Chặng đường 26 năm quan hệ hợp tác kỹ thuật giữa Nhật Bản - Việt Nam

Thứ tư - 21/09/2016 03:26
1. Hợp tác tại Hội An (1990-2002)
Hợp tác kỹ thuật giữa Hội An và Cơ quan Văn hóa Nhật Bản chính thức bắt đầu khi Tổng Giám đốc cơ quan văn hóa Nhật Bản nhận được thư yêu cầu hỗ trợ từ Ủy ban Bảo tồn Di tích quốc gia Hội An vào tháng 11 năm 1990.

           Thỏa theo yêu cầu trên, phía Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành khảo sát tại Hội An và tổ chức nhiều hội thảo nhằm chỉ rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa của đô thị này. Nhiều chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản được phái cử sang để tham gia vào công tác bảo tồn những ngôi nhà truyền thống tại Hội An, hoạt động này nhận được sự tài trợ từ các quỹ tư nhân Nhật Bản. Các kiến trúc sư và thợ mộc Việt Nam đã được các chuyên gia Nhật Bản tư vấn và góp ý về phương pháp trùng tu trong suốt thời gian trùng tu 6 ngôi nhà cổ. Bằng cách làm này, phương pháp trùng tu truyền thống tối ưu cũng dần được phát triển. Song song với hoạt động trên, trong hai năm 1998 và 1999 phía Nhật Bản cũng tiến hành một cuộc khảo sát đơn thuần về Chùa Cầu và đặt ra bộ các quy tắc trùng tu trong giai đoạn này.

           Chi tiết về các hoạt động trên được đề cập trong cuốn sách sau:

           Cơ quan Văn hóa Nhật Bản

          “Dự án hợp tác bảo tồn thương cảng quốc tế sơ khai Hội An, Việt Nam – Dự án hợp tác trùng tu/bảo tồn Di sản Văn hóa khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”

          Tháng 3 năm 2003

         Không dừng lại ở đó, chính quyền Hội An đã đẩy mạnh tiến độ trùng tu các ngôi nhà cổ và nỗ lực trong việc cải tạo cảnh quan đô thị. Kết quả đạt được là Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa Thế giới năm 1999. Bên cạnh đó, phát triển du lịch được phát huy hiệu quả nhờ sự hợp tác của JICA và các tổ chức tư nhân. Năm 2002, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cơ bản kết thúc các hoạt động tại Hội An để bắt đầu cho dự án hợp tác kỹ thuật mới.

          2. Hợp tác bảo tồn làng cổ (2002-2014)

         Năm 2002, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản và Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam ký kết biên bản thỏa thuận. Giai đoạn 2002 – 2014, phía Nhật Bản tiến hành hợp tác kỹ thuật về bảo tồn các làng cổ Việt Nam. Việc hợp tác được tiến hành dựa trên giả thiết công tác trùng tu sẽ do phía Việt Nam chủ động thực hiện (bao gồm nguồn tài chính) và tập trung xây dựng quy trình bảo tồn làng cổ cũng như trùng tu các ngôi nhà tư nhân. Đặc biệt, phía Nhật Bản hợp tác xây dựng hệ thống quy trình bảo tồn bắt đầu từ khâu khảo sát làng cổ, tiếp đến là xác định phạm vi giới hạn, những quy tắc và cuối cùng là tiến hành trùng tu. Dựa trên mô hình quy trình này, một số dự án hợp tác giữa Nhật Bản – Việt Nam đã được thực hiện tại làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Phú Hội và Đông Hòa Hiệp. Trong giai đoạn này, một số kiến trúc sư Trường Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản đã có mặt tại Hội An cùng tham gia vào công tác trùng tu cũng như hỗ trợ tư vấn kỹ thuật.

          Có thể kể đến các khóa tập huấn thực tế dành cho các vị trí quản lý người Việt và đội ngũ nhân viên kỹ thuật Việt – Nhật do JICA và ACCU là hai tổ chức đồng phối hợp thực hiện. Bằng những nỗ lực trên, chúng tôi đã xây dựng thành công hệ thống quy trình bảo tồn làng cổ Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể giới thiệu kỹ thuật trùng tu áp dụng tại Hội An đến với các vùng miền khác tại Việt Nam. Hơn thế nữa, nhờ sự hỗ trợ của JICA và Đại học Nữ Chiêu Hòa các dự án thúc đẩy du lịch dựa vào khai thác Di sản văn hóa làng cổ được phát huy hiệu quả.

          3. Giai đoạn hợp tác hiện tại (2015-2020)

         Kể từ năm 2015, hai bên mở rộng quan hệ hợp tác sang các công trình truyền thống mà nhìn chung là các tài sản văn hóa bất động. Phía Việt Nam đã xây dựng cho mình phương pháp bảo tồn các làng cổ và công trình truyền thống. Cùng với việc phát triển kinh tế, họ đã tham gia vào nhiều dự án khác nhau và đạt được kết quả tích cực. Cùng thời điểm này, cũng đã xuất hiện nhiều kế hoạch hợp tác mới với JICA và các tổ chức tư nhân khác. Vì vậy, có thể khẳng định rằng điều kiện của các công trình truyền thống Việt Nam được cải thiện đáng kể. Trên tất cả, chúng tôi có thể kết luận rằng trình độ chuyên môn về bảo tồn làng cổ và các công trình truyền thống của phía Việt Nam đã đạt đến một trình độ nhất định và các phương pháp khai thác cũng phát huy hiệu quả.

          Trong bối cảnh trên, Cơ quan Văn hóa Nhật Bản đang chuyển hướng hợp tác sang lĩnh vực giáo dục và trao đổi thông tin, ý tưởng. Nói cách khác, đây là giai đoạn chuyển từ mô hình hợp tác cơ bản ban đầu sang một mô hình mới đảm bảo rằng các bên có thể cùng tham gia một cách bình đẳng. Cơ quan Văn hóa Nhật Bản luôn sẵn lòng tư vấn và hỗ trợ thông tin khi được phía Việt Nam yêu cầu – ngay cả đối với vấn đề về chùa Cầu.

           4. Quan điểm cơ bản trong hợp tác

          Như đã đề cập, chúng tôi đã chuyển từ giai đoạn hỗ trợ ban đầu sang hình thức cùng phối hợp thực hiện và hiện tại đang tiến tới giai đoạn cùng giao lưu, trao đổi. Phương pháp hợp tác cụ thể khác nhau ở từng giai đoạn, nhưng nhìn chung quan điểm cơ bản của phía Nhật Bản nhất quán theo định hướng sau:
 
          - Kỹ sư Nhật Bản đưa ra quan điểm hỗ trợ cho kỹ sư Việt Nam.
 
          - Phía Nhật Bản sẽ trình bày những kỹ thuật và ý tưởng được sử dụng tại Nhật Bản nhưng không bắt buộc phải áp dụng tại Việt Nam.
 
          - Phía Việt Nam sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho thiết kế trùng tu.
 
          - Theo nguyên tắc, nguồn thiết bị cũng như nguyên vật liệu sẽ không được nhập khẩu từ Nhật Bản.
 
 
 
 
 
 

Tác giả: GS. Toshio Shimada

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây