Văn hóa Hội An - sự giao lưu hòa bình

Chủ nhật - 10/04/2016 21:28
          Những công trình kiến trúc hiện tồn trên phố cổ với các kiểu dáng, phong cách, những kết cấu và những bố cục trang trí của nó là những minh chứng rõ nét về sự giao lưu Việt - Hoa - Nhật - Pháp dưới nhiều góc độ tạo nên những chỉnh thể hài hòa. Bên trong những bức tường so le, dưới những mái ngói quanh năm xanh mượt màu rêu chính là sự tổng hòa kiến trúc - nghệ thuật được hình thành từ hàng trăm năm trước. Thật khó tưởng tượng về sự hiện hữu đồng thời của vì kèo “chồng rường giả thủ” -  phong cách Hoa bên cạnh vì kèo “cột trốn kẻ chuyền” - phong cách Việt trong chính một ngôi nhà cổ. Vậy mà, đố ai có thể tìm ra sự bất hợp lý của nó, bởi vì đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn quyện hòa không thể khác được nếu không muốn phá vỡ giá trị kiến trúc - nghệ thuật của công trình. Rồi sự xuất hiện những đề tài, đồ án trang trí Việt - Hoa giao hoán đan xen trên các vì kèo Hoa - Việt càng tạo nên những phức hợp văn hóa tuyệt vời trong từng ngôi nhà cổ dù chủ nhân của nó là Hoa hay Việt. Cũng khó ai có thể nghĩ rằng con rồng trong “Vũ khúc Long - Lân” trước hậu cung hội quán Phúc Kiến của người Hoa lại chính là con Rồng Việt thời Nguyễn với đầy đủ những đặc điểm rất Việt của nó mà vẫn được người Hoa chấp nhận! Ngay trong chiếc cầu Nhật Bản cũng vậy, các lớp cư dân Hoa - Việt ít nhất 7 lần trùng tu, tôn tạo đã Hoa hóa, Việt hóa nó, biến nó khác với ban đầu, song vẫn còn giữ lại, dù chỉ phảng phất, những yếu tố kiến trúc của người chủ khai sơn. Vì lẽ đó mà Chùa Cầu trở thành công trình chung cho 3 cộng đồng Nhật - Hoa - Việt. Và gần đây hơn, những ngôi nhà Tây mọc lên phố Hội cũng là sản phẩm của một quá trình giao lưu Việt - Hoa - Pháp, thể hiện không những về quy mô kiến trúc, về quy hoạch đô thị mà còn về bố cục không gian, về hoa văn trang trí, về mái ngói âm dương, về chức năng sử dụng, về sự phù hợp với điều kiện môi trường… Có thể nói không có di tích kiến trúc nào ở Hội An mang tính đơn dân tộc thuần túy dù đó là những hội quán của người Hoa, những ngôi nhà, trụ sở của người Pháp hay thậm chí những ngôi đình làng truyền thống của người Việt được kế thừa từ đồng bằng Bắc bộ. Vì lẽ đó, kiến trúc Hội An là tấm gương phản chiếu sự hòa bình trong giao lưu văn hóa của các dân tộc đã từng cộng cư trên phố cảng mấy trăm năm.

          Hội An còn là trung tâm giao lưu ngôn ngữ của các quốc gia đến đây tiến hành doanh thương hàng hải. Trong nguồn tư liệu dân gian vô cùng phong phú, có rất nhiều văn bản, bia ký, gia phả, sắc phong… được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp, chữ Nhật và cả chữ Sankrit của người Chăm cổ. Nguồn tư liệu ấy cũng mặc nhiên tồn tại một cách bình đẳng bên nhau, không kỳ thị, bài xích và không lệ thuộc vào những chế định của nhà nước phong kiến thẩm quyền. Trong thời bán buôn phồn thịnh, các thương nhân đa quốc gia, trên phố cảng đã sử dụng ngôn ngữ của nhau nhằm mục đích giao lưu kinh tế nhưng đã vô tình để lại những dấu ấn ngôn ngữ trong nhau làm cho tiếng mẹ để ít nhiều có sự pha trộn du nhập các yếu tố của nhiều ngôn ngữ khác. Nhờ quá trình hấp thụ, dung nạp tự nhiên đó mà ngôn ngữ của một địa phương, một dân tộc ngày càng giàu có, trong sáng hơn.

          Hội An còn là một trong những chiếc nôi ra đời chữ quốc ngữ từ nửa đầu thế kỷ XVII. Chính từ nhà thờ Thiên Chúa giáo Hội An – nhà thờ đầu tiên ở Đàng Trong – các giáo sĩ phương Tây, do yêu cầu lôi cuốn, thu phục dân chứng theo đạo Cơ đốc, đã nghiên cứu biên soạn các công trình nghiên cứu học, phiên âm Latin từ chữ An Nam, xây dựng một hệ thống chữ viết mới mà ngày nay chúng ta gọi là chữ quốc ngữ. Giáo sĩ Francessco Di Pina (1585 - 1625) là người hòa nhập với ngôn ngữ bản xứ rất nhanh chóng, ông biết khá thạo tiếng Việt, và sau này, cùng với một cậu bé Hội An 13 tuổi, trở thành thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre De Rhodes (người Pháp đến Hội An từ năm 1624) một cách tận tâm, nhiệt thành. Giáo sĩ Chritoforo Borri (người Ý đến Hội An từ năm 1618), giáo sĩ Gaspar D’Aêmaral (người Ý đến Hội An từ năm 1629) cùng với giáo sĩ Antonio De Barbosa (người Bồ, đến Hội An từ năm 1635) là những người đầu tiên Latin hóa tiếng Việt, bằng những công trình nghiên cứu như bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Việt, “Tự điển Việt – Bồ”, “Tự điển Bồ - Việt”, và sau này A. De Rhodes tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bằng các công trình nghiên cứu giá trị như “Phép giảng 8 ngày”, “Giáo lý đạo Cơ đốc” và đỉnh cao là cuốn “Tự điển Việt – Bồ - La” xuất bản tại Roma năm 1651. Điều đáng nói là trong các công trình ngôn ngữ học của các giáo sĩ, nhất là của A.D. Rhodes, tiếng Hội An – Quảng Nam đã được chọn là một trong hai phương ngữ (cùng với Kinh kỳ - Hà Nội) của tiếng Việt khi phiên âm sang tiếng Latin. Và, dưới thời nhà Nguyễn, trong “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi nhận rằng tiếng nói ở đây rõ ràng rành mạch, so với các nơi khác thì trung hòa, dễ thích ứng, tuy (Phú Xuân) là nơi kinh đô, vẫn lấy tiếng Quảng Nam làm chính. Rõ ràng, để có được vị trí xứng đáng như vậy trong nền ngôn ngữ dân tộc, Hội An đã trải qua một quá trình giao lưu ngôn ngữ - văn hóa tích cực, hòa bình.

          Đi giữa lòng phố cổ hôm nay, ta cũng cần biết thêm rằng, từ đầu thế kỷ 17, nơi đây đã từng có 3 khu phố: phố An Nam của người Việt, phố Khách của người Hoa và phố Hoài của người Nhật liên hoàn và đồng thời tồn tại. Hơn 300 năm sau, đầu thế kỷ 20, khi lập bản đồ Hội An - Ville de Faifo, người Pháp cũng tôn trọng, trung thành với lịch sử qua cách đặt tên đường. Điều thú vị là đường Hội An (Reu Hoian nay là đường Lê Lợi, của người Việt) chạy xuyên qua hai đường: đường Cầu Nhật Bản (Reu de Pond du Japonaire, của người Nhật, nay là đường Trần Phú) và đường Quảng Đông (Reu de Cantonaire, của người Quảng Đông – Trung Quốc, nay là đường Nguyễn Thái Học), tạo nên hệ giao thông chủ đạo của đô thị như sự đan xen, hội nhập của các cộng đồng người khác nhau về tiếng nói, màu da. Rồi lối sống, tập quán, lễ hội, cách ở, cách ăn,… của người Hội An hiện nay (chủ yếu là người Việt và Hoa) cũng mang nhiều dấu ấn khá đậm nét về ảnh hưởng, giao thoa của những yếu tố từ nhiều nguồn văn hóa. Một thoáng Tây phương bên cạnh cái Á Đông cố hữu, một ít ngoại lai bên cạnh cái dân tộc truyền thống, vậy mà không hề có sự so le, tương phản, ngược lại, chúng hòa quyện một cách tuyệt vời.

          Với bản sắc văn hóa độc đáo của mình, Hội An đang dang rộng vòng tay chào đón những ai muốn tìm lại những giây phút yên bình, lắng sâu, hồn hậu…
 
(KH & PT số 35, 1995)
(Trích sách Chào năm 2000, năm 2000, Nxb Đà Nẵng, tr 333 - 335)
 

Tác giả: Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây