Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An trong 10 năm qua (2006 -2016)

Thứ ba - 03/05/2016 23:57
          Nhận thức rằng nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vì vậy, cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã mạnh dạn đăng ký, chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong 10 năm qua, cán bộ, công nhân viên Trung tâm đã phối hợp tiến hành 02 đợt khai quật, thám sát khảo cổ tại Hội An và hàng chục cuộc nghiên cứu, thám sát khảo cổ học gắn với việc triển khai thực hiện các dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng phố cổ Hội An, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử Hội An qua các thời kỳ. Trung tâm đã thực hiện 05 đề tài nghiên cứu cấp Ngành, 01 đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh, 06 đề tài cấp Thành phố và nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở do cán bộ Trung tâm thực hiện. Song song với nghiên cứu khoa học là hoạt động in ấn xuất bản, Trung tâm đã tổ chức bản thảo và in ấn xuất bản hơn 22 đầu mục sách, 32 bản tin và hàng trăm bài viết, bài khảo cứu được đăng trên các Báo, Tạp chí chuyên ngành.

          Bên cạnh đó, nhiều chương trình điều tra khảo sát về kiến trúc, văn hóa ở Hội An được thực hiện, đặc biệt là các chương trình/đề tài nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An như Chương trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống ở Hội An; Điều tra, khảo sát và đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể Cù Lao Chàm; Đề tài điều tra, nghiên cứu và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở Cẩm Kim… qua những thông tin điều tra, thu thập được góp phần nhận diện giá trị đặc trưng đối với từng loại di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đánh giá hiện trạng các di sản này để xác định nguy cơ mai một, khả năng phát huy; Đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung và đối với từng di sản văn hóa cụ thể nói riêng gắn với phát triển du lịch bền vững ở Cù Lao Chàm, Cẩm Kim. Đồng thời đã xuất bản Thông tin nghiên cứu Cù Lao Chàm, Kim Bồng-Cẩm Kim phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở Cù Lao Chàm, Cẩm Kim trong thời gian đến. 

          Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã lập được 39 hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể trong đó tập trung vào các loại hình nghề truyền thống, lễ hội, tri thức dân gian, di sản Hán Nôm làm cơ sở bước đầu cho việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể; đã có 06 ấn phẩm trực tiếp, gián tiếp nghiên cứu sâu về di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An đã được xuất bản thông qua các chương trình nghiên cứu khác nhau do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì tạo cơ sở tư liệu quan trọng phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy di sản.

         Trên cơ sở đó, một số kết quả đề tài trên được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn như Nghề truyền thống Hội An đã được xuất bản thành sách và phát hành, tạo điều kiện để phục hồi, định hướng phát huy một số nghề truyền thống của địa phương trong thời gian qua; đề tài cũng được sử dụng để lập 02 bộ hồ sơ nghề khai thác yến sào Thanh Châu và nghề mộc Kim Bồng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.  Đề tài điều tra, khảo sát một số trò chơi dân gian đã cung cấp cơ sở để các địa phương, đơn vị phục hồi một số trò chơi dân gian của trẻ em để tổ chức Hội thi trò chơi dân gian hàng năm, đưa vào chương trình “Chúng em cùng khám phá Bảo tàng” phục vụ các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, các sản phẩm của các chương trình/đề tài như phiếu điều tra, chuyên đề, báo cáo tổng kết đề tài... được lưu trữ tại Phòng Lưu trữ, Thông tin và Đối ngoại của cơ quan và được đưa ra phục vụ rộng rãi.

          Mặt khác, một số ấn phẩm về văn nghệ dân gian của Trung tâm xuất bản đã được Trung tâm Văn hóa Thể thao đầu tư nghiên cứu, phát hành để quảng bá đến đông đảo người dân, du khách. Từ đó, một số hoạt động văn hóa dân gian đã được đầu tư phục hồi, phát huy hiệu quả như: Hô hát bài chòi, Hát bội, múa Thiên cẩu… để phục vụ trong Đêm phố cổ.

          Về công nghệ, Trung tâm thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị như thay thế các thiết bị máy móc cũ, hư hỏng; hệ thống website cơ quan được nâng cấp, bản tin bảo tồn di sản được thay bằng Thông tin nghiên cứu Bảo tồn di sản với hình thức đẹp và hàm lượng khoa học chất lượng hơn. Đồng thời, Trung tâm thường xuyên bổ sung nguồn tư liệu (sách, báo, tạp chí, tư liệu Hán Nôm) từ các Ban ngành, Trung tâm lưu trữ, Viện nghiên cứu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; các phần mềm, công nghệ mới như Q.OFFICE được cập nhật … để cán bộ Trung tâm nghiên cứu, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ, công việc. Đặc biệt, những thành quả nghiên cứu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An đã được quảng bá rộng rãi trên website hoianheritage.net của cơ quan, Chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản Văn hóa được phát hàng tuần trên Đài Truyền thanh Truyền hình Hội An.

          Về hợp tác quốc tế, Trung tâm đã đón tiếp và làm việc với hơn 300 lượt cá nhân, đoàn, tổ chức quốc tế đến hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, hợp tác tổ chức lễ hội,... Trung tâm cũng đã cử hơn 35 lượt cán bộ ra nước ngoài học tập, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều chuyên gia và ít nhất 10 tình nguyện viên (Nhật Bản, Đức, Úc) đến giúp đỡ các hoạt động quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An. Phối hợp tổ chức hàng chục hội thảo và tập huấn quốc tế về quản lý, bảo tồn, tu bổ các di tích kiến trúc gỗ tại di sản văn hóa Hội An. Ngoài ra còn phối hợp với các chuyên gia UNESCO, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các chuyên gia văn hóa trong nước thực hiện nhiều dự án hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.

           Nhìn chung, những kết quả đạt được trên đây thể hiện sự nỗ lực lớn của Trung tâm trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hội An do đơn vị quản lý. Trong thời gian tới, Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An ­ưu tiên đầu tư­ nghiên cứu về di tích lịch sử đấu tranh yêu nư­ớc cách mạng, về tu bổ di tích; kiểm kê và nhận diện các giá trị văn hóa phi vật thể để có cơ sở bảo tồn và phát huy sau này; thực hiện một số đề tài khoa học về những vấn đề mang tính cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như triển khai dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ gắn với du lịch từ 2012 - 2020 ”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện và hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An” và “Biến dạng di tích kiến trúc ở khu phố cổ Hội An, thực trạng và giải pháp” và đăng ký thực hiện một số đề tài mới cấp Thành phố, cấp Tỉnh. Trong thời gian đến, đòi hỏi các cán bộ Trung tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ hiện nay của đơn vị.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây