định vị những yếu tố đã bị xô lệch, đặc biệt là hệ thống cấu kiện chịu lực, cần thiết phải thực hiện việc trùng tu tổng thể và phải hạ giải. Tuy nhiên, nếu hạ giải thì sẽ phải đương đầu với khá nhiều hệ lụy nên từ vài năm nay, các cơ quan quản lý vẫn băn khoăn chưa quyết mà muốn xin ý kiến tư vấn từ cuộc hội thảo này.
Về phần mình, chúng tôi ủng hộ nhóm ý kiến cho rằng nên hạ giải toàn bộ, từ phần móng lên, rồi tiến hành tu bổ kết hợp với nghiên cứu khảo cổ. Trước và trong khi gia cố phần móng, cần khảo sát kỹ và nếu cần, có thể tiến hành các công tác khai quật khảo cổ ở khu vực chân móng của công trình.
Chúng tôi cho rằng, nếu triển khai phương án này thì sẽ mất nhiều thời gian hơn là xử lý cục bộ, hư hỏng chỗ nào thì thay thế, sửa chữa chỗ đó.
Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị tốt về nguồn lực, đặc biệt là các loại vật liệu như gỗ, ngói… thì thời gian thi công sẽ không bị kéo dài và nhu cầu đi lại của cư dân địa phương, nhu cầu tham quan của du khách sẽ nhanh chóng được đáp ứng.
4 - Ưu tiên các hoạt động bảo quản di tích trong toàn bộ các hoạt động trùng tu di tích, thực hiện việc phòng ngừa các loại côn trùng gây hại từ nền móng đến các hệ thống khung chịu lực, hệ thống mái. Cần tận dụng tối đa các cấu kiện cũ có thể tái sử dụng, chỉ thay thế những bộ phận đã hư hỏng bằng các loại vật liệu mới đã được sấy khô, đã qua xử lý bảo quản.
5 - Kết hợp trùng tu di tích với cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khôi phục cảnh quan văn hóa của khu di tích chùa Cầu.
Tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước với công nghệ xử lý nước thải hiện đại tại khu vực Chùa Cầu, Hội An với tổng mức đầu tư gần 244 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Dự án này được triển khai vào năm 2016 và đưa vào sử dụng năm 2017.
Việc thám sát, tu sửa, gia cố phần móng của di tích cần được kết hợp với các hoạt động nạo vét lòng kênh để thoát lũ và nước thải sinh hoạt đã qua xử lý từ hồ điều hòa và trạm bơm cấp nước kênh chùa Cầu để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh, khắc phục sự ô nhiễm và kéo dài tuổi thọ của di tích.
6 - Kết hợp việc trùng tu di tích với bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể: Cần lưu ý rằng, những giá trị di sản văn hóa phi vật thể không chỉ tồn tại dưới dạng vô hình mà chúng còn là những yếu tố, những bộ phận hữu cơ của di tích hoặc các di vật. Trong trường hợp ở di tích chùa Cầu, thượng lương trên nóc có ghi niên đại của những lần trùng tu trước đây, tấm bia đá dựng năm 1817, bức hoành phi ghi tên “Lai Viễn Kiều”, các bộ câu đối ở phía cửa Đông của cầu (Thiên cẩu song tinh an cấn thổ/Tử vi lưỡng tướng định khôn thân, có nghĩa là: Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất cấn /Hai tướng tử vi định được chốn quẻ khôn), đôi câu đối chữ Hán ở cửa phía Tây của cầu (Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện/Khán hoa nhân đáo mã đề lôi, có nghĩa là: Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp/Người xem hoa vó ngựa sấm vang) cùng các pho tượng linh thú trên cầu là những bộ phận di tích và di vật ngưng đọng những giá trị phi vật thể đặc sắc, những giá trị văn hóa phi vật thể đã được vật thể hóa cần được bảo vệ và phát huy giá trị.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền